Trích từ Dân Chúa

Ân Sủng vả Thánh Giá

Lm Phêrô Hồng Phúc

Chúa nhật IV Mùa Chay năm Phụng vụ B –  22.3.2009

Giáo họ Vinh Hạ, thuộc Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm chúng ta nhận thánh Gioan Tông đồ làm Bổn mạng. Tượng của ngài, theo cách bài trí ngày xưa được đặt ở thâm cung gian Cung thánh và trên tay của thánh Gioan có cầm một chén, trong chén ấy có con rắn đang ngóc đầu ra. Một lần, có một quí chức hỏi tôi rằng: “Ý nghĩa của việc Gioan cầm chén có con rắn ở đây là thế nào?” Tôi trả lời rằng: “Chén trong có con rắn, ngày nay người ta lấy làm biểu tượng của Y – Dược, muốn nhắc các thầy thuốc rằng: Nếu biết sử dụng thì rắn là một loại ngâm rượu rất bổ nhưng nếu dùng trái thuốc thì nó lại là chất độc có thể làm chết người”. Biểu tượng y, dược ấy lại được thánh Gioan cầm trên tay. Tôi nghĩ rằng đó không phải vì Gioan là Dược sĩ nhưng muốn nhắc đến lời Kinh Thánh Chúa khẳng định: “Ai tin Ta thì dù uống chất độc cũng không bị hại”.

Thánh Gioan tông đồ, theo truyền khẩu thì ngài đã bị vất vào một vạc dầu nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ ngài không hề hấn và Chúa đã gìn giữ ngài sống thọ gần trăm tuổi. Chứng kiến những dấu hiệu mà Thiên Chúa đã báo trước về cuộc Chúa viếng thăm dân ngài, đặc biệt là qua sự kiện thành Giêrusalem bị tàn phá. Tất cả những điều này, Gioan đã chứng kiến như lời Chúa nói với Phêrô rằng: “Ta muốn cho con người ấy – tức là người yêu riêng Chúa là không nếm sự chết trước khi Con Người đến thì sao?”

Chúng ta trở lại với đề tài Tin Mừng hôm nay, khi dân Do Thái đi trong hoang địa cũng vì thiếu lòng tin kêu trách Môisê, kêu trách tới Thiên Chúa. Không cần Thiên Chúa phải sử dụng biện pháp kỷ luật, nhưng là hình thức tự nhiên: rắn ở trong hoang địa lúc nào chẳng có, Thiên Chúa không gìn giữ một giây phút thì lập tức rắn bò ra cắn chết nhiều người. Bấy giờ, họ mới biết bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa dẫn dắt vì thế họ sám hối và xin Môisê kêu cầu. Thiên Chúa động lòng thương, lại bênh đỡ họ. Có một điều lạ lùng là, Ngài dạy Môisê lấy đồng đúc thành hình một con rắn treo lên để ai nhìn lên con rắn đồng ấy thì được khỏi, những người bị rắn cắn, nhìn lên con rắn đúc bằng đồng thì được khỏi. Và chúng ta còn ngạc nhiên hơn nữa khi Đức Giêsu so sánh hình ảnh con rắn ấy với hình ảnh của Ngài trên Thập giá “cũng như Môisê treo con rắn lên trong hoang địa thế nào thì Con Người cũng phải treo lên như vậy” (Ga 3,14). Thành thử khi nói nhìn lên con rắn là hình bóng về Thập giá sau này Chúa Kitô bị treo lên “Để những ai tin vào Người thì được sống muôn đời”(Ga 3,15);

