Trích từ Dân Chúa

Bài Học Đầu Tiên – Bài Học Cuối Cùng

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên (Năm C)

TIN MỪNG - những lời giảng dạy và những việc Chúa Giêsu làm – không bao giờ không mang một thông điệp cụ thể cho từng hoàn cảnh, ở mọi lúc và mọi nơi, hic et nunc. Trong tinh thần đó, xin phép gác lại BÀI ĐỌC TIN MỪNG Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên, để xin giới thiệu bài suy niệm của Đức TGM Giuse Ngô-Quang-Kiệt (rời Hànội đi dưỡng bệnh ở nước ngoài, ngày 12.05.2010).

Người tông đồ chân chính (như Ngài) chỉ biết vâng lời và thực hiện những gì NHƯ LÒNG CHÚA MONG MUỐN, qua Vị đại diện của Chúa ở trần gian, Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI, vì lợi ích của Dân Chúa, của Giáo Hội Việt Nam. Với Kitô hữu, giá trị đạo đức không cứ ở số lượng hay chất lượng những công việc làm được - kể cả vì sáng Danh Chúa – mà là VÂNG LỜI (x.Pl 2, 6 -8). Đi đâu, làm gì, hoàn toàn không quan trọng. Sự thánh thiện chính là làm theo thánh ý Thiên Chúa. XÁC TÍN đó – TINH THẦN đó - Đức TGM Giuse đã nhiều lần chia sẻ. Một trong nhỮng bài chia sẽ đó, là bài “Đào tạo tông đồ” (Chúa Nhật TN V, Năm C). Đây là ‘bài học đầu tiên” Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ, và hôm nay, trước khi về trời, cũng là ‘bài học cuối cùng” Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn đệ và cả chúng ta.

ĐÀO TẠO TÔNG ĐỒ

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về mẻ cá lạ lùng mà Phêrô và các bạn được chứng kiến. Đây khám phá chỉ đơn thuần là một phép lạ lớn lao cho ta ngưỡng phục quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng qua dấu lạ này, Chúa Giêsu còn muốn mời gọi ta ra khơi truyền giáo. Và qua tiến trình của phép lạ, Chúa Giêsu đã áp dụng một chương trình đào tạo các môn đệ, đặc biệt là Phêrô, người đứng đầu các môn đệ. Chương trình đào tạo này gồm 4 điểm.

ĐIỂM THỨ NHẤT: CẢM NGHIỆM VỀ SỰ NGHÈO NÀN CỦA BẢN THÂN.

Phêrô và các bạn đang giặt lưới. Các ông mệt mỏi sau một đêm thức trắng vật lộn với biển khơi. Tâm trạng các ông chán nản sau thất bại chua cay não nề. Thế mà giờ đây, Chúa Giêsu lại bảo các ông ra khơi. Ra tận chỗ nước sâu. Nước sâu là chỗ nguy hiểm. Nước sâu là chỗ Phêrô gặp thất bại. Chúa Giêsu muốn Phêrô trở lại chỗ nước sâu để nhận thức rõ sự vô tài bất lực của bản thân. Chúa Giêsu muốn Phêrô nhìn rõ những thất bại để ông biết khiêm nhường. Khiêm nhường là bài học đầu tiên Chúa Giêsu muốn gửi đến các môn đệ của Người.

ĐIỂM THỨ HAI: CẢM NGHIỆM VỀ SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA.

Người tông đồ phải làm chứng về Thiên Chúa. Muốn làm chứng phải có kinh nghiệm. Ai chưa từng gặp được Thiên Chúa, chưa từng tiếp xúc với Người thì không thể làm chứng về Người. Trong những trường hợp đặc biệt, Thiên Chúa thường chủ động tỏ mình ra. Chúa tỏ mình cho Môsê trong bụi gai cháy đỏ. Chúa tỏ mình ra cho thánh Phaolô qua làn ánh sáng chói lọi trên đường đi Đa mát. Hôm nay Chúa tỏ mình ra cho Phêrô qua mẻ lưới lạ lùng. Lập tức Phêrô nhận biết sự cao cả, sự thánh thiện của Chúa. Sợ hãi vì thấy mình tội lỗi, Phêrô vội quỳ xuống xin Chúa rời xa. Phêrô đã sống bên cạnh Chúa. Ông đã được tiếp xúc với Chúa. Ông đã cảm nghiệm được sự thánh thiện cao cả của Chúa. Sau này ông đi rao giảng chỉ là để kể lại những gì ông đã mắt thấy tai nghe.

ĐIỂM THỨ BA TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ CỦA CHÚA ĐÓ LÀ SỰ VÂNG LỜI TUYỆT ĐỐI.

