Trích từ Dân Chúa

Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI Dành Cho Giới Trẻ

+GH Benedictô XVI

Huấn từ của ĐTC nói với khoảng 26,000 người trẻ tại Chủng Viện Thánh Giuse, Yonkers, NY, ngày 19 tháng 4, năm 2007.

Kính thưa Đức Hồng Y,
Quý hiền huynh Giám Mục,
Các bạn trẻ thân mến,

Hãy rao giảng Đức Kitô… và luôn luôn sẵn sàng để trả lời cho những người hỏi về lý do của niềm hy vọng trong anh em” (1 Phr 3:15). Với những lời này từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, Cha thân chào chúng con với niềm quý yêu tận đáy lòng. Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Egan về những lời chào mừng ưu ái và Cha cũng cám ơn các đại diện được chúng con chọn để đón chào Cha. Tôi cũng xin chào mừng và cảm tạ Đức Cha Walsh, Giám Đốc Chủng Viện Thánh Giuse, các nhân viên và các chủng sinh.

Các bạn trẻ thân mến, Cha rất vui được dịp nói chuyện với chúng con. Làm ơn gửi lời chào mừng nồng nhiệt của Cha đến các phần tử trong gia đình chúng con, và đến các thày cô và nhân viện của các trường học và các đại học mà chúng con đang theo học. Cha biết rằng nhiều người đã làm việc vất vả để cuộc họp mặt của chúng ta hôm nay có thể xảy ra. Cha cám ơn họ nhiều nhất. Cha cũng đón nhận việc chúng con hát mừng sinh nhật Cha! Cám ơn rất nhiều vì cử chỉ đầy cảm động này; Cha cho tất cả chúng con điểm “A+” về việc chúng con phát âm tiếng Đức! Chiều nay Cha muốn chia sẻ với chúng con một vài tư tưởng về làm môn đệ Đức Chúa Giêsu Kitô – khi đi theo bước chân Chúa, thì đời sống của chính chúng ta trở thành một cuộc hành trình hy vọng.

stelizabethannseton.jpg

Thánh Elizabeth Ann Seton

FrancesXavierCabrini.jpg

Thánh Frances Xavier Cabrini

john-henry-newman.jpg

Thánh Gioan Newman

Kateri-Tekakwitha.jpg

Á Thánh Kateri Tekakwitha

PierreToussaint.jpg

Đáng Kính Pierre Toussaint

FelixVerala.jpg

Cha Felix Verala

Trước mặt chúng con là hình ảnh của sáu người nam và nữ đã lớn lên để sống cuộc đời phi thường. Hội Thánh tôn kính họ là bậc Đáng Kính, Á Thánh và Thánh: mỗi người trong họ đáp lại lời mời gọi của Chúa sống đời bác ái, và họ đều phục vụ Chúa ở đây, trong các ngõ hẻm, đường phố và ngoại ô New York. Cha ngạc nhiên về sự đa dạng của những người trong họ: nghèo và giàu, giáo dân nam nữ -- một người là một mệnh phụ và một người mẹ giàu có – các linh mục và các nữ tu, người di cư từ một phương trờ xa thẳm, ái nữ của một người cha là chiến sĩ Mohawk và mẹ là người Algonquin, người khác là người nô lệ Haiti, và một nhà học thức người Cuba.

