Trích từ Dân Chúa

Những sai lầm khi bàn luận về 'thiên tính của người Kitô hữu'

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Sau bài viết của tôi để giải thích điều sai lầm có người nói về “thiên tính của người Kitô hữu”, tôi lại nhận được bài thứ hai của cùng tác giả dưới nhan đề “Giải mã thiên tính của Đức Kitô”. Tôi không có giờ đọc ngay và cũng không muốn đọc vì biết tác giả lại viết sai lạc nữa về Đức Kitô. Trong lúc ấy, tôi lại nhận thêm một bài nữa của cùng tác giả nói trên luận bàn sai lạc về bài viết của tôi và lập lại luận cứ sai lầm về cái gọi là “thiên tính của người Kitô hữu” cũng như kết luận rằng “ Đức Chúa Cha là thiên tính của Chúa Kitô”! Đây là kết quả “giải mã thiên tính của Chúa Kitô” tiếp theo “công trình giải mã về thiên tính của người Kitô hữu”.

Tôi biết có viết gì thêm thì tác giả và một vài người phụ họa khác cũng không hiểu được hay không muốn điều tôi muốn nói vì họ cho rằng tôi chỉ nói theo “quan điểm học thức có bài bản” và mang nhãn quan “nhân loại” nên họ không hiểu được! Nghĩa là phải có “kiến thức đặc biệt” như tác giả kia thì mới hiểu được được điều tác giả muốn nói về “thiên tính của người Kitô hữu” cũng như về “thiên tính của Chúa Kitô”! Tôi xin chào thua loại “kiến thức” này và chắc chắn không muốn viết để tranh luận gì với các bạn đó vì hoàn toàn vô ích, và mất thì giờ.

Tuy nhiên, vì sự hiểu biết không chính xác của mấy anh em này về những vấn đề có liên quan đến thần học, kinh thánh và giáo lý của Giáo Hội qua những bài viết chỉ gây hiểu lầm cho người khác, nên tôi lại phải viết một lần nữa để giải thích cho độc giả Công giáo vô tình đọc những bài viết của các tác giả này và hoang mang về những gì họ viết, như một độc giả kia đã thắc mắc “xin các vị mục tử giải thích hộ nội dung bài viết ấy”. Đó là lý do khiến tôi viết chứ không phải muốn viết để bút chiến với ai cả vì không đáng. Tôi xin minh xác rõ điều này. Sau đây là những điều tôi muốn giải thích:

I- Trước hết về từ ngữ “giải mã”.

Tôi không mấy vừa ý về từ ngữ này vì nó gợi lại cho tôi – và chắc cũng cho nhiều người khác- cảm nghĩ không tốt đẹp về việc làm tồi bại của Dan Brown khi anh này cố ý “giải mã”(decode) bức hoạ Bữa Tiệc Ly của DaVinci với chủ tâm lăng mạ Kitô giáo nói chung và niềm tin của người Công Giáo nói riêng về Chúa Giêsu Kitô và công nghiệp cứu chuộc của Người. Vì thế, từ ngữ “giải mã” đã gắn liền với âm mưu thâm độc của Dan Brown tiếp tay với các thế lực thù nghịch Kitô Giáo từ Đông sang Tây và từ xưa đến nay nhằm đánh phá điên cuồng Đaọ thánh của Chúa Kitô. Nhưng càng đánh phá, chúng càng giúp cho Đạo Công Giáo trêm vững mạnh và ngày một lan rộng khắp nơi trên thế giới vì đã có lời hứa bảo vệ của chính Đấng sáng lập là Chúa Kitô: “anh là Phêrô, nghĩa là Tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16:18).

Như vậy, từ ngữ “giải mã” đã trở thành đồng nghĩa với hư cấu, ngụy tạo, lăng mạ, và bôi bẩn cách tệ mạt của Dan Brown, kẻ vô lương tâm đã “giải mã” tầm bậy bức tranh của Da Vinci với mục đích đánh phá KitôGiáo, xúc phạm nặng nề đến Chúa Giêsu và cũng để kiếm tiền không hơn không kém.

Nay lại có người dùng từ ngữ này để quảng bá (hay giải mã) về vài vấn đề có liên quan đến thần học, kinh thánh và giáo lý mà chính tác giả cũng không hiểu rõ, nhưng cứ viết để gây hiểu lầm cho người khác dưới nhãn hiệu “giải mã”.

