Trích từ Dân Chúa

Một Vài Nhận Xét Về Bài “Hội Chứng Quyền Lực Trong Giáo Hội”

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Tình cờ hôm Chúa Nhật 1 tháng 2 năm 2004 vừa qua, nhân ghé thăm một người bạn, thấy Ông bạn tôi phàn nàn về nội dung bài viết trên đây của tác giả Võ Lý đăng trên báo Dấn Thân, nên tối hôm đó về nhà, tôi đã đọc xem tác giả viết những gì. Đọc xong, tôi rất thất vọng với hiểu biết của tác giả về những vấn đề được nêu ra trong bài. Tôi đã định không trả lời vì xét ra sẽ không có kết quả với một trình độ hiểu biết như vậy về giáo lý và tín lý. Tuy nhiên, nghĩ lại, tôi thấy cần lên tiếng để tránh ngộ nhận cho những độc giả ngoài Công Giáo về giáo dân và linh mục Việt Nam vì trọng tâm của bài viết trên nhằm vào hai thành phần này.

Mặt khác tôi cũng muốn giải thích rõ cho những độc giả Công giáo về những vấn đề thuộc phạm vi tín lý nhân bài viết của tác giả Võ Lý. Vì thế, trước hết tôi đã viết trả lời tác giả về điều được nêu ra dưới tiêu đề: “Danh xưng cha-con giữa linh mục và giáo dân.” Tôi có hứa trong đó là sẽ góp ý tiếp với tác giả về những ý kiến khác được trình bày trong bài nói trên.

Hôm nay tôi xin được góp ý tiếp về những điểm khác trong bài trên của tác giả. Trước hết tôi xin ghi lại ý chính trong bài “Hội Chứng Quyền Lực Trong Giáo Hội” được in đậm nét như sau (Trích nguyên văn):

Hội Chứng Quyền Lực phát tác nơi người cầm quyền cũng như nơi kẻ thuộc quyền và tương tác lẫn nhau. Người cầm quyền thì tin rằng mình là Thiên Chúa. Kẻ thuộc quyền thì nhìn vào người cầm quyền như là đại diện của Thiên Chúa trong đời sống của họ. Và từ đó hình thành nên muôn trùng những “điều lạ lùng” trong tương quan giao tiếp giữa các thành viên trong các thành phần khác nhau hoặc ngay trong cùng một thành phần của Giáo Hội” (Dấn Thân.tr. 35).

Đọc qua mấy dòng trên đây, tôi sửng sốt tự hỏi : “Người cầm quyền” mà tác giả nói trên đây là Ai mà dám “ tin rằng mình là Thiên Chúa” ? Giáo Hoàng, Giám Mục, linh mục nào mà dám tin bậy bạ như vậy? Tôi tin chắc không một ai trong Giáo Hội lại có tư tưởng sai lầm nghiêm trọng đến thế. Không biết những người có trách nhiệm của báo Dấn Thân có đọc kỹ bài viết này hay không và khi cho đăng như vậy quí vị có coi thường sự hiểu biết của độc giả, và đã vô tình giúp cho những thế lực thù địch Công Giáo có cớ để tiếp tục đánh phá Giáo Hội như chúng ta đã thấy từ bao lâu nay không ??? Chính vì mối quan tâm này mà tôi đành phải viết để trả lời cho những ý kiến không chính xác của tác giả..

Thật vậy, người tín hữu có trình độ hiểu biết giáo lý trung bình thôi cũng biết rằng mọi phẩm trật trong Giáo Hội từ Đức Thánh Cha xuống hàng Phó tế đều chỉ nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà thi hành mọi sứ vụ được trao phó. Không ai được phép nhân danh mình mà giảng dạy điều gì, vì tất cả Sứ Vụ của Giáo Hội là Sứ Vụ (Ministry) của chính Chúa Giêsu và Người đã trao lại cho các Tông Đồ trước khi Người về trời :

“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em …”(Mt 28:18-20).

