Trích từ Dân Chúa

Cánh cửa chân chính dẫn vào cuộc đời!

Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh/A
(Ga 10,1-10)

Trong cuộc sống xã hội hằng ngày, chúng ta ghi nhận có hai lớp người sống tùy thuộc một cách đặc biệt vào sự tiếp cận và quan hệ với kẻ khác như một nhu cầu cần thiết. Ðó là:

Lớp người thứ nhất là những người sống cần đến sự giúp đỡ của kẻ khác. Nhưng cả là một điều không đơn giản chút nào: Khi một người bị rơi vào con đường cùng – nghèo đói, bệnh tật, gặp tai ương hoạn nạn – và cần đến sự cứu giúp nâng đỡ của kẻ khác; thường họ chỉ gặp được thái độ dửng dưng, chối từ, chỉ gặp được những cặp mắt vô cảm, những đôi tai khép kín, những cánh tay bất động và cả con tim lạnh lùng. Người đó chỉ một mình quanh quẩn trong ngõ cụt của sự đau khổ của mình, chứ không tìm ra được lối thoát dẫn tới đồng loại. Vâng, những người sống tùy thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, luôn cần đến sự tiếp cận của đồng loại.

Lớp người thứ hai là những người phải tiếp cận với những người khác, do nghề nghiệp, trách nhiệm và quyền hành của họ đòi hỏi, để hướng dẫn đại chúng. Ðó là: a) Các nhà chính trị: để chiếm được phiếu tín nhiệm của cử tri và để quảng bá lập trường chính trị của mình, họ cần phải tiếp cận với quần chúng. b) Các Linh mục quản xứ: để các hoạt động mục vụ của mình có hiệu quả, các ngài cần phải giao lưu gặp gỡ với các thành phần của giáo xứ. c) Các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục: để công việc giáo dục con cái và học trò của mình đạt được thành công, họ phải gần gũi và tiếp xúc với con cái.

Nói tắt, những ai muốn hướng dẫn hay phải hướng dẫn người khác, cần phải có sự tiếp cận với họ, cần phải tìm ra con đường dẫn tới các đối tác của mình.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta lại thường gặp gỡ một số người khác mà người ta gọi là "hạng người khép kín". Họ là những người giống như những cánh cửa then gài chốt đóng kỹ càng. Người ta có thể giật chuông, gõ cửa hay gọi to tiếng, nhưng vẫn vô vọng, nhưng các cánh cửa vẫn bị khóa kín.

Tình trạng "khép kín", bất giao tiếp, thiếu thông thoáng, có thể bắt nguồn từ cách sống và tính nết của họ. Nhưng tình trạng khép kín đó cũng có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân khác. Chẳng hạn khi người ta gõ sai cửa, hay khi người ta tìm đúng cửa nhưng lại dùng chìa khóa sai.

Một trong những cánh cửa sai lệch như thế, là: cánh cửa của ham mê quyền hành danh vọng, của hận thù, của lòng ích kỷ, địa phương tính, đố kỵ, v.v… Ai tìm cách đi qua loại cửa này, sẽ khó lòng tiếp cận được với những người đồng loại, ít là một cách lâu bền. Ai tìm cách đi qua loại cửa như thế, sẽ không vì lợi ích của những kẻ họ tìm tới. Họ chỉ lợi dụng người khác để đạt được tư lợi và tính háo thắng của họ mà thôi. Họ biến người khác thành những "con tốt", cốt làm bù nhìn cho họ điều khiển, sai khiến và trục lợi. Những ai tìm cách đi qua những loại cửa như thế để gặp gỡ người khác, thì chỉ gặp được những cánh cửa khép kín. Và nếu họ tìm cách bước qua các cửa đó bằng bất cứ giá nào để đi vào trong nhà, thì họ phải dùng tới bạo lực như những tên trộm cướp.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu đã nói chính Người là cửa dẫn ta tới cùng Thiên Chúa Cha và mọi người đồng loại. Ai tìm cách đi qua cửa đó để đến với Thiên Chúa, bằng một chiếc chìa khóa đích thực, người đó sẽ đi vào được và sẽ gặp được Người. Chiếc chìa khóa đích thực đó, thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta trong Thư gửi Titus: "Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại" (Tt 3,4). Vâng, tình yêu thương bác ái, tinh thần hòa giải, sự quảng đại và tha thứ, v.v.. là chiếc chìa khóa mà chúng ta có thể mở ra được lối đi dẫn đến với người khác qua cánh cửa chính trước mặt Thiên Chúa.

Người lạc quan vui tính – hay nói theo danh từ Kinh Thánh đã dùng là "lòng yêu thương" - thì dấn thân tham phần vào công cuộc xây đắp và nâng đỡ những người khác, để mọi cố gắng của họ được thành đạt, để mỗi người có thể phát huy trọn vẹn được bản sắc riêng của mình. Một người như thế là cánh cửa có thể mở ra cho hết mọi người từ cả hai phía, được mở bằng chiếc chìa khóa nhân bản và "lòng yêu thương". Thật vậy, qua lòng yêu thương của mình, người ta mở rộng cánh cửa lòng mình cho kẻ khác, và ngược lại người ta cũng tìm gặp được những cánh cửa đang mở rộng chờ đón họ từ phía những người khác.

Ðó chính chương trình sống của Ðức Giêsu, chương trình hướng dẫn nhân loại của Người, tức: không xúc phạm đến sự tự do của con người, không sai khiến, điều khiển họ, không gieo rắc sự sợ hãi, nhưng tham phần và chia sẻ cuộc sống với người khác, giúp đỡ người khác trong các cố gắng của họ, động viên và nâng đỡ người khác trong nỗ lực phát huy nhân cách họ; hay nói theo ngôn ngữ của bài Tin Mừng hôm nay là phục vụ người khác, "để họ được sống và sống một cách dồi dào" (Ga 10,10b).

Quan niệm sống như thế, tựa như một cánh cửa mở rộng dẫn tới những người khác. Chính Ðức Giêsu đã nhân danh Thiên Chúa đến với nhân loại cũng bằng cách thức đó. Vì thế, những ai đi qua cánh cửa như thế để đến với người khác thì được Thiên Chúa kêu gọi làm con cái của Người. Ðó là những người chân thành phục vụ đồng loại một cách vô vị kỷ, và qua đó, họ là những người thực sự thuộc về Thiên Chúa và được Người chúc phúc.

Lm Nguyễn Hữu Thy

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/canh-cua-chan-chinh-dan-vao-cuoc-doi/