Trích từ Dân Chúa

Bàn Tiệc

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Cử hành là một hành vi sống động và quảng đại, trong mọi công việc người Kitô hữu có thể làm cho chất liệu trần thế này được dâng lên cách tốt đẹp nhất. Người Kitô hữu tham dự vào Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể trong mỗi khi tham dự Thánh Lễ, họ được mời gọi làm cho mọi thao tác lao động, nghỉ ngơi, ăn uống thường ngày trở nên những công việc mang tính phụng vụ nhờ việc ý thức những gì họ làm là những cử hành trang trọng. Không chỉ là lao tác, không chỉ là công việc ăn uống mà còn là cử hành, cử hành mọi việc trong đời sống để Thánh Lễ là lễ dâng cuộc đời nối dài và trở nên hiến vật cao quý mọi ngày trong đời sống. Đời người Kitô hữu là những cử hành không ngừng lễ dâng đời mình. Chúng ta cùng chia sẻ tìm hiều về việc cử hành này.

Các loại bàn tiệc.

Cử hành bàn tiệc, có lẽ rất xa lạ với vài ngôn từ sau đây mà chúng ta đề cập tới:

Ăn nhậu: Từ ngữ này có lẽ phàm tục nhất để chỉ về việc ăn. Thông thường, lại trở thành một tật xấu trong xã hội, càng ngày càng phổ biến trong nhiều lãnh vực xã hội. Những nhà hàng đôi khi cũng biến thành những quán nhậu, nhậu mọi thứ, con vật gì cũng nhậu, trái nào cũng nhậu, trên bờ, dưới nước đều trở thành những món nhậu khoái khẩu cho các “bợm rượu” được hết. Từ ngữ nhậu triệt tiêu hết chẳng cần phải nói đến văn hóa ẩm thực, hay văn hóa gì hết. Nhậu rồi nhẹt tùm lum, vậy mà người vẫn thích nhậu lai rai, nhậu ngày, nhậu đêm. Quán nhậu mọc lên không kịp cho các khách nhậu, đi đâu cũng gặp quán nhậu và người nhậu. Nhậu “sốt mùa hè”, nam nhậu “nữ cũng nhậu”, “nhậu phát triển trước, kinh tế phát triển sau”. Nhậu để chứng minh là người sành điệu, có nhiều giao tiếp, tương quan rộng, chỉ cần mở thanh tìm kiếm của trang Web Google với chữ nhậu là hàng lọat những đề tài về nhậu mở ra. Bao nhiêu sự đổ vỡ cũng vỡ theo những chai bia chai rượu đổ ra, tình bạn, tình yêu, tình hàng xóm, tình quê…Thực trạng của vấn đề ăn nhậu là một phát triển hay một biến chứng mà chưa có biện pháp kìm nổi hoặc chữa chạy.

Ăn Tiệc: Trong cách nói bình dân khi nói đến bàn tiệc thông thường người ta nói: “ăn tiệc”; ăn tiệc một cách nói bình dân nhưng ở đó biểu hiện một ý nghĩa cũng tầm thường của những bữa ăn. Thông lệ, ngày kỵ giỗ, đám tang, đám hỏi, đám cưới… trong làng, trong xóm nhà này mời nhà kia, mời qua mời lại theo cách: “Có đi có lại, mới toại lòng nhau”, đến ăn tiệc như đã quen thuộc ngày nào cũng ăn. Ăn nhiều, thông dụng nhiều, cái gì cũng gắn vào chữ ăn: ăn nói, ăn chặn, ăn cắp, ăn ở, ăn không, ăn xin, ăn học, ăn tiệc. Chữ ăn là chữ tầm thường nhưng lại là chữ đi liền với cái đói, cái no, nên không thể dửng dưng. Từ việc không thể dửng dưng ấy, ăn vừa là điều đáng khinh nhưng cũng là điều đáng trọng nên người ta vẫn bình thường coi trọng miếng ăn: “Có thực mới vực được đạo”, một vòng lẩn thẩn cứ nối đuôi nhau: làm – ăn – ăn - làm. Cuộc đời có lẽ vì thế thấy nhiều khổ hơn vui vì cứ phải: “tay làm hàm nhai” sống mãi với cuộc đời làm lụng vất vả mà chẳng thấy bao giờ ngước mắt lên được. Từ câu nói đơn giản đến một triết lý sống tầm thường, nếu ngẫm nghĩ một chút, chúng ta cũng thấy nhiều điều cần tháo ách cho họ.

