Trích từ Dân Chúa

Ai vác thánh giá mới cảm nhận được sức mạnh của thánh giá

Lm Nguyễn Hữu Thy

Ga 18,1-19,42

Trong hầu hết các nước Tây Phương theo Kitô giáo – dù công giáo hay tin lành - ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày lễ nghỉ chính thức theo luật. Qua đó người ta có thể nói được rằng môi trường xã hội Tây Phương đã được ảnh hưởng sâu xa tinh thần Kitô giáo, đến nỗi khiến người ta đã tỏ lòng tôn trọng và kính nhớ ngày Ðức Giêsu Kitô chịu khổ nạn. Tuy nhiên một thực tế khác người ta cũng không được quên, là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đối với nhiều người Âu Châu chỉ là một ngày lễ nghỉ không hơn không kém, nghĩa là một ngày được nghỉ ngơi, không phải đi làm việc, thế thôi; còn ý nghĩa và nội dung tôn giáo của ngày lễ là một điều xa lạ và không quan trọng đối với họ !

Thái độ đó là sự kéo dài ý nghĩa những điều mà thánh Phaolô đã viết trong Thư Thứ Nhất gửi Cô-rin-thô : "Chúng tôi rao giảng Ðức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do-thái cho là ô nhục không thể chấp nhận được, và dân ngoại cho là điên rồ !" (1,23). Những người dân ngoại xưa kia, và cả nhiều người "tân dân ngoại" ngày nay, vẫn không thể chấp nhận được một Thiên Chúa bị đóng đinh vào thập giá, bởi vì thập giá, ngoài chiều dọc vươn thẳng từ đất lên trời như nhịp cầu nối kết con người lại với Thiên Chúa, còn có cả chiều ngang xuyên qua cả vũ trụ, xuyên qua mọi chương trình và kế hoạch độc đoán và ích kỷ của con người. Như thế, thập giá Ðức Giêsu đã đâm thủng mọi tư duy và ý nghĩ bất chính, từng lôi kéo nhân loại vào vòng tội ác và bất hạnh. Những nấm mộ của hàng triệu nạn nhân trong hai trận thế chiến khủng khiếp vào thế kỷ vừa qua, cũng như bao cuộc chiến và bao cuộc xung đột đẩm máu khác đang hàng ngày xảy ra khắp nơi trên thế giới, sự lo sợ trước vũ khí nguyên tử, tiếng kêu gào của hàng triệu người đang đòi được có một cuộc sống đầy nhân phẩm, đòi phải tôn trọng các giá trị nhân bản nền tảng đối với sự sống của các thai nhi, sự dày đạp quyền tự do con người cũng như sự vô ý thức trước các trách nhiệm, v.v…, tất cả đều nói lên bằng một tiếng nói rõ ràng và xác quyết rằng Ðức Giêsu Kitô phải trở nên cho thế giới Tây Phương - từng được mệnh danh là "hậu phương" hùng mạnh của Kitô giáo - và cho toàn thể nhân loại : "Tảng đá góc tường… làm cho người ta phải vấp ngã !" (1Pr 2,8).

Cũng tương tự như thế, trong Thư Thứ Nhất gửi Co-rin-thô, thánh Phaolô đã gọi thập giá Ðức Kitô đối với người Do-thái là một sự nhục nhã và đối với người Hy-lạp là một sự điên cuồng và ngài còn thêm : "nhưng đối với những người được Thiên Chúa kêu gọi – dù họ là Do-thái hay Hy-lạp – thì thập giá Ðức Kitô lại là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa !" (1,24).

Có nhiều người sống với thập giá một cách đầy ý thức, thí dụ :

Qua đó, ơn lành do thập giá Ðức Kitô mang lại luôn tuôn đổ dồi dào trên nhân loại. Dĩ nhiên điều kiện để được thừa hưởng ơn lành của thập giá Ðức Kitô, là mỗi ngày chúng ta phải "nói có" với thập giá của chính mình; là chúng ta cùng phải vác một phần gánh nặng của thập giá trong cuộc sống cụ thể của chúng ta. Ðặc biệt trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hôm nay, Thiên Chúa đang chờ nghe tiếng "nói có" đó của chúng ta !