Phêrô hẳn là rất ngạc nhiên khi Chúa Giêsu bảo ông ra khơi đánh cá, lại còn chỉ rõ nơi thả lưới. Không ngạc nhiên sao được khi Phêrô là người miền biển trong khi Chúa Giêsu là người miền núi. Phêrô làm nghề chài lưới lâu năm kinh nghiệm trong khi Chúa Giêsu chỉ làm nghề thợ mộc. Thế mà khi Chúa Giêsu bảo ông thả lưới bên phải thuyền, ông đã tăm tắp làm theo. Phêrô đã vâng lời tuyệt đối. Phêrô đã học được thái độ vâng lời của người môn đệ. Ông đã thành công. Ông đã thấy kết quả rõ ràng. Và Chúa đã đặt ông làm tông đồ trưởng.

ĐIỂM SAU CÙNG MÀ CHÚA MUỐN NGƯỚI MÔN ĐỆ PHẢI CÓ: ĐÓ LÀ SẴN SÀNG RA ĐI.

Ra đi là một thái độ liều lĩnh. Vì vượt qua những khoảng không gian vật lý cheo leo. Ra khơi là chấp nhận đối đầu với phong ba bão táp. Vượt qua những khoảng không gian vật lý đã khó. Vượt qua những khoảng không gian tâm lý còn khó hơn. Ra đi là bỏ nơi an toàn để đến nơi bấp bênh. Ra đi là bỏ nơi quen biết để đến nơi xa lạ. Lên đường truyền giáo là bỏ lại tất cả: gia đình, thuyền bè, chài lưới. Bỏ cả nghề nghiệp cũ đã thành thạo để bắt tay vào nghề mới còn chập chững. Bỏ lưới cá để chài người.

Nhưng khó nhất chính là ra khỏi chính mình. Dù có đi xa ngàn dặm nhưng vẫn giữ được những thói tật xưa cũ thì người ta vẫn còn ở khởi điểm. Muốn lên đường người môn đệ phải ra khỏi tính tự ái tự mãn của mình. Ra khỏi những quan niệm xưa cũ hẹp hòi. Ra khỏi những ảo tưởng viễn vông. Ra khỏi những ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.

Khi đã từ bỏ tất cả, người môn đệ sẽ trở nên hoàn toàn nghèo nàn. Gia tài chỉ có niềm cậy tin phó thác hoàn toàn vào Đấng kêu gọi ta. Vũ khí chỉ có lòng vâng phục tuyệt đối vào Đấng sai ta.

Mỗi người được Chúa huấn luyện. Bao lâu ta chưa cảm nghiệm được sự hèn kém của bản thân, chưa cảm nghiệm được sự thánh thiện cao cả cũng như tình yêu của Thiên Chúa, chưa có niềm vâng phục tuyệt đối, chưa ra đi trong tự do và khó nghèo, ta vẫn chưa thực sự trở thành môn đệ của Chúa. Chưa được đào tạo kỹ lưỡng mà đã làm việc thì phần thành công chắc chắn sẽ ít hơn phần thất bại.

Lạy Chúa, xin hãy dạy bảo con theo đường lối của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Bạn có tuyệt đối vâng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh không?
2. Bạn có cảm nghiệm về sự vô tài bất lực của mình không?
3. Bạn đã ra đi khỏi chính mình chưa? Bạn có cảm thấy Chúa có chương trình đào tạo mình không?

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Chúa Nhật V - TN C: Lc 5, 1 - 11

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 49
Thiên Chúa Sẽ Xét Xử

“Khi Con người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên thần hộ giá, Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người..”(Mt 25,31). Người ta nhận ra đoạn mào đầu long trọng của Ngày Phán Xét Chung trong Phúc Âm Thánh Matthêu và đó cũng là khởi đầu của Thánh Vịnh 49 nầy. Rồi đến lệnh của Đấng Thẩm Phán Tối Cao. Thiên Chúa, Đấng Tác Tạo Đất Trời, sẽ làm gì với những tiến lễ vật chất chẳng đáng gì nầy, vốn cũng chỉ là những gì Người ban tặng cho mà thôi? Chúng ta cứ vẫn nghĩ Thiên Chúa, Đấng làm chủ đất trời, lại cần đến dê bò và những lễ vật chúng ta dâng ư? “Như thể Thiên Chúa thiếu thốn bất cứ thứ gì, Người vốn là Đấng ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự” (Cv 17,25). Người chờ đợi nơi chúng ta một điều gì khác hơn, điều mà mọi người rút ra từ tận sâu thẳm tâm hồn mình: tiếng kêu khi gặp cảnh khốn cùng và tiếng kêu tin cậy. Những thứ đó thuộc về chúng ta. Những thứ đó làm cho Thiên Chúa vui thích. Ta như đang nghe được lời Chúa Giêsu đánh mạnh không thương tiếc đám Biệt Phái :”Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và Biệt phái giả hình. Các ngươi nộp thuế thập phân rau húng,dầu bạc hà,..nhưng lại bỏ qua những điểm nặng nhất trong luật : sự công chính, lòng thương xót và lòng thành tín” (Mt 22,23), “tình yêu Thiên Chúa” (Lc 11,42). Thánh Gioan Thánh Giá nói :”Chúng ta sẽ chịu xét xử theo tình yêu thương”.

Giuse Nguyễn Thế Bài

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/bai-hoc-dau-tien-bai-hoc-cuoi-cung/