Trích từ Dân Chúa

Anrê Phú Yên và Chúng Ta: Cuộc Tử Đạo Hôm Qua và Hôm Nay

Lm JB Vũ Xuân Hạnh

Linh hài Chân Phước Anrê Phú Yên

Nguồn chungnhanduckito.net

Ngày 27.1.2000, Đức Tổng Giám mục Jose Saraiva Martins, Bộ Trưởng Bộ Phong thánh đệ trình Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và được Đức Thánh Cha công bố cùng lúc 11 sắc lệnh về việc phong thánh và phong chân phước cho các Tôi Tớ Chúa. Trong 11 sắc lệnh đó, có một sắc lệnh dành cho một thanh niên người Việt Nam: Thầy Giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam.

Đáng chú ý hơn: Cùng lúc Tòa Thánh loan tin nhìn nhận cái chết anh dũng vì đức tin của Thầy Giảng Anrê, nhằm chuẩn bị việc phong chân phước cho Thầy trong nay mai, thì tại Rôma cũng đang diễn ra cuộc họp Thượng Hội đồng Giám mục Á châu. Một sự trùng hợp đầy ý nghĩa, làm cho cả thế giới vốn đã chú ý nhiều đến Hội Thánh tại Á châu, bây giờ càng chú ý đặc biệt hơn Hội Thánh Việt Nam, một Hội Thánh còn non trẻ trên vùng đất Á châu, đang cùng nhập cuộc để đồng hành cùng Hội Thánh khắp nơi và Hội Thánh hoàn vũ để sống và minh chứng đức tin của mình.

Chưa đầy hai tháng sau khi công bố cái chết của Thầy Giảng Anrê Phú Yên là cái chết vì đạo, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Thầy ngày 5.3.2000. Đây là sự kiện làm nức lòng toàn thể Hội Thánh Việt Nam nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng.

I. Cuộc Tử Đạo Của Thầy Giảng Anrê Phú Yên

Anrê Phú Yên

Tất cả các tài liệu liên quan đến á thánh Anrê Phú Yên, đều không cho biết tên thật của ngài. Theo tài liệu của Cha Đắc Lộ, người đã rửa tội cho Thầy Giảng Anrê Phú yên – có lẽ là tài liệu đáng tin cậy nhất, vì Thầy luôn ở cận kề bên Cha từ khi được rửa tội – thì Anrê là một chàng trai rất trẻ trung. Có lẽ cậu sinh năm 1625, được gặp Cha Đắc Lộ và rửa tội năm 1641. Hai năm sau, cậu Anrê được tuyên khấn trong bậc thầy giảng và gia nhập nhóm thầy giảng tại Hội An, dưới quyền thụ huấn của Thầy Inhaxiô.

Trưa ngày 25.7.1644, theo lệnh ông nghè Bộ (quan đứng đầu ngành tài chính và thuế khóa ở Quảng Nam) lính đến nhà cha Đắc Lộ bắt thầy Inhaxiô. Nhưng thầy Inhaxiô cùng cha Đắc Lộ đang trên đường đến chào thăm ông nghè vì ông vừa từ kinh đô mới về. Còn Thầy Anrê ở nhà săn sóc cho một thầy khác đang đau. Trước hành động hung hăn, phá phách của lính, Thầy Anrê nói với họ: “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxiô thì vô ích, vì thầy không có ở nhà. Còn nếu muốn bắt tôi thì cứ bắt, vì tôi cũng là người Kitô và còn là thầy giảng nữa. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxiô. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được”.

Thế là ngay chiều hôm ấy, 25.7.1644, Thầy Anrê được giải đến trước mặt ông nghè. Ông lấy hết lời ngon ngọt dụ dỗ và hứa hẹn mọi điều tốt đẹp. Nhưng vấp phải một khí thế sắt đá biểu lộ một đức tin ngoan cường tỏa sáng của Anrê, quan nghè khựng lại, đầy tức giận. Ông ra lệnh đóng gông thật nặng và giam chung với một cụ già cũng mang tên là Anrê 73 tuổi.

Ngay sáng sớm ngày hôm sau, 26.7.1644, ông nghè triệu tập phiên họp các quan để ra án tử ngay sau khi các quan đồng lòng lên án, họ đưa cả hai, cụ già và chàng trai trẻ đều có tên là Anrê ấy, ra khỏi ngục để lãnh án. Dù cha Đắc Lộ đã nói hết lời đển xin ông nghè tha cho hai người, nhưng cuối cùng, quan chỉ tha cho cụ già Anrê. Còn Thầy Anrê Phú Yên, ông nhất định không tha.