(1) Thánh Elizabeth Ann Seton, (2) Thánh Frances Xavier Cabrini, (3) Thánh Gioan Newman, (4) Á Thánh Kateri Tekakwitha, (5) Đáng Kính Pierre Toussaint, và (6) Cha Felix Verala: bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể được kể vào số những người trong các Ngài, bởi vì không có kiểu mẫu nào trong nhóm này, không có một khuôn nào duy nhất. Nhưng nếu nhìn kỹ lại thì chúng ta thấy có những yếu tố chung. Được đốt cháy bởi lòng yêu mến Chúa Giêsu, đời sống của các Ngài trở thành những cuộc hành trình hy vọng phi thường. Đối với một số trong các Ngài, cuộc hành trình này là bỏ nhà cửa và lên tàu làm một cuộc du hành dài hàng ngàn bộ. Đối với mỗi ngưởi, đó là một hành động phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, với một niềm xác tín rằng Người là cùng đích của mọi cuộc du hành. Tất cả đều mở rộng đôi tay của niềm hy vọng để giúp đỡ những người họ gặp trên đường, và thường đánh thức đời sống đức tin trong họ. Qua các viện mồ côi, trường học và bệnh viện, bằng cách làm bạn với những người nghèo, người bệnh và những người sống ngoài lề xã hội, và bằng chứng tá hùng hồn thể hiện qua cách sống khiêm nhường theo bước chân của Chúa Giêsu, sáu vị này đã mở rộng cánh cửa Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến cho không biết bao nhiêu cá nhân, kể cả tiền nhân của chính chúng con.

Và ngày nay thì sao? Ai đang làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu trên đường phố New York, trong các xóm nhà lá ở các thành phố lớn, ở những nơi mà người trẻ tụ tập để tìm người nào mà các em có thể tin tưởng được? Thiên Chúa chính là nguyên thủy và là cùng đích của chúng ta, và Chúa Giêsu là đường. Con đường của cuộc hành trình ấy có quanh co không? Có giống như đã xảy ra cho các Thánh của chúng ta không? Qua các niềm vui và thử thách của đời sống thường nhật: trong gia đình của chúng con, ở trường học hay đại học, trong những sinh hoạt giải trí, và trong các cộng đoàn giáo xứ. Tất cả những nơi này đều được đánh dấu bằng nền văn hóa mà chúng con đang sinh trưởng. Là những người trẻ Hoa Kỳ, chúng con có nhiều cơ hội để phát triển con người, và được nuôi dưỡng với ý thức quảng đại, phục vụ và thẳng thắn. Nhưng chúng con không cần Cha phải bảo chúng con rằng cũng có nhiều khó khăn: các hoạt động và tinh thần âm ỉ hy vọng, những con đường xem ra đưa đến hạnh phúc và sung mãn, nhưng trên thực tế chỉ đưa đến bối rối và sợ hãi.

Chính thời niên thiếu Cha đã bị băng hoại bởi một chế độ hung ác và nghĩ ràng nó có tất cả mọi câu trả lời; các ảnh hưởng của nó gia tăng -- thấm nhiễm các trường học và các cơ quan dân sự, cũng như chính trị và ngay cả tôn giáo -- trước khi người ta hoàn toàn nhận ra nó là một quái vật nguyên hình. Nó trục xuất Thiên Chúa và như thế nó trở nên không hiểu được những gì là chân thật và tốt lành. Nhiều ông bà và ông bà cố của chúng con sẽ còn phải kể lại chi tiết những sự tàn phá mà nó đem lại. Thật sự, một số người trong họ sang Mỹ Châu chính là để trốn những điều kinh hoàng như thế.

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì ngày nay nhiều người trong thế hệ chúng con vui hưởng sự tự do được phát sinh qua việc mở rộng dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì những người đã cố gắng để bảo đảm rằng cho chúng con lớn lên trong một bầu khí mà trong đó những gì là chân thiện mỹ được nuôi dưỡng: đó là cha mẹ, ông bà, các thầy giáo và các linh mục của chúng con, các nhà lãnh đạo dân sự đang tìm kiếm điều gì là phải lẽ và công bình.