II - Đức Kitô là ai?

Trước hết, từ ngữ “ Kitô”, lấy từ tiếng Hy lạp “Christos” được phiên dịch nguyên ngữ từ tiếng Do Thái “Messiah”, có nghiã là “Đấng được xức dầu = Anointed One”. Trong Cựu ước, từ ngữ này được dùng để chỉ việc xức dầu cho những người được phong Vương để cai trị Israel như các Vua Saul, David, Solomon, Jehu và cả vua dân ngoại (pagan king)Cyrus …( x. 1 Sam 9:16; 2 Sam 2:4,7; Ps 89: 20; 1 Kings 1:39… Isa.45:1). Ngoài ra, đôi khi từ ngữ này cũng chỉ các ngôn sứ và tư tế như lời Thiên Chúa nói với ông Mai-sen sau đây:

“Ngươi cũng xức dầu cho A-ha-ron và các con của ông; ngươi sẽ thánh hiến họ làm tư tế phục vụ Ta” (Xh 30:30)

Nhưng chủ yếu từ ngữ này được dùng để chỉ Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện vào thời cuối cùng để cứu nhân loại khỏi tội và khỏi chết đời đời:

“Sau sáu muơi hai tuần
một Vị được xức dầu
sẽ bị thủ tiêu...
(Đaniel 9:26)

Trong sứ mạng cứu thế đó, Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể (the Incarnate Word) đã sinh xuống thế làm Con Người bởi Đức Trính Nữ Maria nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần cách nay trên 2000 năm như chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng các Thánh Luca và Gioan:

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta…”
(Jn 1:14)

“Hôm nay, một Đấng Cứu Độ sẽ sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc 2:11)

Trong Kinh Thánh Tân Ược, từ ngữ Kitô được dùng như tên thứ hai của Chúa Giêsu:

“Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.” ( Mt 1:16)

Hoặc:

“Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta.” ( 1 Phil 3:20)

Chính Chúa Giêsu cũng đã công khai xác nhận tên Kitô dành cho Người khi Philatô hỏi Chúa: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng đáng chúc tụng không?” Chúa Giêsu đã trả lời: “Phải chính thế.” ( Mk 15:62).

Đó là tất cả nguồn gốc và ý nghĩa của từ ngữ “Kitô” chỉ sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa trong trần gian này. Với tước hiệu và sứ mệnh ấy, Chúa Kitô đã lẩn lượt đóng những vai trò sau đây trong Chương Trình Cứu Chuộc loài người của Thiên Chúa:

1- Là Con Người (Son of Man)

Chúa Giêsu là Con Người vì được sinh ra bởi Đức Trính Nữ Maria là người thật và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần như chúng ta đọc trong Kinh Tín kính Nicene mỗi ngày Chúa Nhật. Tước hiệu này trước tiên đã được tiên tri Daniel nói đến trước khi Chúa Giêsu sinh ra làm Người như sau:

“Trong những thị kiến ban đêm,
Tôi mải nhìn thì kià
Có ai như một Con Người
Đang ngự giá mây trời mà đến…
(Đn 7:13)

Chúa Giêsu cũng tự nhận mình là Con Người như sau:

“Từ nay các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn năng và ngự giá mây trời mà đến.” (Mt 26:64)

Là Con Người, Chúa Giêsu có hai bản tính không hề tách rời nhau đó là thiên tính (divinity) và nhân tính( humanity).

Nghĩa là chỉ có Chúa Giêsu mới chung phần nhân tính với con người chúng ta mà thôi. Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không chung bản tính với nhân loại và chỉ có Ba Ngôi Thiên Chúa cùng bản tính hay bản thể( Consubstantialis). Ngoài Ba Ngôi ra, không một thần linh hay tạo vật nào có chung bản tính hay bản thể (substance) với Thiên Chúa. Xin nhớ kỹ điều này.

