Trích từ Dân Chúa

Hồng-Môn Yến

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật XI TN (Năm C)
Lc 7, 36 – 8,3

Hồng-Môn là nơi đại quân 400 ngàn người của Hạng Vũ đóng doanh trại, sau khi nghe tin Lưu Bang đã chiếm được Hàm-Dương, kinh đô nhà Tần và hai người đã lập giao ước hể ai vào được Hàm Dương trước thì làm vua. Với 100 ngàn quân, Lưu Bang biết rõ thế lực quá yếu so với Hạng Vũ,cho nên Lưu Bang dẫn mưu sĩ Trương Lương và đại tướng Phàn Khoái đến Hồng Môn, nói với Hạng Vũ, mình chỉ là trông coi Hàm Dương, đợi Hạng Vũ đến làm vua. Hạng Vũ tin Lưu Bang, mở tiệc chiêu đãi. Mưu sĩ Phạm Tăng, - người chủ trương bày yến tiệc mời Lưu Bang tới dự để giết chết,- ngồi ở bên cạnh Hạng Vũ, mấy lần ra hiệu cho Hạng Vũ giết Lưu Bang, nhưng Hạng Vũ giả vờ không nhìn thấy. Phạm Tăng cho đại tướng Hạng Trang vào múa kiếm làm vui, muốn lấy cớ giết hại Lưu Bang. Chú của Hạng Vũ Hạng Bá,bạn thân của Trương Lương, đã được mưu sĩ nầy nhờ vả,  cũng rút kiếm ra múa, dùng cơ thể che chở cho Lưu Bang, Hạng Trang không có cơ hội ra tay. Cuối cùng Lưu Bang nhờ kế mà được an toàn. Từ đó, Hống Môn Yến được dùng để chỉ những bửa tiệc “lành ít dữ nhiều”,là cuộc đấu trí mà khách mời thường vượt qua, thoát nạn nhờ mưu lược và may mắn.

Tiệc hay nôm na gọi là “ăn nhậu” dường như đã trở thành một nền văn hoá của kinh tế thị trường, một yếu tố không thể thiếu được để đạt được những thoả thuận giữa dân phe mánh, để ký kết những hợp đồng hoặc “bôi trơn” những khoản tham ô tư túi khổng lồ. Chỉ thoáng nhìn qua thành phần dự tiệc, cũng đủ để đánh giá nội dung và mục đích mà chủ tiệc muốn “mượn rượu” để đưa ra,mặc cả.Nhưng cũng có những bàn tiệc được tổ chức để mưu đồ những vụ làm ăn phi pháp hoặc những vụ thanh toán kiểu xã hội đen, mà sinh mạng và tài sản của các nạn nhân coi như bị xoá sổ chỉ qua một hớp rượu,một cái bắt tay, thoả thuận giá cả. Dù sao, có thể nói giữa chủ tiệc và khách mời thường cũng “kẻ tám lạng, người nửa cân” xét theo phẩm hạnh và mưu đồ. Không một ai đứng đắn,tự trọng, lại dùng những thủ đoạn đút lót,mua chuộc, thanh toán để làm lợi cho mình hoặc làm hại kẻ khác.Ngược lại,những tay gian hùng cũng không tốn công mất giờ để đàm phán hay đút lót mua chuộc những người liêm chính hoặc ngô nghê nhút nhát trong mánh mung. Ngưu tầm ngưu,mã tầm mã!

Bữa ăn mà Chúa Giêsu nhận lời với một người Biệt phái hôm nay, cũng coi được là một bửa ăn khác lạ: chủ nhân không có vẻ muốn mời người khách nỗi tiếng nầy, và dân chúng chẳng ai lại không biết những điều Vị Khách làm đối với nhóm biệt phái, khiến họ mất hết uy tín trong dân. Chúa Giêsu vốn bị chỉ trích là “kẻ hay đi lại và ngời ăn với bọn thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 15,2) cũng biết rằng người biệt phái mời Người ăn cơm chẳng phải vì kính trọng, yêu mến hay tử tế gì. Nhưng Người vẫn nhận lời, để cho ông và những người biệt phái, kinh sư, luật sĩ biết rằng Người quở trách họ không vì thù ghét, khinh chê, mà vì không thể giả vờ như câm như điếc trước những lời nói và việc làm sai trái của họ hay của bất kỳ ai. Người đã chẳng từng quở trách Phêrô đó sao? (x. Mt 16,23). Vì thế mà những nghi lễ xã giao tối thiểu đón khách mời cũng bị chủ nhà cố tình bỏ qua, rất khó chấp nhận theo phong tục Do Thái. Chúa Giêsu vẫn bỏ qua. Và nếu không phải vì lòng tốt mà mời một kẻ thù ‘nặng ký’ như thế, thì hẳn người biệt phái nầy đã sắp đặt một mưu mô gì đó để làm Chúa Giêsu sập bẫy hay chí ít cũng bị bẻ mặt. Vừa hay ông ta chưa cần sắp đặt gài bẫy Chúa Giêsu, thì dịp may đã đến : người phụ nữ nỗi tiếng tội lỗi trong thành và những hành vi của Chị đối với Chúa Giêsu. Nếu Người là ngôn sứ, thì phải dẫy nẫy lên “như đỉa phải vôi” khi bị một phụ nữ như vậy đụng vào chứ! Chúa Giêsu chỉ chờ có vậy, để dạy người biệt phái về lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa,cũng như điều kiện để được xót thương và thứ tha : tình yêu đối với Thiên Chúa.