Tuy nhiên, khả năng phá hủy vẫn tồn tại. nghĩ cách khác là tự lừa dối mình. Nhưng nó không bao giờ chiến thắng; nó bị đánh bại. Đó là điểm chính yếu của niềm hy vọng nói rõ tính chất của chúng ta là Kitô hữu; và Hội Thánh nhắc lại điều này một cách xúc động nhất trong Tam Nhật Phục Sinh và cử hành nó với một niềm vui khôn tả trong mùa Phục Sinh! Đấng chỉ cho chúng ta con đường vượt trên cái chết cũng là Đấng chỉ cho chúng ta làm thế nào để khắc phục được sự hủy diệt và lo sợ: như thế Chính Chúa Giêsu mới thật là Thầy dạy về sự sống (x. Spe Salve, 6). Cái chết và sự phục sinh của Người có nghĩa là chúng ta có thể thưa với Chúa Cha “Ngài đã phục hồi sự sống của chúng con!” (Lời Nguyện sau Hiệp Lễ, Thứ Sáu Tuần Thánh). Và như thế, mời vài tuần qua, trong Phụng Vụ tuyệt mỹ Lễ Vọng Phục Sinh, chúng ta kêu gào cùng Thiên Chúa cho thế gian không phải vì tuyệt vọng hay sợ hãi, nhưng vì một niềm tin tưởng đầy hy vọng: Xin xua tan bóng tối trong tâm hồn chúng con! Xin xua tan bóng tối trong tâm trí chúng con! (x. Lời Nguyện khi Thắp Nến Phục Sinh).

Vậy bóng tối là gì? Điều gì xảy ra khi người ta, nhất là những người cô thế nhất, gặp phải một nắm tay đàn áp siết chặt hay thao tác thay vì bàn tay hy vọng? Một số thí dụ thứ nhất liên quan đến con tim. Ở đây, những mơ mộng và ao ước mà người trẻ đang theo đuổi có thể bị bể nát hay phá hủy dễ dàng. Cha đang nghĩ đến những người bị ảnh hưởng bởi ma túy và nghiện ngập, vô gia cư và nghèo khổ, bị kỷ thị chủng tộc, bạo lực, và hạ cấp -- nhất là các trẻ nữ và phụ nữ. Trong khi căn nguyên của những vấn đề này thật phức tạp, tất cả đều có chung một thái độ tâm trí bị đầu độc làm cho con người bị đối xử chỉ như những vật dụng: một sự chai đá trong tâm hồn xảy ra, lúc đầu thì không quan tâm đến, rồi sau đó thì chế nhạo, phẩm giá mà Thiên Chúa ban cho mọi người. Những thảm cánh như thế cũng chỉ đến điều có thể đã có, và có thể có, là có những bàn tay khác – bàn tay của chúng con – giơ ra. Cha khuyến khích chúng con mời những người khác, nhất là những người cô thế và vô tội, cùng đi với chúng con dọc theo con đường tốt lành và hy vọng.

Vùng bóng tối thứ hai -- là những gì ảnh hưởng đến tâm trí -- thường xảy ra mà chúng ta không biết, và chính vì lý do này mà nó đặc biệt nguy hiểm. Việc bó méo sự thật làm chúng ta có cái nhìn méo mó về thực trạng, làm cho trí tưởng tượng và khát vọng của chúng ta bị lu mờ. Cha đã nói về nhiều tự do mà chúng con may mắn đủ để được hưởng. Điều quan trọng căn bản của tự do cần phải được gìn giữ cách nghiêm ngặt. Vì thế chẳng ngạc nhiên gì khi có nhiều cá nhân và phe nhóm đòi hỏi tự do cách um xùm trong diễn đàn công cộng. Phải, tự do là một giá trị mỏng dòn. Nó có thể bị hiểu lầm và bị lạm dụng để rồi thay vì đưa đến hạnh phúc mà mọi người mong đợi thì lại đưa đến một vũ đài tối tăm của sự thao túng mà trên đó sự hiểu biết của chúng ta về chính mình và thế giới bị mù mở đi, hoặc bị bóp méo bởi những người có một mưu đồ thầm kín.

