Trích từ Dân Chúa

Chầu Thánh Thể và Việc Truyền Giáo

Vinh Sơn Nguyên Hoà, SSS

1. Cầu nguyện trước Thánh Thể:

a. Phải hiểu thế nào về từ ngữ “Chầu Thánh Thể”?

Từ ngữ “chầu” thường được dịch từ chữ adoration, adorer trong tiếng Pháp với nghĩa là tôn thờ, thờ lạy.

Thực tế, tôn thờ cũng mang ý nghĩa là hết lòng kính trọng, là yêu tha thiết, chẳng hạn như thờ chồng, thờ ông bà tổ tiên, adorer le café, hay như trong một bài hát “… em tôn thờ anh suốt đời”. Đúng ra, chỉ có Chúa là Đấng chúng ta phải tôn thờ bái lạy (độc tôn, latrie). Giáo Hội còn dạy chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa và những gì liên hệ đến chính Chúa như: Thánh Giá Chúa (chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa), Danh Thánh Chúa (khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu mọi vật phải bái quy)…

Với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta tôn thờ, sùng kính, bái lạy, vì với niềm tin của Giáo Hội từ 2000 năm qua, Chúa Giêsu vẫn hằng sống, vẫn luôn hiện diện cách bí nhiệm và thực sự trong Thánh Lễ, nơi bánh rượu được truyền phép.

Ngoài ra, việc chầu Thánh Thể thường kèm theo tâm tình đền tạ. Để đền bù những xúc phạm do tội lỗi của thế giới gây nên. Trong lịch sử Giáo Hội, đã có những phong trào chầu phạt tạ. Cha Eymard, tổ phụ dòng Thánh Thể từ thuở bé và rất lâu về sau cũng đã chịu ảnh hưởng và rất mộ mến những việc đạo đức này, cho nên linh đạo (spiritualité) của ngài lúc đầu là “chết cho Chúa”. Nhưng về cuối đời, cha mới hiểu ra là cần phải “sống cho Chúa”, nghĩa là nên giống Chúa, đến với Chúa, đi theo Chúa không chỉ bằng con đường hãm mình phạt tạ mà còn là gặp gỡ tươi vui. Bởi vậy, việc sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể ngoài ý đền tạ, cần phải có những tâm tình khác tích cực hơn, đó là tâm tình yêu mến tôn thờ, là cảm tạ ngợi khen, và tin tưởng cầu xin. Nói cách khác, “chầu” đây chính là cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, ở trước, ở với Chúa Giêsu Thánh Thể, kết hợp thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể, là thân thưa với Chúa những tâm tình của con người, là có Chúa hiện diện sống động bên cạnh mình. Đó chính là thiên đàng ở trần gian.

b. Bằng Đức Tin, đáp lại sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể:

Chúng ta nghe đến rất nhiều phép lạ về Chúa Giêsu Thánh Thể. những phép lạ ấy chứng thực lời Chúa Giêsu nói “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” và Người hiện diện thực sự nơi bánh rượu được truyền phép mà người Kitô hữu vẫn lãnh nhận. Người có thực sự trong Bí Tích Thánh Thể để chúng ta yêu mến tôn thờ.

Với niềm tin chân thành và sống động của người Kitô hữu, chúng ta không cần phải xin Chúa làm phép lạ để chúng ta có thể trông thấy hình dáng thực sự của Thịt và Máu Chúa. Nhưng quan trọng và tích cực hơn, chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể với tất cả các ý thức, với tất cả xác tín và nhất là với tất cả niềm mến yêu đối với Đấng đã trao nộp mình, đã đổ máu đào để cứu độ, để yêu thương chúng ta. Chính Đấng là Con Thiên Chúa ấy đã sống lại, Người vẫn đang sống, đang ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Là người Kitô hữu, đẻ đón nhận Chúa trong cuộc đời, điều cần nhất không phải là cảm giác, không phải là những gì chúng ta cảm thấy nhưng là Đức Tin, một ân ban của chính Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta cũng là người Tín Hữu, những người tin, tin Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng ta qua tha nhân, qua Lời Chúa và cách đặc biệt qua các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Giáo lý Công Giáo cũng dạy chúng ta rằng các Bí Tích được gọi là Bí Tích Đức Tin, vì chỉ có Đức Tin chúng ta mới gặp gỡ được Chúa trong các Bí Tích và lòng tin của người Kitô hữu càng gia tăng khi họ lãnh nhận các Bí Tích cách chân thành.