Tiếng "nói có" với thập giá đòi hỏi chúng ta phải loại bỏ một phần nào đó ý riêng và các dự định của mình. Chúng ta thường đặt những kế hoạch này nọ và rồi thiết tha cầu xin Chúa thương cho các dự định của chúng ta được thành tựu như ý. Nhưng điều đó đi ngược lại quan điểm của Ðức Giêsu. Người đã không cầu xin cho ý nguyện riêng của Người được thành đạt, nhưng Người cầu xin Chúa Cha ban cho Người có sức mạnh để Người có thể chu toàn được thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 26,39). Và thánh ý của Chúa Cha đã dẫn Người đến cái chết đau thương trên thập giá. Quan điểm của Ðức Giêsu là tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa, là tuyệt đối xác tín rằng những gì Thiên Chúa muốn đều thiện hảo và tốt cho Người, cả khi Người phải hy sinh chính sự sống mình ! Nhờ sự vâng lời tuyệt đố của Ðức Giêsu, sự bất tuân phục chống lại Thiên Chúa nằm sâu trong tội lỗi con người đã hoàn toàn bị chiến thắng và bị loại bỏ. Suốt dòng lịc sử của Giáo Hội qua mọi thời đại, có biết bao nhiêu người đã sống noi theo gương vâng phục của Ðức Giêsu đối với Thiên Chúa. Ðó là các vị anh hùng tử đạo, xưa kia cũng như ngày nay : Một Thomay Morus (1478-1535), nguyên thủ tướng nước Anh, người đã trung thành với lương tâm mình và chấp nhận án tử hình, chứ không chịu tuyên thệ tuân lệnh nhà vua, khi ông này tự nhận mình là giáo chủ của giáo hội Anh giáo. Thomay Morus đã được phong thánh năm 1935. Hay : một Damian Veuster, một Linh mục hăng hái và đạo đức, đã dấn thân trọn vẹn để giúp đỡ và an ủi các bệnh nhân phong cùi, đến nỗi cuối cùng ngài cũng mắc phải chứng bệnh đó và chết khi còn trẻ tuổi. v.v… Những dẫn chứng vừa rồi cho chúng ta thấy rằng ai can đảm đem thánh ý Thiên Chúa đặt lên trên ý riêng mình, thì thường phải bước đi trên những con đường làm cho người đó cảm nhận được rằng, ngoài chiều dọc ra, thánh giá còn có một "chiều ngang" nữa !

Nhưng nếu chúng ta càng sẵn sàng nhẫn nhục vác thập giá qua các gánh nặng của cuộc sống hằng ngày, thì thập giá càng trở nên nguồn sống chân thật ! Ðấng đã chịu chết trên thập giá là hạt lúa mì đã được gieo vào lòng đất và đã mang lại cho chúng ta vô kể xiết những hạt lúa mì khác (x. Ga 12,24). Vì thế, ở đâu chúng ta trở nên những hạt lúa mì cho kẻ khác, ở đâu chúng ta biết chôn sâu tất cả lòng ích kỷ tàng ẩn trong chúng ta và tất cả những tội phạm chống lại Thiên Chúa, v.v… trong hiến lễ thập giá Ðức Kitô, thì ở đó chúng ta sẽ được lãnh nhận từ bàn tay Ðức Kitô một sự sống chân thật, bền vững và không có bất cứ quyền lực nào có thể xâm phạm được, kẻ cả sự chết !

Tiếp đến, nếu chúng ta càng sẵn sàng dấn thân phục vụ người đồng loại, thì chúng ta càng làm cho họ cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa dành cho họ. Vậy, từ thập giá Ðức Kitô, tình thương sẽ tuôn tràn xuống trên thế gian, sự sống sung mãn sẽ tuôn tràn trong lòng con người, nếu chúng ta biết tích lũy nguồn sống đó qua việc cùng chung vai vác thập giá của chúng ta và hướng dẫn giòng ơn lành của Thiên Chúa xuống trên nhân loại ngày nay. Ðúng vậy, phía sau thập giá là sứ điệp sự sống, là niềm hy vọng phục sinh.

Nếu hôm nay và mọi ngày trong đời, chúng ta biết thành kính quì gối trước thập giá Ðức Kitô, thì đó là một sự tuyên nhận rằng chúng ta luôn luôn sẵn sàng hy sinh ý riêng cho Ðấng đã tự hạ mình đến chịu chết trên thập giá cho chúng ta và Người đã để lại tấm gương hy sinh cao cả cho tất cả mọi người, hầu thúc đẩy và động viên chúng ta cũng luôn biết can đảm sống như thế. Amen.

Lm Nguyễn Hữu Thy

URL: http://danchuausa.net/suy-niem/ai-vac-thanh-gia-moi-cam-nhan-duoc-suc-manh-cua-thanh-gia/