Trích từ Dân Chúa

Con Cua và Con Còng

Giuse Nguyễn Thế Bài

CHÚA NHẬT XXIII TN (Năm A) Mt 18, 15 - 20

Để tránh bị HRW (Human Rights Watch)* và ủy ban nhân quyền Hạ Viện Mỹ dòm ngó và hằng năm bị đưa vào báo cáo và danh sách vi phạm nhân quyền, người ta thấy những năm gần đây xuất hiện hai cách phản ứng, cũng gọi được là “đòn phủ đầu” rất tinh vi: cách thứ nhất là vận động nhau liên kết bỏ phiếu đẩy những tổ chức hoặc những quốc gia hay tố cáo các vi phạm nhân quyền ra khỏi ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc; thứ nhì là nêu lên một vài vụ việc xảy ra trên các nước ấy, để tố nguợc là thiếu nhân quyền, với lời khuyên “hãy lấy cái xà trong mắt mình trước đã”, song là theo kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Một tờ báo ở Boston chép lại những câu khá ngộ nghĩnh ghi trên một bia mộ, như sau: "Đây là nơi an nghỉ ngàn thu của William Joy. Suốt đời y hăng hái bênh vực ý kiến của y.Y có lý trong suốt đời y.Nhưng có lý hay vô lý, y cũng vẫn chết, không hơn cũng chẳng kém".

Thoạt nghe bài hát thật ngộ nghĩnh nầy: “kìa con cua với con còng đấu phép. Đấu bao nhiêu phép con còng thua hết. Thế mà con cua phải thua con còng”, phần đông ai cũng nghĩ là hát sai và cảm thấy tức giùm nhà cua. Nhưng câu, lời đều được ghi như thế trong sách vở, tài liệu. Hoá ra đó mới là ý châm biếm mà người đời muốn gửi gắm vào những cuộc tranh tụng (đấu phép): trước hết, lý kẻ mạnh - mạnh sức, mạnh tiền - bao giờ cũng muốn lấn át (mạnh vì gạo, bạo vì tiền); thứ đến, lý của người có quyền có thế bao gìơ cũng mạnh ( miệng nhà quan có gang có thép); sau nữa, lý của người cù nhầy, cố chấp hoặc đường cùng, thì không dễ gì lung lay thuyết phục ( nhất lì nhì cùng). Quả thật ở đời, có những hạng người mà cha ông ta vẫn ví “ thà bắt đầu gối mà nói với còn hơn”: biết mình sai, họ vẫn nói càn; càng thấy mình sai, họ càng nói càn làm càn. Cua với còng đều là loài được gán cho là “ngang” (ngang như cua), nhưng vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, cua đã phải rút lui. Bao nhiêu phép đấu, còng đều thua, nhưng cua lại thua còng! Với quân tử, im lặng lúc ấy là vàng. Tiểu nhân lại vênh váo đắc thắng. Phần “đời” và phần “Đạo” chẳng khác nhau.

Hồi giáo giải quyết các vụ việc mà họ cho là xúc phạm đến Đấng Allah, đến tiên tri Mohamet hoặc bôi nhọ hình thức và nội dung kinh Coran, theo cách riêng của họ, không mất nhiều thời giờ, không mất nhiều lời nói: trừng phạt! Lần đầu lệnh xử tử nhà văn Salman Rushdie khiến cả thế giới rúng động. Tất nhiên vì biết ông giáo chủ Khomenei và Hồi giáo không biết nói dùa, cho nên nhà văn nầy đã phải trốn biệt trong nhiều năm. Phản ứng trước diễn văn ở Regensbourg của Đức giáo hoàng Biển Đức XVI, rồi đến vụ hí hoạ trên các báo Đan-mạch, cho thấy không chỉ sự chống đối tuyệt nhiên không thể được dung thứ trong nội bộ Hồi giáo, mà họ muốn “cơm ai, đầy nồi nhà ấy”: những người ngoài Hồi giáo chớ đem chuyện “bếp núc Hồi giáo” ra mổ xẻ, chỉ trích, bêu rếu; song cũng không chấp nhận ngừơi ngoài phê bình, chỉ trích hoặc kể cả lôi kéo “người của họ”. Khi một vụ việc xảy ra trong nội bộ Hồi giáo, họ không mất thời giờ để một mình gặp riêng hoà giải;rồi mất giờ tìm hai ba người góp sức, làm chứng; sau cùng lại phải nại tới cộng đoàn để giải quyết. Người có lỗi chỉ cần trả lời “đồng ý” để được tha và sống; hoặc “không đồng ý”, và nhận ngay cái chết. Tính hiệu quả tạo nên kỹ luật. Kỹ cương tạo trật tự và ổn định, là những điều kiện để phát triển Hồi giáo. Giáo lý vì thế đã bị một số người nắm quyền bính tôn giáo và thế tục lèo lái và khuynh đảo.

Con người là vậy: không phải ai cũng đủ khiêm nhường để nhận ra lỗi lầm hoặc chấp nhận những lời trung thật chỉ cho thấy lỗi lẫm, mà mau mắn sửa chữa. Trong mỗi người đều có ít hay nhiều tính cách “cua, còng”, ngang bướng và cố chấp. Những con người của Giáo Hội, trong Giáo Hội cũng không phải là ngoại lệ. Chẳng ngạc nhiên gì khi ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội đã phải đương đầu với các bè rối như Nestorius, như Arian, mà việc hoà giải đã hết sức khó khăn. Sau nhiều thời kỳ sóng gió với các lạc thuyết, thì đến đại ly giáo Chính Thống năm 1054. Vết thương còn hở hoác, thì cú đòn Cải Cánh Luther vào thế kỷ 17 nhấn chìm Kitô giáo vào nghi kỵ, chia rẽ, một cách thảm hại. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Chỉ có Chúa Kitô, Đấng mà họ nói là tin và chỉ có Lời của Chúa Kitô mà họ luôn nói là theo, là chẳng ai màng đến.

