Trích từ Dân Chúa

Cửa sổ Đức Chúa Thánh Thần

Lm Đaminh Nguyễn ngọc Long

Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống

Suốt từ hai ngàn năm nay các nhà thờ thường được xây cất quay mặt về hướng Đông, hướng mặt trời mọc với ba cửa sổ kính mầu.

Cấu trúc như vậy muốn nói lên: mặt trời mọc chiếu tỏa có một tia ánh sáng xuyên qua ba cửa sổ vào tận trong lòng nhà thờ.

Cũng vậy Một Chúa có ba ngôi đi vào trần gian như thế: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Giêsu và Đức Chúa Thánh Thần.

Qua cửa sổ Chúa Giêsu có nhiều biến cố xảy ra, nhiều khuôn mặt nổi hiện lên. Ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng ta lấy cửa sổ thứ hai làm biểu hiệu cho Ngài. Lẽ dĩ nhiên cửa sổ Đức Chúa Thánh Thần cũng liên quan mật thiết với cửa sổ Chúa Giêsu. Nhưng dẫu vậy cũng có khác biệt sâu rộng.

Lửa, nước không khí và đất là những biểu hiệu nhìn thấy trong và qua cửa sổ Đức Chúa Thánh Thần.

Kinh Thánh thuật lại, lúc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ “Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước”. Rồi khi tạo dựng nên con người từ bụi đất, Thiên Chúa hà hơi vào họ, con người hít thở được và liền có sự sống. Đức ChúaThánh Thần là hơi thở sự sống của con người.

Trong không gian vũ trụ khi làn gió nhẹ thổi đến ngang qua liền có chuyển động trong không khí cùng nơi cây cỏ đồ vật, mang đến sự tươi mát làm dịu bớt hơi nóng. Nhưng khi gío thổi mạnh liền nảy sinh sức cuốn hút mãnh liệt làm đảo lộn trật tự, cây cối cột trụ nhà cửa có thể bị đổ ngả nghiêng trốc bật gốc rễ. Cũng thế, Đức Chúa Thánh Thần được diễn tả như sức tươi mát, sức mạnh của gío, sự linh hoạt chuyển động.

Trong Kinh Thánh, những Tiên tri ngày xưa khi được Thánh Thần Chúa xâm nhập vào tâm hồn, họ hăng hái tựa như có ngọn lửa bùng cháy tỏa hơi nóng, ra đi say mê rao giảng làm chứng nói về Thiên Chúa cho mọi người, như Tiên tri Maisen, Tiên Tri Isaia, Tiên Jeremia… Đức Mẹ Maria cũng cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn cùng làn da thớ thịt nên đã chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa và còn dệt nên bài ca ngợi kinh Mangificat- Kinh Tạ ơn.

Chúa Giêsu sau khi được rửa tội đã cảm nhận ra sức mạnh Thánh Thần Chúa ngự xuống đồng hành với mình trong suốt đời sống trên trần gian. Và sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa là động lực cùng sức thu hút cho lời cũng như việc làm của Chúa Giêsu. Đến nỗi những người đồng hương Do Thái cùng thời với ngài đều phải qúa đỗi ngạc nhiên về ngài: Đúng là một người có Charisma-đặc sủng- lạ thường xưa nay chưa ai từng có!

Các Môn đệ Chúa Giêsu, sau khi Thầy Giêsu chết, họ sống trong lo âu sợ hãi không còn nhuệ khí gì nữa. Nhưng khi Thánh Thần Thiên Chúa như ngọn lửa, làn gió thổi đến, họ bừng tỉnh khỏi cơn mê sảng, được sống lại. Và lòng hăng hái thúc đẩy họ can đảm ra trước công chúng nói về Chúa Giêsu. Không những thế, lời họ nói rao giảng vào ngày lễ Ngũ tuần được mọi người nghe hiểu như tiếng mẹ đẻ của mình, mặc dù các Ông chỉ nói tiếng Do Thái của mình thôi.

Sức mạnh Thánh Thần Thiên Chúa từ trên cao biến đổi tâm hồn các Môn đệ và tâm hồn người nghe các Ông nói.

Chúa Giêsu nói cùng các Môn đệ sau khi ngài sống lại từ cõi chết: “Anh em hãy tiếp nhận Thánh Thần Thiên Chúa! Lời đó có gía trị cho cả mọi con người cùng đời sống của họ.

Đời sống con người chúng ta, cả thân xác lẫn trí tuệ tâm hồn, là món qùa tặng cao qúy vô gía. Không khí chúng ta hít thở hằng giây phút không là sản phẩm biến chế do hãng xưởng nào làm ra. Nhưng là món qùa tặng của châu báu Trời ban cho mọi loài trong vũ trụ.

Những suy nghĩ, tưởng tượng, mơ ước lòng ham muốn, những dự định cùng cả những qúa trình phát triển trong đời sống của con người chúng ta cũng là một món qùa to lớn. Những món qùa to lớn châu báu này giúp xây dựng đời sống mỗi con người trong công trình sáng tạo thiên nhiên của Thiên Chúa. Không có món qùa tặng châu báu này, đời sống làm gì có được phát triển và dần rơi vào suy nhược tàn lụi.

Thánh Phaolo đã ca tụng gọi thân thể con người là đền thờ Thiên Chúa do ngài tạo dựng. Thân thể tứ chi, cơ quan bộ máy cùng khả năng trí khôn, tầng thần kinh, tình cảm của con người sống động linh hoạt có sáng tạo biến đổi là bằng chứng dấu chỉ của Chúa Thánh Thần.

Ngày người Công giáo tiếp nhận làn Nước Bí tích Rửa tội, ánh sáng Thánh Thần Thiên Chúa dọi chiếu khắc ghi trong tâm hồn, đồng thời chúng ta chiếu tỏa ánh sáng đó qua cửa sổ Chúa Thánh Thần trong đời sống mình.

Kính trọng sự sống, gìn giữ thân thể mình cũng như của người khác trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là tôn kính Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là sự sống của mọi loài luôn có mặt trong đời sống.

“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống” (Kinh Tin Kính)

Lm Đaminh Nguyễn ngọc Long

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/cua-so-duc-chua-thanh-than/