Trích từ Dân Chúa

ĐTC gặp các bạn trẻ ở chủng viện thánh Giuse tại New York

Bình Hòa

Biến cố kết thúc chuyến tông du của đức thánh cha sang Hoa kỳ là Thánh lễ cử hành tại sân vận động Yankee vào lúc 2 giờ rưỡi chiều Chúa Nhựt (giờ địa phương, tương đương với 1 giờ rưỡi sáng thứ hai tại Việt Nam), dành cho cộng đồng Dân Chúa, nhân kỷ niệm 200 năm thành lập các tổng giáo phận Baltimore, Boston, Lousville, New York, Philadelphia.

pope_zero_0420.jpg

ĐGH Benedictô cầu nguyện tại Ground Zero

Trước đó, hồi 9 giờ rưỡi sáng, ngài đã đến địa điểm đặt tên là Ground Zero, nơi mà vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, ngôi nhà Tháp đôi đã bị sập đổ do hai chiếc máy bay húc vào, gây thiệt mạng cho 2896 người. Buổi viếng thăm mang tính cách tưởng niệm cầu nguyện, chứ không tuyên bố hay diễn văn. Trước sự hiện diện của ông thị trưởng thành phố Michael Bloomberg, hai ông thống đốc bang New York và New Jersey, và 24 đại biểu cho các nhân viên cứu cấp, các thân nhân của các nạn nhân, đức Bênêđictô XVI đã đọc một kinh nguyện vắn tắt như sau:

Lạy Thiên Chúa của tình yêu, thương xót và chữa lành, xin đoái nhìn đến chúng con, những người thuộc nhiều tín ngưỡng và truyền thống khác nhau, đang tụ họp tại chỗ này, nơi diễn ra cuộc khủng bố và đau khổ không tả xiết. Chúng con xin Chúa nhân lành thương ban ánh sáng và an nghỉ ngàn thu cho những người đã chết tại đây, những người đã cấp tốc đến cứu trợ: những nhân viên cứu hỏa, an ninh, chính quyền, và những nạn nhân vô tội của thảm hoạ này chỉ vì công tác hoặc việc làm mà họ đến đây vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Chúng con xin lòng Chúa thương xót hãy đem ơn chữa lành cho những người, vì có mặt tại đây vào ngày hôm đó mà chịu thương tích và bệnh tật. Xin Chúa cũng thương chữa lành sự đau khổ của những gia đình mang tang tóc, và tất cả những người đã mất kẻ thân yêu trong tai họa này. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh đế tiếp tục cuộc sống với lòng can đảm và hy vọng. Chúng con cũng nhớ đến những kẻ phải đau khổ vì cái chết, vì thương tích và vì mất mát vào cùng ngày ở Toà ngũ giác và tại Shanksville, Pennsylvannia. Trái tim của chúng con cùng hợp với trái tim của họ khi mà lời cầu nguyện của chúng con muốn ôm ấp những đau khổ và sầu muộn của họ.

Lạy Chúa của hoà bình, xin mang laị hoà bình cho thế giới bị xáo trộn của chúng con: xin ban hoà binh trong tâm hồn của hết mọi người, hoà bình giữa các dân tộc trên thế giới, Xin hãy dẫn về con đường của tình thương những con người mà tâm hồn và đầu óc đã bị hận thù chiếm đoạt.

Lạy Chúa của sự hiểu biết, chúng con là những kẻ bị ngộp bởi thảm cảnh này, chúng con đi tìm ánh sáng và sự dìu dắt của Chúa khi phải đối diện với những sự cố kinh hoàng, Xin ban cho những người đã thoát chết hãy sống như thế nào để cho những mạng sống đã bị mất tại đây không trở thành vô ích. Xin hãy nâng đỡ và an ủi chúng con trong niềm hy vọng, xin cho chúng con được khôn ngoan và can đảm để nỗ lực kiến tạo một thế giới nơi mà hoà bình và tình yêu đích thực ngự trị giữa các quốc gia và trong tâm hồn của hết mọi người.

Chúng tôi sẽ tường thuật chi tiết những biến cố này trong buổi phát ngày mai. Bây giờ chúng tôi xin kính mời quý vị trở lại với sinh hoạt của Đức Thánh Cha vào thứ bảy vừa qua. Vào buổi sáng, tại nhà thờ chánh toà, ngài đã chủ sự thánh lễ dành cho các linh mục và tu sĩ nam nữ. Vào buổi chiều, tại chủng viện thánh Giuse, đã diễn ra một cuộc gặp gỡ với các chủng sinh và các bạn trẻ, với bầu khí nhộn nhịp không khác gì Đại hội giới trẻ. Chúng tôi muốn dừng lại cách riêng ở bài nói chuyện này.

