Trích từ Dân Chúa

Bài giảng của ĐTC Gioan Phaolô II trong thánh lễ cung hiến Đền Thờ Kính Lòng Từ Bi Chúa

ĐÔ Nguyễn Quang Sách

"Ôi lòng thương xót Chúa không thể hiểu và không thể dò thấu,
Ai có thể thờ phụng Chúa và hát những bài ca tán tụng Ngài cho xứng đáng?
Ôi thuộc tính cao cả nhất của Thiên Chúa Toàn Năng,
Chúa là nguồn hy vọng ngọt ngào của tội nhân"
(Nhật Ký, 951).

Anh chị em thân mến!

1. Hôm nay tôi lập lại những lời đơn sơ và thẳng thắn của thánh Faustina, hầu kết hợp với thánh nữ và tất cả anh chị em trong sự thờ phượng mầu nhiệm không thể hiểu và không thể dò thấu của lòng thương xót Chúa. Cũng như thánh Faustina, chúng ta muốn công bố rằng ngoài lòng thương xót của Chúa không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại. Chúng ta muốn lập lại trong đức tin: Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy ở nơi Chúa!

Lời tuyên bố này, sự tuyên xưng lòng tin cậy vào tình yêu toàn năng của Chúa, là đặc biệt cần thiết trong thời đại chúng ta, khi nhân loại đang trải qua tình trạng bối rối trước nhiều biểu hiện của sự dữ. Sự kêu xin lòng thương xót Chúa cần cất lên từ nơi thâm sâu những cõi lòng đầy đau khổ, lo lắng và bất ổn, và đồng thời ao ước một nguồn hy vọng chắc chắn.

Đó là lý do tại sao chúng ta đến đây, tới Đền thờ Lagiewniki này, để ngước nhìn một lần nữa trong Chúa Kitô gương mặt Chúa Cha: Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an (2 Cor 1:3). Với con mắt linh hồn, chúng ta ao ước nhìn vào mắt Chúa Giêsu từ bi, hầu trong cái nhìn đăm đăm của Người chúng ta gặp sự phản chiếu đời sống nội tâm của Người, cũng như ánh sáng ân sủng mà chúng ta đã lãnh nhận rất thường, và ánh sáng đó Thiên Chúa lại phát ra cho chúng ta mỗi ngày và trong ngày sau hết.

2. Chúng ta sắp hiến thánh ngôi nhà thờ mới này để kính nhớ lòng thương xót Chúa. Trước khi làm vậy, tôi muốn dâng sự biết ơn chân thành tới những người đã góp phần xây dựng. Cách riêng tôi cám ơn Hồng Y Franciszek, người đã đặt rất nhiều cố gắng trong công trình này như là một dấu chứng lòng sùng kính cá nhân ngài đối với lòng thương xót Chúa. Tôi âu yếm nghĩ tới các chị em của Mẹ Thiên Chúa Từ Bi, tôi cám ơn chị em đã ra công phổ biến sứ điệp do thánh nữ Faustina để lại. Tôi chào các Hồng Y và Giám Mục Ba Lan, đứng đầu là Đức Hồng Y Giáo Chủ, cũng như các Giám Mục đến từ những phần khác nhau trên thế giới. Tôi vui mừng về sự có mặt của các linh mục triều và dòng, cũng như các chủng sinh.

Tôi chân thành chào tất cả những ai tham dự việc cử hành này, cách riêng những đại diện Hội Đền Thánh Chúa Từ Bi là những người đã giám sát công trình xây cất, cũng như những người xây dựng tham gia trong những dự án khác nữa. Tôi biết nhiều người hiện diện nơi đây đã dâng cúng sự nâng đỡ quảng đại vật chất cho công trình xây dựng này. Tôi cầu xin Chúa ân thưởng và chúc lành cho lòng quảng đại và sự dấn thân của họ

