Trích từ Dân Chúa

Làm Sao Để Được Cứu Rỗi?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Kinh Thánh nói gì về những đòi hỏi của Thiên Chúa cho con người được ơn cứu độ?

Trả lời: Thiên Chúa là tình thương như Thánh Gioan Tông Đồ đã quả quyết (1Ga 4:8). Ngài tạo dựng loài người chúng ta chỉ vì tình thương vô vị lợi này để chia sẻ cho con cái loài người niềm vui và hạnh phúc vô biên của Chúa mà thôi. Nghĩa là Thiên Chúa tuyệt đối không được lợi lộc gì hay muốn tìm lợi lãi gì cho riêng Người mà phải tạo dựng nên con người trên trần thế này

Đó là điều căn bản trước hết chúng ta phải khẳng định và tin chắc chắn như vậy trước khi đi sâu vào nội dung câu hỏi.

Thật vậy, Thiên Chúa ví như người Cha nhân hậu, mong muốn cho con cái loài người được hạnh phúc không những ở đời tạm gửi này mà nhất là “được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2:4) để sống hạnh phúc đời đời với Người mai sau trên Nước Trời.

Nhưng Thiên Chúa không phải là người Cha nuông chiều con cái đến mức cho con cái muốn làm gì, ăn uống ra sao tùy thích.

Thực tế trong mọi gia đình nhân loại thuộc mọi sắc tộc và văn hóa, có cha mẹ nào lại không muốn cho con cái học hành giỏi giang, xa tránh mọi thói hư tật xấu như sì-ke ma túy, cờ bạc hút xách, bỏ học để gia nhập các băng đảng trộm cắp, giết người, cướp của v.v.???

Mặt khác, cũng không có cha mẹ nào lại mua súng đạn về cho con cái chơi và muốn bắn ai tùy thích; nhất là mua phim ảnh sách báo dâm ô về cho con cái mặc sức “giải trí” trong gia đình!

Nếu cha mẹ phàm trần, vì yêu thương và vì lợi ích đích thực của con cái, mà không làm hay cho phép con cái làm những việc nói trên, thì Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành, lại càng không muốn cho con cái loài người làm những gì có hại cho hạnh phúc đời này và nhất là đời sau.của mỗi người chúng ta. Và đó là lý do tại sao Thiên Chúa ban Lề Luật cho ta phải tuân giữ và thi hành để được chúc phúc và đuợc cứu rỗi. Nói khác đi, nếu Thiên Chúa muốn ta sống ra sao hoặc ngăn cấm ta làm điều gì thì đó chính là vị lợi ích của ta chứ tuyệt đối Thiên Chúa không được lợi lộc gì mà phải ngăn cấm con người không được làm điều này việc kia.

Vậy qua Kịnh Thánh Thiên Chúa đã nói gì với loài người về những ý muốn của Người để từ đó con người sẽ được chúc phúc hay bị luận phạt?

Trước hết, với dân Do Thái vốn là Dân riêng của Người, Thiên Chúa đã dùng miệng ông Mai Sen để truyền cho họ những giới luật căn bản, sau khi Thiên Chúa đã giải phóng họ qua khỏi ách nô lệ, thống khổ bên AiCập. Ông Mai-Sen đã nói với dân Do Thái như sau:

Anh em lãy lo thực hành như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em đã truyền cho anh em, không đi trệch bên phải hay bên trái. Anh em hãy đi đúng con đường mà ĐỨC CHÚA Thiên Chúa của anh em đã truyền cho anh em để anh em được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất mà anh em sẽ chiếm hữu” (Đnl 5: 32-33)

Lời Chúa truyền cho dân Do Thái trên đây cũng chính là lời Người dạy loài người nói chung ngày nay phải nghiêm khắc thi hành để được chúc phúc và nhất là để được cứu rỗi hầu hưởng hạnh phúc Nước Trời mai sau

Thật vậy, nếu ai cũng được tự do cướp của. giết người, tự do giật chồng cướp vợ của người khác, gian dâm, ăn gian nói dối, lừa đảo, bội tín, và con cái không cần thảo kinh cha mẹ, vợ chồng không cần chung thủy với nhau để tự do thay đổi hôn nhân như thay áo quần thì xã hội loài người này sẽ ra sao và đi về đâu?

Như thế đủ cho thấy là Thiên Chúa, vì yêu thương và muốn cho con người được hạnh phúc thực sự, nên đã ban những Lề Luật cần thiết như yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thảo kính cha mẹ, cấm giết người, cấm gian dâm, trộm cắp, cấm làm chứng gian và ước muốn vợ chồng và tài sản của người khác. Như vậy, tuân giữ các Lề Luật này của Chúa là bảo vệ hạnh phúc cho chính con người cũng như bảo đảm sự sống và văn minh của loài người trên trần thế này.