Đại chủng viện thánh Giuse được khánh thành từ năm 1896, và có khả năng tiếp đón 160 sinh viên từ nhiều giáo phận. Trước tiên, Đức Bênêđictô XVI đi vào viếng nhà nguyện, và tại đây ngài đã dành một tiếp kiến cho 56 thiếu nhi khuyết tật, trong khoảng tuổi từ 3 đến 18. Những người hiện diện bị xúc động vì những cử chỉ hơn là các lời nói, khi thấy ngài đến vuốt ve, chúc lành cho các em, hoặc an ủi các phụ huynh của các em. Các em đã tặng Đức Thánh Cha một bức tranh do các em đã vẽ, cùng với những lời vắn tắt:

“Thưa Đức Thánh Cha, xin cám ơn cha vì đã dành cho chúng con một khoảng thời giờ khi đến New York. Cha đã thúc đẩy chúng con yêu mến Chúa Giêsu hơn nữa. Mong rằng sự có mặt của Cha sẽ nhắc nhở cho hết mọi người rằng sự sống con người rất là quý giá và thánh thiêng, kể cả khi gặp thử thách”.

pope_yonkers_0419.jpg

ĐGH Benedictô và ĐHY Edward Egan đang nghe phần trình bày của ca đoàn gồm 16 người điếc

Một chi tiết đáng ghi nhận là những bài hát mừng vị Cha Chung do một ca đoàn gồm 16 người điếc thuộc giáo xứ thánh nữ Elizabeth Hungari. Đây là điểm được nêu bật trong bài đáp từ, nghĩa là mỗi người được Chúa ban nhiều ân huệ khác nhau, trong đó ân huệ quý giá nhất là sự sống: chính sự khó khăn của cuộc sống của họ đã mang lại niềm hy vọng cho tha nhân. ĐTC đã xin các em hãy dâng những đau khổ để cầu nguyện cho Ngài, cho thế giới, cho những người chưa biết Chúa.

Kế đó ngài đã ra sân vận động của chủng viện, nơi mà 25 ngàn bạn trẻ đang tụ họp và đón tiếp với bài ca mừng sinh nhật 82 tuổi cũng như ba năm đắc cử giáo hoàng. Nội dung của bài nói chuyện là niềm hy vọng của người Kitô hữu, dựa theo lời khuyến của thánh Phêrô tông đồ “anh em hãy sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng mang trong mình” (1 Pr 3,15).

Mở đầu, ĐTC đã trưng dẫn tấm gương của các vị thánh của Hoa kỳ, họ đến từ những xứ khác nhau, và họ đã đến đất này để phục vụ Thiên Chúa, và những anh chị em của mình. Những tấm gương cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa cuả thế hệ ngày nay, cũng đang đi tìm ý nghĩa cuộc đời, giữa bao nhiêu hoang mang, vì không biết đâu là con đường đưa tới hạnh phúc đích thực.

Ngài cũng kể lại kinh nghiệm đen tối của bản thân khi còn là thanh niên, sống dưới một chế độ độc tài cho rằng mình mang giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Họ đã kiểm soát các trường học, các cơ quan hành chính, và thậm chí len vào cả lãnh vực tôn giáo. Chủ nghĩa đã cho Thiên Chúa vào sổ đen, và như vậy đã không cho biết bao người được đi tìm hiểu điều gì là chân chính và tốt lành. Trong thời gian đó, đã có nhiều người đã sang Hoa kỳ lánh nạn. Tạ ơn Chúa vì những ngày đen tối ấy đã qua đi, sự dữ tuy có lúc thắng thế những đã bị lật đổ. Và đây chính là niềm xác tín mang lại niềm hy vọng cho các tín hữu, tin rằng cuối cùng sự thiện sẽ thắng, như phụng vụ nhắc nhở chúng ta trong lễ Phục sinh.

