Trích từ Dân Chúa

Chứng từ đức tin

Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật XXIX, C (Lc 18,1-8)

Có lẽ đối với một số lớn trong chúng ta, bài Tin Mừng hôm nay hình như còn mới mẽ, ít được nghe tới. Nhưng đó chính lại là cái hay, để chúng ta chăm chú nghe trọn bài, chứ không bị chia trí ngay khi vừa nghe được vài ba câu như đối với các bài Tin Mừng khác!

Thực ra, bản văn bài Tin Mừng hôm nay rất dễ hiểu. Người ta có thể nhận ra ngay được vấn đề đang được đề cập tới ở đây là gì: Đó là một người đàn bà góa, yếu đuối, cô đơn, lẻ loi, không nơi nương tựa, không có tài khoản trong ngân hàng, vô danh tiểu tốt; nói tắt là một người hoàn toàn bất lực để có thể tự vệ cho mình.

Và trong cuộc sống hằng ngày, những hoàn cảnh tương tự như thế vẫn đầy dẫy, vẫn xảy ra ngay trước mắt chúng ta. Nhưng đời là thế! Cuộc sống ô trọc chốn bể dâu này là thế! Đó là lý do thường khiến người ta đành phải thúc thủ tự hỏi: Thế thì trước một hoàn cảnh như thế, ai còn có thể làm được gì nào?

Thế nhưng thật tình cờ: một lối thoát bổng chốc xuất hiện: Người đàn bà góa nghèo hèn đã đạt được mục đích theo đuổi mình, nguyện vọng của bà đã lập tức được chấp nhận. Sự kiện đó muốn nói lên rằng, chính ở đây, trong sự thay đổi đột nhiên đó, lại chứa đựng ý nghĩa trọng yếu mà thánh sử Lu-ca muốn trình bày: Thiên Chúa sẽ lập tức ra tay nâng đỡ và bênh vực cho những ai "đã được tuyển chọn" đang thành tâm kêu cầu Người. Chính Phúc Âm đã ghi lại từng chữ rõ ràng như thế.

Dĩ nhiên, điều đó không muốn nói lên điều gì khác hơn là chân lý này: Thiên Chúa luôn luôn thương giúp; Người rất sẵn lòng thương giúp; Người thương giúp một cách mau mắn, vì chính Người là Đấng bảo vệ chở che những người nghèo đói, những người khổ đau.

Nhưng ở đây, một câu hỏi đầy tính cách thúc bách và thẳng thắn được đặt ra: Phải chăng sự thật là như thế? Phải chăng đó chẳng qua là những ảo tưởng do lòng đạo đức bày đặt ra, hoàn toàn trái ngược với những kinh nghiệm trong cuộc sống cụ thể hằng ngày? Vâng, các phương tiện truyền thông đại chúng, như báo chí, truyền thanh, truyền hình, v.v… lại trưng dẫn những chứng từ cụ thể ngược lại! Và ngay khi gặp gỡ và trao đổi với người khác, người ta cũng nghe được những điều hoàn toàn khác hẳn. Do đó, nhiều người đã cho việc cầu nguyện là vô ích, không cần thiết!

Như vậy, tất cả những kinh ngiệm đó, những điều mà người ta đã phải trải qua trên chính bản thân mình, đều đồng thanh muốn nói lên rằng: Đúng là Thiên Chúa chẳng bênh vực giúp đỡ gì cả; người ta phải nhọc nhằn vất vã không biết bao nhiêu để ngồi chờ đợi sự trợ giúp của Thiên Chúa; những người nghèo khổ cũng vẫn nghèo khổ, chứ chẳng bao giờ ngóc đầu lên được; hàng triệu người hằng ngày vẫn phải sống trong cảnh khốn cùng thảm khốc của mình, v.v… Phải chăng những người như thế không thuộc về thành phần "được tuyển chọn" của Thiên Chúa, tức những người chắc chắn sẽ được Thiên Chúa cứu chữa bênh vực, như Phúc Âm đã nói sao?

Vâng, ở đây chúng ta đang thực sự phải đối mặt với một trong những thách đố cực kỳ khó khăn và đau thương nhất của đức tin; ở đây chúng ta đang thực sự phải trực diện với vấn nạn hầu như hoàn toàn bất khả giải đáp: Vấn đề Thiên Chúa có nhậm lời cầu xin của ta hay không! Nói thế không có nghĩa là chúng ta được phép bỏ ngõ vấn đề và dừng lại ở đây. Chúng ta cần phải tìm ra câu trả lời!

Nhưng phải chăng tôi có thể trả lời là: Thiên Chúa luôn luôn trợ giúp theo cách thế của Người; Thiên Chúa đã biết rõ trước những gì hữu ích cần thiết cho chúng ta và những gì không? Hay tôi có thể trả lời là: Người ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi trong ngày sau hết và nơi cuộc sống mai hậu, ở đó mọi sự sẽ được đền bù một cách hoàn toàn công bằng thỏa đáng?

Nếu thế, thì tất cả chỉ mới trả lời có một nửa, chỉ mới trả lời nửa vời mà thôi. Trong khi đó vấn đề khốn cùng và nghèo đói đang đày đọa hàng triệu người khắp nơi trên thế giới vẫn còn tồn đọng đó, chưa đuợc giải quyết xong, và ngày nay đối với nhiều người nó đã trở thành một thách đố cho đức tin; hay nói rõ hơn, nó đã dẫn họ hầu như tới bờ của sự mất đức tin, tức: Thiên Chúa không cứu giúp, Người vẫn im lặng và bất động, Người không hề ra tay, bởi vì đói khát, chiến tranh, nỗi khốn cùng và chết chóc vẫn còn đó và ở khắp nơi: ở Palestina, Li-băng, Pakistan, Áp-ga-nít-tan, Ấn-độ, v.v…!

