Trích từ Dân Chúa

Biến nỗi nhớ niềm thương thành hành động

Lm Anmai, DCCT

Chúa nhật Lễ Thăng Thiên

Ai đã một lần chứng kiến cảnh chia ly sẽ không khỏi ngậm ngùi, thương nhớ. Niềm thương nỗi nhớ ấy sẽ tăng thêm bội phần nếu đó là người thương của mình.

Các môn đệ thân tín của Chúa rơi vào cái cảnh ngậm ngùi, thương nhớ ấy khi mà Thầy của mình về trời. Tiếc ngẩn tiếc ngơ chứ không phải là đùa. Bằng chứng là sách Công Vụ Tông đồ mới thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu về Trời. Khi các ông đăm đăm nhìn Trời như vậy thì có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi người xứ Galilê, sao con đứng nhìn trời ? Đức Giêsu Đấng vừa lìa bỏ các ông vừa được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. (Cv 1, 11)

Vấn đề chúng ta tìm hiểu đó là sau khi Chúa Giêsu về Trời thì các môn đệ như thế nào ? Có những người sau khi chia tay với người thân của mình thì bị “sốc” và không làm được gì và cũng có những người sau khi chia tay với người thân ấy lại có một sức mạnh, một lực đẩy để tiếp nối công việc mà người thân để lại.

Các môn đệ không dừng lại ở cái chỗ nuối tiếc, thương cảm nhưng các môn đệ đã tiếp nối sứ mạng của Thầy mình. Bằng chứng rõ ràng là trong quyển sách Sứ vụ các tông đồ, chúng ta thấy sách ấy đã kể lại tất cả những công việc của các Ngài. Các Ngài đã biến niềm đau, nỗi nhớ ấy bằng hành động là rao giảng Tin Mừng. Không chỉ rao giảng mà rao giảng một cách hết sức là tự tin, hết sức là mãnh liệt vì lẽ các tông đồ đã hoàn toàn tin tưởng và phó thác đời mình vào lòng bàn tay của Chúa. Niềm tin và sự phó thác của các tông đồ như đứa trẻ trong câu chuyện sau không ?

Có một gia đình nọ sống giữa đồng không mông quạnh. Vào một đêm kia, có người trong nhà sơ ý làm rớt cây đèn dầu, căn nhà bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái vội vã chạy ra ngoài sân và đành đứng bất lực nhìn ngọn lừa thiêu rụi mái ấm của họ. Bỗng mọi người chợt nhận ra còn thiếu mất đứa con bé nhất. Thì ra cậu bé cũng chạy với mọi người, nhưng chưa ra tới cửa, thấy lửa cháy dữ quá, cậu sợ hãi nên lại chạy trở lên lầu. Lửa phừng phừng cao ngút tứ phía, đang lúc cả gia đình hốt hoảng không biết phải làm sao để cứu cậu bé chỉ mới 5 tuổi, thì bỗng cửa sổ trên lầâu mở toang, và cậu bé ló ra, nhìn xuống kêu khóc inh ỏi. Từ dưới sân, cha cậu bé gọi lớn tên con, rồi nói: “Con nhảy xuống đây ?” Cậu bé chỉ thấy bên dưới toàn khói mù và lửa, nhưng nghe rõ tiếng cha kêu mình, liền trả lời: “Ba ơi, con không trông thấy ba đâu hết !” Người cha trả lời giọng cương quyết: “Con cứ nhảy đi, có ba trông thấy con là đủ rồi ?”

Và cậu bé leo lên thành cửa sổ, liều mình nhảy xuống. Mọi người thấy vậy thì la lên kinh hãi vì lo sợ cho mạng sống của cậu, nhưng cậu đã rơi đúng vào vòng tay yêu thương của cha mình một cách an toàn...Sau này nhiều năm, người quen trong khu phố ai gặp cậu bé cũng tò mò hỏi: “Sao hôm ấy cháu liều thế, lỡ rơi không trúng vòng tay của ba cháu thì sao ?” Cậu hồn nhiên trả lời: “Cháu cũng không biết nữa, khi ấy cháu nghe tiếng kêu của ba cháu, tự nhiên cháu không sợ nữa, cháu tin ba cháu không bao giờ để cho cháu té chết đâu !”

Các môn đệ đã ra đi rao giảng Tin mừng khắp tư phương thiên hạ như Chúa Giêsu truyền dạy bất chấp những hiểm nguy, thử thách rình rập các Ngài. Vì sao ? vì lẽ như Chúa hứa đấy ! Chúa hứa là Chúa sẽ ban cho các Ngài dấy lạ kèm theo các môn đệ, kèm theo cho những ai tin: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”. (Mc 16, 17.18)

Loan báo Tin mừng có nhiều cách, nhiều lối và nhiều phương thức khác nhau. Hôm nay, Thánh Phaolô qua thư của Ngài gửi tín hữu Êphêsô Ngài mời gọi mỗi người chúng ta: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau”.

