Trích từ Dân Chúa

Đón nhận sức mạnh của Thánh Thần

Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – C
Cv 2: 1-11; Tv. 104; Rm 8: 8-17; Ga 20: 19-23

Tôi thực sự thắc mắc không hiểu nổi lần đầu tiên các môn đệ lãnh nhận Thánh Thần thì như thế nào? Và những bài đọc Sách thánh hôm nay dường như cũng không thể giải quyết cho thắc mắc này của tôi. Không biết có giống như thánh Luca mô tả trong sách Công vụ Tông đồ, khi các môn đệ “tề tựu ở một nơi” thì có tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào trong nhà và có hình giống như lưỡi lửa đậu xuống trên mỗi người? Hay việc đó xảy ra như thánh Gioan mô tả, đức Giêsu vào trong nhà dù các cửa đều đóng kín, và nói với các ông: “Bình an cho anh em,” nói rồi Người thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông? Tại sao một biến cố quan trọng như việc trao ban sự sống, ân huệ đức tin nền tảng của Thánh Thần lại được mô tả khác nhau vậy?

Việc Thánh Thần ngự xuống thì chẳng gây ngạc nhiên gì cho những ai đã quen với văn phong Kinh thánh. Từ “thần khí” trong tiếng Hippri là “ruah,” nghĩa là gió, hơi thở hay sự chuyển động của không khí, xuất hiện hơn 90 lần trong bản văn Kinh thánh bằng tiếng Hippri. Đó là nguyên lý của sự sống và sức mạnh và qua Thánh Thần, Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh và ý chí của Ngài. Ngay phần đầu của sách Sáng thế, nhờ “Thần Khí của Chúa,” bao phủ trên cái hỗn mang và trên mặt nước, mà Thiên Chúa bắt đầu công cuộc sáng tạo.

Trong bản văn bằng tiếng Hippri, Thần Khí chỉ được ban cho trong một giai đoạn (Kn 15,16). Những ai được ban cho Thần Khí thì cũng được phú cho một ân huệ đặc biệt để hoàn thành những mục đích của Thiên Chúa. Chẳng hạn như, Salomôn được ban cho Thần Khí đức khôn ngoan (Kn7,7). Những nhà lãnh đạo Israen được Thần Khí của Thiên Chúa làm cho nên mạnh mẽ, và các ngôn sứ, được tràn đầy Thần Khí để nói nhân danh Thiên Chúa (Is 61,1 và Lc 4,18)

Tân Ước chỉ ra một sự liên tục của một Thần Khí đã hiển lộ trước đây. Từ Hylạp để chỉ Thần Khí là “pneuma” và có cùng nghĩa với từ “ruah” trong tiếng Hippri. Tin mừng Luca và Sách Công vụ Tông đồ chú trọng đến công việc của Thần Khí. Thần Khí là sợi chỉ dệt nên hai công trình của Ngài. Ở cuối Tin mừng, Đức Giêsu ra lệnh cho các Tông đồ và họ phải ở lại Giêrusalem cho đến khi nhận được “điều Cha đã hứa” (Lc 24,49).

Thánh Luca xác định rõ Lễ Hiện Xuống là ngày Thánh Thần được ban. Lúc ban đầu, đó là ngày lễ tạ ơn, rồi sau đó nó được liên hệ tới việc ban tặng lề luật tại núi Sinai (Đnl 16,9-21). Vào ngày Lễ Hiện Xuống, cộng đoàn sa mạc ở Qumran đón nhận thêm những thành viên mới, những người tuyên xưng lòng khao khát được trở thành một dân trong giao ước với Thiên Chúa. Thánh Luca đặt ân huệ của Thánh Thần vào ngày lễ tạ ơn truyền thống, hình thức luân lý, một sự dấn thân và hiến dâng mới mẻ.

