Trích từ Dân Chúa

Dân mới và ngôn ngữ mới

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2010 (chính ngày)

Thời sự của thế giới trong mấy ngày vừa qua nóng lên với 2 sự kiện: Những người anh em Thái Lan đánh nhau chỉ vì chuyện bất đồng trong cung cách điều hành đất nước. Cho dầu không phải là cuộc chiến tranh, nhưng sự kiện “áo đỏ biểu tình” và cuộc giải trừ của quân đội đã để lại một vết hằn rạn nứt giữa lòng dân tộc Thái, một dân tộc vốn hiếu hòa và dễ chấp nhận nhau. Nguyên nhân sâu xa cũng chỉ là sự chia rẽ, đố kỵ, loại trừ, rạn nứt đang khống chế xã hội. Nói cách khác, vì không có chung một ngôn ngữ. Ngôn ngữ của đoàn kết, bao dung, khoan nhượng.

Một sự kiện khác, lại cũng là những người cùng một dân tộc: dân tộc Triều Tiên. Nam Hàn vừa hoàn tất cuộc điều tra và tố cáo Bắc Hàn dùng ngư lối đánh đắm một chiến hạm 1.200 tấn của họ. Và sự cố nầy đã làm cho cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên cùng tuôn ra những giọng điệu sặc mùi chiến tranh, thanh toán, trả đũa lẫn nhau cho tới cùng. Nguyên nhân sâu xa cũng chỉ là sự khác biệt ý thức hệ, khác biệt lập trường chính trị và điều hành đất nước. Nói cách khác, lại cũng là vì không nói chung một ngôn ngữ: ngôn ngữ của tình huynh đệ dân tộc, ngôn ngữ của hiệp thông, bao dung…

Trong đời sống xã hội-chính trị hằng ngày đã xảy ra bao nhiêu những đỗ vở, rạn nứt, chia rẽ hận thù, chiến tranh, đàn áp, giết chóc, bạo lực…cũng vì người ta không có chung một ngôn ngữ: ngôn ngữ của yêu thương, hòa bình, khoan dung, tha thứ.

Ai cũng biết, nhân loại đã có một thời thất bại khi cùng nhau xây tháp Ba-ben. Lý do đơn giản vì “ngôn ngữ bất đồng” và không ai hiểu được tiếng nói của nhau. (St 11, 1-8).

Trước khi xảy ra sự kiện đó, Kinh Thánh đã nói với chúng ta rằng: có một nguyên do đã làm cho con người thay đổi cái ngôn ngữ thuở ban đầu Thiên Chúa đã dạy cho: nguyên do đó chính là tội Lỗi. Chính tội lỗi đã khiến Ađam không còn nhìn nhận Eva như “xương bởi xương mình, thịt bởi thịt mình” để bao che, giúp đỡ, mà sẵn sàng đỗ thừa để khỏi liên hệ dây dưa: “chính người đàn bà…”

Chính tội lỗi đã khiến người anh ruột Cain đã không còn nói với em là Aben bằng ngôn ngữ của huynh đệ tình thâm, nhưng bằng ngôn ngữ của ghen tương, đố kỵ đến nổi ra tay sát hại em ruột giữa cánh đồng.

Và Thiên Chúa lại đã cất công huấn luyện cho con người suốt bao năm tháng để học cách nói với nhau bằng Lời của Thiên Chúa, bằng cái ngôn ngữ mà Ngài đã dạy họ ngay từ thuở ban đầu.

Cuộc giải thoát dân Ít-ra-en khỏi đất nô lệ Ai Cập để dẫn đưa họ trường hành 40 năm về Đất Hứa chẳng phải là một cuộc huấn luyện để họ làm nên một dân, nói cùng một “Lời” trên nền tảng của Giao ước Si-Nai đó sao ?

Và xuyên suốt trong chặng đường lịch sử của dân Ít-ra-en, và qua dân tộc ấy, Thiên Chúa đã liên tục sai các ngôn sứ đến thay Ngài huấn luyện, dạy dỗ, trách phạt và ủi an… để giúp cho họ và qua họ, cho toàn thể nhân loại quy về một mối, nói cùng một Lời, tin cùng mộ Chúa và nuôi giữ cùng một niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai sẽ được sai đến.

Và rồi Con Thiên Chúa đã đến để dạy những bài học cuối cùng: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu chúng con…Người ta cứ dấu nầy….Không có tình yêu nào lớn…”. Và chính Ngài đã hiện thực hóa ngôn ngữ tình yêu đó bằng chính cái chết tũi nhục trên thánh giá để rồi đã sống lại vinh quang.