Từ khi biết mình được ơn lãnh nhận phúc tử đạo, Thầy Anrê không ngớt thầm thỉ cầu nguyện. Thầy liên tục đọc kinh Tin, Cậy, Mến và kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn mãi. Lính dẫn Thầy đi qua tất cả các phố lớn ở Vinh Chiêm, trước khi đến cánh đồng lớn. Khi đến nơi, cha Đắc Lộ nói vài lời nâng đỡ thầy. Thầy Anrê quỳ dưới đất. Khi lý hình tháo gông xong, Thầy nói lời từ biệt mọi người: “Hỡi anh chị em, chúng ta hãy trung tín với Chúa Kitô cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.

Mọi sự chuẩn bị hoàn tất, người lý hình đến phía sau lưng Thầy Anrê, đâm Thầy từ giữa hai bả vai thấu ra đến phía trước ngực. Thầy quay sang chào cha Đắc Lộ, nhưng cha bảo Thầy ngước lên trời. Thầy vẫn không ngớt kêu Thánh danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Người lý hình tiếp tục đâm thêm hai nhát gươm. Nhưng người tôi tớ của Chúa đầy kiên trung, bất khuất ấy, vẫn không ngã xuống. Thấy vậy, một tên lính khác cầm mã tấu chém cổ Thầy. “Nhưng một nhát vẫn chưa xong, phải thêm nhát nữa làm đức hẳn cổ, đầu rơi về bên tay phải, chỉ còn vướng mảnh da”. Cha Đắc Lộ kể tiếp: “Tôi nghe rất rõ, cùng lúc đầu lìa khỏi cổ, thì Thánh danh Chúa Giêsu không phải từ miệng anh thốt ra, mà qua vết chém ở cổ. Và cùng lúc hồn anh bay về trời, thì xác anh ngã xuống đất”.

II. Noi Gương Chúa Kitô, Làm Gương Cho Đời

Trong cái chết anh dũng của Thầy Giảng Anrê Phú Yên, tôi thấy có rất nhiều bằng chứng, chứng minh rằng, Thầy đã noi gương Chúa Kitô đến cùng, đến dâng hiến cả mạng sống, dâng hiến tình yêu, dâng hiến tuổi thanh xuân, dâng hiến niềm tin, sự phó thác ngoan cường của mình để làm của lễ toàn thiêu quý giá. Chính khi chấp nhận biến mình thành của lễ toàn thiêu như Chúa Kitô, Thầy Anrê trở thành tấm gương sáng chiếu soi cho muôn nuôn thế hệ đời sau. Vài bằng chứng trong số những bằng chứng cho thấy Thầy noi gương Chúa Kitô là:

Vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Chúa Kitô là một minh họa tuyệt vời cho lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Qua lòng vâng phục đó, muôn đời, Chúa Kitô tỏ cho trần gian thấy lòng hiếu thảo của Người đối với Chúa Cha và tình thương yêu tuyệt đối đối với loài người khi chấp nhận hiến thân mình trên thánh giá.

Là một Kitô hữu, hơn thế, là một thầy giảng, Thầy Anrê hằng rao truyền lòng yêu thương của Chúa và truyền bá đức tin cho anh chị em của mình. Vì thế, như Chúa Kitô, cái chết của Thầy Anrê là tấm gương tuyệt vời, dạy mỗi một người trong chúng ta, nhất là những người trẻ, biết chấp nhận dấn thân cho đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa. Thầy Anrê đã chết để thánh ý Chúa được thành toàn. Vì chính nơi cái chết hiên ngang của Thầy, Thiên Chúa được vinh danh.

Mặc dù bị thế gian thù ghét, nhưng không bao giờ thù ghét thế gian. Hơn ai hết, Chúa Kitô, người Thầy Tối Cao của chúng ta, suốt cuộc đời trần gian chỉ làm những điều lành, chỉ cứu giúp loài người, luôn luôn tìm con đường tốt nhất để đưa loài người về cùng Thiên Chúa, lại bị loài người ghét bỏ và thủ tiêu. Nhưng Chúa không hề oán trách thế gian, không hề oán trách hàng lãnh đạo tôn giáo và chánh quyền Dothái cũng như chánh quyền đế quốc Rôma đã giết chết Chúa. Chúa không hề oán trách đám đông đã từng được Chúa cứu chữa, giờ đây lại quay ra dứt khoát đòi đóng đinh Chúa. Ngược lại, trên thánh giá, trước lúc kết thúc cuộc đời, Chúa còn cầu xin Chúa Cha tha tội cho họ. Nếu phải gói gọn tất cả những biến cố, những hành động, những lời nói… của Chúa Kitô từ khi nhập thể đến khi dâng mình trên thánh giá, ta chỉ có thể diễn tả bằng một động từ duy nhất: YÊU.