Trong Lễ Qui Rôma, khi nhỏ giọt nước vào chén rượu nho trước khi truyền phép Thánh Thể, Giáo Hội đọc lời nguyện sau đây qua miệng Chủ tế hay Phó tế:

“Nhờ mầu nhiệm nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thiên tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con.” (Per huius aqu„ et vini mystérium, eius efficiamur divinitatis consortes, qui humanitatis nostr„ fieri dignatus est particeps)

Như thế, qua lời cầu nguyện trên đây, chúng ta thấy rõ Giáo Hội cầu xin cho con người được “thông phần thiên tính” với Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu đã mặc lấy nhân tính khi làm Con Người. Nếu con người chúng ta cũng có “thiên tính”(cùng bản thể = consubstantialis” với Thiên Chúa) như có người không hiểu gì đã viết và còn chưa chịu nhận mình sai lạc thì Giáo Hội cầu như trên để làm gì ?

Vậy xin nhắc lại cho người anh em biết là có thiên tính thì khác xa một trời một vực với được “tham dự vào thiên tính.” của Thiên Chúa nhờ công nghiệp của Chúa Kitô và trong viễn ảnh được ơn cứu chuộc để được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng.Tất cả viễn ảnh được kết hợp với Thiên Chúa trong sự sống, sự trọn hảo và hạnh phúc của Người chính là được “thông phần thiên tính” –hay nói khác đi- được chia sẻ chính đời sống và sự cực tốt cực lành của Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.

Đây là kiến thức thần học (theology) và bản thể học (ontology) chứ không phải là “quan niệm bình dân” hay “quan niệm học thức bài bản” nào cả. Xin đừng nói vớ vẩn kẻo người ta cười cho là không hiểu biết chính xác mà dám nói.

Người tín hữu chúng ta mới chỉ có hy vọng được hưởng ơn cứu độ và được “thông phần bản tính Thiên Chúa” trong tinh thần được chia sẻ chính đời sống và sự trọn hảo của Người, NẾU chúng ta sống trọn vẹn với những cam kết của bí tích Rửa tội là từ bỏ ma quỉ vàmọi tội lỗi song song với nỗ lực yêu mến Chúa hết tâm trí và yêu người khác như chính mình, tức là sống đúng với tinh thần của con người mới sau khi được tái sinh qua bí tích rửa tội.

Nhưng bao lâu chúng ta còn sống trên đời này và trong thân xác hay chết với bản chất (nature) đã bị “vong thân” này vì hậu quả của tội nguyên tổ (original sin) thì bấy lâu còn đầy rẫy những cơ hội bị đẩy xa khỏi tình yêu của Thiên Chúa và làm hư công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Ai không nhìn nhận thực tế và nhãn giới thần học này thì đúng là người sống trên mây trên gió với những lý thuyết không tưởng hoàn toàn thiếu căn bản giáo lý và thần học. Chắc chắn như vậy, vì không làm gì có cái gọi là “thiên tính bị chôn vùi hay bị lãng quên” trong con người chúng ta cả vì tự bản chất, con người đã không hề có “thiên tính” thì làm sao nói đến chuyện “thiên tính bị chôn vùi hay lãng quên” được ?. Có chăng, chỉ có thể nói là ơn tái sinh của phép rửa đã “bị lãng quên hay bị chôn vùi” nơi nhiều người nên ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã không sinh hoa kết trái gì được nơi những tâm hồn tiếp tục sống trong tội và bóp nghẹt hạt giống đức tin không cho nẩy nở được nữa. Đó là tình trạng của những người đã lãnh bí tích rửa tội khi còn nhỏ nhưng nay đang tôn thờ vật chất và khoái lạc vô luân thay vì tôn thờ Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc thật. Đó là những người mang danh Kitôhữu nhưng đang sống theo “văn hoá sự chết” làm những điều gian ác, lường gạt tình và tiền của người khác để thoả mãn lòng tham vô đạo của mình. Tắt một lời, đó là những người đang khước từ Thiên Chúa hoàn toàn bằng chính đời sống của họ.

Nếu tiếp tục sống như thế thì phải chăng họ đang chôn vùi “ơn cứu độ và hạnh phúc” mà Thiên Chúa hứa ban trong Đức Kitô ?

Tóm lại, con người chỉ có hy vọng được tham dự vào thiên tính của Thiên Chúa NẾU thực tâm muốn hoán cải (convert, transform) đời sống theo tinh thần của Tin Mừng Cứu Độ, nghĩa là “mặc lấy Chúa Kitô” ngay từ bây giờ trong cuộc sống lữ hành trên trần thế này trước khi được gặp Người cách nhãn tiền trong Nước Thiên Chúa ở chung cuộc.