Nhiều người bảo rằng tôi chẳng cảm thấy gì hay chẳng thấy sốt sắng tí nào khi dự Thánh Lễ hay khi lãnh nhận các Bí Tích hoặc khi cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Các vị thánh cũng đã thường ở trong những trường hợp như thế. Đó là “những đêm tối của lòng tin” như thánh Têrêsa Avila đã từng gặp. Đó là cái thách đố của đức tin. Chính Chúa muốn dẫn dắt chúng ta trong đêm tối hay những cơn thử thách này. Có những vị thánh hay có những người giáo dân trong ngày hoạt động tông đồ mệt mỏi rồi, tối vẫn dành một hay nhiều giờ trước Thánh Thể, và họ chỉ biết ngủ gà ngủ gật. Chúng ta đến với Chúa, cách riêng Chúa Giêsu trong Thánh Thể bằng lòng tin chân thành vững chắc và chúng ta cũng đến với Người bằng cả con người và thân xác yếu hèn của mình.

Thánh Phêrô Giulianô Eymard, vị sáng lập dòng Thánh Thể khi người được phong thánh, Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã long trọng tuyên bố: “Trong các vị tôn sùng Thánh Thể, chân phước Eymard đứng hàng đầu”. là “vị thánh của Thánh Thể”, nhưng chưa lần nào cha Eymard được Chúa Giêsu hiện ra hay được trông thấy phép lạ Thịt và Máu Chúa. Người gọi cuộc đời mình là một “hành trình đức tin”. Ngay từ lúc mới năm tuổi, người đã biết truyện vãn thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể như đang gặp một con người sống động. Có thời gian cha đã đục một mảng tường của căn phòng bên cạnh nhà nguyện để nhìn thấy Chúa Giêsu Thánh Thể rõ hơn, nhưng đó chỉ là Chúa Giêsu của đức tin – một đức tin sống động – chứ không phải là của con mắt của giác quan.

c. Những tâm tình khi cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể:

Về phương diện lịch sử thì việc tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể cách long trọng như đặt Mình Thánh Chúa hay cung nghinh Thánh Thể chỉ có từ thế kỷ thứ sáu, khi Giáo Hội Công Giáo muốn nêu bật sự hiện diện thường xuyên của Chúa Giêsu trong Thánh Thể, điều mà anh em Tin Lành đã chối bỏ (họ chỉ tin Chúa Giêsu hiện diện khi cử hành Thánh Thể mà thôi). Thế nhưng đối với Giáo Hội Công Giáo, niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể đã là một di sản quý báu ngay từ ban đầu.

Một cách đơn giản chúng ta nói rằng: không có việc tôn thờ Thánh Thể nếu không có Thánh Lễ. Nói cách khác, việc tôn thờ (chầu) chính là việc nối dài Thánh Lễ. Thực vậy, việc Chúa Giêsu làm trong bữa tiệc ly xưa cũng như việc Chúa Giêsu chết và sống lại vẫn còn tiếp tục được thực hiện trong mỗi Thánh Lễ và chúng ta nối dài hành vi cứu độ của Chúa Giêsu trong mỗi Thánh Lễ và nơi những tâm tình cầu nguyện của chúng ta trước Thánh Thể. Hội Thánh làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Lễ tiếp tục hiện diện nơi tấm bánh chúng ta gặp gỡ tôn thơ Thánh Thể, khi chúng ta cầu nguyện trước Thánh Thể.