Dự tiệc: Ở một môi trường ít lệ thuộc vào cái ăn hơn, người ta dùng một từ ngữ trang trọng hơn, đó là dự tiệc thay vì ăn tiệc. Dự ở đây đã có một ý nghĩa trang trọng mời người đến chia sẻ buồn vui với người chủ tiệc, nếu hiểu theo nghĩa sâu rộng hơn thì có phần mời gọi, không chỉ chia sẻ ở bàn tiệc mà còn dự vào phần đời nào của nhau. Ở cấp độ này, chúng ta thấy, khi dùng từ ngữ “tham dự” hay “dự”, có một cấp bậc thân thiện hơn, có một ý nghĩa trân trọng hơn. Tuy thế, tình thân thiện cũng có thể bị đổi chác mua chuộc làm biến nghĩa đi những hình ảnh tốt đẹp của những bữa tiệc tham dự. Tiệc là để chung vui, thế mà nhiều tiệc cưới thay vì khách đến dự lại có cảm nghĩ như đi xem tiệc, muốn vào tiệc là qua bao màn trình diễn, lên xe, xuống xe, vũ đòan, khai rượu, chúc mừng, cắt bánh, ca nhạc…Tiệc cưới trở thành “công nghệ cưới”, thi đua nhau bày bao tiết mục là bấy nhiêu tiền, xứng đáng với tầm mức “thời đại công nghệ”. Nhiều thứ tiệc ra đời và cũng nhiều loại dịch vụ chen lấn, người đến dự trở thành khán giả và ra về cần đi ăn lại cho đủ bữa.

Bàn tiệc Nước Trời.

Có nhiều biến ngữ bởi vì những con người, chúng ta nhìn lại giá trị của bàn tiệc mà Chúa Giêsu mời gọi và từ đó nhận ra việc cử hành bữa tiệc:

Bàn tiệc Giao hòa:

“Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.” (Lc 7, 36 – 38)

Có phải chăng bàn ăn là để mua chuộc sự tha lỗi, chúng ta có thể thường suy nghĩ như vậy và hành sự như thế. Để tiến tới một bàn tiệc giao hòa, trước tiên hối nhân cần nhìn ra mình là người tội lỗi, như trường hợp của Gia Kêu, như trường hợp của những người biệt phái, thu thuế, Pha - ri – sêu, những người tội lỗi:

Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. (Lc 11, 37)

Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa (Lc 14, 1)

Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. (Mt 9, 10)

Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! " (Mc 2, 16).

Bàn tiệc giao hòa cũng là bàn tiệc Thánh Thể, trong bàn tiệc này, đối với những người không mắc tội trọng, họ cần được đón nhận để chữa lành các tội nhẹ và tăng sinh lực chống trả những cám dỗ của lỗi nặng. Đón nhận Chúa trong bí tich Thánh Thể, bởi vì Chúa muốn đến nơi ngôi nhà tâm hồn của người đón nhận. Dù sao đi nữa đón nhận Chúa vào cư ngụ trong ngôi nhà tâm hồn con người chẳng bao giờ con người dám nói là xứng đang nhưng chỉ xin Chúa và lòng thương xót của Người đến cư ngụ.

Thứ đến việc giao hòa và sự thành tâm trở về:

"Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! " Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! " Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." (Lc 19, 5 – 10)

Bàn tiệc giao hòa chủ đích là biểu lộ niềm vui của con người được cứu độ:

"Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9, 13)

Tiệc đãi khỏan mừng không theo cách của người đời, Chúa Giêsu đến dự tiệc để chung vui với niềm vui của con người khi được hóan cải. Việc hóan cải không ngừng cũng là lời mời gọi đối với người đón nhận Bí Tích Thánh Thể, Ngài hiện diện cách thực sự cả hồn lẫn xác với thân thể Phục Sinh, Ngài đến nhà chúng ta như xưa đã đến nhà ông Giakêu, Matthêu, những người tội lỗi. Ngài đến để chữa lành, để kêu gọi những người tội lỗi. Chính vì thế, đón nhận Chúa là hóan cải không ngừng, được đổi mới không ngừng.

Bữa tiệc của những tấm lòng khiêm cung:

Trước long nhan, đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo : "Xin mời ông lên trên !"còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng. (Cn 25, 6-7).

"Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 14 , 7 – 11)

Người ta thường quan trọng chỗ ngồi trong bữa ăn, chỗ ngồi quan trọng vì người ngồi hay người ngồi vì chỗ quan trọng. Đôi khi, phân biệt cũng làm ra những tách biệt, đánh mất giá trị của sự hiện diện, ý nghĩa của bữa tiệc: “Chúa Giêsu đồng bàn với những kẻ tội lỗi” (Mt 9, 11). Sự phân biệt đã tạo ra sự tách biệt nên thường xảy ra những tranh giành “Một miếng giữa làng hơn cả sàng xó bếp”, bữa tiệc trở thành nơi đua nhau vào chỗ danh giá, bàn tiệc trở thành nơi quảng bá sự giàu có của chủ nhân “giàu sang sinh lễ nghĩa”, đánh mất nội dung của những bữa tiệc tình thân nối kết với nhau.

