Trích từ Dân Chúa

Được kêu gọi sống, phải có bổn phận đối với sự sống!

Lm Nguyễn Hữu Thy

Đại Lễ Phục Sinh:
(Ga 20,1-9)

Ðại lễ Phục Sinh mà hôm nay chúng ta cùng với toàn thể cộng đồng nhân loại mừng kính, không phải như bất cứ một đại lễ Kitô giáo nào mà chúng ta cử hành trong suốt năm phụng vụ của Giáo Hội. Từ khởi đầu, đó là một đại lễ chính yếu và nền tảng của Kitô giáo. Chính các ngày Chúa Nhật trong năm - theo ý nghĩa thực sự của chúng – là việc lặp lại hằng tuần sự mừng kính biến cố Phục Sinh của Ðức Giêsu. Vậy, ngày Chúa Nhật có nguồn gốc từ đại lễ Phục Sinh hôm nay.

Tất cả sẽ thành công hay thất bại cùng với những gì Thiên thần đã nhân danh Thiên Chúa nhắn nhủ tại ngôi mộ trống: "Tại sao các người đi tìm người sống nơi kẻ chết?"(Lc 24,5), "Các người đi tìm kiếm Ðức Giêsu, Ðấng đã chịu đóng đinh. Người không còn ở đây nữa. Người đã sống lại rồi" (Mc 16,6).

Hai chục năm sau cái chết của Ðức Giêsu, thánh Phaolô cũng đã viết: "Nếu Ðức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng vô nghĩa. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Giêsu chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Thế nhưng bây giờ Ðức Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu" (1Cr 15,14.19-20).

Phải chăng điều đó có liên quan đến chúng ta ? Phải chăng điều đó có liên quan cả đến đời sống chúng ta nữa ? Và đâu là những hậu quả của nó đối với sự hiện hữu của chúng ta ?

Thánh Phaolô, một người trước tiên đã chẳng những không muốn và không có thể tin nhận sự Phục Sinh của Ðức Giêsu, nhưng còn gay gắt chống đối đến quá khích, thì cuối cùng đã trở thành một vị đại Tông đồ rao truyền sự chết và cuộc Phục Sinh của Ðức Giêsu. Thánh nhân còn gọi việc đem sự Phục Sinh của Ðức Giêsu ra phân tích mổ xẻ và tìm bằng chứng cụ thể là một việc khờ dại, và thánh nhân còn thêm: "Khi cái thân xác hay hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân xác hay chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi! Ðây là giờ chiến thắng!" (1Cr 15,54). Và theo thánh nhân, chính Thiên Chúa đã cho chúng ta chiến thắng được tử thần nhờ Ðức Giêsu Kitô (x. 1Cr 15,57).

Ðức Kitô là người đầu tiên trong số những người đã an giấc ngàn thu, được chỗi dậy. Chúng ta sẽ bước theo chân Người, chúng ta cũng sẽ được chỗi dậy như Người. Ðó là niềm xác tín của chúng ta. Bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, chứ không phải Thiên Chúa của sự chết. Sự sống phải dành được phần chiến thắng, bởi vì Thiên Chúa quyền lực hơn sự chết và tình yêu của Người mạnh mẽ hơn sự hư nát. Thiên Chúa làm cho Ðức Giêsu chỗi dậy từ kẻ chết, không như trường hợp của La-da-rô, người đã được cho sống lại, nhưng sau đó một thời gian lại phải nhắm mắt vĩnh viễn ra đi. Sự Phục Sinh của Ðức Giêsu hoàn toàn khác hẳn. Thiên Chúa đã dẫn đưa Ðức Giêsu băng qua cái chết để trở về bên Người. Vì thế, một câu nói được gửi gắm đến từng người trong chúng như một câu nói phục sinh: Ðược kêu gọi sống, phải có bổn phận đối với sự sống! Từ khi Ðức Giêsu được sinh ra làm người, chịu chết và được sống lại, cuộc sống con người có được một phẩm chất mới. Thiên Chúa hành động cụ thể trong tất cả cuộc sống của con người, và bằng tất cả mọi giá Người muốn sự sống, Người muốn con người sống và sống hạnh phúc (x. Ed 18,23. 30b-32).

Ðược kêu gọi sống, phải có bổn phận đối với sự sống. Ðó thái độ dứt khoát và rõ ràng đối với sự sống con người. Trước hết là các bậc cha mẹ, họ phải phục vụ sự sống con người; một khi họ đã tạo điều kiện để sự sống đó xuất hiện và phải quan tâm săn sóc, bảo toàn sự sống đó trong sự tin tưởng, hầu nó có thể thở và sống còn. Vâng, lòng tin tưởng và niềm vui mừng được coi như mặt trời cho sự sống con người trên mặt đất này, nếu sự sống đó được khuyến khích đỡ nâng, chứ không phải lo lắng sợ hãi. Bởi vì sự tin tưởng là điều kiện tiên quyết tạo thuận lợi cho sự sống. Ngoài ra, các bậc làm cha mẹ không được phép quên rằng họ không phải là chủ nhân của sự sống của con cái họ, để muốn quyết định hay xử sự thế nào tùy ý. Các bậc cha mẹ chỉ là những người quản lý mà Thiên Chúa đã trao phó sự sống mới đó của con cái họ, để họ giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Quyền quyết định trên sự sống chết của mọi người chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.

Ðược kêu gọi sống, phải có bổn phận đối với sự sống. Một mệnh lệnh đối với những nhà chính trị trên khắp thế giới và tất cả những ai nắm giữ các trách nhiệm cho quần chúng. Ðúng vậy, trách nhiệm của chính trị là phục vụ sự sống con người, tạo điều kiện cho sự sống phát triển và bảo vệ sự sống. Không một ai! Không bất cứ một ai trên thế giới có quyền gieo rắc sự chết chóc và lập ra luật lệ của sự chết, luật lệ tiêu diệt sự sống con người. Tất cả những điều đó đi ngược lại giới răn của Thiên Chúa, đi ngược lại thánh ý của Tạo Hóa. Tất cả mọi sự sống mang trong mình lời hứa của sự biến đổi Phục Sinh, tương tự như hạt giống chứa đựng mầm sống trong mình.

Sự Phục Sinh của Ðức Kitô, của Chúa chúng ta, là hạt giống như thế được gieo vào trong một thế giới bị khuyết mòn và kiệt quệ. Trong niềm hy vọng và xác tín vững chắc đó, sự sống hay sự chết ở đời này không còn lung lạc được những người tin vào Thiên Chúa. Vâng, chúng ta không bị hư mất qua sự chết của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta chết, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì Ðức Kitô thực sự đã được chỗi đậy từ cõi chết như người đầu tiên trong số những người đã yên giấc ngàn thu. Và chúng ta cũng sẽ được chỗi dậy như Người. Ðó là niềm hy vọng và sự xác tín của chúng ta.

Lm Nguyễn Hữu Thy

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/duoc-keu-goi-song-phai-co-bon-phan-doi-voi-su-song/