Để cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, thánh Eymard, tông đồ Thánh Thể đã dùng những tâm tình vẫn được dùng trong hy tế Thánh Thể, tức là Thánh Lễ. Đó là bốn tâm tình: tôn thờ, cảm tạ, thống hối và cầu xin.

Việc cầu nguyện trước Thánh Thể là nối dài Thánh Lễ, nên trong khi cầu nguyện trước Thánh Thể, chúng ta cần có những tâm tình trên đây của một hy lễ.

Khi cầu nguyện trước Thánh Thể, chúng ta cần nói lên tất cả những tâm tình ấy hay chúng ta chỉ cần dùng một trong những tâm tình này mà thôi. Có thể dùng các Thánh Vịnh tôn thờ, tạ ơn, thống hối hay cầu khấn để làm chất liệu cho giờ cầu nguyện. Chúng ta cũng có thể lập đi lập lại chỉ một lời nguyện tắt như: “Lạy Chúa con yêu mến Chúa hết lòng, con yêu Chúa bằng tình yêu của mẹ Maria và các thánh trên trời” hăy “Lạy Chúa con tôn thờ Chúa cùng muôn tạo vật” hoặc “Lạy Chúa con cảm tạ Chúa vì biết bao ơn lành Chúa thương ban” hay “Lạy Chúa xin thương xót con vì con đã xúc phạm đến Chúa” hoặc “Lạy Chúa xin chúc lành cho dân Chúa”…

Thánh Phanxicô At-xi-di cầu nguyện nhiều giờ trước Thánh Thể nhưng chỉ lập đi lập lại một câu này: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”. Chân Phước Charles de Foucauld suốt 15 giờ bên Thánh Thể nhưng chỉ nhìn vào Bánh Thánh và nói: “Lord, I love you”.

Khi cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cũng có thể không nói gì mà chỉ chiêm ngắm tình yêu của Chúa hay chỉ để lắng nghe Chúa nói, cụ thể qua những đoạn Kinh Thánh nhất là những đoạn Tin Mừng chúng ta đọc.

2. Thánh Thể và việc truyền giáo:

a. Truyền giáo bằng việc cầu nguyện trước Thánh Thể:

Kết hợp với Chúa Giêsu bằng những tâm tình trên đây trong những giờ cầu nguyện trước Thánh Thể chính là chúng ta đang cùng Chúa Giêsu kéo ơn cứu độ của Thiên Chúa xuống, không chỉ cho chúng ta mà còn cho mọi người trên thế giới. Chúa Giêsu tạ ơn và tôn thờ Thiên Chúa thay cho toàn thể nhân loại. Chúa Giêsu chết và sống lại để hoà giải và chuyển cầu cho loài người chúng ta.

Cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể là chúng ta cộng tác với Giáo Hội, cùng với Chúa Giêsu dâng những tâm tình mà con người và muôn loài thụ tạo phải có đối với Thiên Chúa tối cao. Chúng ta cầu nguyện cách trung thành trước Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày hay mỗi tuần là chúng ta cùng Chúa Giêsu thay cho nhân loại, thay cho những người chưa hay không biết Thiên Chúa để tôn thờ. Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho những ai chưa hay không nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban để cảm tạ; chúng ta cùng với Chúa Giêsu thống hối đền tạ thay cho những xúc phạm của thế giới, của biết bao người; chúng ta khẩn cầu ơn Thiên Chúa cho những nhu cầu xác hồn của chúng ta và của người khác.

