Trích từ Dân Chúa

Bác ái với người đã chết

Pm. Cao Huy Hoàng

Suy niệm lễ Các Đẳng Linh Hồn
Nhân lễ Các Đẳng, và tháng cầu cho các linh hồn, xin gửi mấy suy tư.

Có những sự thật trong cuộc đời không ai chối cãi được: Sự chết cố định, giờ chết bất ngờ, cách chết không ai giống ai, cách an táng … Nhưng từ chuyện giờ chết và cách chết, cách an táng…nẩy sinh ra bao nhầm lẫn không đáng có về sự chết lành chết dữ, có thể làm mất đức bác ái đối với người đã chết.

Giờ chết, cách chết

Sự chết lành - chết trong tình trạng ân nghĩa Chúa, và chết dữ - chết trong tình trạng mất ân nghĩa Chúa, chỉ có thế, không thể suy diễn khác hơn.

Vậy mà, cho đến hôm nay, khi nhìn thấy những cách chết thảm thương, hay đột tử, chúng ta còn ép người đã chết rồi phải nghe bao lời nguyền rủa cay đắng. Đôi khi bị chúng ta phán xét ấy là cách chết dữ. Với các tín hữu công giáo, nhất là những người theo quan niệm xưa cũ rằng đồng nghĩa việc chết dữ và cách chết bi thảm hay đột tử ăn năn tội chẳng kịp, thì thiết nghĩ, nên đổi ngay cách nhìn mới mẻ hơn: bác ái với người đã chết.

Việc bác ái ấy bắt đầu từ khi chứng kiến hoặc nghe tin người đã chết. Có lần, một giáo lý viên đến thăm tôi, vừa đến nhà, cô ta nói:

-“Ở dưới kia có tai nạn khủng khiếp. Ba bốn người chết tại chỗ”.

-“Rồi em làm gì lúc đó?”.

-“Làm gì được, sợ quá, em chạy một mạch về đây”.

-“Lần sau nếu gặp trường hợp tương tự, em đọc thầm câu này ngay: chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho (các) linh hồn mới qua đời được lên chốn nghỉ ngơi” hoặc là” “Chúa ơi, xin thương xót thứ tha cho những người mới chết, nếu họ chưa kịp ăn năn tội mình”.

-“Biết họ có đạo không mà đọc, biết linh hồn gì mà cầu”, Cô ta khó chịu.

-“Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính mà em, biết đâu, họ còn công chính hơn mình!”.

Chúa nhật, tôi đi lễ sớm, nghe GLV ấy nói với các em học viên những tâm tình tương tự…

Chắc chắn hình ảnh của những cái chết thê thảm luôn ẩn ẩn hiện hiện trong tâm trí chúng ta, và ấy là cơ hội tốt để chúng ta thi hành đức bác ái với người đã chết bằng lời cầu nguyện cho họ. Và còn là cơ hội tốt để nhắc nhớ chúng ta luôn sống trong tình trạng ân sủng, sống trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa, cụ thể là với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Nếu việc tưởng nhớ các linh hồn của những người thân đã ra đi trước chúng ta là một bổn phận của chữ hiếu, chữ tình, chữ nghĩa thì việc tưởng nhớ các linh hồn của những người dưng, người có cách chết bi thảm hơn ai hết, lại là một bổn phận của Đức Bác ái.

Bên ngoài nghĩa trang của Giáo Xứ tôi, còn có một khoảng trời riêng dành cho những người được gọi là tội nhân công khai như rối vợ rối chồng, ngoại tình công khai, chống phá giáo hội bị chế tài…. Những năm trước, đúng là riêng một góc trời tăm tối. Những năm gần đây, tôi đã thấy có chương trình viếng nghĩa trang của anh em Phan Sinh, Giáo Lý Viên, Legio Ca đoàn… thật đẹp, thật ý nghĩa. Họ không chỉ viếng và đọc kinh bên các phần mộ trong nghĩa trang, mà còn viếng và đọc kinh sốt sắng trước những phần mộ bị kể là “ tội nhân” của Chúa, của Giáo Hội. Mỗi em học Giáo Lý được chọn cho mình một phần mộ bên ngoài để viếng và cầu nguyện suốt tháng 11.

Việc làm bác ái ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa, và động lòng thương xót của Chúa.

Cách an táng

Lòng bác ái đối với người đã chết không nhất thiết thể hiện qua cách an táng.
Cách an táng chắn chắn không phải là một bảo đảm cho phần rỗi đời đời.

Vậy mà, khi có người qua đời, chúng ta vẫn thường xem trọng cách an táng, như là, càng trọng thể, càng có giá trị ơn cứu rỗi vậy! Đôi khi chúng ta lại quên rằng, ông hàng xóm ở nhà bên, tuần trước mới chết vợ, không mua nổi cái áo quan cho vợ mình! Ông ta lại tủi phận rồi thầm thỉ bên di ảnh vợ: “ Em ơi, anh chỉ mong em về với Chúa, cầu xin cho em về với Chúa. Khi nào được về trong nước Chúa, xin em nhớ đến anh, phù hộ cho anh.”