Có người vội so sánh rằng: Thế ra con rắn là hình bóng của Đức Kitô sao? Con rắn chẳng phải là hình ảnh của Sattan cám dỗ đã làm cho Eva ngã thua ở vườn địa đàng sao? Tại sao bây giờ hình ảnh của con rắn lại là hình ảnh của Đức Giêsu bị treo trên Thập giá? Đúng là một sự trùng hợp, nhưng là sự trùng hợp có chủ ý của Đức Giêsu Kitô.  Nếu con rắn xưa đã từng đánh bại Eva và do đó Adam bị hệ lụy khiến cho toàn thể nhân loại của chúng ta bị ảnh hưởng của nguyên tội thì ngày nay con rắn ấy – Đức Giêsu Kitô dùng độc để trị độc. Nếu Chúa đã biến sự chết thành sự sống, biết sự dữ thành sự lành thì Chúa cũng biến hình ảnh con rắn đáng nguyền rủa xưa trở nên cho dân Do Thái nhìn và hy vọng vào Đức Giêsu Kitô để được sống đời đời. Ngài còn lấy hình ảnh của cây trái cấm ngày xưa đã khiến cho Eva ngã thua vì không vâng lời thì ngày nay Ngài đã dùng cây gỗ để bằng sự vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, Ngài chết trên cây gỗ để chiến thắng cây cấm năm xưa đã khiến cho Eva ngã quỵ. Như vậy, bất cứ hình thức nào không quan trọng nhưng nội dung của ơn cứu độ là: Đức Kitô đã làm cho tất cả những gì là đổ vỡ trở lại trong ân nghĩa với Thiên Chúa, những gì là đi vào sự chết trong nọc độc của sự tội thì giờ đây Đức Giêsu Kitô chấp nhận cả sự chết để từ trong sự chết, từ trong nọc độc của sự tội Thiên Chúa chiến thắng nó.

Vì thế, nhìn lên hình ảnh con rắn đồng đúc trong hoang địa. Những người Do Thái được khỏi chết vì rắn lửa bò ra cắn thì ngày nay người Kitô hữu nhìn lên Thập giá Đức Kitô đặt niềm hy vọng của mình nơi Đức Giêsu Kitô, họ được sống đời đời. Một hình ảnh tuyệt vời đi từ trong cõi chết trở về cõi sống; đi từ trong nọc độc của sự tội trở nên ơn phúc của Phục sinh. Người Kitô hữu chúng ta đứng dưới chân Thập giá có khác nào như những người Do Thái ngày xưa đã bị vết thương do rắn cắn. Chúng ta cũng vậy, những vết thương của nguyên tội, những vết thương của hậu quả nguyên tội, những vết thương đã làm cho nhân loại của chúng ta – bản tính suy đồi hướng về sự xấu, xiêu về sự tội, tử thương trong nhiều tính ích kỷ, tham lam thì ngày nay nhìn lên Đức Giêsu Kitô trên Thập giá, chúng ta từ bỏ chính mình. Từ bỏ những ích kỷ, những tham lam, những giận hờn, những oán ghét, những kiêu căng, những lăng loài để được nên giống Đức Kitô, Con Chiên hiền lành bị sát tếvà đó là của lễ đẹp lòng Đức Chúa Cha mọi đàng. Hình ảnh năm xưa của những người Do Thái có làm gì lớn lao đâu, chỉ là ngước nhìn và tin tưởng cho chúng ta thấy Hội thánh ngày nay đòi hỏi chúng ta một lòng tin trọn vẹn: ngước nhìn lên Đức Kitô “Chính nhờ Người với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng hợp nhất Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời” (). Lời tuyên xưng trong thánh lễ cũng nhắc cho chúng ta biết rằng: tất cả chúng ta, những người đang lữ hành trần thế tiến về quê trời như dân Do Thái ngày xưa băng qua sa mạc để đi vào Đất hứa thì hành động duy nhất của chúng ta được ơn Cứu độ là ngước nhìn và tin vào Đức Giêsu Kitô.