Thánh Công Đồng Vaticanô thứ II trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (LG) cũng nhắc lại sứ mạng của các vị lãnh đạo Giáo hội, cụ thể là các Giám Mục, như sau :

“Chúa Giêsu, Đấng được ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, đã trao cho các Giám Mục,vì là những người kế vị các Tông Đồ, sứ mệnh dạy dỗ muôn dân và rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật, hầu mọi người được rỗi nhờ lãnh nhận Đức tin, phép Rửa và việc chu toàn giới răn Chúa..” (LG. no.24).

Như thế, quyền quan trọng nhất của Giáo Hội là Quyền Giáo Huấn (Magisterium) được lãnh nhận từ Chúa Giêsu và quyền này là bất khả nhượng (non-negociable) đối với mọi thế lực trần gian; cũng không thể chia sẻ với các tín hữu được vì trách nhiệm của người được trao ban và bổn phận của người phải tùng phục vì đức tin. Mọi tín hữu Công giáo và mọi phẩm trật trong Giáo Hội đều phải vâng phục Quyền này. Chỉ có các giáo phái ngoài Công Giáo mới không công nhận Quyền này mà thôi. Trong Giáo Hội, khi Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục hiệp thông với ngài dạy dỗ điều gì có liên quan đến kỷ luật Bí Tích, Phụng vụ, nhất là những gì liên quan đến Đức tin và Luân lý thì buộc mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội phải vâng nghe và thi hành vô điều kiện, vì “ lúc đó các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo thuyết của Chúa Giêsu..”(cf. LG.no.25). Không có vấn đề “dân chủ” để cho một thành phần nào trong Giáo Hội được quyền góp ý hay phê phán điều gì được dạy bảo bởi Quyền Giáo Huấn đặc biệt trong hai lãnh vực Đức tin và Luân lý. Tác giả Vỏ Lý chắc đã không đồng ý với Giáo Hội về điều này nên đã viết :“làm sao đối thoại được khi vẫn cứ “độc thoại” và “độc quyền chân lý” (cf. Dấn Thân tr. 42). Rất tiếc tác giả đã không nắm vững giáo lý của Giáo Hội về Quyền Giáo Huấn mà Chúa Kitô đã trao cho các Tông Đồ trước hết và nay cho Giáo Hội là Người kế tục sứ mạng của các Tông Đồ. Không có vấn đề chia sẻ quyền dạy dỗ và bảo vệ chân lý của Giáo Hội.. Linh mục vâng phục Giám mục, Giám Mục hiệp thông và vâng phục Đức Thánh Cha, thủ lãnh của Giám mục Đoàn, Người kế vị Thánh Phêrô để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ (Universal Church). Giám Mục là Thủ lãnh của mổi Giáo đoàn địa phương, quen gọi là Địa phận(Diocese). Linh mục và Phó tế là những cộng sự viên của Giám mục ở mổi Giáo phận. Linh mục vâng phục và thi hành những bổn phận và trách nhiệm được Giám mục ủy thác để chăm lo cho đời sống Đức tin của Giáo dân đặt dười quyền mục vụ của mình..

Đây là những nét chính của hệ thống quyền lực và vâng phục trong Giáo Hội. Hệ thống này chỉ nhằm giúp Giáo Hội thi hành nhiệm vụ “chăn dắt chiên của Thầy” (Jn 21:16). như Chúa Giêsu đã truyền cho Phêrô trước khi Chúa về trời.

Khi đọc chủ đề “Hội Chứng Quyền Lực trong Giáo Hội” của tác giả, thoạt đầu tôi tưởng tác giả nói đến những gì sai trái to lớn trong Giáo Hội cần được thay đổi, nhưng khi đọc kỹ tôi thấy tác giả chỉ nêu ra những điểm tiêu cực trong cách hành xử của một vài Linh mục cũng như não trạng xưa và nay của người Giáo dân Việt Nam, cụ thể như sau:

A- Hội Chứng Quyền lực nơi giáo dân: Thể hiện qua não trạng quá đề cao đời sống tu trì, hãnh diện khi có con cháu làm Linh mục “đỗ cha”, và tủi hổ khi con cháu xuất tu hồi tục.. Quá chú trọng vào việc mừng một tân Linh mục trong ngày chịu chức và làm lễ mở tay. Giáo dân quá “khớp” và khúm núm khi phải giao tiếp với Linh mục vì quá thần thánh hóa “ông Cha” thể hiện rõ rệt qua cách xưng hô “con xin phép lậy cha” “ xin cha làm phúc”…Tài nguyên “tu xuất” phong phú nhưng không được trọng dụng vì mang tiếng “ăn cơm hại nhà Đức Chúa Trời” và nhiều nơi linh mục kiêng dè không muốn dùng họ…