Các con có thường xuyên thấy người ta đòi hỏi tự do mà không đề cập đến chân lý và con người không? Có một số người ngày nay lý luận rằng tôn trọng tự do cá nhân biến việc tìm chân lý thành sai, kể cả chân lý về những gì tốt đẹp. Đối với một vài giới người nói đến chân lý được coi là tranh luận hoặc chia rẽ, và tốt nhất là giữ nó trong phạm vi cá nhân. Và thay vì chân lý – hay nói đúng hơn là khi vắng mặt nó -- người ta phổ biến một tư tưởng cho là điều gì cũng có giá trị, là để bảo đảm tự do và giải phóng lương tâm. Điều này chúng ta gọi là thuyết tương đối. Nhưng có một sự “tự do” mà trong đó bất kể chân lý, với mục đích gì, chẳng lẽ là để theo đuổi điều sai quấy sao? Có bao nhiêu người trẻ đã được một bàn tay nhân danh tự do giúp đỡ hoặc nếm thử đã đưa các em đến nghiện ngập, đến u mê về luân lý và trí thông minh, để bị tổn thương, mất tự trọng, hay thất vọng trầm trọng và đau buồn đến mức tự vận? Các bạn thân mến, chân lý không phải là một trò lừa bịp. Nó cũng không đơn thuần chỉ là một mớ luật lệ. Nó là một sự khám phá ra một Đấng không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng; một Đấng mà chúng ta luôn luôn có thể tin cậy. Trong khi tìm chân lý, chúng ta đi đến việc sống nhờ điều chúng ta tin bởi vì rốt cuộc chân lý là một con người: Đức Chúa Giêsu Kitô. Đó là lý do tại sao sự tự do chân chính không phải là tẩy chay, mà là tham gia; không có gì hơn là quên mình đi và để cho mình được thu hút vào chính con người Đức Kitô cho tha nhân (x. Spe Salvi, 28).

Như thế, là những tín hữu, chúng ta có thể giúp đỡ những người khác cách nào để họ đi theo đường tự do là con đường đem lại sự vui thoả và hạnh phúc vĩnh cửu? Chúng ta hãy trở lại với các Thánh một lần nữa. Việc làm nhân chứng của các Ngài thật sự giải thoát người khác khỏi tối tăm trong tâm hồn và tâm trí như thế nào? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong lõi tủy của Đức Tin của các Ngài; cũng là lõi tủy Đức Tin của chúng ta. Việc Nhập Thể, sự sinh ra của Chúa Giêsu, nói cho chúng ta rằng quả thật Thiên Chúa tìm thấy một chỗ ở giữa chúng ta. Mặc dầu các nhà trọ không còn chỗ, Người vào qua hang lừa bò, và có những người thấy ánh sáng của Người. Họ nhận chân được thế giới tối tăm khép kín của Hêrôđê, và thay vào đó, họ đi theo ngôi sao dẫn đường sáng lạn trong trời đêm, Và điều gì tỏa sáng? Ở đây chúng con có thể nhớ lại lời cầu nguyện được thốt ra hầu hết đêm thánh Phục Sinh” “Lạy Cha chúng con thông phần vào ánh sáng của vinh quang Cha nhờ Con Cha là ánh sáng trần gia… xin lấy hy vọng của Cha mà đốt lòng chúng con!” (Làm Phép Lửa). Và như thế, trong cuộc rước trọng thể cùng với cây nến được đốt cháy chúng ta chuyền ánh sáng của Đức Kitô cho nhau. Đây là ánh sáng “xua đuổi tội ác, tẩy trừ bợn nhơ, cho kẻ tội lỗi được sạch trong, cho người ưu phiển được mừng vui, phá tan hận thù oán ghét, mang lại hòa thuận yêu thương, khuất phục mọi quyền bính trên thế gian” (Exsultet - Mừng Vui Lên). Đây là ánh sáng của Đức Kitô đang hoạt động. Đây là con đường của các Thánh. Nó là một viễn tượng hy vọng huy hoàng – Ánh sáng của Đức Kitô ra hiệu cho chúng con trở thành ngôi sao dẫn đường cho người khác, bằng cách đi theo đường tha thứ, hòa giải, khiêm nhường, vui mừng và hy vọng của Đức Kitô.