An táng theo nghi thức của Giáo Hội là một niềm vui lớn cho gia đình, một dấu chỉ trở về với Thiên Chúa đối với người đã chết. Nhưng cũng không thiếu gì những trường hợp một Kitô hữu không được an táng theo nghi thức của giáo hội, hoặc là bị chế tài, hoặc là do một sự trói buộc của gia đình của xã hội. Cả hai đều đáng nhận được nhiều hơn nữa lòng bác ái của chúng ta. Lòng bác ái ấy không chỉ là sự cảm thông với hoàn cảnh của người đã chết, mà còn trân quí hạt giống Tin Mừng lớn lên trong phong ba bão tố.

Gia đình Ông Nồi ở xứ tôi là một gia đình Phật Giáo. Bà Nồi có thân thích với nhiều vị thượng tọa và cả thân nhân bà cũng là giới tu hành của Phật Giáo. Ông có cô con dâu công giáo. Ông muốn trở lại đạo, và đã học giáo lý với cô con dâu. Ông đã xin Cha sở FX cho ông nhập đạo trước sự phản đối kịch liệt của gia đình. Gia đình không cho ông gặp Cha sở, ông bảo cô con dâu ghi âm lại những lời ông nói và trình lên Cha sở. Ông nói: “Thưa Cha, con muốn theo đạo Chúa, vì con biết Chúa thương con, Chúa sẽ cứu con khỏi chết muôn đời, Chúa sẽ cho con sống lại. Xin Cha rửa tội cho con”. Nhận được băng cassette, cha FX đã tìm cách gặp ông và cha đã nhờ một hội viên Legio kín đáo rửa tội cho ông, tên thánh là Dominico. Ông đã nói với gia đình rằng ông đã được rửa tội. Nhưng Ông phải lén lút đi lễ vì sự cấm cản. Rồi ông bịnh. Legio kín đáo đem Mình Thánh Chúa cho ông. Mấy tháng sau, ông chết. Các Thượng Tọa và phật tử lo việc chôn cất. Legio và giáo dân tham dự lễ nghi của họ, lòng thầm nguyện cho linh hồn Dominico cách chân thành.

Cô NĐ kể chuyện của ba mình. Chuyện xảy ra tại nhà thờ Cha Tam. Sau một vụ nổ, Ba của cô bất động. Ông được đưa vào nhà xứ. Vừa tỉnh dậy, đã thấy chung quanh có các nữ tu và giáo dân. Ông nói, ông không có đạo. Trong lúc thập tử nhất sinh, một người đã gợi ý cho ông về Thiên Chúa, về ơn cứu độ. Ông đã vui vẻ tuyên xưng đức tin và lãnh bí tích rửa tội, trước khi đưa vào bệnh viện gần đó. Tên thánh là Giuse. Một linh mục đã quàng xâu chuỗi Mân Côi vào cổ ông như một dấu chứng tín hữu. May mắn, ông đã được cứu sống. Khi ra viện, ông mang xâu chuỗi ấy về trong gia đình toàn là người Phật Giáo. Sau nầy, khi được nghe chuyện của Ba, và khi lên Thành Phố Sài gòn làm việc, cô NĐ cũng một mình theo Chúa. Hai mươi mấy năm sau, ông bệnh vì già, và lại cũng đã được một Linh Mục quản xứ Nhà thờ Cha Tam ban các phép sau cùng tại bệnh viện năm xưa! Gia đình ông đã chôn cất ông theo nghi thức của Phật Giáo. Cô NĐ và các bạn trong ca đoàn đã cầu nguyện cho linh hồn Giuse và Maria nữa - một tên thánh xin đặt cho Mẹ của cô, để nhờ Đức Mẹ cầu bầu, với niềm tin “Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính”.

Vì có những cách an táng khá đặc biệt như thế, nên mới có chuyện thấy người Công Giáo viếng các nghĩa trang Phật Giáo trong tháng các linh hồn. Ban đầu, chỉ là viếng những phần mộ của những người mà mình biết là công giáo, nhưng sau nầy, được ơn cách nào đó, mà các em lại viếng luôn cả nghĩa trang Phật Giáo và cầu nguyện cho hết thảy các linh hồn được Chúa Thương Xót.

Các linh hồn cần lòng xót thương của Thiên Chúa. Lòng Thương xót của Thiên Chúa sẽ mở ra, khi Thiên Chúa thấy lòng thương xót của chúng ta dành cho các Linh Hồn một cách chân thành, với lời khẩn cầu tha thiết, với lòng bác ái bao dung không phán xét, không phân biệt, với niềm tin tưởng vào ước muốn đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu: “ Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho con, thì con muốn rằng: Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến con trước khi tạo thành thế gian”. (Jn 17, 24).

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi.
Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. A men.

Pm. Cao Huy Hoàng

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/bac-ai-voi-nguoi-da-chet/