Trích từ Dân Chúa

Thánh Gioan Baotixita, Vị Ngôn Sứ Can Đảm Không Sợ Chết

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

johnbaptist.jpg

Năm nay Lể trọng mừng Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (John Baptist), dù rơi vào ngày Chúa nhật 24 tháng 6, nhưng Giáo Hội vẫn long trọng mừng kính như thường lệ.

Trong các Thánh Nam, chỉ có Thánh Gioan Tẩy Giả được mừng kính ngày sinh mà thôi. Lý do có lẽ là vì Ngài có liên hệ mật thiết đến Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai trong sứ mạng sinh ra trước để chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến sau để cứu chuộc nhân loại. Ngoài ra, thánh nhân cũng là người duy nhất được Chúa Giêsu đặc biệt đề cao như sau : “ Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả. ” (Mt 10: 11)

Thật vậy, Thánh Gioan đã sinh ra trước Chúa Giêsu với sứ mạng làm “tiếng kêu trong hoang địa : hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.. ” (x. Mt 11: 10; Mc 1: 3; Lc 3, 4). Thánh Gioan đã sống một cuộc đời ẩn dật, khó nghèo và rất khiêm nhu trước khi ra rao giảng sự thống hối, làm phép rửa tại sông Giodan để chuẩn bị cho dân chúng đón mừng Chúa Cứu Thế, “ Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, và tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. ” (Mc 1:7).

Ngoài sứ mạng và lòng khiêm nhu đích thực nói trên, Thánh Gioan còn đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và kính phục đặc biệt về gương can đảm, cương quyết thi hành sứ mệnh ngôn sứ, bắt chắp mọi đe dọa của quyền lực con người. Khi thấy Vua Hêrôđê ngang nhiên lấy Hê rô đia, vợ của anh trai mình, Gioan đã can đảm nói với nhà vua như sau : “ Ngài không được phép lấy bà ấy” (Mt 14:4). Hậu quả của lời can gián này là Gioan đã bị tống giam vào ngục và sau đó đã bị chặt đầu vì sự trả thù của Hêrôđia, kẻ dâm phụ. (x. Mt 14:3-12)

Đây là điều đáng cho các tông đồ của Chúa ngày nay trong Giáo Hội cần suy nghĩ mổi khi cử hành ngày Sinh Nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả.

Thật vậy, Giáo Hội có sứ mệnh rất cao cả là rao giảng và làm chứng cho Tin mừng Cứu Độ của Chúa Cứu Thế Giêsu trước thế gian cho đến thời viên mãn. Rao giảng để cho mọi dân, mọi nước được nghe và làm chứng tá để cho người nghe tin và sống điều được rao giảng. Kinh nghiệp thực tế ngày càng cho thấy là đời sống nhân chứng đích thực còn quan trọng và cần thiết hơn cả việc rao giảng lý thuyết. Cụ thể, giảng sự khó nghèo của Chúa Kitô, mà bản thân người rao giảng vẫn ham mê tiền của, phương tiện vật chất khiến phải xoay sở để được ở những nơi béo bở, hoặc tự đặt ra luật lệ riêng để vơ vét tiền bạc của giáo dân, nhất là chạy đôn đáo triền miên khắp nơi để kiếm đôla về phung phí trựng diện, thì lời rao giảng khó nghèo của mình sẽ không thuyết phục được ai, nếu không muốn nói là có tác dụng ngược lại. Và người ta cứ “dấu này” thì làm sao nhận ra được Chúa Kitô, Đấng đã sinh ra trong hang bò lừa, lớn lên lang thang không nhà, không có nơi tựa đầu, trong khi chim có tổ, chồn có hang; và lúc chết không có chỗ chôn, khiến môn đệ phải mượn ngôi mộ trống cho nằm tạm trong 3 ngày ?

Thánh Gioan xưa sống trong rừng vắng, ăn châu chấu và mật ong, mình mặc áo da cừu khi đi rao giảng sự thống hối cho dân. Vậy người tông đồ ngày nay có cần phải thi nhau xây nhà thờ cho sang cho đẹp để phô trương hay không? Nhưng quan trọng hơn hết, Thánh Gioan đã dám lên tiếng sửa sai nhà vua về tội vô luân dù biết hậu quả sẽ bị tống giam vào ngục tối và sẽ chết vì dám cả gan vuốt râu cọp.

Vậy người tông đồ ngày nay có dám lên tiếng phê phán những sai trái, những tụt hậu thê thảm về luân lý, đạo đức của xã hội đương thời theo gương anh dũng của Thánh Gioan hay không ?

Nếu có, tại sao không ai dám mạnh miệng lên án nạn buôn bán phụ nữ ViệtNam, để làm nô lệ tình dục và vui thú vô luân vô đạo cho đàn ông ngoại quốc vẫn đang ồn ào diễn ra trước sự làm ngơ, hay nhắm mắt bịt tai của những người có trách nhiệm trong và ngoài các Giáo Hội ? Và còn bao bất công xã hội, gương mù tội lỗi, tha hoá của nhiều tầng lớp người trong xã hội vẫn đang thách đố lương tâm đạo đức của con người ở khắp nơi trên thế giới ngày nay. Vậy, ai dám lên tiếng tố cáo và đòi thay đổi ?

Giáo Hội không làm chính trị để lật đổ ai hầu dành lấy quyền cai trị và khai thác tài nguyên quốc gia. Nhưng Giáo Hội phải lên tiếng về những tụt hậu luân lý đaọ đức, và về những vi phạm các quyền căn bản của con người trong đó có quyền tự do tín ngưởng, quyền hành Đạo và giảng Đạo. Giáo Hội không thể làm ngơ trước nạn người bóc lột người, nạn giệt chủng (genocide) nạn kỳ thị chủng tộc (racial discrimination) và chiến tranh xâm lược của những kẻ có sức mạnh muốn áp đặt công lý một chiều lên người khác.

Đây cũng chính là chức năng (competence) ngôn sứ của Giáo Hội mà Thánh Gioan Tẩy Giá xưa kia đã nêu gương sáng và đã trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Ước chi gương sáng của thánh nhân sẽ được mọi người trong Giáo Hội tiếp tục noi theo để làm chứng tá đích thực cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh sống ngày nay.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

URL: http://danchuausa.net/song-dao/thanh-gioan-baotixita-vi-ngon-su-can-dam-khong-so-chet/