Tuy nhiên đôi khi chúng con bị cám dỗ để khép mình lại trong vỏ sò, nghi ngờ sức mạnh của những tia sáng của Đức Kitô, và giới hạn chân trời hy vọng. Các con hãy can đảm lên! Nhìn thẳng vào các Thánh của chúng ta. Sự đa dạng về kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa của các Ngài thúc giục chúng ta tái khám phá ra chiều dài và chiều sâu của Kitô giáo. Hãy để trí tưởng tượng của chúng con tự do bay bổng theo chiều dài vô tận của chân trời làm môn đệ Đức Kitô. Đôi khi người ta nhìn chúng ta như những người chỉ nói đến cấm đoán. Không có gì sai lầm hơn điều ấy! Làm môn đệ thực sự của Đức Kitô được đánh dấu bởi ý thức về việc kỳ diệu. Chúng ta đứng trước Vị Thiên Chúa mà chúng ta biết và yêu mến như bạn hữu, sự bao la của công trình tạo dựng của Ngài, và vẻ đẹp của Đức Tin Kitô của chúng ta.

Các bạn thân mến, như thế, gương của các Thánh mời gọi chúng ta suy xét về bốn bình diện quan trọng của kho tàng Đức Tin của chúng ta: (1) cầu nguyện riêng và thinh lặng, (2) cầu nguyện trong Phụng Vụ, (3) bác ái trong hành động, và (4) ơn gọi.

Điều quan trọng nhất là chúng con phát huy sự liên hệ của chúng con với Thiên Chúa. Sự liên hệ ấy được bày tỏ trong việc cầu nguyên. Tự bản tính của Ngài, Thiên Chúa nói, nghe, và trả lời. Thực thế, Thánh Phaolô nhắc nhở cho chúng ta rằng: “Hãy cầu nguyện liên lỉ” (1 Thess 5:17). Thay vì quy hướng về minh hay chạy trốn những thăng trầm của cuộc sống, nhờ cầu nguyên chúng ta hướng về Thiên Chúa, và nhờ Ngài chúng ta hướng về nhau, kể cả những người sống bên lề xã hội và những người theo những con đường khác không phải là đường của Thiên Chúa (x. Spe Salve, 33). Như các Thánh dạy chúng ta cách linh hoạt, cầu nguyện trở thành hy vọng trong hành động. Đức Kitô luôn luôn là bạn đường của các Ngài. Các Ngài đã đàm đạo với Người ở mỗi chặng đường của cuộc hành trình phục vụ tha nhân.

Còn một bình diện khác của cầu nguyện mà chúng ta cần phải nhớ đến, chiêm niệm trong thinh lặng. Thí dụ, Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng để nắm chắc mặc khải của Thiên Chúa, chúng ta trước hết phải lắng nghe, rồi thưa lại bằng cách công bố điều chúng ta đã nghe và thấy (x 1 Ga 1:2-3; Dei Verbum, 1). Có phải chúng ta đã đánh mất điều gì trong nghệ thuật nghe không? Chúng ta có dành chỗ để nghe tiếng thì thầm của Thiên Chúa mời gọi chúng ta tiến lên đi vào sự tốt lành không? Các bạn, đừng sợ thing lặng và bất động, hãy lắng nghe Thiên Chúa, thờ phượng Ngài trong Bí Tích Thánh Thể. Hãy để cho Lời Ngài uốn nắn hành trình của các bạn như là một tỏ bày sự thánh thiện.