Học nơi người Thầy Tối Cao của mình bài học của yêu thương, tha thứ, Thầy Anrê Phú Yên không một lời trách móc kẻ đã bắt bớ, giết hại mình. Thầy yêu thương họ như yêu chính bản thân Thầy. Là thầy giảng, Thầy cũng mong muốn họ có đức tin, có lòng tôn thờ Chúa để cùng được hưởng niềm vui ơn cứu độ. Chẳng những không oán giận, không than thở, Thầy còn khuyên dạy mọi người: “Đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu, chúng ta hãy lấy tình yêu mà đáp lại tình yêu . Chúa đã chịu chết và đau khổ vì chúng ta, chúng ta hãy lấy sự sống mà đáp lại sự sống”. Ngay trước giờ bị hành hình, Thầy còn khuyên tất cả mọi người có mặt: “Hỡi anh chị em, chúng ta hãy trung tín với Chúa Kitô cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”. Như vậy, đối với Thầy Anrê, tất cả những nỗi niềm lúc sắp tử đạo, không phải là giận ghét, oán than ai, nhưng là quyết một lòng yêu mến Chúa và yêu thương con người.

Một chọn lựa dứt khoát và anh dũng. Cái chết trên thánh giá của Chúa Kitô là cái chết của một chọn lựa dứt khoát trong tự do. Chính Chúa Kitô đã từng mạc khải về sự tự do ấy: “Không ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta, Ta có quyền thí mạng sống Ta, và Ta cũng có quyền lấy lại, đó là lệnh truyền Ta đã lĩnh nơi Cha Ta” (Ga 10, 18). Vì vâng phục Thiên Chúa Cha, vì yêu trần gian, Chúa Kitô đã không tìm cho mình một chọn lựa dễ dãi, nhưng chọn cái chết ô nhục và đau đớn để mang lại ơn cứu rỗi đời đời cho trần gian.

Bước theo Chúa Kitô, nhận Chúa làm gia nghiệp đời đời của mình, Thầy Anrê đã không chọn lựa để tiếp tục sống trong thân xác, nhưng chấp nhận hiến dâng trọn vẹn chính mình như Chúa Kitô trong một tình yêu son sắt. Thầy đã không tìm vinh hoa trần thế, nhưng tiến thẳng về phía thánh giá, dẫu biết rằng, đó là một chọn lựa sẽ đánh mất tất cả những gì dệt được trong trần thế.

Ngoài ra, thái độ cương quyết đầy đanh thép của Thầy – trước sự nham hiểm của ông nghè Bộ khi dùng chiêu bài tỏ ra thương mến, tiếc nuối tuổi thanh niên và nạt nộ lính tráng tại sao lại bắt bớ một người trẻ hiền lành như thế này, nhằm lay chuyển lòng tin của Thầy. Hơn nữa, ông còn dùng những lời dụ dỗ hết sức ngọt ngào, quyến rũ, đồng thời hứa hẹn sẽ bảo đảm cho Thầy một tương lai trần thế sáng lạn – càng chứng minh cho một tình yêu khôn tả đối với Chúa, một chọn lựa hết sức quyết liệt và tự do đối với ơn gọi tiến đến thánh giá, theo Chúa Kitô của tâm hồn một người trẻ đầy trung kiên, mạnh mẽ.

Thầy đã chọn lựa dứt khoát, một chọn lựa anh dũng. Điều đó cũng có nghĩa là, trước mắt người đời, Thầy đã dại dột, khi có một chọn lựa hết sức bấp bênh, khó hiểu. Nhưng chính vì mang tính bấp bênh, khó hiểu trong cái nhìn trần thế, chọn lựa của Thầy mới có một giá trị đúng nghĩa, một giá trị siêu vượt. Chọn lựa ấy mới thật đúng là chọn lựa của lòng tin.

