Trích từ Dân Chúa

Dậy Mà Ði, Hỡi Ðồng Bào Ơi!

Lm Giuse Đỗ Vân Lực, OP

(Mt 16:21-27)

Khắp nơi dồn dập tin tức về những cuộc bách hại Kitô hữu. Con đường theo Chúa từ Trung hoa tới Việt Nam, vòng qua Ấn độ, xuống Indonesia đều có máu đổ ra. Mới đây, một nhóm Ấn giáo quá khích đã thiêu sống một nữ tu Công giáo tại khu phố Bargarh (Orissa) bên Ấn độ sau khi tràn ngập một cô nhi viện do Nữ tu điều hành. Một linh mục tại đó cũng bị trọng thương và đang được chữa trị tại bệnh viện vì nhiều vết phỏng. Bạo lực chống lại Kitô hữu ngày càng nhiều. Ðám đông Ấn giáo quá khích vừa tấn công nhiều nhà thờ, cộng đoàn và các trung tâm mục vụ, các tu viện và cô nhi viện, vừa la ó : “Giết các Kitô hữu, phá hủy các cơ sở của chúng đi.”[1]

Bên Trung quốc, một giám mục bị bắt ngay trong ngày bế mạc Olympics 2008. Tháng 07 vừa qua, một linh mục đã bị bắt cóc và đánh đập tàn nhẫn tại Indonesia.

Con đường theo Chúa lắm chông gai. Ngay tại Hà Nội, giáo dân xứ Thái Hà đã bị đàn áp dã man bằng dùi cui và roi điện. Máu đã đổ ra để tranh đấu cho công lý trở lại quê hương. Bất cứ Kitô hữu nào đang hy sinh đều nghe thấy tiếng Chúa Kitô : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16:24) Ðòi hỏi đó có thực hiện được không ? Nếu được, lấy gì bù lại những hy sinh lớn lao hiện nay ?

THEO CHÚA

Sau khi tuyên xưng Chúa Giêsu là “Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống,” (Mt 16:16) ông Phêrô vô cùng phấn khởi vì được Thày cho biết đó là mạc khải của Thiên Chúa, chứ không phải của phàm nhân. Nguồn gốc chân lý đó, ông đã nắm rõ. Nhưng ý nghĩa và chiều hướng tương lai liệu ông có khám phá hết không ?

Nếu ông đã thấy hết ý nghĩa của sứ mệnh Thiên sai, ông đâu có ngăn cản Thày lên Giêrusalem chịu nhiều đau khổ và đi vào cõi chết. Phản ứng đó cứ tưởng như một sự khôn ngoan, do lòng quan tâm đặc biệt dành cho Thày. Ai ngờ đó chỉ là những suy tính trần tục. Cả ngay sau khi Chúa Phục sinh, các tông đồ vẫn còn nuôi ảo mộng : “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en.” (Lc 24:21) Hy vọng Con Người sẽ phục hồi vương quốc Israel ! Hy vọng Con Người sẽ cứu dân tội lỗi một cách oai hùng và hiển hách ! Hy vọng Con Người sẽ lên ngôi và quân thù sẽ tan tác ! Phù hoa trên mọi phù hoa ! Ðó chỉ là những tham vọng phàm tục ! Những tư tưởng đó “không phải của Thiên Chúa, nhưng của loài người.” (Mt 16:23)

Là phàm nhân, ông Phêrô không thể chấp nhận chiều cạnh bi thảm của sứ mệnh Con Người. Nhưng đó lại là mầu nhiệm thiên sai. Mầu nhiệm đó không những bao trùm con người Ðức Giêsu, nhưng cả môn đệ nữa. Ông không thể tưởng tượng đau khổ lại trở thành con đường theo Chúa ! Ông đã chống việc Chúa Giêsu lên đường Giêrusalem để chịu đau khổ và chết. Việc này không nằm trong dự phóng của ông. Nếu thành thực với chính mình, chúng ta cũng phải nhận mình đứng về phe ông Phêrô, khi đau khổ đến trong cuộc đời chúng ta. Dù đã chịu thanh tẩy trong mầu nhiệm Vượt Qua – trong cái chết và trỗi dậy của Chúa Giêsu, khi gặp đau khổ, chúng ta vẫn hỏi Chúa : “Tại sao lại là con, mà không phải người khác ?” Chúng ta không mong bị đuổi việc. Chúng ta không dự định có triệu chứng mắc bệnh ung thư. Chúng ta không tin chương trình sống bị chặn ngang. Chúng ta tưởng Thiên Chúa hay cuộc đời đầy bất công.