Đây là giáo lý chân chính phải tin và thực hành để được cứu rỗi chứ không phải là “quan niệm học thức bài bản” nào cả.

2- Là Con Thiên Chúa:

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa vì được sinh ra bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần như lời Sứ Thần Gabriel đã nói với Đức Trinh Nữ Mariạ ngày Truyền tin: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tôí Cao sẽ phủ bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (x. Lc 1:35)

Chúa Cha đã xác nhận tước hiệu này của Chúa Giêsu nhân dịp Chúa Con nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Jordan:

“Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người.” ( x. Mt 3:17)

Chúa Giêsu cũng đã nhận tước hiệu này trong nhiều dịp công khai rao giảng Tin Mừng:

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. (x. Mt 11: 27; Lc 10:21-22)

3- Là Chiên Thiên Chúa:

Trong Kinh Thánh Tân Ước, tước hiệu này trước hết đã được Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu với các môn đệ của ngài khi thấy Chúa Giêsu đi ngang qua một ngày kia:

“Đây là Chiên Thiên Chúa” (Jn 1:36)

Giáo Hội đã mượn lời giới thiệu trên để thêm vào lời tuyên xưng của mình về sứ mạng của Chúa Cưú Thế trước khi trao Mình Thánh Người cho giáo hữu tham dự Thánh Lễ:

“Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”

Trong Cựu Ước, ngôn sứ Isa-ia đã nói đến “con chiên bị đem đi giết” như sau:

“Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca
như chiên bị đem đi làm thịt,như cừu câm nín khi bị xén lông
người chẳng hề mở miệng.”
( Is 53:7)

Rỏ rệt, ngôn sứ đã ám chỉ Đức Kitô khiêm hạ và nhẫn nhục chịu đựng mọi thống khỗ để chu toàn sứ mạng là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Người đã im lặng không trả lời Philatô (x.Jn 19,9) hay khi bị điệu ra trước Hội Đồng Do Thái và bị các thượng tế và kỳ mục tra hỏi.(x. Mt 26:63). Chính nhờ sự nhẫn nhục hy sinh này của Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa, Chiên Vượt qua mà nhân loại được tha thứ tội lỗi và được giao hoà lại với Thiên Chúa.

4-Là người tôi tớ trung thành nhưng đau khổ (the Suffering Servant) của Thiên Chúa

Tước hiệu này được ngôn sứ Isa-ia đã nói đến từ 7 thế kỷ trước khi Chúa Giêsu đến trần gian như sau:

“Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta
mặt mày tan nát chẳng ra người
không còn dáng vẻ người ta nữa.”
(Is 52:14)

hoặc:

“Người bị đời khinh bỉ ruồng rãy
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn
Bị chúng ta khinh khi, không đếm xiả đến.”
( cf. 53:3)

Nhưng dù là “con chiên bị đem đi giết” hay là “người tôi trung đau khổ” như trên thì Chúa Giêsu cũng chỉ hy sinh nhẫn nhục chịu đựng tất cả như vậy để thực hiện Mầu Nhiệm yêu thương và cứu chuộc của Thiên Chúa mà thôi, chứ không vì một lý do nào khác:

“ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội
Người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn
Và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu.”
(cf. 53:10)

Tôi phải nhấn mạnh điều trên đây để đính chính một sai lầm to lớn của một người đã nói: “Đức Kitô là đấng thánh đã thành Thánh, còn chúng ta là những người đang cố gắng để thành thánh.”! Sở dĩ có suy luận rất sai lầm này vì người đó đã hiểu và giải nghĩa sai hoàn toàn câu kinh thánh sau đây:

“Đức Kitô đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu người khỏi chết. Người đã được nhậm lời vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh viễn cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê.” (Dt 5: 7-10)

Hiểu theo nghĩa đen (literal or textual meaning) thì câu trên có thể giải thích là Chúa Kitô phải trải qua một tiến trình đào luyện trong đau khổ và nhẫn nhục để được cứu sống và trở nên hoàn hảo ( nên thánh). Nhưng thực ra có phải như vậy không ?