3. Thưa anh chị em! Khi chúng ta hiến thánh ngôi nhà thờ mới này, chúng ta cũng có thể hỏi câu hỏi đã làm áy náy vua Solomon khi ông hiến thánh Đền thờ Giêrusalem như nhà Chúa: "Có thật Thiên Chúa ngự dưới đất chăng? Này, trời cao thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây!" (1V 8:27). Vâng, mới ngó qua, dành một số nơi cho Chúa hiện diện có thể xem ra không thích hợp. Chúng ta có thể không bao giờ quên thời gian và không gian toàn bộ thuộc về Chúa. Nhưng mặc dầu thời gian và toàn thể thế giới có thể được xem như đền thờ của Người, Chúa đã chọn một số thời gian và không gian để dân chúng có thể kinh nghiệm cách đặc biệt sự hiện diện và ân sủng Người. Được thúc đẩy bởi cảm nhận đức tin, dân chúng hành hương tới những nơi này trong niềm tin tưởng rằng ở đó họ thật sự đứng trước nhan thánh Chúa.

Cũng trong một tinh thần đức tin như thế tôi đã tới Lagiewniki để hiến thánh ngôi nhà thờ mới này. Tôi xác tín đây là nơi riêng biệt Chúa chọn để tỏ ân sủng lòng thương xót của Người. Tôi cầu xin cho nhà thờ này sẽ luôn luôn là một nơi sứ điệp tình yêu thương xót của Chúa được loan báo; một nơi hoán cải và sám hối; một nơi cử hành Thánh Thể; một nguồn suối thương xót; một nơi cầu nguyện và liên tục xin lòng thương xót cho chúng ta và cho toàn thể thế giới. Tôi cầu theo lời Solomon: "Lạy Đức Chúa Thiên Chúa của con! Xin đoái đến lời tôi tớ Chúa cầu xin khẩn nguyện, mà lắng nghe tiếng kêu cầu của tôi tớ Ngài dâng trước tôn nhan hôm nay. Xin Ngài để mắt nhìn đến ngôi nhà này đêm ngày... Xin nghe lời nài van của tôi tớ Ngài và của Israel dân Ngài dâng lên ở nơi đây. Từ trời nơi Ngài ngự, xin lắng nghe; xin lắng nghe và tha thứ" (1V8: 28-30).

4. "Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây, khi những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế"(Ga 4:23). Khi chúng ta đọc những lời này của Chúa Giêsu ở đây trong Đền Thánh Chúa Từ Bi, chúng ta ý thức đặc biệt không ai có thể đến đây trừ ra trong thần khí và sự thật. Chính Chúa Thánh Thần, Đấng An ủi và Thần khí của sự thật, là Đấng hướng dẫn chúng ta đi trên những con đường của lòng Thương Xót Chúa. Bằng cách chứng minh cho thế giới thấy "tội lỗi, sự công chính và việc luận phạt" (Ga 16:8), Người cũng tỏ lộ sự viên mãn ơn cứu độ trong Chúa Kitô .

Việc chứng minh đối với tội lỗi này hai lần liên quan tới Thánh Giá Chúa Kitô . Một đàng, Chúa Thánh Thần cho chúng ta khả năng, qua Thánh Giá Chúa Kitô, nhận biết tội lỗi, tất cả tội lỗi, trong chiều kích đầy đủ của sự dữ nó chất chứa và ẩn giấu bên trong. Đàng khác, Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta, lại qua Thánh Giá Chúa Kitô , thấy tội lỗi trong ánh sáng mầu nhiệm đạo đức, nghĩa là, mầu nhiệm đầy thương xót và tha thứ của Chúa (x. Dominum et vivificantem, 32).

Do đó, sự minh chứng liên quan tới tội lỗi cũng trở nên một xác tín rằng sự tội có thể bị loại ra một bên và con người có thể phục hồi lại phẩm giá của mình như một người con yêu dấu của Chúa. Thật vậy, Thánh Giá là sự hạ mình sâu xa nhất của Chúa xuống tới con người[... ]. Thánh Giá như là một sự đụng chạm của tình yêu đời đời trên những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống trần gian con người *Dives in misericordia, 8). Viên đá góc của Đền Thánh này sẽ luôn luôn là một sự ghi nhớ sự thật này, bởi vì nó được đưa tới đây từ Núi Calvary, dường như ngay bên dưới cây Thánh Giá trên đó Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự tội và sự chết.