Các môn đệ Chúa cũng đã trải qua những cuộc khủng hoảng tương tự. Hiện tại, các môn đệ không thể nhanh chóng hiểu ngay con đường cứu độ của Thiên Chúa. Tốc độ con người không thể bắt kịp với tốc độ Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa đã phải kiên nhẫn giáo dục qua Luật lệ, ngôn sứ và Thánh Kinh để chuẩn bị mạc khải đường lối Thiên Chúa. Ðể có thể hoàn thành mạc khải, chắc chắn Chúa phải thanh tẩy niềm tin Thiên sai thế tục của họ. Sau khi Chúa Phục sinh, Thánh Linh sẽ hướng dẫn họ vào thẳng con đường loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Có chấp nhận toàn bộ sứ mệnh và thân phận của Thày, môn đệ mới dễ dàng tìm được bình an khi gặp những trở ngại trên bước đường theo Chúa. Không quen với những từ bỏ hằng ngày, từ bỏ những dự phóng, chủ quyền, hạnh phúc, danh tiếng, của cải, không thể theo Chúa.

Sự từ bỏ như thế quả là một mất mát rất lớn trong cuộc đời. Nếu chỉ có đời này mà thôi, Chúa thật bất công khi đòi hỏi quá quắt như thế. Nhưng nếu Chúa là Ðấng vô cùng công bình, làm sao Chúa lại tạo ra môt cảnh ngộ đầy phi lý và mâu thuẫn như thế ? Cần có con mắt đức tin, mới nhìn thấy những gì đã từ bỏ sẽ được đền bù sung mãn và dồi dào. Những hứa hẹn thời cánh chung giúp các tín hữu vững tâm sống cuộc đời từ bỏ. Sống là hy sinh, hy sinh tới nỗi phải chịu đau khổ và sỉ nhục vì danh Chúa. Các giá trị Kitô giáo trái ngược với những giá trị trần thế. Trần gian lo thu tích của cải, thanh danh và địa vị. Ngược lại, Kitô giáo nhấn mạnh đến những giá trị đích thực lâu dài như chân lý, tình yêu, khiêm tốn, thanh sạch và phục vụ.

Ðó là đường lối tốt đẹp để trở nên môn đệ Chúa Kitô. Muốn trở nên Kitô hữu hay canh tân lời hứa Kitô giáo, phải có một tinh thần mới – một lối nhìn đời mới với con mắt của chính Chúa Giêsu. Nhờ đó, chúng ta có thể thể hiện tất cả tiềm năng làm người. Ðó là chìa khóa mở vào cuộc sống hoàn toàn sung mãn. Khi tranh đấu cho công lý, chắc chắn chúng ta đang bước theo Chúa Kitô để xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian. Chúng ta sẽ được Chúa đền bù xứng đáng khi “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người.” (Mt 16:27)

NGÔN SỨ TAY TRẮNG

Chỉ những ai theo Chúa Kitô mới có thể xây dựng “Vương quốc đầy chân lý và sự sống, thánh thiêng và ân sủng, công lý, tình thương và bình an mà Chúa Kitô sẽ trình lên Chúa Cha.”[2] Chính trong Vương quốc này, môn đệ Chúa Kitô sẽ tìm lại được tất cả mất.

Giữa lúc thế giới đang tin tưởng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, Giáo Hội lại đưa ra cái nhìn khác hẳn : “Thế giới hiện đại cũng cần chứng từ của các ngôn sứ không có vũ khí trong tay. Họ thường là những đối tượng cho miệng đời chê bai. Những ai từ bỏ bạo lực và đổ máu, và để bảo đảm nhân quyền, họ lợi dụng những phương tiện hiệu lực phòng vệ những người yếu đuối nhất, làm chứng cho bác ái tin mừng, miễn là khi hành động như thế họ không làm hại đến những quyền lợi và bổn phận của những con người hay xã hội khác. Họ làm chứng cho mọi người thấy những nguy cơ nghiêm trọng về mặt vật chất cũng như tinh thần nơi những ai chỉ dựa vào bạo lực với tất cả sức tàn phá và hủy diệt hoàn toàn.”[3]