Trên đây chỉ là một ít trong số nhiều bằng chứng cho thấy Thầy Giảng Anrê Phú Yên đã noi gương Chúa Kitô. Chính khi can đảm bước theo chân Chúa Kitô đến cùng, Thầy Anrê Phú Yên trở nên gương sáng cho đời, cho từng người Kitô hữu chúng ta. Vì sống đạo trong thời đại hôm nay, có khi cũng đồng nghĩa với việc chịu tử đạo từng ngày…

Cuộc tử đạo của chúng ta ngày hôm nay, không chỉ là mất mạng sống mà thôi, nhưng cuộc tử đạo ấy còn đòi ta phải kiên trung đến cùng trong mọi lãnh vực của sự sống: Từ sự bị theo dõi chặt chẽ, bị kìm hãm việc giữ đạo của người Kitô hữu cách hà khắc, bạo ngược, hoặc cướp lấy tất cả những cơ hội, những cơ sở vật chất, đến những cuộc bắt bớ, tù đày, giết hại người có đạo tại nhiều quốc gia. Từ những cám dỗ của chủ trương sống tự do một cách dễ dãi đến mức lạm dụng, đến mức trở thành thác loạn. Từ những chủ trương duy vật đến mọi hình thức làm rẻ rúng danh dự, rẻ rúng sự sống, rẻ rúng giá trị tinh thần, rẻ rúng từng hành vi nhân linh của con người. Từ việc đề cao những phát triển của khoa học kỹ thuật, đến mức tôn thờ chúng, loại trừ niềm tin, loại trừ cả sự sống tâm linh. Từ những chủ trương giáo dục dạy người ta chỉ biết căm thù, trả thù dẫn đến hậu quả tất yếu phải đến, đó là cả xã hội mất hết mọi phương hướng đạo đức, vì thế, làm cho cả xã hội, từ bé chí lớn chỉ biết nói láo, cả xã hội từ bé chí lớn chỉ biết giả trá, rồi giúp nhau và dạy nhau nói láo, giúp nhau và dạy nhau sống giả trá, đến nỗi phá sản cả một nền giáo dục. Từ thái độ loại trừ Thiên Chúa, đến thái độ tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, đã đẩy cá nhân con người lên cao đến độ tự định đoạt số phận, và vận mạng trần thế của mình như mình có quyền thay thế Thiên Chúa…

Vì thế, qua những suy nghĩ về cuộc tử đạo của chúng ta trong hiện tại, tôi muốn gọi tên cuộc tử đạo ấy là cuộc tử đạo đổ máu từng giây phút của đời sống.

Tất cả những tiêu cực lớn bên trên là những đe dọa, những bắt bớ, bách hại cho đức tin của người Kitô hữu hôm nay. Làm sao chúng ta, những môn đệ Chúa Kitô trong thời đại mới, phải đứng bên ngoài tất cả những tiêu cực ấy? Làm sao chúng ta không cuốn theo những trào lưu nguy hại đức tin đang diễn ra trước mắt? Đó là những câu hỏi thách đố của đức tin mà người Kitô hữu phải tuyên xưng, phải khẳng định từng ngày bằng tất cả những nỗ lực theo Chúa Kitô đến cùng.

Tấm gương của chân phước Anrê Phú Yên và của đông đảo các thánh Tử đạo Việt Nam là bài học lớn cho mọi Kitô hữu nói chung, cho giới trẻ nói riêng. Giống như các ngài, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Vì sống đức tin đồng nghĩa với việc lội ngược dòng. Chính vì sự lội ngược dòng ấy, làm cho chúng ta không giống thế gian, bị thế gian thù ghét, chúng ta cũng sẽ không bao giờ thù ghét thế gian, nhưng biết đem tình yêu của mình vào thế gian để chứng minh tình yêu ấy xuất phát từ Thiên Chúa, nhằm thánh hóa thế gian bằng chính lòng yêu thương.

Trên hết tất cả, chúng ta cần ý thức rằng, chọn lựa sống đức tin luôn luôn là chọn lựa tiến về phía thánh giá Chúa Kitô. Vì thế, chọn lựa ấy không bao giờ là chọn lựa đơn giản, nhưng đòi cả một thái độ dứt khoát và anh dũng. giữa thời buổi này, chọn lựa dứt khoát và anh dũng không nhằm khơi lên máu nóng tìm về cái chết một cách quá khích, nhưng chọn lựa ấy giúp chúng ta sống hiến thân từng ngày cho một cuộc sống “tử đạo” liên lỷ. Đó là cuộc tử đạo đổ máu từng giây phút của đời sống.

Lm Vũ Xuân Hạnh

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/anre-phu-yen-va-chung-ta-cuoc-tu-dao-hom-qua-va-hom-nay/