Trong Phụng Vụ chúng ta thấy toàn thể Hội Thánh cầu nguyện. Từ Phụng Vụ (Liturgy) có nghĩa là tham gia cùng Dân Thiên Chúa vào “công trình của Đức Kitô, vị Thượng Tế và vào Nhiệm Thể Người là Hội Thánh” (Sacrosanctum Concilium, 7). Công trình đó là gì? Trước hết công trình đó ám chỉ Cuộc Khổ Nạn, cái Chết và Phục Sinh cùng Lên Trời của Đức Kitô – là điều mà chúng ta gọi là Mầu Nhiệm Vượt Qua. Công trình này cũng ám chỉ chính cuộc cử hành Phụng Vụ. Thực ra, hai ý nghĩa này liên kết với nhau và không thể tách rời nhau được bởi vì “công trình này của Chúa Giêsu” chính là nội dung thật của Phụng Vụ. Nhờ Phụng Vụ, “công trình của Chúa Giêsu” được liên tục tiếp xúc với lịch sử, với đời sống chúng ta để uốn nắn chúng. Ở đây chúng ta được thoáng thấy vẻ huy hoàng của Đức Tin Kitô. Mỗi khi chúng con tụ họp lại để dâng Thánh Lể, khi chúng con đi Xưng Tội, khi chúng con cử hành bất cứ bí tích nào, Chúa Giêsu làm việc đó. Nhờ Chúa Thánh Thần, Người kéo chúng con lại với Người, kéo vào trong tình yêu hiến tế của Đức Chúa Cha, và trở thành tình yêu đối với mọi người. Như thế chúng ta thấy rằng Phụng Vụ của Hội Thánh là một mục vụ của hy vọng cho nhân loại. Sự tham gia chung thủy của chúng con, là một hy vọng linh hoạt giúp làm cho thế gian – các Thánh cũng như người tội lỗi -- mở ra cho Thiên Chúa; đó là niềm hy vọng chân chính cho nhân loại mà chúng ta cúng hiến cho mọi người (x. Spe Salvi, 34).

Việc cầu nguyện cá nhân của chúng con, thì giờ chiêm niệm thinh lặng, và việc tham gia vào Phụng Vụ Hội Thánh của chúng con, đem chúng con lại gần Thiên Chúa hơn và cũng sửa soạn cho chúng con để phục vụ tha nhân. Các Thánh đồng hành với chúng ta chiều hôm nay chỉ cho chúng ta rằng đời sống Đức Tin và hy vọng cũng là đời bác ái. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thánh Giá chúng ta thấy tình yêu dưới dạng căn bản nhất. Chúng ta có thể bắt đầu tưởng tượng ra con đường tình yêu mà chúng ta phải đi theo (x. Deus Caritas Est, 12). Có quá nhiều dịp để thực hiện cuộc hành trình này. Hãy nhìn chung quanh chúng con với cặp mắt của Đức Kitô, hãy nghe với đôi tai của Người, hãy cảm giác và suy nghĩ với trái tim và trí óc của Người. Chúng con có sẵn sàng cho đi tất cả vì chân lý và công lý như Người đã làm không? Chúng ta vẫn còn tìm thấy nhiều gương về chịu đau khổ mà các Thánh của chúng ta đã đáp lại bằng tình thương ở đây, trong và ngoài thành phố này. Và những bất công mới đã mọc lên: có những bất công phức tạp phát sinh từ việc khai thác con tim và thao túng trí khôn; ngay cả môi trường sống chung của chúng ta, là chính trái đất, cũng phải rên siết dưới sức nặng của chủ nghĩa tiêu thụ hà tiện và khai thác vô trách nhiệm. Chúng ta phải nghe tận đáy lòng. Chúng ta phải trả lời với những hành động xã hội mới phát sinh từ tình yêu phổ quát vô bờ. Bằng cách này, chúng ta đảm bảo rằng các việc thương xót và công lý của chúng ta trở nên hành động hy vọng cho người khác.

Các người trẻ thương mến, cuối cùng Cha muốn chia sẻ với chúng con vài lời về ơn kêu gọi. Trước hết Cha nghĩ đến các phụ huynh, ông bà và các người đỡ đầu. Các vị ấy là những nhà gioá dục Đức Tin chính của chúng con. Qua việc đưa chúng con đến đê Rửa Tội, các vị ấy giúp chúng con nhận được món quà quý nhất trong đời chúng con. Trong ngày đó chúng con đi vào sự thánh thiện của chính Thiên Chúa. Chúng con trở thành nghĩa tử, nghĩa nữ của Chúa Cha. Chúng con được tháp nhập vào Đức Kitô. Chúng con trở thành nơi Chúa Thánh Thần ngự. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các phụ huynh khắp nơi trên thế giới, nhất là những người có thể đang vật lộn cách này hay cách khác – xã hội, vật chất, tâm linh. Chúng ta hãy tôn vinh ơn gọi hôn nhân và giá trị của đời sống gia đình. Chúng ta hãy luôn đề cao rằng chính trong các gia đình mà ơn thiên triệu được phát sinh.