B- Hội chứng quyền lực nơi linh mục: Tân linh mục được quá đề cao, được “siêu tôn lên hàng khanh tướng” nên sau này đâm coi thường giáo dân coi giáo dân như con cái,như những “con chiên” nên muốn nói gì thì nói…không tin giáo dân, không giao quyền cho ai ….Quá đề cao ơn gọi làm Linh mục, khinh thường ơn gọi Hôn nhân của bậc vợ chồng (?).

Đại khái đó là những biểu hiện của cái gọi là “Hội chứng quyền lực trong Giáo Hội” theo tác giả. Nhưng để “giải trừ” những biểu hiện trên đây, tác giả lại động chạm đến những điều có liên hệ đến Đức tin, đến hiểu biết Kinh Thánh và truyền thống của Giáo Hội trong 3 tiêu đề sau đây:

1- Gọi linh mục là một “Đức Kitô khác” không chuẩn xác, vì chỉ có một Đức Kitô duy nhất, không có “những Đức Kitô”!

2- Chủ chăn và con chiên : hình ảnh này không đúng với thực tại, vì chỉ có một Chủ Chăn duy nhất là Đức Kitô. Linh mục và Giáo dân đều là con chiên.

3- Danh xưng cha-con giữa linh mục và giáo dân : không có nguồn gốc Kinh Thánh, Tông Đồ và Giáo phụ. (cf. Dấn Thân. Trang 37-42)

Điểm thứ 3 về danh xưng cha -con, tôi đã trả lời tác giả trong bài trước rồi, nên không cần nhắc lại ở đây nữa.Về diểm 1, tôi xin được vắn tắt giải thích như sau: Danh xưng Linh mục la một “Đức Kitô khác” hay ”Đức Kitô thứ hai” - mà tiếng Latinh là Alter Christus (Alter : người thứ hai), không phải là một sáng chế của Linh mục Việt Nam hay Giáo dân nào nhằm “thần thánh hóa” chức Linh Mục. Từ đầu Giáo Hội, Thánh Phaolô đã gọi các tín hữu Chúa Kitô làThánh (Sanctus) :

“Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được gọi là thánh”(Rm:7)

“Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được thánh hiến trong Đức Kitô Giêsu, được gọi là thánh…” (1Cor 1:2)

Bắt nguồn từ lối suy tư thần học sâu sắc này, Thánh Augustine (354-430), một Giáo Phụ lớn của Giáo Hội, đã dùng từ ngữ Alter Christus (Đức Kitô thứ hai, vì alter có nghỉa là người thứ 2) để áp dụng trước hết cho các Kitô hữu (Christifidelis) để nhấn mạnh ơn sủng lớn lao của người được tái sinh trong Đức Kitô nhờ Phép Rửa và nghe rao giảng Phúc Âm của Chúa. Sau này, suy tư về chức vụ Linh mục và Giám mục, ngài vẫn đề cao và nhấn mạnh ơn phúc được là Kitô hữu, nên ngài đã nói một câu trứ danh như sau : “Cho anh em tôi là Giám mục, với anh em tôi là Kitô hữu. Tước hiệu Giám Mục là bổn phận được lãnh nhận, trong khi tước hiệu Kitô hữu là ân sủng." (For you I am a bishop, with you I am a Christian. The former title speaks of a task undertaken, the latter of grace) (Sermon. 340,1:PL:1483). Sau đó ngài mới dùng danh hiệu Alter Christus cho Linh mục với hai ý nghĩa : Linh mục vừa là Kitô hữu qua Phép Rửa như mọi Kitô hữu khác, vừa được trở nên giống Chúa Kitô hơn nữa nhờ Bí Tích truyền Chức Thánh (Holy Orders). Tư tưởng sâu sắc này của Thánh Augustinô, được đồng tình phụ họa thêm với Thánh Giáo Phụ John Chrysostom ((344-407),còn gọi là Thánh Gioan Kim Khẩu, đã được Thánh Công Đồng Vaticanô II nhắc lại trong Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis về Chức vụ Linh Mục như sau:

“Chức vụ Linh Mục liên kết với chức Giám Mục,nên cũng được tham dự vào quyền bính mà chính Chúa Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người.Vì vậy chức Linh Mục của các ngài dù giả thiết đã có qua những Bí Tích khai sinh đời sống Kito giáo, nhưng lại được một Bí Tích riêng in dấu đặc biệt khi các ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu. Như thế các ngài nên giống Chúa Kitô Linh Mục đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là đầu mà hành động.” (Presbyterorum Ordinis, số 2)

Vì Linh Mục nên giống Chúa Kitô đến nỗi có quyền thay mặt Chúa mà giảng dạy và cử hành các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể, nên Giáo Hội đa chấp nhận từ ngữ Alter Christus (Đức Kitô thứ hai) để gọi Linh mục theo lý giải thần học của Thánh Augustinô từ xưa đến giờ chứ không phải mới đây được dùng ở Việt Nam. Vậy danh xưng này có nguồn gốc Giáo phụ và truyền thống Giáo Hội chứ không phải là một sản phẩm của cái gọi là “Hội Chứng Quyền Lực” như tác giả Võ Lý đã tưởng tượng vô căn cứ. Chỉ trích cách dùng từ ngữ này là chỉ trích truyền thống của Giáo Hội, chứng tỏ tác giả không biết gì về nguồn gốc và lý do từ ngữ được xử dụng mà chỉ có dụng ý muốn hạ giá chức Linh mục mà thôi. Không ai chối cãi là chỉ có một Đức Kitô duy nhất là “Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người” (1 Tim 2:5-6). Những khi Giáo Hội nói Linh Mục là Alter Christus chỉ có nghĩa là Linh Mục trở nên làm một với Chúa Kitô vì được chia sẻ chức Linh Mục đời đời của Chúa và để thay mặt Chúa tiếp tục dâng Hy Tế hàng ngày trên Bàn Thờ, chứ không có ý tạo thêm ra một hay nhiều Đức Kitô khác ngang hàng với Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế và là Thiên Chúa.

Về điểm thứ 2, tác giả Võ Lý không hài lòng với hình ảnh Chủ chăn của Linh mục. Ta hãy nghe lập luận của tác giả : “ …giữa chủ chăn và con chiên có một khoảng cách không thể vượt qua: chủ chăn là người, con chiên là vật. Chỉ có người mới có tầm nhìn.Vật thì không, nên cần phải có người chăn dắt. Cho nên người bảo sao thì chiên phải nghe vậy. Người dắt chiên đi đâu thì đi, khiến sao thì làm vậy. Cãi lời làm khác thì đã có cái roi cái gậy ! Điều này hoàn toàn không thích hợp cho tương quan linh mục và giáo dân. Linh mục và giáo dân cũng là người như nhau. Trí tuệ, đạo đức, nhiệt tâm uy tín và ảnh hưởng, chưa hẳn ai đã hơn ai…” (tr.41-42)

Qua phát biểu trên đây, tác giả không những tỏ ra khinh thường chức Thánh Linh Mục mà Chúa Giêsu đã lập cùng với Phép Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly cuối cùng mà còn hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa các hình dung từ (metaphors) “chủ chăn” và “đoàn chiên” được dùng trong Kinh Thánh tân và cựu sau đây:

“Lậy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giuse
Như chăn giữ chiên cừu,xin hãy lắng tai nghe”
(Tv 80:2)

“Ta chính là Mục Tử nhân lành,
“Ta biết chiên của ta và chiên của ta biết ta”
(Jn 10:14)

“Hãy chăm sóc chiên con của Thầy,
“Hãy chăn dắt chiên của Thầy”
(Jn 21:15, 16)

Xin hỏi tác giả : “Con chiên“ nói trên đây là người hay vật ? Là hình ảnh của Dân Chúa cả trong thời Cựu và Tân Ước hay chỉ là đoàn súc vật đang ăn cỏ ngoài đồng ?