Cái nhìn của Giáo Hội Công giáo phù hợp với đường lối bất bạo động của nhiều tôn giáo. Mục đích chỉ để giành lại công lý cho con người và xây dựng một nền văn hóa mới cho xã hội. Cái nhìn đó phát xuất từ “niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Ðấng tự xưng là ‘con đường, sự thật và sự sống.’ (Ga 14:6) Niềm tin ấy thúc đẩy các Kitô hữu đi đến một quyết tâm vững chắc và mới mẻ để xây dựng một nền văn hóa xã hội và chính trị do Tin Mừng gợi hứng.”[4] Như vậy, một Kitô hữu chân chính không thể đứng ngoài cuộc, nhưng phải dấn thân với mọi người xây dựng một xã hội văn minh đầy tình thương.

Công cuộc xây dựng đó không đặt nền tảng trên niềm hy vọng thiên sai trần thế. Chính “Chúa Giêsu, vị Thiên Sai được Thiên Chúa hứa, đã chống lại và vượt qua cơn cám dỗ thiên sai theo kiểu chính trị muốn chinh phục các dân nước (x. Mt 4:8-11; Lc 4:5-8). Chúa là Con Người đến ‘phục vụ và hiến mạng sống’ (Mc 10:45; x. Mt 20:24-28; Lc 22:24-27)”[5] để xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian. Người đã hoàn thánh sứ mệnh theo đúng ý Thiên Chúa.

Ðể thực hiện công trình lớn lao đó, “Chúa Giêsu khước từ quyền lực đàn áp và chuyên chính do các nhà cai trị các quốc gia nắm giữ (x Mc 10:42). Người bác bỏ thái độ tự phụ khi họ tự cho mình là ân nhân (x. Lc 22:25), nhưng Người không trực tiếp chống lại các nhà cầm quyền đương thời. Khi công bố về việc nộp thuế cho Xêda (x. Mc 12:13-17; Mt 22:15-22; Lc 20:20-26), Chúa quả quyết chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa. Mặc nhiên Người lên án mọi nỗ lực thần thánh hóa hay tuyệt đối hóa quyền lực trần thế : chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đòi con người phải hy sinh tất cả. Ðồng thời, quyền lực trần thế có quyền riêng : Chúa Giêsu không coi là bất công khi phải đóng thuế cho Xêda.”[6] Nếu thế quyền biết rõ giới hạn của mình, mọi vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa. Khi chấp nhận quyền bính trần thế, Kitô hữu còn nhìn thấy quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa trên toàn thể vũ trụ và nhân loại.

Nhưng không tin Thiên Chúa, làm sao thế quyền có thể nhìn thấy giới hạn của mình. “Khi vượt qua giới hạn Thiên Chúa ấn định, quyền bính nhân loại tự biến mình thành Chúa và đòi hỏi mọi người phải vâng phục tuyệt đối. Quyền bính đó trở thành Con Thú trong Sách Khải Huyền, một hình ảnh về quyền lực của đế vương bách hại vì ‘say máu dân thánh và máu các chứng nhân của Đức Giê-su.’ (Kh 17:6) Con Thú được ‘ngôn sứ giả’ (Kh 19:20) phục dịch. Ngôn sứ giả này đưa ra những dấu chỉ dối trá, chủ ý lôi cuốn dân chúng thờ lạy Con Thú. Cái nhìn này là một dấu chỉ về những con rắn đã được Satan dùng để thống trị con người, dùng mưu mẹo luồn lách vào tinh thần con người. Nhưng khi đi vào lịch sử nhân loại, Chúa Kitô, Con Chiên Bách Thắng, đã chinh phục mọi quyền lực muốn biến mình thành tuyệt đối. Thánh Gioan cho thấy các vị tử đạo đã kháng cự lại quyền lực đó. Theo lối đó, các tín hữu làm chứng rằng quyền lực thối nát và quỷ quyệt đang bị đánh bại, vì nó không còn quyền hành nào trên họ.”[7]

Thật là ngoài sức tưởng tượng của mọi thế quyền. Bên ngoài có vẻ chiến thắng, nhưng thực tế là chiến bại. Kẻ nắm quyền lực sẽ nếm mùi cay đắng cùng cực, trong khi môn đệ Chúa Kitô reo vang toàn thắng. Ðó là phần thưởng lớn lao cho những ai cương quyết theo Chúa Kitô hôm nay.