Trước cửa nhà các Thánh Tông Đồ hôm nay, sách CVTĐ đã mô tả thật chính xác, thật sinh động về cuộc khai trương một “công trình Ba-ben mới” mà tất cả các công nhân trên công trường nầy cho dù muôn phương cách biệt, muôn sắc tộc, màu da…đều có thể nghe và hiểu chung một sứ điệp, một Tin Mừng do các tông đồ loan báo. “…vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11)

Một nhân loại bị phân tách và chia rẽ của tháp Ba-ben ngày xưa giờ đây được Chúa Thánh Thần qui tụ về một mối nhờ hồng ân của nhiệm tích Thánh Tẩy. Từ đây, đoàn Dân Mới nầy sẽ nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của Tin Mừng, ngôn ngữ tình yêu của con cái Thiên Chúa.

Thế nhưng xem ra, sau 2000 năm miệt mài với công trình xây dựng Vương quốc Thiên Chúa, dạy dỗ và quảng bá ngôn ngữ của Tin Mừng của Đức Kitô, xem ra nhân loại chưa đón nhận và thực hiện được bao nhiêu. Người ta cón dành lại cho mình quá nhiều thứ ngôn ngữ ích kỷ, kiêu căng, hẹp hòi và giận ghét.

Đặc biệt, đã không ít lần chính cộng đoàn Hội Thánh lại rơi “hội chứng Ba-Ben”, rơi vào tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” giữa hàng Giáo phẩm với nhau, giữa giáo sĩ và giáo dân hoặc giữa giáo dân của vùng nầy, với giáo dân vùng khác, của bên nầy với bên kia. Đừng nhắc chi đến những cuộc đại phân ly ở giữa lòng Hội Thánh như cuộc ly giáo của thế kỷ 11 giữa hai Giáo Hội Đông-Tây, đến cuộc xé lẻ của anh em Tin Lành rồi Anh Giáo ở thế kỷ 16, mà ở ngay thời đại hôm nay và ngay trong Hội Thánh Việt nam chúng ta, đang tấp nập những bài viết và phát biểu, những phê bình và nhận định…. trên mạng internet phản ảnh một bầu khí rạn nứt, bất hòa, thiếu khoan dung và đầy dẫy thái độ hằn học, kết án.

Dĩ nhiên, đó không là tất cả bộ mặt của Hội Thánh Việt nam, đó không là tất cả nhịp sinh hoạt của cộng đoàn Dân Chúa Con Lạc Cháu Hồng; nhưng qua những biểu hiện văn hóa mang tính quốc tế đó, đã cho thấy “Ngày lễ Ngũ Tuần” lại cần thiết biết bao phải được thể hiện trên mọi miền Giáo hội, trên mọi cộng đoàn Dân Chúa. Tất cả mọi thành phần Hội Thánh cần phải được Ngọn Lửa của Thánh Linh thanh tẩy thường xuyên để tẩy sạch những cáu bẩn của kiêu căng và tự ái, của giã hình và thỏa hiệp, của mị dân và trần tục, của khiếp nhược và bất khoan dung…

Nói cách khác, phải để Chúa Thánh Thần làm nguyên lý sự hợp nhất trong Giáo Hội chứ không phải nhân danh một thế lực, một trào lưu, một ý thức hệ hay một quan điểm, một lập trường nào…; bởi vì mọi đặc sủng và ơn thánh đều bắt đầu từ một Thần Khí, một Chúa là Thiên Chúa duy nhất.

Khẳng định trên đây của thánh Phaolô không phải chỉ mang tính thời sự trong bối cảnh của cộng đoàn Kitô Côrintô đang gặp sự chia rẽ mà phải chăng, đang rất thời sự trong bối cảnh Giáo hội Việt nam. Qua ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, mọi tín hữu phải ý thức trở lại sự hiệp nhất này, sự hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô, Con Người mới, Ađam mới, ông tổ của một nhân loại mới.

Như vậy, lễ Chúa Thánh Thần được cử hành hôm nay là sự nối tiếp tự nhiên và huyền nhiệm Lễ Chúa Thánh Thần cách đây gần 2000 năm nơi Nhà Tiệc Ly của các tông đồ. Và chính vì thế, chúng ta lại tiếp tục “mở tung các cánh cửa” của gia đình, của Giáo xứ, của Giáo hội địa phương, của mỗi cộng đoàn cơ bản, của chính trái tim mình… để đón nhận “7 nguồn mạch Thánh Linh” hầu ra đi làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa, làm chứng sự hiện diện đầy quyền năng và yêu thương của Đức Kitô Phục Sinh.

Tuy nhiên, để nhận lãnh dồi dào hồng ân Chúa Thánh Thần, chúng ta cần có thái độ cuả Đức Trinh Nữ Maria, thái độ biết ngoan ngùy quì xuống và cùng với bao môn sinh của Đức Kitô, tha thiết cầu nguyện đợi chờ Đấng Bảo Trợ ngự đến, để xin Ngài “đổi mới và canh tân bộ mặt trái đất”, để Ngài “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng ta”, để Ngài “tưới gội nơi khô cạn, chữa lành mọi vết thương. Cứng cỏi uốn cho mềm, lạnh lùng xin sưởi ấm, những đường nẻo sai lầm, sửa sang cho ngay thẳng…”. Amen.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/dan-moi-va-ngon-ngu-moi/