Thánh Thần của Thiên Chúa đã ở với dân Israen khi họ vượt qua sa mạc và chiến đấu chống lại dân ngoại để tiến về đất hứa. Khởi đầu với phép rửa của Người, Thánh Thần đã ban sức mạnh và gìn giữ đức Giêsu qua cơn cám dỗ trong hoang địa, trong sứ vụ, sự khổ nạn, chết và phục sinh. Cũng chính Thánh Thần đó giờ đây được ban cho cộng đoàn. Hôm nay, chúng ta chứng kiến hoa trái đầu tiên của Thánh Thần khi các môn đệ bước ra khỏi nơi ẩn trốn để rao giảng cho đám đông với các thứ tiếng khác nhau. Sách Tông đồ Công Vụ sẽ cho thấy làm thế nào mà Giáo hội tiên khởi đã chuyển từ một cộng đoàn nhỏ những môn đệ người Do Thái đi theo Đức Giêsu trở thành một cộng đoàn Kitô hữu diễn tả tình yêu, bình an, tha thứ và chữa lành của Người cho thế giới.

Vì thế, nếu như tôi dẹp những khuynh hướng của mình qua một bên để sắp xếp và dành thời gian cho lễ Hiện Xuống này, lắng nghe những gì thánh Luca dạy bảo, thì tôi lắng nghe và học được những điều sau. Đức tin của chúng ta không giống như những kho tàng đem cất giấu và xem như một vật gia truyền dễ vỡ. Ngược lại, chúng ta có cuộc sống sinh động, tràn trề phấn khởi và bùng cháy của Thiên Chúa khi chúng ta họp nhau cầu nguyện và ý thức làm thế nào chúng ta là giáo hội trong thế giới này.

Chúng ta đối điện với một thế giới không niềm tin, yếm thế, mộng tưởng, và suy yếu đạo đức. Chúng ta vẫn bình thản và “giữ đức tin”, hoặc chúng ta có thể làm như những gì thánh Luca mô tả trong cộng đoàn tiên khởi: tự tin bước ra thế giới bên ngoài và nói với đám đông đang hoang mang mà chúng ta bắt gặp. Chúng ta biết những hạn chế của mình và có thể đoán xem, như chúng ta nghĩ, làm sao mà chúng ta có thế thất bại trong việc làm chứng cho niềm tin mà Thánh Thần mời gọi chúng ta. Chúng ta không biết chắc mình sẽ được sai đến nơi đâu, nhưng kết quả gặt hái này cho chúng ta xác tín rằng có sự sáng tạo và ân sủng tuôn trào của Thiên Chúa ở với chúng ta. Thánh Luca mô tả đó như là cơn gió mạnh và như ngọn lửa. Nếu chúng ta có thể tin tưởng thánh Luca, thì điều đó khiến chúng ta can đảm khi chúng ta bị chất vấn về niềm tin của mình, hay khi chúng ta được mời gọi để diễn tả lòng tin ra bên ngoài bằng hành động cụ thể.

Nếu chúng ta không thể gim chặt hay đóng hộp Thánh Thần được, thì làm sao chúng ta có thể mong có được sự mô tả ngắn gọn và thích hợp về ơn Thánh Thần mà đức Giêsu dành cho các môn đệ của Người. Giờ đây chúng ta nói đến sự biểu tỏ liên tục của ân sủng Chúa Thánh Thần.

Tin mừng Gioan bắt đầu với mạc khải cho Gioan Tẩy Giả về một đấng, “trên người ấy ngươi sẽ thấy Thánh Thần ngự xuống và ở lại…” (1,33). Đến cuối Tin mừng, vào đêm Phục Sinh, thánh Gioan nói cho chúng ta làm thế nào Đức Kitô phục sinh thổi hơi trên các môn đệ và ban cho họ Thần Khí. Những câu chuyện liên quan trong Tin mừng Gioan cũng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa về Thánh Thần. Ví dụ, trong câu chuyện Đức Giêsu gặp gỡ người đàn bà Samaria, đức Giêsu mô tả Thánh Thần như “nước hằng sống” làm vọt lên trong mỗi người ân sủng của đời sống vĩnh cửu. Sau đó, trong suốt bữa Tiệc Ly, đức Giêsu hứa ban Thần Khí đến 4 lần. Người dùng từ Hylạp “parakletos” để mô tả Thần Khí, từ này mang nghĩa là an ủi và bào chữa.