Bữa tiệc khiêm cung Chúa Giêsu muốn làm gương cho mọi người “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” ( 1 Ga 3, 16). Mỗi người tự chết nơi mình một ít khi đến với nhau mời có thể làm nên một bữa tiệc hiệp thông. Đó là nơi chia sẻ tình thân chứ không là nơi để hơn thua với nhau như đã từng làm, từng xảy ra.

Tiệc cưới:

"Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (Mt 22, 1).

"Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” (Lc 12, 15)

Nước Trời được sánh ví như tiệc cưới, trong đó con người được dự vào bàn tiệc “Chiên con” và nhờ đó “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7, 14).

Như vậy, bữa tiệc Nước Trời mà con người được mời gọi tham dự là tham dự vào sự chết - sự sống của Đức Giêsu Kitô - đồng hình đồng dạng với Ngài - Từ bỏ chính mình và vác thập giá mình theo Chúa. Từ bàn tiệc cưới Nước Trời thiên quốc con người được mời gọi hưởng nếm bàn tiệc Thánh Thể trong Giáo Hội lữ hành để vững bước tiến về thiên quốc.

Bàn tiệc bác ái:

Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." (Lc 14, 12 - 14).

Trong những lời nguyện của Mẹ Têrêsa Calcutta, Mẹ đãnói: “Khi bạn chiêm ngưỡng Thánh Giá, bạn cảm nghiệm Thiên Chúa đã yêu thương bạn dường bao. Khi bạnchiêm ngưỡng Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, bạn cảm nghiệm Thiến Chúa đang yêu bạn dường nào”. Thực tại, của bàn tiệc Thánh Thể và chiêm ngưỡng Thánh Thể là diễn tiến trong thì hiện tại. Ở bên Chúa, chiêm ngưỡng Chúa hiệndiện trong Bí tích thánh Thể, ước muốn mãnh liệt nhất là được Chúa lôi cuốn trong hiện tại, mọi sự đã qua, Chúa đã quên mất, mọi vịêc tương lai sắp tới, tùy tuộc vào Ngài, chỉ có hiện tại, con người đáng được Chúa yêu thương. Chính những giây phút hiện tại này mà mẹ Têrêsa đã gặp Chúa trong những người tội lỗi, nơi những con người bị bỏ rơi trong những thân phận thấp hèn. Hiện tại là những thực tại đau thương, quên mất những quá khứ lầm lỗi, chỉ thấy hiện tại cần trợ giúp để tương lai của họ thuộc về Chúa.

Bí tích Thánh Thể mở ra cho con người chiêm ngắm sự cao cả của Thiên Chúa, để con người cũng sống với nhau bằng tình yêu phó nộp ấy.

"Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. (Lc 6, 28 – 35).

Bàn tiệc Lazaro. (Lc 16, 20 – 31)

"Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

"Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Ông Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."

Sự kiện của người giàu có bởi vì không phải tội giàu của ông, nhưng giàu có để chia sẻ cho người khác, chứ không thu tích cho mình và rồi trở nên án phạt.

Bí tích Thánh Thể là được diễn tả sự phong nhiêu như cách Gioan trình bày, phép lạ bánh ra nhiều. Cần có để cho chứ không để tích trữ riêng cho mình. Có nhiều như trong phép lạ bánh ra nhiều lại khởi sự từ cái ít. Vài chiếc bánh, vài con cá, nhưng có tấm lòng, người có tấm lòng trao ban những gì mình có cho người khác là bắt đầu để cho Chúa thực hiện những phép lạ.

Thực ra, khi tham dự cử hành Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có thể nghiệm ra nhiều điều trong sự sống phong nhiêu, bắt nguồn từ hành vi cơ bản và đơn giản. Đó hành vi cử hành. Cử hành là một cách làm việc mới với tâm tình hiến dâng, người ta có thể hiến dâng rất nhiều từ những lao tác thường ngày như chất liệu từ bao giọt mồ hôi làm nên tấm bánh miến, từ bao lao công làm nên chén rượu để được biến đổi. Chúng ta đừng làm việc như công việc phải làm, hãy hòan thành công việc như đang cử hành, không có những bàn thờ tại cơ xưởng, nơi làm việc trong gia đình, sẽ không có bàn tiệc dâng trên bàn thánh. Chúng ta sẽ nhận ra rõ ràng dấu chỉ của bí tích mà chúng ta tuyên xưng: “đây là mầu nhiệm đức tin”, đó là một thực tại đang được biến đổi, nếu chúng ta sống tất cả như việc cử hành.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/ban-tiec/