Trích từ Dân Chúa

Hiểu Thánh Kinh Và Cử Hành Thánh Thể Giúp Hai Môn Đệ Emmau Nhận Ra Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM A (26/04/2020)

"Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người "

I. DẨN VÀO PHỤNG VỤ

Bài Phúc âm Chúa Nhật III Phục Sinh rất đáng các Kitô hữu chúng ta đọc và suy niệm vì nó chứa đựng một chân lý cốt yếu của Kitô giáo: hai môn đệ Emmau nhận ra Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh nhờ hiểu Thánh Kinh (và những lời giải thích của chính Chúa Kitô Phục Sinh) và nhờ việc Chúa Phục Sinh cử hành nghi thức Bẻ Bánh.

Nói cách khác là hiểu Thánh Kinh và cử hành Thánh Thể giúp hai môn đệ Emmau nhận ra Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Với các tin hữu chúng ta cũng sẽ là như thế: Hiểu Thánh Kinh và cử hành Thánh Thể giúp chúng ta khám phá và gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Đó là thông điệp của bài Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh Năm A hôm nay.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LUCA 24,13-35: Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".

Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.

Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

III. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LUCA 24,13-35:

3.1 Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh giải thích Thánh Kinh cho hai môn đệ Emmau: Rõ ràng là nhờ việc Chúa Giêsu giải thích Thánh Kinh mà hai môn đệ Emmau hiểu ý nghĩa của Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Lòng họ nóng ran -nghĩa là tình yêu bừng cháy- khi hai ông đã hiểu được chương trình cứu độ của Thiên Chúa và ý nghĩa của các sự kiện liên quan tới cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.

3.2 Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh cử hành lễ Bẻ Bánh với hai môn đệ Emmau: Hành động có tính quyết định cho việc hai môn đệ Emmau nhận ra Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là nghi thức Bẻ Bánh (Thánh Thể) mà Người cử hành với hai ông. Có nghĩa là việc cử hành Thánh Thể trong cộng đoàn đóng vai trò the chốt trong việc khám phá và gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.

IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LUCA 24,13-35:

4.1 Lắng nghe và tìm hiểu Lời Chúa là một phần quan trọng trong đời sống đức tin của các môn đệ Chúa Kitô. Chúng ta hiêu tại sao trong Phụng Vụ Lời Chúa có phần đọc Lời Chúa và phần giải thích Lời Chúa. Phần giải thích Lời Chúa (là bài giảng của Thừa Tác Viên Lời Chúa (Minister of the Word) có mục đích cho các tín hữu hiểu và đón nhận Lời Chúa giống như hai môn đệ Emmau khi nghe Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh giảng giải Thánh Kinh thì lòng bừng nóng lửa yêu mến.

Ngoài việc lắng nghe Lơi Chúa và bài giảng trong Thánh Lễ, các tín hữu còn nên tham dự các Khóa Thánh Kinh, nhất là Thánh Kinh 100 tuần (được gọi là đọc Thánh Kinh có hướng dẫn) để hiễu và yêu mến Lời Chúa.

4.2 Tham dự cử hành Thánh Thề là một phần quan trọng khác trong đời sống đức tin cùa các môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Trong khung cảnh của cộng đoàn đức tin, nhất là trong khung cảnh của cộng đoàn phụng vụ thì người tín hữu được tạo điều kiện khám phá và gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là Đấng đang sống trong/giữa cộng đoàn.

Kêt luận: Hiều Thánh Kinh và cử hành Thánh Thể giúp chúng ta khám phà và gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Đó là thông điệp của Bài Phúc Âm Chúa Nhật III Phuc Sinh Năm A.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN [VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LUCA 24,13-35

KHAI MỞ:

Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha vì Con Cha là Chúa Giê-su Kitô phục sinh đã hiện ra với hai môn đệ Emmau và giúp hai ông hiểu Thánh Kinh và nhận ra Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Chúng con cảm tạ Cha và xin dâng lên Cha lời cầu xin tha thiết của chúng con.

Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN:

1.- «Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho hết mọi người trong thế giới hôm nay quan tâm đến những sự việc xẩy ra chung quanh và tìm hiều ý nghĩa của những sự việc ấy.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

2.-«Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và cho các Tu Sĩ Nam Nữ để các thành phần ấy của Dân Chúa chu toàn vai trò và sứ mạng mà Chúa đã giao phó là giúp mọi người hiểu Thánh Kinh là Lởi của Thiên Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

3.-«Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác để mọi người siêng năng tham dự Thánh Lễ và gặp gỡ được Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

4.- «Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa các học viên các khóa Thánh Kinh, cách riêng các Khóa Thánh Kinh 100 tuần để họ được lửa mến thiêu đốt tâm hồn khi học và hiêu Lời Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

LỜI KẾT:

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Con Cha là Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh đã hiện ra với hai môn đệ Emmau và giúp các ông hiểu Thánh Kinh và nhận ra Người.

Chúng con xin Cha giúp chúng con siêng năng đọc và tìm hiểu Thánh Kinh và sốt sáng tham dự cử hành Thánh Thể của cộng đoàn để chúng con khám phà và gặp gỡ được Chúa Giê-su Kitô Phục Sinh là Con Yêu Dấu của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con.

Sài-gòn ngày 24 tháng 04 năm 2020

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/hieu-thanh-kinh-va-cu-hanh-thanh-the-giup-hai-mon-de-emmau-nhan-ra-chua-giesu-kito-phuc-sinh/