Họp nhau đây ở Chủng Viện Thánh Giuse, Cha chào mừng các chủng sinh đang có mặt và thực sự khuyến khích tất cả các chủng sinh khắp Mỹ Quốc. Cha rất hãnh diện vì biết rằng số chúng con đang gia tăng! Dân Thiên Chúa trông mong rằng chúng con sẽ là những linh mục thánh thiện, đi trên đường hoán cải mỗi ngày, gợi cho người khác ước muốn đi sâu xa hơn vào đời sống Hội Thánh của tín hữu. Cha van nài chúng con hãy làm cho sự liên hệ của chúng con với Chúa Giêsu, Chúa Chiên Lành thêm mật thiết. Thưa chuyện với Người bằng cả tấm lòng chúng con. Xua đuổi những cám dỗ phô trương, ham danh vọng, hoặc tự cao tự đại. Hãy cố gắng để đạt được một kiểu sống thật sự được đánh dấu bằng đức ái, đức trong sạch và đức khiêm nhường, nhờ noi gương Đức Kitô, Vị Thượng Tế Vĩnh Cửu, mà chúng con sẽ trở thành hình ảnh sống động của Người (x. Pastores Dabo Vobis, 33). Các chủng sinh thân thương, Cha cầu nguyện cho chúng con hằng ngày. Chúng con nên nhớ rằng điều có giá trị trước mặt Chúa là sống trong tình yêu của Người và làm cho tình yêu của Người chiếu rọi trên tha nhân.

Các Sơ, các Thầy Dòng và các Linh Mục đóng góp rất nhiều cho sứ vụ của Hội Thánh. Việc làm chứng cách ngôn sứ của họ được đánh dấu bằng một xác tín sâu xa về vai trò tiên quyết của Tin Mừng trong việc hình thành đời sống Kitô hữu và biến đổi xã hội. Ngày nay, Cha muốn chúng con chú ý vào việc canh tân đời sống tâm linh mà các Dòng Tu đang thực hiện trong tương quan với đoàn sủng của họ. Từ đoàn sủng có nghĩa là món quà Thiên Chúa ban cách nhưng không và độ lượng. Các đoàn sủng đã được Chúa Thánh Thần ban tặng. Ngài linh hứng các vị sáng lập nam nữ, và sau đó hình thành Các Dòng với một di sản linh đạo. Hàng loạt đặc sủng lạ lùng riêng cho từng Dòng Tu là một kho tàng linh đạo phi thường. Thực ra, đương nhiên là lịch sử Hội Thánh trình bày cách mỹ miều nhất các trường phái linh đạo của mình, hầu hết đều phát sinh từ đời sống thánh thiện của các đấng sánh lập nam nữ. Nhờ khám phá ra đặc sủng, là điều đem lại sự khôn ngoan tâm linh rộng rãi như thế, Cha chắc chắn rằng một số người trẻ trong chúng con sẽ được lôi cuốn vào đời sống tông đồ hoặc phục vụ chiêm niệm. Đừng ngần ngại nói chuyện với các Thầy Dòng, các Sơ, hay các Linh Mục về đoàn sủng hay linh đạo của Dòng họ. Không có một cộng đồng nào hoàn hảo cả, nhưng chính là lòng trung thành với đặc sủng khi được sáng lập, chứ không phải với những cá nhân đặc biệt nào, mà Chúa mời gọi chúng con tìm hiểu. Hãy can đảm lên! Chúng con cũng có thể làm cho đời sống chúng con thành một món qua tự hiến cho tình yêu của Chúa Giêsu, và trong Người, tất cả mọi phần tử của gia đình nhân loại (x. Vita Consecrata, 3).