Tôi vững tin rằng ngôi nhà thờ mới này sẽ luôn luôn là một nơi dân chúng sẽ tới trước mặt Chúa trong Thần khí và sự thật. Họ sẽ tới với niềm tin cậy luôn tháp tùng những ai khiêm tốn mở lòng mình ra cho tác động tình yêu đầy lòng thương xót Chúa, cho một tình yêu mạnh hơn cả tội lỗi ghê gớm nhất. Ở đây, trong lửa tình yêu của Chúa, những tâm hồn con người sẽ cháy lên với lòng ước ao hoán cải, và bất cứ ai tìm hy vọng sẽ được an ủi.

5. "Lạy Cha đời đời, Con dâng lên Cha Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính Con yêu dấu Cha, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, vì tội chúng con và vì tội của cả thế giới; nhờ những đau khổ của sự thương khó Người, xin Cha thương xót chúng con và cả thế giới" (Nhật Ký, 476). Chúng con và cả thế giới... Thế giới ngày nay cần lòng thương xót Chúa là dường nào! Trong mọi lục địa, từ vực sâu của đau khổ nhân loại, một tiếng kêu xin thương xót đang cất lên. Nơi nào hận thù và ước muốn báo oán thống trị, nơi nào chiến tranh mang đau khổ và chết chóc đến người vô tội, nơi đó ân sủng tình thương xót là cần thiết để trấn an tâm trí con người và mang lại hoà bình. Nơi nào thiếu lòng tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, ở đó cần tình yêu thương xót của Chúa, trong ánh sáng tình yêu này chúng ta thấy giá trị khôn tả của mỗi hữu thể nhân bản. Tình thương xót là cần để bảo đảm rằng mọi bất công trong thế giới sẽ kết liễu trong vẻ huy hoàng của chân lý.

Do đó, hôm nay, trong Đền thánh này, tôi muốn long trọng phó thác thế giới cho lòng Từ Bi Chúa. Tôi làm như vậy với sự ao ước nồng cháy cho sứ điệp tình yêu thương xót của Chúa, đã được thánh Faustina công bố nơi đây, được tất cả các dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho tâm hồn họ tràn trề hy vọng. Xin cho sứ điệp này tỏa chiếu từ nơi đây, lan rộng trên quê hương yêu dấu chúng ta và khắp thế giới. Xin cho lời hứa ràng buộc của Chúa Giêsu được nên trọn: từ nơi đây phải xuất phát tia lửa sẽ chuẩn bị thế giới đón nhận lần quang lâm cuối cùng của Người (x. Nhật Ký, 1732).

Tia lửa này cần được thắp sáng bởi ân sủng Chúa. Lửa thương xót này cần đi khắp thế giới. Trong tình thương xót Chúa, thế giới sẽ gặp được hoà bình và nhân loại sẽ được hạnh phúc! Tôi giao phó nhiệm vụ nầy cho quí vị, hỡi những anh chị em yêu quí, cho Giáo hội tại Krakovia và Ba Lan, và cho tất cả những người dâng hiến cho lòng Từ Bi Chúa, là những người sẽ đến đây từ Ba Lan và từ khắp nơi trên thế giới. Mong anh chị em là những chứng nhân của tình thương xót!

6. Lạy Thiên Chúa, là Cha hay thương xót,
trong Con Cha, Đức Giêsu Kitô , Cha đã mạc khải tình yêu của Cha
và tuôn đổ tình yêu ấy trên chúng con trong Chúa Thánh Thần Đấng An ủi,
Chúng con phó thác cho Cha hôm nay vận mạng của thế giới và của mỗi người nam và nữ.

Xin Cha cúi xuống trên chúng con là những kẻ tội lỗi.
Xin chữa lành sự yếu đuối chúng con,
Xin chiến thắng mọi sự dữ,
Và ban cho mọi dân tộc trên mặt đất
Có thể cảm nghiệm tình thương xót của Cha.
Trong Cha, Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho họ luôn luôn gặp nguồn mạch hy vọng.

Lạy Cha đời đời,
Nhờ sự Thương khó và Phục Sinh của Con Cha,
Xin thương xót chúng con và toàn thể thế giới!

Amen

ĐÔ Phêrô Nguyễn Quang Sách
18/08/2002

• In English

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/bai-giang-cua-dtc-gioan-phaolo-ii-trong-thanh-le-cung-hien-den-tho-kinh-long-tu-bi-chua/