Thánh Têrêsa Hài Đồng và các tu sĩ Dòng Kín đã là những lợi khí cho việc truyền giáo qua những lời cầu nguyện liên lỉ của họ. Chúng ta không phải là những tu sĩ Dòng Kín và chúng ta cũng không có nhiều thời giờ ưu biệt cho việc cầu nguyện trước Thánh Thể. Trong một năm, mỗi giáo xứ trong giáo phận được phân chia cho một ngày “chầu Mình Thánh Chúa thay giáo phận”. Cả giáo xứ tham dự vào việc cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể để cộng tác với Giáo Hội luân phiên từng Chúa Nhật tôn thờ cảm tạ Chúa, hầu kéo hồng ân và ơn tha thứ của Thiên Chúa xuống cho Giáo Hội, cho thế giới.

Không chỉ vào những ngày Chúa Nhật hay lễ buộc, nhưng chúng ta sẽ cố gắng thường xuyên đi dâng Thánh Lễ và dâng Thánh Lễ với ý thức đón nhận gặp gỡ Chúa và đem Chúa cho người khác. Hơn nữa, như nhiều giáo xứ đã tổ chức, chúng ta kéo dài Thánh Lễ qua những giờ cầu nguyện trước Thánh Thể liên tục và luân phiên.

Cha Richard Foley, linh mục Dòng Tên trong cuốn “Đức Maria và Thánh Thể” (Mary and the Eucharist, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1998) nhận định rằng: Ân sủng do việc thờ phượng liên tục đem lại rất đa dạng. Ở cấp độ cá nhân, đức tin sẽ được tăng triển và đời sống thiêng liên sẽ rất phong phú cho những ai canh thức hàng giờ trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Ở cấp độ giáo xứ, ơn ích và hiệu quả của việc thờ phượng liên tục được nghiệm thấy tỏ tường qua việc giáo dân ngày càng siêng năng sốt sắng tham dự Thánh Lễ, số giáo dân đã trở lại với những thực hành đức tin, toà giải tội ngày càng đông thêm, các nan đề trong đời sống hôn nhân được dễ dàng giải quyết và ơn gọi linh mục tu sĩ cũng triển nở nhờ việc thờ phượng liên tục này.

Một trong những người cổ động nhiệt thành nhất cho việc cầu nguyện liên tục trước Thánh Thể là mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ cho biết, số nữ tu trong Dòng của mẹ đã gia tăng gấp đôi kể từ khi thực hành việc cầu nguyện này. Trong một lá thư, mẹ viết:

“Đưa mắt nhìn lên Thánh Giá, bạn sẽ hiểu Chúa Giêsu đã yêu thương bạn ra sao. Và khi đưa mắt nhìn vào Bánh Thánh, bạn sẽ hiểu lúc này đây Chúa Giêsu đang yêu thương bạn biết dường nào. Đó là lý do vì sao bạn phải yêu cầu cha xứ của bạn tổ chức việc thờ phượng liên tục trong giáo xứ của bạn. Tôi nài van Mẹ Maria làm động lòng các cha xứ để họ tổ chức việc đạo đức này trong các giáo xứ và việc này có thể lan rộng trên khắp hoàn cầu.”

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phao lô 2 đã nói rất nhiều về các lợi ích phát sinh từ việc tông đồ bằng cách cầu nguyện trước Thánh Thể. Người mong muốn việc thực hành này cần được phổ biến trong Hội Thánh và trên toàn thế giới. Người bảo đảm rằng nhiều thói hư tật xấu của ngày hôm nay sẽ được loại bỏ nhờ sức mạnh năng động của việc cầu nguyện trước Thánh Thể. Trong thư gởi các linh mục dịp Thứ Năm Tuần Thánh 1980, Đức Thánh Cha viết:

“Hội Thánh và thế giới rất cần việc tôn thờ Thánh Thể liên tục. Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong Bí Tích Tình Yêu này. Chúng ta đừng hẹp hòi với Chúa bỏ ra chút thì giờ đến gặp Người và đem lòng tin yêu chiêm ngưỡng Người trong Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta sẵn lòng đền tạ cho những tội ác tày trời của thế giới này. Ước chi việc tôn thờ của chúng ta không bao giờ chấm dứt”.