Có lẽ kẻ phải cúi đầu xấu hổ không phải là người biệt phái, mà chính là chúng ta! Ít nhất người biệt phái cũng chỉ mới nghĩ trong lòng về căn tính của Chúa Giêsu. Còn chúng ta, cặp mắt soi mói, vạch lá tìm sâu, cố sức tìm những kẻ hở nhỏ nhất trong cử chỉ,lời nói,hành vi của các chủ chăn Giáo Hội, không phải để cảm thông và cầu nguyện, mà để dùng những lời nói,bài viết và trí suy đoán,tưởng tượng phong phú, để thêu dệt đủ thứ ‘huyền thoại”, không chỉ nhằm bôi đen uy tín của cá nhân (các) chủ chăn, mà gây bao nghi kỵ,chia rẻ trong Giáo Hội, giữa các giám mục với nhau,giữa các giám mục và linh mục, giữa hàng giáo sĩ và giáo dân. Khó khăn lắm Giáo Hội Việt nam mới thấy ló dạng chút an bình, thì dường như điều ấy không làm cho họ hài lòng. Họ vẫn tiếp tục dọn “hồng môn yến”, gợi những kỷ niệm “vang bóng một thời”,khi thì viết lại thuở ấu thơ, lúc lại thuật những lần tiếp xúc bình dân, chẳng phải vì thật tâm ngưỡng mộ qúa khứ, nhưng là để ngầm đả kích những người và những điều họ không muốn chấp nhận. May thay, những ý nghĩ và mục đích rất kém đạo đức của họ không khó bị nhận diện. “Hồng môn yến” bày ra đã thất bại và hoá ra trơ trẻn lạc lỏng. Chúa Giêsu đã không mắc bẩy. “Hồng môn yến” mà Satan và các thế lực xấu xa dùng các phương tiện truyền thông bày ra để cài bẩy Giáo Hội, để gây chia rẻ, phá hoại Giáo hội, hạ uy tín của Vị Chủ Chăn hoàn vũ, đã bị phá sản. Mây mù, bóng tối vẫn chỉ là những gì thoáng qua, có muốn cũng không thể che lấp ánh sáng ngàn đời rực rỡ. Giáo Hội không mắc bẩy. Giáo Hội Việt Nam cũng không mắc bẩy.

Chúng ta cũng đừng để mắc bẩy. “Chị ấy đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47). Đừng xét nét Giáo Hội: Giáo Hội thánh thiện, nhưng Giáo Hội lại được Chúa phó thác trong tay những người tội lỗi, để vì “đồng bệnh tưong lân”, lôi kéo các tội nhân khác về với Chúa. Yêu mến,trung thành,bênh vực Giáo Hội, chính là yêu mến,trung thành và bênh vực Vị chủ chăn hoàn vũ và các chủ chăn của Giáo Hội, trong đó có các chủ chăn và hàng giáo sĩ Việt Nam. Đừng để kiêu căng xúi giục chúng ta bày ra những “hồng môn yến” để gây nghi kỵ, chia rẻ trong Dân Chúa. Hãy cùng nhau nghe lại lời một chủ chăn Giáo Hội Việt Nam gián tiếp thừa nhận thân phận con người hèn kém của mình, hiểu rõ gánh nặng trách nhiệm được giao phó nhưng tin cậy tuyệt đối nơi Chúa:

"Khi cần một người cha cho dân mình, Chúa đã gọi một ông lão...
Khi cần một lãnh tụ cho dân, Chúa đã gọi một thiếu niên con út trong gia đình...
Khi cần người làm nền móng xây dựng Giáo Hội, Chúa đã gọi một kẻ chối Chúa,
Khi cần người truyền đạo, Chúa đã gọi một kẻ bắt đạo...”

(“Huyền Nhiệm Ơn Gọi”, ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, 02.04.2008)

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 53
Thiên Chúa Là Đồng Minh Của Linh Hồn Tôi

Chúng ta cần phải có thể sắp sẵn với số lượng lớn những kinh nguyện như thế nầy, đơn sơ, có thể là hơi monotine, nhưng cũng như cuộc sống,cũng như những thử thách gieo rắc trong cuộc sống…Tâm hồn cần giải bày. Sự dữ siết chặt. Người ta thu mình lại và dần dà sự dữ cáng tồi tệ thêm. Sự sưng tấy đến và rồi mưng mủ. Và tâm hồn phải diễn đạt trong hướng của Thiên Chúa bằng một lời cầu nguyện, bằng một lời cầu nguyện mà chính Thiên Chúa đã định hướng chừng mức nào còn có thể.Khi những lời nầy được dùng để mang một thử thách và vượt lên thử thách ấy, thì người ta bắt đầu yêu mến chúng và chúng hoà nhập vào con người chúng ta. Quả đúng chúng là những lời đơn sơ, nhưng đó là những lời cứu độ.

Giuse Nguyễn Thế Bài

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/hong-mon-yen/