Cũng xin nhắc ngay với tác giả là sứ vụ của Linh Mục không phải là để ganh đua với ai về mặt “ kiến thức, đạo đức, uy tín và ảnh hưởng” mà là hiệp thông cùng với Giám Mục để dạy dỗ và bảo vệ chân lý của Chúa Kitô.Thách đố Linh Muc trong phạm vi này là thách đố sứ mạng Chúa trao cho các Tông Đồ và những người kế tục hiệp thông.Tác giả có đọc những câu Kinh Thành dưới đây không ? :

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Jn 20:21)

“Ai nghe anh em là nghe Thầy, ai khước từ anh em là khước từ Thầy, mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy”(Lc 10:16)

Tác giả viết: “Nếu giáo dân là chiên con thì linh mục là chiên lớn. Chiên con hay chiên lớn thì cũng là chiên thôi.Cơ bản không có gì khác…”(tr. 42) Vậy xin hỏi : Chúa sai AI chăn chiên cho Chúa ??? Nếu Giám Mục, Linh Mục cũng chỉ là chiên như giáo dân, “cá mè một lứa” thì Chúa Giêsu trao nhiẹm vụ “ chăm sóc chiên con chiên mẹ của Thầy?” cho Ai ? Tác giả hiểu thế nào về Sứ vụ của Giáo Hội, cụ thể là Sứ Vụ của các Giám Mục và Linh Mục ? Các ngài có phải là những người kế tục sứ mạng của các Thánh Tông Đồ để chăm sóc đời sống thiêng liêng cho Dân Chúa giống như các mục tử chăn dắt đoàn chiên ngoài đồng cỏ, hay chỉ là những giáo dân “đội lốt” Mục Tử ??. Hình dung từ “ Mục Tử” và “Con chiên” là những ẩn dụ rất quan trọng và sâu sắc được dùng trong Cựu Ước và đặc biệt được chính Chúa Giêsu dùng trong Phúc Âm để mô tả thân tình thắm thiết giữa Chúa và Dân Mới của Người, vậy mà tác giả cho là chỉ có “ý nghĩa hạn hẹp” và “hoàn toàn không thích hợp cho tương quan linh mục và giáo dân” (tr.42). Vậy, tương quan nào mới thích hợp, cân xứng ???. Xin nhắc lại một lần nữa là các hình dung từ “Chủ chăn” và “Đoàn chiên” không phải là những sản phẩm của các linh mục Việt Nam chế ra trong khuôn khổ cái gọi là “Hội Chứng Quyền lực”mà là những ẩn dụ được dùng từ lâu trong Giáo Hội, dựa vào Kinh Thánh, để mô tả Sứ vụ của những người được gọi và sai đi như Giám Mục và Linh Mục. Cũng vì sứ vụ “chăn chiên” cho Chúa mà Đức Giáo Hoàng được gọi là Chủ Chăn (Pastor) của Giáo Hội hoàn vũ, Giám Mục là Chủ Chăn của Giáo Phận, (Diocese)và Linh mục là Chủ Chăn của một Giáo xứ (Parish). Coi Giáo dân là “con chiên” không có nghĩa là khinh thường địa vị “Kitô hữu” của họ, mà chỉ cốt áp dụng đúng từ ngữ và ý nghĩa mà chính Chúa Giêsu đã dùng đầu tiên. (cf. Jn 10:11-16) để nói lên mối tương quan mật thiết giữa người có trách nhiệm chăm sóc thiêng liêng và người nhận sự săn sóc đó vì đức tin mà thôi. Không ai ấu trĩ mà nghĩ rằng chủ chăn mới là người, còn đoàn chiên chỉ là đoàn súc vật, tức hai giai cấp khác biệt nhau.!. Có lẽ vì hiểu như vậy nên tác giả đã viết : “làm sao hiệp thông được khi vẫn cứ “phân chia giai cấp” và “phân biệt đối xử” (cf. Dấn Thân, tr.42). Thế nào là phân biệt giai cấp, phân biệt đối xử ?? Nếu giáo dân muốn bình đẳng, không nhận sự dạy bảo, chăm sóc thiêng liêng của linh mục, thì linh mục còn sứ mạng nào nữ a trong Giáo Hội ??? Mặt khác, nếu không nhìn nhận vai trò của Giám Mục, Linh Mục là người Chăn Chiên thiêng liêng thay cho Chúa, vì “tất cả chỉ là chiên, không có gì hơn khác” như tác giả Võ Lý viết thì tác giả hiểu và cắt nghĩa thế nào về lời Thánh Phaolô nói sau đây:

“Anh em là thân thể Đức Kitô,và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị….Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ,ai cũng là thầy dạy sao?..” (!Cr 13:27-29)

Tóm lại, chỉ vì không hiểu -hay cố tình không hiểu- vai trò của Linh mục, cộng sự viên của Giám mục trong Sứ Vụ, và có lẽ vì quá “dị ứng” với danh xưng Linh mục là “cha”, là “Đức Kitô khác” là “ chủ chăn”, cũng như chỉ căn cứ vào một vài biểu hiện tiêu cực quan sát thấy trong cung cách cư xử của một số linh mục nào đó (..không tin giáo dân, không giao quyền cho ai, không đối thoại, chỉ ra lệnh, phá nhà thờ cũ, làm lại cho mới, thích gọi bằng cha v,v..) hoặc nơi giáo dân xưa kia (sùng bái Linh mục thái quá, thích có con làm cha, tổ chức ăn mừng lớn khi có tân Linh mục v.v..), nên tác giả đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng về tín lý như sau: 1-Về Danh xưng “ Cha” của Linh mục : chối bỏ giáo lý của Thánh Phaolô và của Giáo Hội (Hiến chế Lumen Gentium No.28) về vai trò “người cha thiêng liêng “ của linh mục”.

2- Về Danh xưng Alter Christus (Đức Kitô thứ hai): không biết giáo lý của Thánh Augustinô và truyền thống của Giáo Hội về danh xưng này.

3- Về Tương quan “Chủ chăn và Con chiên”: chối bỏ ý nghĩa và cách dùng từ ngữ của chính Chúa Giêsu áp dụng cho các Tông Đồ xưa kia, cho Giám Mục và Linh Mục ngày nay. Hiểu sai hoàn toàn về hình dung từ (metaphor) đoàn chiên.

Trên đây là những kết luận tôi lấy ra từ nội dung bài viết của tác giả Võ Lý và khách quan trình bày với độc giả. Nhưng đến đây t ôi muốn đặt vấn đề trách nhiệm đối với Ban chủ biên của Nguyệt san Dấn Thân, xuất bản ở Houston, Texas.. Quí vị tự nhận là một Phong trào Giáo dân. Phải chăng chủ trương của quí vị là “ dấn thân”phục vụ cho những lợi ích của Giáo Hội trong đó có Giáo dân ? Vậy khi cho phổ biến những bài vở với nội dung sai lạc tín lý và thấp kém về kiến thức như bài “Hội Chứng Quyền lực” này, thì quí vị phục vụ cho lợi ích nào ? Quí vị giúp gia tăng sự hiểu biết đúng đắn về Giáo Hội và Sứ mạng của các phẩm trật trong Giáo Hội hay gây ngộ nhận về vai trò và sứ mạng ấy ??? Tôi không viết và đặt vấn đề này vì tự ái của một linh mục mà vì lương tâm không cho phép tôi im lặng trước sự việc quan trọng có liên can đến Giáo lý và Tín lý của Giáo Hội Công Giáo.Tôi không muốn bút chiến với ai vì bất cứ lý do gì mà chỉ muốn làm việc chẳng đặng đừng để tránh những hiểu lầm về vai trò và sứ mạng của Linh mục trong Giáo Hội mà thôi. Mong được thông cảm như vậy. Xin chân thành cám ơn tất cả quí vị đọc bài viết này của tôi.

Linh Mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, Pastor
St. Gregory The Great Church (Houston)
Linh Hướng Phong trào Cursillo Việt Nam /GP Galveston-Houston

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, 04/03/2004

URL: http://danchuausa.net/song-dao/mot-vai-nhan-xet-ve-bai-hoi-chung-quyen-luc-trong-giao-hoi/