Thánh Gioan nối kết sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của đức Giêsu trong một khoảnh khắc mà ngài gọi là “Giờ.” Vì thế, khi đức Giêsu thổi Thần Khí sáng tạo của Người trên các môn đệ vào chiều ngày Phục Sinh và chỉ thị họ đi giải tội cho tội nhân, biến cố này không bị tách khỏi “giờ”; vinh quang đi liền với đau khổ. Thông điệp tha thứ mãi mãi của cộng đoàn, được Thần Khí của chúa Giêsu hỗ trợ không phải là mất giá trong cộng đoàn – hy sinh cá nhân chỉ có thể đến vì một sự đối nghịch của một thế giới không thứ tha.

Khi ngừng thở là chúng ta chết. Thần Khí của đức Giêsu ở với cộng đoàn cùa Người như hơi thở của cộng đoàn. Người sẽ không hủy bỏ quà tặng của hơi thở trao ban sự sống của Người. Giống như Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam để làm cho ông “sinh động”, vào Lễ Hiện Xuống cũng chính Thần Khí đó sinh ra một cộng đoàn sinh động và tha thứ. Giờ đây, nguồn mạch sự sống mới của Thần Khí giúp chúng ta tiếp tục sứ vụ yêu thương và tha thứ của đức Giêsu.

Nhiều năm sau khi Tin mừng này được viết, Giáo hội sử dụng bản văn này như một nguồn liệu nói về Bí tích Hòa giải. Nhưng những Kitô hữu tiên khởi có lẽ đã dùng đoạn văn này cho Bí tích Rửa tội: những người dự tòng chấp nhận thì được rửa tội. Những ai không đón nhận Tin mừng thì không được nhận phép Rửa tội.

Như chúng ta trân trọng đặc quyền của thánh Luca tường thuật biến cố Hiện Xuống trong Tin mừng của ngài và thông điệp mà ngài muốn chuyển cho giáo hội của ngài, chúng ta cũng để cho thánh Gioan kể lại câu chuyện này với cách của riêng ngài cho những nhu cầu cụ thể của cộng đoàn của ngài. Đức Giêsu không còn hiện diện thể lý với chúng ta, nhưng Người cũng không rút lên một ngọn núi xa xôi nào đó trong vũ trụ này để chờ ngày trở lại với chúng ta. Cả hai trình thuật nói với chúng ta rằng hôm nay đức Giêsu vẫn hiện diện với chúng ta cách tròn đầy vì Thần Khí của Người đang ở giữa chúng ta – như những cá nhân hay cộng đoàn Hội thánh.

Trong suốt những lần khủng hoảng trầm trọng đối với Giáo hội của chúng ta, chúng ta tin tưởng và hy vọng Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta trong sự thật và dạy chúng ta ý nghĩa của Giáo hội Chúa Kitô. Hôm nay, chúng ta xin Thánh Thần ban cho chúng ta ơn sủng của lòng tha thứ - không phải cho những người khác nhưng là cho chúng ta, cho Giáo hội và những nhà lãnh đạo của chúng ta.

Lễ Hiện Xuống này, chúng ta xin đức Giêsu thổi Thánh Thần của sự tha thứ trên chúng ta. Chúng ta nài xin Thánh Thần chữa lành cho những người vô tội đã bị xúc phạm. Chúng ta nài xin Thiên Chúa thực hiện những gì Ngài đã làm thuở ban đầu – tạo nên chúng ta từ đất sét dễ vỡ thành con người mới và sống động, hội thánh của Chúa Giêsu Kitô, thở bằng sức mạnh của Thần Khí của Người và, bằng chính hành động tha thứ của chúng ta, trao ban cũng một Thần Khí tha thứ đó trên những ai cần.

Chúng ta phải tin tưởng rằng trong ngày Lễ Ngũ Tuần đức Giêsu sẽ thổi trên chúng ta một sự đổi mới, vì những ngày này chúng ta giống như những vận động viên chạy đường dài đang thở hổn hển. Ai biết được chúng ta còn phải chạy bao xa nữa? Chúng ta cần Thần Khí để hoàn tất hành trình của mình.

Lm Jude Siciliano, OP
Anh Em Học Viện Đaminh chuyển ngữ

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/don-nhan-suc-manh-cua-thanh-than/