Đó là điều căn bản, đó là thái độ nền tảng nhất mà kitô hữu phải có trước khi ra đi loan báo Tin mừng.

Có người sẽ bảo rằng tôi không có khả năng loan báo Tin mừng, tôi sống ở thành thị đâu có loan báo Tin mừng được, tôi không có thời gian, tôi không biết loan báo Tin mừng là gì ? Xin thưa rằng Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn riêng như Thánh Phaolô vừa mới nói: “Và chính Người đã ban cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan Báo Tin Mừng, kẻ khác làm người coi sóc và dạy dỗ”.

Thế đấy ! Thiên Chúa ban ơn và Chúa cũng mời gọi mỗi người tùy theo hoàn cảnh, tùy theo ơn gọi, tùy theo khả năng của mình để cộng tác vào việc loan báo Tin mừng của Chúa.

Cũng chẳng cần làm gì to tác, hoành tráng và vĩ đại. Chỉ cần đơn giản thực thi lời Thánh Phaolô mời gọi là khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại và lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau và thêm một chút tâm tình suy trì sự hiệp nhất cũng đủ để góp phần vào việc loan báo Tin mừng của mình. Bên cạnh đó, chúng ta có những suy tư, những thao thức với những thao thức và trăn trở của Giáo Hội hay là chúng ta chỉ là những người đứng bên ngoài, không mang tâm tình của Giáo Hội.

Giáo Hội luôn phải đương đầu với những thế lực của ma quỷ, của sự gian dối và xảo trá. Là thành phần của Giáo Hội, là con cái của Thiên Chúa, chúng ta có cùng nhịp đập của Giáo Hội trước những thế lực đen tối hay không ? Tất cả những gì mà Giáo Hội đang phải đương đầu ấy có dính dự với tôi hay không ? Hay là chuyện đó của các giám mục, chuyện đó của các linh mục chứ không phải là chuyện của tôi.

Chỉ cần duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội, bớt đi một chút sự ích kỷ, bớt đi một chút thờ ơ chúng ta sẽ góp phần rất lớn vào công cuộc loan báo Tin mừng mà hôm nay Chúa Giêsu trước khi lên Trời cùng Cha đã mời gọi.

Những biến cố đang đi ngang cuộc đời của chúng ta nó có để lại trong ta suy nghĩ gì không ? Những biến cố ấy có tác động gì trên tôi không ?

Biến cố mà Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt và các cha các thầy trong Dòng Chúa Cứu Thế bị nhục mạ, bị khủng bố ấy có dính dự gì đến tôi hay không ? Tôi có quan tâm, tôi có hiệp thông để nói lên tiếng nói của Sự Thật, của Công Lý và của Hòa Bình không ?

Nếu chúng ta thờ ơ, chúng ta nhát đảm không hiệp thông, không hiệp nhất với Giáo Hội thì coi như chúng ta đã đánh mất lời mời gọi đi rao giảng Tin mừng mà Chúa mời gọi.

Chúa về Trời nhưng thật ra Chúa lại ở gần với mỗi người chúng ta hơn trong Thần Tính của Ngài.

Chúa về Trời để lại niềm thương nỗi nhớ cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta, phần chúng ta, có biến nỗi thương niềm nhớ đó thành hành động như các môn đệ hay không ? Nếu chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa như các môn đệ xưa kia thì chúng ta sẽ biến những niềm thương nỗi nhớ thành những hành động thiết thực trong cuộc đời chúng ta. Hành động đó hết sức cụ thể đó là cải biến con người chúng ta ngày mỗi ngày dễ thương hơn, ngoan ngùy hơn theo Thánh ý Chúa để Chúa có thể đến và ở lại trong cuộc đời chúng ta. Ngài vẫn có đó, Ngài vẫn hiện diện trong cuộc đời này nhưng phần còn lại là của chúng ta, chúng ta có tiếp nhận Ngài để Ngài sống trong ta và ta sống trong Ngài hay không mà thôi.

Xin Chúa ban thêm cho mỗi người chúng ta sức mạnh, can đảm để chúng ta dám sống thật, dám nói lên tiếng nói tự lòng mình để làm chứng cho Tin Mừng.

Lm Anmai, DCCT

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/bien-noi-nho-niem-thuong-thanh-hanh-dong/