b. Nối dài giờ cầu nguyện qua các hoạt động tông đồ:

Một trong các hoạt động của Dòng Thánh Thể đang gây được chú ý trên thế giới và được nêu ra cách đặc biệt trong các dịp Tổng Tu Nghị của Dòng, đó là phong trào LITES (Life In The Eucharist Seminar). Đây là một tổ chức đặc biệt cho giáo dân. Những nhóm này cộng tác với Dòng không chỉ trong lời cầu nguyện mà trong sứ vụ của Dòng. Một cách cụ thể, những nhóm giáo dân này nhờ sức mạnh của Thánh Thể qua những giờ cầu nguyện và qua những sinh hoạt, học hỏi về Thánh Thể, họ dấn thân vào xã hội và tham gia vào các hoạt động tông đồ.

Điều cần thiết là chúng ta đem những tâm tình trong Thánh Lễ hay trong những giờ cầu nguyện trước Thánh Thể vào trong cuộc sống của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta cần sống Bí Tích Thánh Thể, nghĩa là chúng ta nói với người khác về mầu nhiệm Thánh Thể qua cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống quảng đại dấn thân phục vụ, một cuộc sống hiện diện yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương phục vụ cho đến trao hiến chính mình, như Chúa Giêsu vì yêu thương đã hiện diện với chúng ta ngày ngày nơi Thánh Thể.

Thánh Thể là một mầu nhiệm và là mầu nhiệm trung tâm của cuộc sống Giáo Hội, của người Kitô hữu. Thánh Thể quan trọng như vậy, nhưng vì Thánh Thể là một mầu nhiệm cho nên chúng ta khó có thể nói và diễn tả cho người khác. Người ta, những người không có niềm tin khó có thể hiểu rằng Thiên Chúa, một Đấng Tối Cao hay một Con Người với cả hồn xác lại có thể hiện diện trong một tấm bánh hay lại có thể lấy thịt máu mình cho chúng ta ăn và uống. Thế nhưng, người khác dễ nhận ra sự hiện diện và hiến tế của Đức Kitô qua những nghĩa cử yêu thương mà người Kitô hữu chúng ta làm cho họ.

Chúng ta chầu Chúa mà không đem Chúa vào cuộc đời, vào môi trường sống của chúng ta thì e rằng chúng ta đã tách rời lòng tin của người Kitô hữu với cuộc sống, và cụ thể hơn, công việc truyền giáo của chúng ta chưa trọn vẹn.

Cuối Thánh Lễ, chúng ta nghe linh mục dặn dò “Thánh Lễ đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an”. Đó có thể hiểu là mệnh lệnh của Chúa Giêsu” hãy ra đi loan Tin Mừng, hãy gieo vào cuộc sống sự bình an mà chúng ta đã lãnh nhận từ Đức Kitô, bình an là chính Đức Kitô.

Giờ chầu là Thánh Lễ nối dài. Sau khoảnh khắc cầu nguyện bên Chúa Giêsu Thánh Thể, kết thúc giờ chầu, chúng ta được nhận mệnh lệnh “Hãy ra đi loan báo Tin Mừng bình an”. Nói cách khác, giờ cầu nguyện trước Thánh Thể, giờ chầu của chúng ta phải được nối dài bằng cuộc sống gieo rắc Tin Mừng bình an của Chúa cho mọi người.

