Trích từ Dân Chúa

Trả Lời Thắc Mắc: xưng tội thế nào cho đúng cách

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin Cha giải thích rõ phải xưng tội thế nào cho đúng cách. Có được phép xưng vắn tắt, đại cương hay phải nói rõ chi tiết mọi tội?

Trả lời: xưng tội là một hành động sám hối, công khai nhìn nhận những gì mình đã vô tình hay cố ý xúc phạm đến Chúa và đến người khác. Xưng tội cũng nói lên niềm tin sâu xa vào lòng thương xót tha thứ của Chúa và quyết tâm muốn hoán cải, thay đổi nội tâm. Với mục đích này, hối nhân đến toà giải tội để xin được hoà giải với Chúa, với Giáo Hội và với tha nhân.

Sách Giáo Lý Công Giáo, câu số 1456, nói rõ về cách xưng tội như sau: “Thú nhận tội lỗi mình với vị linh mục là một phần chủ yếu của bí tích Hoà giải: khi xưng tội các hối nhân phải kể ra tất cả các tội trọng mà mình biết đã phạm sau khi xét mình cách nghiêm chỉnh, cho dù các tội này rất kín đáo và chỉ phạm đến hai giới răn sau cùng của bản thập giới (10 Điều Răn của Chúa) bởi vì đôi khi các tội này làm cho linh hồn bị thương tổn nhiều hơn và nguy hiểm hơn các tội phạm công khai”

Nói cách cụ thể hơn, khi xưng tội hối nhân phải có lòng ngay thật, muốn thú nhận những sai trái nặng nhẹ mình đã mắc phạm trong đời sống vì yếu đuối con người.

Khi xưng ra các tội mình đã phạm, hối nhân cần tránh 2 điều sau đây:

1- Tránh nói quanh co để làm giảm đi mức nghiêm trọng của tội hoặc nói cách nào đó khiến linh mục không hiểu được tội mình đã phạm. Thí dụ cố ý nói nhỏ và nói nhanh lướt qua một tội trong nào đó khiến cha giải tội không nghe rỏ được. Cũng không được nói một cách quá đại cương như: ăn cắp 3 lần, đánh người ta 2 lần, phạm điều răn thứ sáu 4 lần, điều răn thứ năm 2 lần v.v. Đánh mắng vợ con, hay bạn bè, khác với đánh đập cha mẹ hay người có chức thánh, nên phải nói rõ đánh ai chứ không thể nói vu vơ là đánh người được, mặc dù đánh ai thì cũng có thể được tha. Phạm điều răn thứ năm có thể là thù ghét ai, nói xấu làm thiệt hại danh dự, tiếng tốt của ai, phá thai hay cộng tác vào việc này, đâm chém hay giết người v.v., nghĩa là không thể nói trống là phạm điều răn thứ năm 2 hay 3 lần được. Phạm điều răn thứ sáu cũng có nhiểu cách như: xem sách báo phim ảnh dâm ô, nghe và kể truyện tục tĩu, phạm tội này một mình hay với người khác, phạm trong tư tưởng hay cả trong hành động v.v. Chỉ cần nói thế là đủ chứ không buộc phải tả rõ chi tiết. Cha giải tội cũng được khuyên là không nên tò mò hỏi chi tiết về tội này nhưng cần biết mức độ của tội phạm để khuyên bảo và rao việc đền tội.

Về điểm này, Sách Giáo Lý Công Giáo cũng nhắc lại lời Thánh Giáo phụ Jerome (347-419) khuyên dạy về việc phải thành thật xưng tội như sau:

“Khi các tín hữu Chúa Kitô cố gắng xưng tất cả những tội mình có thể nhớ được,thì hẳn là họ đưa ra tất cả các tội của mình để xin Chúa nhân từ tha thứ. Những ai không làm như vậy và cố ý dấu một vài tội thì không đưa ra được điều gì đáng Chúa nhân từ tha thứ qua trung gian vị linh mục. Bởi vì “nếu bệnh nhân mắc cở không cho thầy thuốc xem vết thương của mình thì y khoa không thể chữa lành những gì không được biết” (x. SGLCG, số 1505)

2- Không được cố ý dấu bất cứ tội nào để không xưng ra vì mắc cở với linh mục giải tội hay sợ tội mình xưng bị tiết lộ ra ngoài. Trước hết, xin đọc lại lời dạy trên đây của Thánh Jerome. Cũng cần nhắc lại để mọi hối nhân được biết và an tâm là cha giải tội không được phép la mắng ai vì bất cứ tội nào hối nhân xưng ra, và cũng tuyệt đối phải giữ kín những gì nghe được trong toà giải tội (Ấn toà giải tội). Cha giải tôi cũng không được bảo hối nhân khỏi phải xưng các tội ra, vì Chúa đã biết rồi. Nghĩa là phải xưng ra các tôi như đã nói ở phần trên. Như vậy, những ai cần đi xin hoà giải (xưng tội) thì cứ an tâm và thành thật cáo lỗi của mình để xin Chúa nhân từ tha thứ qua tác vụ của linh mục.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

URL: http://danchuausa.net/song-dao/tra-loi-thac-mac-xung-toi-the-nao-cho-dung-cach/