Tuy nhiên, ĐTC nói tiếp, ngày hôm nay lực lượng của đen tối và đàn áp vẫn còn ngự trị ở nhiều nơi. Truớc hết, nó nằm ngay trong chính trái tim của con người, khiến cho biết bao nhiêu giấc mơ và ước muốn của các bạn trẻ bị tan vỡ. Đó là trường hợp của những người bị tàn phá bởi ma tuý, hoặc những kẻ bị dày vò vì thiếu nhà cửa, vì cảnh túng thiếu, vì nạn kỳ thị màu da, vì baọ lực, vì sa đoạ. Tuy những cảnh tượng này xuất phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nói chung, tất cả đều chung ở chỗ là con tim bị nhiễm độc bởi tâm trạng đối xử tha nhân như đồ vật, gây ra trái tim chai cứng, không còn biết tôn trọng phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người. Những hoàn cảnh này kêu gọi chúng ta hãy chìa tay ra để giúp cho họ tìm lại con đường của hy vọng và lương thiện.

Vùng đen tối thứ hai chi phối trí tuệ, và lắm lần gây ra tai hại mà chúng ta không lương được: đó khi sự thật bị bóp méo, khiến cho nhận thức và ước nguyện bị lệnh lạc. Điều này xảy ra khi mà người ta đề cao tự do, nhưng không cần đếm xỉa đến chân lý. Nhiều người tranh đấu cho tự do cho cá nhân, nhưng họ nghĩ rằng không cần biết đến chân lý kể cả chân lý về điều gì là tốt. Tại nhiều nơi, ra như bàn đến chân lý có nghĩa là gây ra tranh cãi, vì thế nên dẹp qua một bên. Nhiều người cho rằng thay vì chân lý, nên chấp nhận tất cả, và có như vậy thì lương tâm mới được giải thoát. Nhưng thử hỏi: tự do còn có giá trị gì, một khi mà nó không còn theo đuổi chân lý ? Từ đó biết bao bạn trẻ bị dẫn vào đường nghiện ngập, không còn biết tôn trọng phẩm giá của mình hay của tha nhân. Sự thật không phải là cái gì áp đặt, cũng không phải là một mớ những quy luật, nhưng là khám phá ra một kẻ không bao giờ lường gạt chúng ta. Chân lý là một người, đức Giêsu Kitô.

Nhắc lại khuôn mặt của vài vị thánh nhân Hoa kỳ, ĐTC nhắc nhở rằng các ngài là chứng nhân cho niềm hy vọng, có khả năng giải thoát những người khác khỏi cảnh tối tăm của con tim và tinh thần. Kể cả khi bị cám dỗ muốn đóng kín mình lại, chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của các thánh để lấy sức mạnh.

Lắm lần chúng ta bị coi là những kẻ chỉ biết nói đến những điều cấm đoán. Điều đó không đúng tí nào. Một người môn đệ chân chính của đức Kitô là một kẻ biết trầm trồ ngạc nhiên. Chúng ta đứng trước một Thiên Chúa mà chúng ta biết và yêu mến như là người bạn, đứng trước cảnh mênh mông của vũ trụ và trước vẻ đẹp của niềm tin Kitô giáo. Tấm gương của các vị thánh mời gọi chúng ta hãy nhìn đến bốn khía cạnh cốt yếu của gia sản đức tin: cầu nguyện riêng tư (thinh lặng), cầu nguyện phụng vụ, đức ái thực hành, ơn gọi.

Sự cầu nguyện nuôi dưỡng mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Sự cầu nguyện mở rộng tâm hồn chúng ta đến Thiên Chúa và tha nhân, và như các thánh cho thấy, sự cầu nguyện trở thành động lực cho hy vọng. Một khía cạnh quan trọng của cầu nguyện là thinh lặng để lắng nghe Thiên Chúa thỏ thẻ trong ta.

Bài nói chuyện kết luận với vài suy tư về ơn kêu gọi, dành cho các chủng sinh. ĐTC đã cám ơn các phụ huỵnh và khuyên nhủ các chủng sinh hãy tránh những cơn cám dố muốn biểu dương, tìm chức vị; trái lại, các chủng sinh hãy tìm một nếp sống thực sự mang tính bác ái, khiết tịnh và khiêm nhường, bắt chước Chúa Kitô. Nhìn lên gương các thánh, chúng ta hãy biết lắng nghe tiếng Chúa thỏ thẻ trong tâm hồn, và hãy vui vẻ đáp lại lời mời của Chúa, để lên đườn mang niềm hy vọng cho thế giới.

Bình Hòa, 20/04/2008

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/dtc-gap-cac-ban-tre-o-chung-vien-thanh-giuse-tai-new-york/