Các bạn, một lần nữa Cha xin chúng con, ngày hôm nay thì sao? Chúng con đang tìm kiếm gì? Niềm hy vọng không bao giờ làm chúng con thất vọng là Đức Chúa Giêsu Kitô. Các Thánh chỉ cho chúng ta tình yêu vô vị lợi của con đường của Người. Là các môn đệ của Đức Kitô, cuộc hành trình phi thường của các Ngài được bày tỏ trong cộng đoàn hy vọng, là Hội Thánh. Chính từ cung lòng Hội Thánh mà chúng con cũng sẽ tìm thấy can đảm và sự nâng đỡ để đi theo đường của Chúa. Được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, được thôi thúc trong thinh lặng, được hình thành bởi Phụng Vụ của Hội Thánh, chúng con sẽ khám phá ra ơn gọi riêng mà Thiên Chúa dành cho chúng con. Hãy ôm lấy nó với niềm vui. Hôm nay chúng con là môn đệ Đức Kitô. Chúng con hãy chiếu ánh sáng của Người trên thành phố vĩ đại này và ngoài nó. Các cho hãy chỉ cho thế giới lý do của niềm hy vọng đang vang dội trong chúng con. Hãy nói cho người khác về chân lý đang giải phóng chúng con. Với những tâm tình của niềm hy vọng lớn lao trong chúng con, Cha tạm biệt chúng con, cho đến khi chúng ta tái ngộ ở Sydney Tháng Bảy này trong Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới! Như là một bằng chứng cho tình yêu của Cha đối với chúng con và gia đình chúng con, Cha hân hạnh ban Phép Lành Tòa Thánh cho chúng con.

[Vài lời bằng tiếng Tây Ban Nha:]

Các chủng sinh và các bạn trẻ thân mến:

Thật là một niềm vui mừng lớn lao cho Cha được gặp chúng con hôm nay, trong ngày sinh nhật của Cha. Cám ơn chúng con về sự đón tiếp và ưu ái chúng con đã dành cho Cha.

Cha khuyến khích chúng con mở lòng ra cho Thiên Chúa để Ngài đổ đầy lửa tình yêu vào đó, để chúng con đem Tin Mừng của Ngài đến tất cả các quận của New York.

Ánh sáng Đức Tin sẽ thúc đẩy chúng con lấy điều lành và đời sống thánh thiện mà đáp trả điều dữ, như các nhân chứng vĩ đại của Tin Mừng đã làm qua nhiềy kỷ nguyên. Chúng con được mời gọi để tiếp tục dây chuyền thân hữu của Đức Kitô, là Đấng mà người ta tìm thấy trong tình yêu của Người một kho tàng đời sống vĩ đại. Chúng con hãy vun trồng tình bằng hữu này bằng cầu nguyện, cả cầu nguyện riêng lẫn phụng vụ, và bằng những công việc bác ái và quyết tâm giúp đỡ những người đói nghèo nhất.

Nếu chưa làm như thế, hãy nghêm nghị tự hỏi mình xem Chúa có mời chúng con theo Người một cách dứt khoát qua mục vụ Linh Mục và đời thánh hiến không. Có một liên hệ lỏng lẻo với Đức Kitô chưa đủ. Tình bằng hữu như thế không phải là tình bằng hữu. Đức Kitô muốn chúng con là một trong những người bạn nghĩa thiết, trung thành, và kiên trì của Người

Cha xin nhắc lại lời mời chúng con tham dự ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Sidney, Cha bảo đảm với chúng con rằng Cha nhớ đến chúng con trong lời cầu nguyên của Cha, trong đó Cha xin Thiên Chúa làm cho chúng con trở thành các môn đệ đích thực của Đức Kitô Phục Sinh. Cám ơn chúng con rất nhiều.

+ĐTC Bênêđictô XVI

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/huan-tu-cua-dtc-benedicto-xvi-danh-cho-gioi-tre/