Trích từ Dân Chúa

Chúa lên trời, lòng người hãy nâng lên!

JB Nguyễn Quốc Tuấn

Biến cố Khổ nạn - Phục sinh – Lên trời của Đức Ki-tô đã mở ra hy vọng đích thực cho cuộc lữ hành kiếm tìm hạnh phúc của chúng ta. Trước lúc được siêu thăng lên cõi vinh hiển, Đức Ki-tô đã mời gọi các môn đệ trở nên chứng nhân cho Người về biến cố trọng đại này. Đây cũng là cách thế hữu hiệu nhất để các ông có thể được kết hợp cùng Người trong vinh quang bất diệt của Thiên Chúa.

Đức Ki-tô vẫn hiện hữu giữa nhân loại hôm nay và đang đồng hành cùng chúng ta trên hành trình tiến về Nước Chúa. Vấn đề là ta có nhận ra ân huệ cao thiêng này và đáp trả bằng đời sống chứng nhân như Chúa đã kêu mời các môn đệ xưa.

Chúa lên trời, lòng người hãy nâng lên ! Ta hãy nâng cõi lòng mình lên trên những yếu đuối, trĩu nặng bao đam mê trần tục để được thanh thoát hướng về Thiên Chúa. Đời sống chứng nhân được khơi nguồn từ những tâm hồn hướng thượng, luôn hy vọng đạt tới điều thiện hảo.

Sau khi diện kiện Đức Ki-tô được siêu thăng, các môn đệ “trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24, 52).

Chúa lên trời, lòng người hãy nâng lên ! Ta hãy nâng cõi lòng mình lên khỏi những thói quen xấu xa, đê tiện, khỏi những hành vi buông thả, những biểu hiện hàm hồ, độc hiểm. Bởi chính nó là đầu mối giam hãm ta trong nấm mồ sự chết, biến ta thành nô lệ của cõi hữu hạn này. Đức Ki-tô đã được nâng lên vinh quang tuyệt đối sau khi Người đã chiến thắng thần dữ tội lỗi và sự chết.

Chúa lên trời, lòng người hãy nâng lên ! Ta hãy nâng cõi lòng mình lên khỏi những nghi kỵ, gièm pha, chỉ trích, bới móc những người xung quanh. Bởi nó như những vật cản, lực cản nguy hiểm ngăn giữ khoảng cánh giữa ta với Thiên Chúa. Vì Nước Chúa chỉ hiển ngự trong tâm hồn bao dung, khoan thứ. Như Đức Ki-tô đã bước vào cõi hằng sống với con tim rộng lượng, đầy từ ái.

Chúa lên trời, lòng người hãy nâng lên ! Ta hãy nâng cõi lòng mình lên để sống hành động chứng nhân. Công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô chỉ thành toàn, và Người chỉ có thể “trở về Nhà Cha” sau khi đã trao hiến trọn vẹn bằng cái chết trên Thập Giá. Do vậy, lời mời gọi “chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 48), chính là việc ta có dám xả thân để trao hiến trọn vẹn như Đức Ki-tô hay không ? Hành động chứng nhân là con đường ngắn nhất giúp ta tiến gần hơn tới Thiên Chúa, để được kết hiệp với Ngài.

Chúa lên trời, lòng ta hãy nâng lên để ưu tiên cho hạnh phúc vĩnh cửu. Những thực tại của cuộc sống hôm nay dù hữu hạn, nhưng sẽ là phương tiện hữu hiệu khi ta biết sử dụng nó như bàn đạp tốt để vươn tới Trời cao. Quan trọng là chúng ta biết cậy trông nơi sự dẫn dắt, bảo trợ, thương yêu của Đức Ki-tô; như lời Người đã hứa:

“Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa…” (Lc 24, 49).

JB Nguyễn Quốc Tuấn

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/chua-len-troi-long-nguoi-hay-nang-len/