Lẽ dĩ nhiên, đây không phải chỉ là một lý thuyết vì thánh Giacobe dạy chúng ta rằng: “Đức tin không có việc làm là Đức tin chết”. Hành động ngước nhìn lên Thập giá và tin Đức Giêsu Kitô là một hành động của Đức tin và đức tin ấy dạy chúng ta hãy nên giống Đức Giêsu Kitô khổ nạn. Mùa Chay thánh này, mời gọi chúng ta đi vào trong khổ nạn của Đức Giêsu Kitô là sám hối là canh tân là từ bỏ. Những danh từ đó, chúng ta xét lại cũng chẳng làm gì lớn lao. Ta hãy từ bỏ những gì đi ngược lại con đường sống của Đức Kitô; ta hãy từ bỏ những gì đã khiến cho chúng ta đã chết vì nọc độc của rắn và của tội. Như vậy, hành động ngước nhìn lên Đức Kitô, tin nơi Đức Kitô và từ bỏ chình mình để nên giống Chúa Kitô và đã bao hàm tất cả những hành động quan trọng của người Kitô hữu đó là hành động sám hối, của canh tân và của Đức tin. Do vậy, ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục lớn tiếng để dạy cho chúng ta bài học của lòng tin, bài học ấy được trải nghiệm một cách sâu sắc vào thực tế dưới chân Thập giá. Vì dưới chân Thập giá Đức Kitô chỉ có Mẹ Người và Gioan – môn đệ người yêu. Mười một môn đệ đi đâu? Pheesrro lớn tiếng bảo Người: “Dù có chết vì Thầy con cũng không bỏ Thầy” đâu rồi? Cho nên, đứng ở dưới chân Thập giá Đức Giêsu Kitô không phải đơn giản. Không phải chỉ là lý thuyết được ở dưới chân Thập giá Đức Giêsu Kitô đâu. Là những người trung tín, là những người vượt qua cái chết, là những người chấp nhận đi đến cùng trong chén đắng ứ trào của Đức Kitô mới có mặt ở dưới chân Thập giá. Vì vậy đây đúng cũng là một việc làm cụ thể của lòng tin để có thể đứng vững dưới chân Thập giá và ngước nhìn lên Ngài với tất cả sự trắc nghiệm sâu xa của lòng tin.

Vâng! Đó chính là bài học của ngày hôm nay: Đức Giêsu Kitô không muốn cho chúng ta phải làm những việc gì lớn lao. Đức Giêsu Kitô cũng không đòi hỏi chúng ta phải có thời gian thật là dài để bày tỏ những việc làm đầy những hình thức nghi lễ. Một hành động của lòng tin đứng dưới chân Thập giá; một cái ngước nhìn đầy lòng tin và một niềm hy vọng lên Con Thiên Chúa đã bao hàm cả cuộc đời dài để chiến đấu cam go, vượt qua những hy sinh và thậm chí chấp nhận cả cái chết mới có được những hình ảnh cao đẹp như vậy.

Xin Đức Trinh nữ Maria, Mẹ sầu bi hiên ngang đứng dưới chân Thập giá, Mẹ dạy con chữ hiên ngang của Mẹ

Xin thánh Gioan tông đồ, vị tông đồ đã khảng khái thưa với Thầy: “Chén đắng Thầy trao cho chúng con, con uống được” dạy cho chúng con kinh nghiệm để uống chén đắng ứ tràn hầu có mặt dưới chân Thập giá như Ngài.

Và cuối cùng, xin cho chúng con, chỉ ở dưới chân Thập giá mới nghe thấy lời hứa rất lớn lao này:  “Ngày  nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Nếu không ở dưới chân Thập giá, làm sao chúng ta được Chúa kéo lên cao?) Xin hãy kéo lên cao như lời Chúa đã hứa vì chúng con đang ở dưới chân Thập giá ngước nhìn lên Ngài: Tin để được sống đời đời. Amen.

Lm Phêrô Hồng Phúc

(Têrêsa Avila Thuỳ Chi ghi lại dựa theo Bài giảng ghi âm tại Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm)

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/an-sung-va-thanh-gia/