Đối với thánh Eymard tông đồ Thánh Thể thì Thánh Thể là trung tâm cuộc sống của cha, nhưng cha chú thích: “ladoration, c est toute ma vie” (cả cuộc sống của tôi là thờ lạy). Người còn nói “lúc nào tôi cũng có thể thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, lúc nào tôi cũng có thể ở trong tương quan tình yêu và hầu hạ Ông Chủ Thần Linh của tôi. Mỗi hành động của tôi đều có thể tôn thờ. Không ai có thể tách lìa tôi khỏi Giêsu Kitô. Không ai có thể lấy mất Giêsu Kitô của tôi”. Ngài là tông đồ Thánh Thể không phải chỉ nơi những giờ cầu nguyện bên Chúa Giêsu Thánh Thể mà là nơi cả cuộc sống hoạt động để người ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa nơi Thánh Thể.

c. Mọi hoạt động tông đồ phải kín múc từ nguồn mạch Thánh Thể:

Bước sang thế kỷ XXI, thế giới có lý do để mừng những thành quả do con người đạt được, nhất là về phương diện khoa học kỹ thuật. Thế nhưng vì những thành công nhân loại đó mà con người cũng dễ quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa qua Con Một của Người. Đức Giêsu đã làm người và ở giữa chúng ta. Đức Giêsu vẫn tiếp tục nhập thể làm “Đấng Emmanuel” giữa chúng ta qua sự hiện diện Bí Tích của Người, cách đặc biệt nơi Thánh Thể.

Là người Kitô hữu của ngàn năm thứ ba này, đáp lời mời gọi của Giáo Hội, mọi người chúng ta có sứ mệnh truyền giáo, sứ mệnh loan báo Chúa Giêsu đã nhập thể và vẫn nhập thể giữa nhân loại. Nhưng việc loan báo tin vui đó sẽ không có kết quả nếu chúng ta không múc lấy sức mạnh cho chúng ta nơi việc cử hành Thánh Lễ và những giờ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Nói cách khác, việc cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể hay chính Chúa Giêsu Thánh Thể phải là nguồn sức mạnh và động lực cho mọi hoạt động tông đồ truyền giáo của chúng ta.

Không kể thánh Eymard, tất cả các vị thánh đều yêu mến và kết hợp sâu đậm với Chúa Giêsu Thánh Thể. Có những vị ngoài những hoạt động tông đồ còn có để ra mỗi ngày hàng nhiều giờ ở bên Thánh Thể. Cha Đamiêng là vị tông đồ cho những người cùi ở đảo Môlôcai. Người ta hỏi cha rằng làm sao cha có thể chịu nổi khi phải sống ở nơi ghê tởm hãi hùng này. Cha cho biết: “Nếu không có những giờ tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi không thể nào sống được ở đây dù chỉ một ngày”.

Các Đức Giáo Hoàng gần đây cũng nêu gương và nhắc cho dân Chúa nhiều về việc yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Đức Thánh Cha Piô X được mệnh danh là Giáo Hoàng của Thánh Thể. Đức Gioan XXIII ghi trong nhật ký của người: “Hình như cuộc đời tôi được dành riêng để sống trong ánh sáng chiếu toả từ Nhà Tạm”. Khi người ta hỏi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô I rằng tại sao Đức Thánh Cha luôn có nụ cười thực rạng rỡ trên môi, người đơn sơ đáp lại: “Vì Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể quá yêu thương tôi”. Đấng kế vị người là Đức Gioan Phaolô II cho việc yêu mến và năng đến với Thánh Thể là “Một kho tàng vô giá của Đức Tin Công Giáo”.

Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần đã làm cho Chúa Giêsu đến với chúng ta qua Giáo Hội, cách đặc biệt qua Thánh Thể sau lời truyền phép của linh mục trong mỗi Thánh Lễ. Chính Chúa Thánh Thần cũng sẽ đến với chúng ta trong mỗi giờ chầu là những “Thánh Lễ kéo dài” để chúng ta chiêm ngắm và tâm tình với Chúa Giêsu Thánh Thể. Cũng chính Chúa Thánh Thần sai chúng ta đi vào trong đời thường để loan báo Tin Vui Cứu Độ cho mọi người.

Vinh Sơn Nguyên Hoà, SSS

URL: http://danchuausa.net/suy-niem-thanh-the/chau-thanh-the-va-viec-truyen-giao/