BÁO ÐỘNG ÐỎ

Chính khi muốn xác định quyền bính vô giới hạn của mình trên các Kitô hữu, thế quyền mới thấy rõ đường ranh quá nghiệt ngã đang vây chặt lấy mình. Liệu thế quyền có mở mắt nhìn ra sức mạnh của Chúa Kitô nơi các môn đệ Người không ? Nếu nhận ra, họ đâu có say máu các môn đệ Chúa như vậy.

80828thaiha33.jpg 80828thaiha34.jpg


Chính quyền được lợi gì khi tỏ ra uy quyền như thế ?

Phải chăng họ muốn chiến thắng công lý bằng vũ lực ?

Trong cơn say máu, Con Thú bắt đầu lồng lộn trước sức can trường của giáo dân Thái Hà. “Hôm 28/08/2008, khoảng 300 người đã tập hợp trước trụ sở Công an quận Đống Đa, Hà Nội, để cầu nguyện đòi trả tự do cho bốn người bị bắt trong vụ tranh chấp đất đai ở giáo xứ Thái Hà. Đến buổi tối, hàng trăm cảnh sát cơ động đến nơi dùng võ lực giải tán gây thương tích cho nhiều người.”[8] Chính quyền lấy tất cả sức mạnh đè bẹp con người. Nhưng liệu họ có thành công không ? Cần phải xem lại diễn tiến chi tiết mới hiểu được tất cả ý chí quật cường của các môn đệ Chúa Kitô.

Một giáo dân thuật lại : “Lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy tận mắt những điều có thể làm để chứng tỏ sự tàn bạo mà loài người có thể thực hiện, khi mà cả chục người thi nhau dẫm đạp, đấm đá, chọc bằng dùi cui điện ngay giữa đường phố đông đúc với một người dân vô tội đang cầu nguyện ôn hòa.

Nhìn những cảnh giáo dân bị xâu xé, bị dồn đuổi đánh đập bằng dùi cui điện, bằng giày đinh giữa phố, tôi cứ tưởng tượng đến những hình ảnh trên quãng trường cổ xưa kia khi hàng loạt giáo dân đã bị xua ra cho các loại thú dữ bị bỏ đói lâu ngày.

Nhưng giáo dân có nhụt chí ? có sợ hãi trước những cảnh đó không? Tôi tin là không. Khi những sự việc đã xảy ra, có mặt ở nhà xứ, kể cả những người bị đánh đập trọng thương đã nói: ‘Không đáng sợ, kể cả phải chết,’ đó có phải là điều làm cho những người cầm quyền phải suy nghĩ chăng?”[9]

Làm sao Con Thú có khả năng suy nghĩ như con người mà đặt vấn đề như thế ? Họ chỉ có hình dáng con người thôi. Thực tế, “Chúa của họ chỉ là cái bụng.” Mọi suy nghĩ và cứu cánh đều bắt đầu từ cái bụng.

Phần chúng ta, “Thiên Chúa chúng ta uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường !” Bước theo Người, chúng ta không sợ bất cứ thế lực nào. “Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì. Thách người đời làm chi tôi được. Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi dám nghênh cả lũ địch thù tôi.”

Tóm lại, đứng trước dòng đời đang lôi cuốn nhân loại, Chúa Kitô lên tiếng kêu gọi con người từ bỏ mọi sự mà theo Người. Tất cả thắc mắc về những đau khổ hôm nay sẽ tìm thấy câu trả lời nơi vinh quang Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con can đảm bước theo tiếng Chúa mời gọi. Xin Chúa thêm sức mạnh Thần Khí cho anh chị em giáo xứ Thái Hà trong cuộc tranh đấu cho công lý để Nước Chúa sớm ngự đến trên quê hương chúng con. Amen.

[1] http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=13056&size=A
[2] Ibid., 57.
[3] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 496.
[4] Ibid., 555.
[5] Ibid., 379.
[6] Ibid.
[7] Ibid., 382.
[8] http://www.rfi.fr/actuvi/articles/104/article_841.asp
[9] http://www.vietcatholic.net/News/Html/57835.htm

31.08.2008

Lm Đỗ Vân Lực, OP

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/day-ma-di-hoi-dong-bao-oi/