Trong một trường hợp như thế, chúng ta chỉ còn có thể có hai cách trả lời:

Thứ nhất, hoặc là: "Tôi không còn cầu nguyện nữa, tôi không còn tin gì nữa cả và tôi không còn mong đợi gì nữa cả. Bởi vì tất cả chẳng có nghĩa lý gì nữa!" Hàng ngàn người nói rằng: "Ông bà xem, tôi là người thực tế; tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm; mọi chuyện rồi cứ thế, chẳng có cải thiện được gì đâu; tất cả đều vô ích!" Vâng, có hàng ngàn người nói như thế đó.

Và bởi vì có hàng ngàn người suy nghĩ và nói như thế, nên trên thế giới đã được cải thiện và đổi mới rất ít; bởi vì hàng ngàn người đã hành động như thế, nên trên thế giới đã có quá ít những điều thiện hảo được thực hiện; bởi vì có hàng ngàn người tự thúc thủ và sống một cách bi quan yếm thế như thế, nên cả nhân loại bị dậm chân tại chỗ; bởi vì có hàng ngàn người nói: "Đó là định mệnh, người ta đành bó buộc phải chấp nhận, chứ không thể làm gì khác được nữa, vì mọi sự trước sau rồi cũng chỉ vậy thôi", nên nhân loại đã không thể khá lên được.

Nhưng thái độ mệt mỏi, chán nãn, buông xuôi, ngờ vực và thất vọng, v.v…như thế đều không hòa hợp với tinh thần Kitô giáo.

Thứ hai, hoặc là: Tôi không bao giờ buông xuôi bỏ cuộc; cương quyết tôi phải nỗ lực tranh đấu với cuộc sống để vươn lên; tôi không thể bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại được; tôi sẽ đổi mới những gì tôi có thể đổi mới được, vì trong cuộc sống này không bao giờ có gì mà không thay đổi được; tôi không muốn sống tiêu cực và ù lì thúc thủ; nhất định tôi phải tiến lên, chứ không dừng bước hay lui bước lại trên con đường đã đi qua; tôi không bao giờ dùng đến bạo lực, dù chung quanh tôi đang đầy dẫy đủ thứ bạo lực; tôi không thoá mạ lại khi tôi bị thóa mạ; tôi không bao giờ cùng vui cười khi thiên hạ vui cười về những bất công, những mưu mô thâm độc, quỷ quyệt và vô nhân đạo; tôi không dây mình vào những hành động bất công để hưởng lợi; tôi sống và tranh đấu cho một thế giới tốt đẹp và nhân bản hơn, dù không ai biết đến điều đó; "tôi tin tưởng vào điều thiện hảo nơi con người" (Anne Frank)(1) và luôn tìm cách giúp cho người ấy có được dịp may mắn để thể hiện được điều thiện hảo đó.

Vâng, thưa các bạn thân mến, các bạn, những người đang đọc những dòng chữ tôi viết đây, nếu như có hàng ngàn người cùng nghĩ như thế, nếu như có hàng ngàn người cũng sống như thế, và nếu như có hàng ngàn người cũng hành động như thế, thì chắc chắn thế giới sẽ được canh tân đổi mới, tương lai nhân loại sẽ tươi đẹp hơn. Những con người như thế sẽ luôn dũng cảm và đầy tin tưởng tiến bước không ngừng, luôn tìm kiếm, luôn kêu xin, luôn gõ cửa, luôn hy vọng, luôn trông cậy và không bao giờ mỏi mệt, luôn luôn sốt sắng cầu nguyện, vì họ biết rằng họ sẽ không bao giờ có thể thực hiện được hết mọi sự.

Những người như thế: Một đàng, luôn luôn sốt sắng cầu nguyện và đầy lòng tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, bởi vì họ luôn xác tín được rằng mọi sự đều thuộcc về Người và tùy thuộc một mình Người mà thôi; đàng khác, họ luôn can đảm sống và hành động, vì họ biết rằng mọi sự đều đang chờ đợi bàn tay của họ, đều tùy thuộc vào họ, đều tùy thuộc vào các khả năng sáng tạo mà Chúa đã ban cho họ.

Những con người như thế luôn tâm niệm: "Nguyện xin cho Nước Cha trị đến." Và nếu như họ thấy rằng Nước Thiên Chúa chưa được hiển trị nơi nào cả, thì ít ra Nước Thiên Chúa đã bắt đầu đặt được nền móng vững chắc trong trái tim họ.

Những con người như thế luôn biết tin tưởng vào Thiên Chúa. Và chính đức tin mang đến cho họ sự tự tín, sức mạnh nội tâm và sự bình an trong tâm hồn, một sự bình an mà không một quyền lực trần gian nào có thế ban tặng hay lấy đi được.

Và bởi vì họ tin tưởng vào Thiên Chúa và cầu nguyện cùng người, họ đã không bị lạc đường, họ sống một cách đúng đắn và hạnh phúc, và luôn thâm tín rằng: "Tốt nhất là thà thắp lên một ánh sáng nho nhỏ, còn hơn là chỉ ngồi im nguyền rủa bóng đêm!"

1. Anne Frank, 1929-1945, người gốc Do-thái, năm 1945 cô bị mật vụ Đức Quốc Xã bắt và giết hại tại trại tập trung Bergen-Belsen. Cô đã nỗi danh qua cuốn "Das Tagesbuch der Anne F." - Nhật Ký của Anne F. mà cô đã để lại sau khi chết.

Lm Nguyễn Hữu Thy

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/chung-tu-duc-tin/