Trích từ Dân Chúa

Cầm Nhầm!

Giuse Nguyễn Thế Bài

Chúa Nhật XXIX TN (Năm A) : Khánh Nhật Truyền Giáo
Mt 22, 15 – 21

Báo chí Việt-Nam đầu tháng Mười nây nói rất nhiều về hiện tượng ”cầm nhầm” của tuổi teen: “Tôi rất ngạc nhiên khi có những em trai em gái ăn mặc rất sành điệu, đi xe tay ga xịn mà vẫn thỉnh thoảng “cầm nhầm” những cái chun buộc tóc hay bút bi chỉ đáng giá vài nghìn”, một chủ shop trên đường Đê La Thành không khỏi ngạc nhiên. Không ai không khỏi tò mò bởi hình ảnh khá nổi được dán trên tường ngay lối vào shop thời trang One More cho Teens số 527 Trần Khát Chân hay những tấm biển “nhắc nhở” của một số cửa hàng mỹ phẩm trên dọc tuyến phố Hàng Đào. Đó là những lời cảnh tỉnh, là những hình ảnh méo mó xộc xệch của các bạn đang trong độ tuổi “ô mai” bị bắt quả tang do lấy trộm chiếc khăn hay thỏi son có giá vài chục nghìn bạc! ( Báo Giáo Dục Online, Tp HCM).

Một thói quen xấu phát xuất từ môi trường giáo dục gia đình và trường học thiếu sót và yếu kém. Điều chúng ta muốn nói hôm nay là “thái độ cầm nhầm” ấy vẫn thường xuyên xảy đến trong đời sống đạo các tín hữu Công giáo cả ở hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân: người ta sẳn sàng theo Lời Chúa Giêsu, song “trả về cho Chúa” thì mau mắn lắm, vì khó lòng “cầm nhầm” (mà cũng chẳng mấy ai muốn “cầm nhầm”), trong khi “của Xê-da” thì khó khăn lắm thay: nếu không bị “cầm nhầm” thì cũng hết sức “bịn rịn”, quyến luyến. Sự bịn rịn quyên luyến là do “của Xê-da’ gắn bó mật thiết với ta, hay đúng hơn: ta quá gắn bó với chúng.

“Tu quoque, fili!” (cả con nữa ư, Brutus?): tiếng kêu ngạc nhiên và đau đớn của một người lẫy lừng cả trên chiến trường lẫn trên chính trường, khi dần dần ông trở thành kẻ nắm trọn quyền lực trong tay và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông: dân La Mã yêu chuộng tự do dân chủ, muốn cho César hiểu và và muốn ông “nhận lại” những gì thuộc về họ, nhưng với cái giá máu là hai mươi ba nhát dao đâm, mà người kết thúc lại là con nuôi Brutus của ông. Sau khi ông chết, chế độ Tam Hùng đặt ông lên vị trí thần thánh, nhưng mục đích chỉ là lợi dụng cái chết của ông để kích động sự ủng hộ cuồng nhiệt của dân chúng và loại bỏ những người và những phe chống đối. Cuối cùng Octavianus đã thắng và trở thành hoàng đế đầu tiên của La Mã, với cái tên César –Augustus, điều mà César hằng mơ ước và đã thất bại. Tham vọng là “những gì của Xê-da”!

Ở trang 197 cuốn sách do Ngài mới viết “Render unto Caesar” (Hãy trả về cho Xê-da), Đức Tổng giám muc Chaput nói: “Những gì đòi hỏi tín hữu Công giáo phải làm cho tổ quốc mình ư? Câu trả lời là: Đừng nói dối! Nếu chúng ta nói chúng ta là người Công giáo, chúng ta cần phải chứng minh điều đó”. Phụ đề của cuốn sách là “Phục vụ Quốc Gia bằng việc sống các niềm tin Công giáo của chúng ta trong đời sống chính trị”. Khác biệt duy nhất giữa Lời Chúa và lời thế gian, đó là: Lời Chúa là Lời Chân Lý, phát xuất từ Chân Lý và dẫn con người sống theo chân lý để tìm được Chân Lý; trong khi lời thế gian là lời dối trá, phát xuất từ mưu mô tranh quyền đoạt vị, bá quyền, vụ lợi và chất chứa hận thù, mưu mô, độc ác. Ngày nay, ở chính trên quê hương Việt-Nam nầy, nói dối không chỉ thành thói quen, một phản ứng “tự nhiên” không còn làm nhiều người đỏ mặt bối rối, mà còn thành một căn bệnh và tệ hại hơn nữa, trở thành cái “mốt” (lắm khi còn được coi là “thời thượng”): vợ dối chồng, con cái dối cha mẹ, cấp trên cấp dưới dối nhau, trò dối thầy và thầy dối trò, chính quyền dối gạt dân và dân cũng hành xử chẳng thua kém. Não trạng nói dối sở dĩ phổ biến, là vì nó được hiểu và được coi là một mô thức [giúp] tồn tại “bền vững” giữa những dối trá. Người nói thật, sống thật, chỉ rước họa vào thân, dễ dàng được dán ngay nhãn hiệu “Don Quichotte”, ”quân tử Tàu”! Hãy nhìn những người nắm trong tay độc quyền xuất bản, độc quyền báo chí truyền thông, cho ra hàng triệu sản phẩm văn hoá dơ bẩn dâm ô, rồi phủi tay đùn đẩy trách nhiệm. Những món ăn tinh thần sa đoạ tận cùng đang hủy hoại tâm hồn và thể xác của các thế hệ tương lai đất nước, khắc ghi vào cuộc đời thanh thiếu niên những vết bẩn không có một thứ gì có thể tẩy xóa đi được, đối với họ chỉ là “phản cảm”! Dối trá là “những gì của Xê-da”!