Đã có một thời các nhà lãnh đạo Giáo Hội sử dụng Toà Án Dị Giáo để dập tắt ngay những “mối hoạ” đối với tín lý. Và dĩ nhiên nó đã bị lạm dụng để gây ra vô số đau khổ cho nhiều người, với sự bất bao dung và thiếu bác ái, phản Tin Mừng không thua kém cách hành động của Hồi giáo ngày nay.

Ở thái cực ngược lại, từ thập niên 1950 đến nay, với nhiều người, Chúa Kitô vẫn là Thiên Chúa, Giáo Hội vẫn là cộng đồng Dân Chúa, nhưng với họ, những giá trị tinh thần khác, những giáo lý tôn giáo khác cũng chẳng kém cạnh gì Giáo Hội Công giáo và giáo lý Kitô-giáo, có khi còn được xem là thực tế và giàu tình người hơn - nhất là có đấu tranh giai cấp (như chủ nghĩa Marx – Lénine) hoặc uyển chuyển linh động hơn ( như thuyết tương đối đạo đức) và hấp dẫn hơn ( như giáo lý nhà Phật và thuyết luân hồi)… Và khi Thiên Chúa bị đặt ngang hàng với các bụt thần, khi Lời Chúa chỉ là một trong những thuyết nhân bản, mà “tiềm năng” cứu rỗi (salut) và chân lý (verité) không hơn gì các tôn giáo khác, thì mọi hoà giải, mọi khuyên lơn, thậm chí mọi răn đe, kỹ luật cũng chẳng còn giá trị gì. Họ muốn Giáo Hội Công giáo phải tỏ ra và đối xử với mọi tôn giáo khác bằng vai ngang vế . Hãy đọc những cuốn sách của những người đó, sẽ thấy ngay không chỉ suy nghĩ, thái độ của họ đối với những luồng tư tưởng, những chủ thuyết và những tôn giáo khác, mà họ muốn Giáo Hội Công giáo cũng phải thể hiện giống như họ. Và vì Giáo Hội, các Giáo Hoàng, không nghe “lời khôn ngoan” của họ, họ đã chống lại.

Lỗi, phải, đã rành ràng ra đó. Khung hình phạt là khá rõ ràng. Quan trọng là Giáo Hội muốn kiên trì thuyết phục, muốn mời gọi suy nghĩ và cầu nguyện, để thấy những sai trái và ảnh hưởng xấu đến đức tin của các anh em đồng đạo, - nhất là những anh em còn yếu đuối về đức tin và hiểu biết giáo lý -, cũng như gây tổn hại khôn lường đến công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Sự thật là không mấy kẻ khiêm nhường vâng phục; song cũng sự thật là ngoại trừ những nố vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae, nôm na là “automatic”), thì Giáo Hội không thể hành xử theo tinh thần thời Trung Cổ.BA GIAI ĐOẠN Chúa Giêsu dạy chúng ta khi sửa lỗi anh em, nếu không hiểu đúng và làm đúng, thì sẽ gây thêm chống đối, kết bè kết phái và mất hoàn toàn tình bác ái trong Cộng đoàn, trong Giáo Hội.

Vâng, lạy Chúa Giêsu, ba lần Chúa muốn con đến với anh em “có tội”, Chúa đều không muốn con như ra chiến trường, trang bị vũ khí tận răng, sục sôi ý chí tiêu diệt khi không đàn áp được. Không, đây không phải là “ý Cha thể hiện dưới đất”, vì nó không được kết nối với vế thứ hai vốn không thể tách lìa: ”như chúng con cũng tha” và lời cầu nguyện cho cả con lẫn người đó - trước mặt Chúa đều là tội nhân như nhau, có khi tội của con còn nặng nề hơn – “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Như thế có nghĩa là con phải đến với anh em bằng ánh mắt, bằng con tim, bằng lời nói yêu thương và không được tự cho phép có bất cứ suy nghĩ, lời nói, cử chỉ trịch thượng, kẻ cả nào. Như thế còn có nghĩa là con phải hăm hở ra đi, mau đến chìa con tim và bàn tay yêu thương, cảm thông và mong điều thịên hảo cho anh em. “Chị ngã, em nâng”, trong Giáo Hội là vậy! Dù con đến một mình, dù con đến với hai ba người, dù con đến với Cộng Đoàn Hội Thánh, thì luôn phải giữ tinh thần như thế, phải có hành xử như thế, đơn giản là đem Chúa, tình thương và ơn tha thứ của Chúa đến cho những người anh em ấy. Cha ông Việt-Nam có câu: “Đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại”! Kẻ chiến thắng - nếu có – là Chúa, không phải con, vốn không phải còng thì cũng là cua!

CVK Nguyễn-Thế-Bài TÌNH CA CHO NGƯỜI ĐƯỢC YÊU 118

(Human Rights Watch: Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, thành lập năm 1978)

Giuse Nguyễn Thế Bài

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/con-cua-va-con-cong/