Chắc chắn không phải vậy. Nhìn từ góc độ thần học sâu xa hơn thì phải nói ngược lại là Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể đã cam lòng chịu đựng mọi thống khổ trong thân phận Con Người, hay trong vai trò là Chiên Thiên Chúa hoặc là Người tôi trung đau khổ của Đức Yavê Thiên Chúa chỉ vì Người đã vâng phục Chúa Cha để thi hành Chương Trình cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa chứ tuyệt đối không vì lý do nào khác.

Thật vậy, Đức Kitô không cần phải xuống thế làm người, phải chịu đau khổ nhục nhã ê chề mới được “mức thập toàn” cho chính mình bao giờ. Là Thiên Chúa “ cùng bản thể và quyền phép như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần”, Chúa Giêu đã thập toàn ngay từ đầu với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần rồi, chứ không cần phải làm gì thêm về phần Ngài nữa để được “thành Thánh” như có người hiểu lầm và giải nghĩa sai hoàn toàn cho người khác. Chúa Kitô chịu đau khổ nhực nhã vì “Sứ Mệnh Thiên sai=Messianic Mission” của Ngài và vì sự “khôn ngoan của Thiên Chúa” trong việc thanh tẩy và cưú rỗi cho con người như Thánh Phaolô đã viết:

“Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ
trở nên giống người phàm
sống như người trần thế...
(Pl 2:6-7)

Nghĩa là, dù đóng vai “Người tôi tớ đau khổ”, “con chiên bị đem đi giết”, dù bị xử án như một tội nhân, dù bị khinh chê như một vật ô uế, dù cúi đầu nhận phép rửa của Gioan tại sông Gio-đan hay dù “than khóc” để xin tha chết trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu chỉ làm tất cả để thay cho nhân loại và để cứu chuộc cho loài người khỏi án phạt vì tội mà thôi, chứ tuyệt nhiên không phải vì lợi ích nào của riêng Người.

Chắc chắn như vậy. Xin nhấn mạnh điều này.

Người quả thật là Đấng Thánh vẹn toàn nhưng đã đóng vai người tội lỗi, bất toàn để đền tội thay và nêu gương kiện toàn cho chúng ta là những người tội lỗi và bất toàn. Người chịu đau khổ để nói lên giá trị của khổ đau theo khôn ngoan của Thiên Chúa trong việc cứu chữa nhân loại, chứ không phải Người đáng chịu đau khổ để được “thành Thánh”!

Sau hết, trong phạm trù bản tính hay bản thể, Chúa Kitô hoàn toàn là Thiên Chúa thật “bởi Thiên Chúa thật” và cùng bản tính với Chúa Cha như Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Nicene.Vậy không thể nói cách ngớ ngẩn rằng “ Chúa Cha là thiên tính của Chúa Kitô.” ! Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng chung bản thể (consubstantialis) thì thiên tính của Chúa Kitô cũng là thiên tính của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần chứ ? Nếu nói Chúa Cha là thiên tính của Chúa Kitô thì tự bản chất, bản thể, Chúa Giêsu không có thiên tính đó hay sao ? Vậy là không đúng nhé, thưa người anh em.

Có chăng, chúng ta chỉ có thể nói rằng: Chúa Kitô là vinh quang của Chúa Cha, là hiện thân tình yêu và ơn tha thứ của Chúa Cha cho toàn thể nhân loại, vì qua sự hy sinh chịu đau khổ của Người, Chúa Cha đã tha thứ cho con người đáng bị luật phạt vì tôi lỗi, và hứa ban phúc trường sinh, “thông phần thiên tính” cho những ai quyết tâm sống và chết như Chúa Kitô. Đúng không ?

Đó là tất cả những gì tôi muốn nói thêm để sửa chữa những sai lầm của người anh em kia đã nói không đúng về “thiên tính của người Kitô hữu,” về “thiên tính của Đức Kitô” cũng như giải thích sai của người anh em khác về ý nghĩa sự đau khổ, nhẫn nhục mà Chúa Giêsu đã vui lòng chịu trong vai trò “người tôi tớ đau khổ” của Thiên Chúa.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô tôn Huấn, 09/08/2005


- Đọc thêm: Người Kitô hữu có Thiên tính không?

URL: http://danchuausa.net/song-dao/nhung-sai-lam-khi-ban-luan-ve-thien-tinh-cua-nguoi-kito-huu/