Đặc điểm của tham vọng và dối trá, là chúng nên những yếu tố giúp các thế lực đen tối, xấu xa, vô liêm sĩ mau chóng liên kết với nhau. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã: mỗi phe đều tìm cái lợi cho riêng mình, và sẵn sàng chung sức để làm cho sự dữ, làm cho điều ác lan tràn khắp nơi, tiêu diệt không thương xót những ai cản trở tham vọng và dối trá của chúng. Chúng đều là “đặc sản” của Xa-tan! Tâm địa xấu xa đen tối biến những gì tốt đẹp mà Thiên Chúa dựng nên và ban cho loài người: sắc đẹp, thể lực, tiền bạc, trí tuệ,… trở nên xấu xa và phục vụ cho tham vọng và dối trá của những hạng người ấy. Cùng những điều ấy (sắc đẹp, thể lực, đia vị, tiền bạc, trí tuệ,..) ở những người tốt, những người sống theo tinh thần Tin Mừng, sẽ làm cho chúng trở thành “những gì là của Chúa”, giúp ích cho mọi người, nhất là đích nhắm cuối cùng là để tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa. “Những gì của Chúa” ấy là phương tiện giúp ta thêm điều kiện tiến về Nước Trời. Vì vậy, nếu không sống đúng tinh thần Phúc Âm, nếu không rèn luyện lương tâm ngay thẳng, thì việc “cầm nhầm” “của Xê-da” thành “của Thiên Chúa” và ngược lại, là điều rất khó tránh khỏi. Chúa Giêsu đã đưa ra thách đố không dễ chút nào cho con người: chỉ có thể chọn thờ hoặc Thiên Chúa hoặc thần Mammôn! Không có tham vọng và dối trá, không có chỗ cho thần Mammôn! Với tham vọng và dối trá, không có chỗ cho Thiên Chúa và Nước Trời!

Hãy cùng suy gẫm một số ý tưởng trong cuốn “Render unto Caesar” của Đức Tổng Giám Mục Chaput:

“Chúng tôi Kitô-hữu, ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Chúng tôi thuộc về Thiên Chúa và nhà ở chúng tôi là thiên đàng. Song chúng tôi có mặt ở nơi đây [thế gian] vì một lẽ: để thay đổi thế giới, vì lợi ích của thế giới, nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Công việc nầy thuộc về chúng tôi. Sẽ chẳng ai làm việc ấy thay cho chúng tôi. Nếu nghĩ rằng chúng tôi có thể hoàn thành công việc đó mà không cần động chân tay vào các luật lệ, những cấu trúc, những chính sách công, các điều kiện và các nguyên nhân gốc rễ làm kéo dài bất công trong đất nước chúng tôi, thì đúng là ảo tưởng” (Render unto Caesar, trang 46)

“Giáo Hội không khẳng định quyền thống trị của cải trần thế. Nhưng Giáo Hội có mọi quyền - thực chất là một nhiệm vụ - tham gia quyền bính thế tục và yêu cầu những ai đang sử dụng quyền bính ấy phải sống những đòi hỏi của công bình. Trong ý hướng nầy, Giáo Hội Công giáo không thể đứng yên, chưa bao giờ đứng yên và sẽ không bao giờ đứng ngoài chính trị. Chính trị kéo theo việc hành xử quyền lực. Việc sử dụng quyền lực có một dung đạo đức và những hậu quả về con người. Và thiện ích cũng như định mệnh của con người chính là điều quan tâm và thẩm quyền đặc biệt của Cộng đồng Kitô-giáo” (Render unto Caesar, trang 217 – 218)

Mọi tín hữu, vì thế, đều có chung một sứ mệnh: mang Chúa Giêsu Kitô đến cho thế gian và mang thế gian về cho Chúa Giêsu Kitô (x. Render unto Caesar, trg 43). Đó cũng chính là điều Giáo Hội nhắc nhở tín hữu Công giáo trong ngày Chúa Nhật Truyền Giáo hôm nay.

CVK Nguyễn Thế Bài

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/cam-nham/