Nhưng đáng buồn thay cho nhân loại nói chung và cho người tín hữu Chúa Kitô nói riêng vì thực tế của xã hội ngày nay, một thực tế với đầy thách đố cho những ai muốn tuân giữ và thực hành tốt những Lề Luật căn bản nói trên.

Thật vậy, “văn hóa sự chết” ngày một lan tràn mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Âu Mỹ - đang là một thách đó to lớn cho những ai muốn sống niềm tin vào một Thiên Chúa cực tốt cực lành, công chính, thánh thiện và đầy yêu thương. Thiên Chúa tốt lành, thánh thiện thì Người không thể khoan dung hay nhân nhượng (tolerate or compromise) những sự dữ như giết người, phá thai, gian manh, trộm cắp, bất công, bóc lột, tham ô, chà đạp nhân quyền và công lý, cai trị khắc nghiệt, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho các dịch vụ mãi dâm, tôn thờ vật chất và mọi lạc thú vô luân, dửng dưng trước sự nghèo đói, đau khổ của nạn nhân các chế độ độc ác, phi nhân.

Nhưng tiếc thay, những người có sứ mệnh và trách nhiệm rao giảng Phúc Âm Sự Sống (Gospel of Life) cũng như những người đang nắm quyền cai trị quốc gia lại làm ngơ, im hơi lặng tiếng trước những sự dữ nói trên, thay vì phải can đảm thi hành sứ mệnh ngôn sứ và trách nhiêm cai trị của mình để mạnh mẽ lên án và cấp cứu thực trạng tha hóa, tụt hậu thê thảm về luân lý đạo đức và tình người của một môi trường xã hội đã quá ung thối vì tham ô, bất công phi nhân và phi luân. Làm ngơ trước thực trạng nói trên của xã hội để được “an thân” đi kiếm tiền đó đây và âm thầm vui hưởng chút ân huệ nào đó là chối bỏ sứ mạng phúc âm hóa thế gian cũng như đánh mất chức năng ngôn sứ của mình. Như thế vô tình đã “thỏa hiệp với thế quyền” là nguyên nhân phát sinh thực trạng phi nhân vô đạo nói trên.

Riêng ở Hoa Kỳ, bộ mặt đáng ghê sợ của văn hóa sự chết được nhìn thấy rõ qua những sự kiện sau đây: hợp pháp và hợp hiến cho phép phá thai, giết hại hàng triệu thai nhi hàng năm ở Mỹ, chấp nhân hôn nhân đồng tính (same sex marriage) tự do ly dị, và làm ngơ hay dung dưỡng cho phép kỹ nghệ dâm ô, phim ảnh bạo động được mặc sức tung hoành trên Internet, Video, DVD và sách báo để xô đẩy biết bao triệu người lớn và trẻ em vào vòng trụy lạc, tội ác.

Thêm vào đó là nhan nhản những quảng cáo về sửa sắc đẹp, sửa thân hình cho hấp dẫn, dậy khiêu vũ cho mọi lớp tuổi (riêng một số người Việt no cơm dửng mỡ cũng đang đua đòi loại văn minh hạ cấp này để trẻ già ôm nhau nhẩy nhót trong mọi dịp vui chơi, hát cho nhau nghe…), bên cạnh quảng cáo các loại thuốc hay dược liệu kích thích dâm tính,và chỉ dẫn những nơi cờ bạc giải trí thiếu lành mạnh.

Đây chính là những nguy cơ khiến người tín hữu Chúa Kitô ngày nay dễ “đi trệch Con Đường Chính Lô” mà Chúa muốn chúng ta đi để được gặp Người và được hạnh phúc đích thực.

Xưa kia dân Do Thái, sau khi được giải thoát khỏi thống khổ bên Ai Cập, đã không được tiến vào “Đất Hứa” ngay mà phải tạm sống trong hoang địa suốt 40 năm để được thử thách về lòng tin yêu của họ đối với Thiên Chúa, Người đã thương giải phóng cho họ qua bàn tay ông Mai Sen. Nhưng trong khi chờ được vào Đất Hứa, họ đã “đi trệch con Đường” Chúa muốn họ đi, bằng hành động xúc phạm nặng nề Thiên Chúa khi “họ đúc con bê bằng vàng rồi sụp lậy nó” như vị thần đã đưa họ ra khỏi đất Ai Cập! Chúa đã nổi giận muốn tiêu diệt dân vô ơn và cứng đầu này, nhưng nhờ ông Mai Sen tha thiết van xin mà Thiên Chúa “đã thương không giáng phạt dân Người, như Người đã đe.” (Xh 32: 14)

Mặt khác, hình ảnh dân Do Thái vượt Biển đỏ, tức là đi qua nước để vào đất tự do, cũng tiên báo trước sự kiện Dân mới của Thiên Chúa - tức Dân Tân Ước ngày nay - được Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai, dẫn qua nước Rửa tội để được tái sinh trong sự sống mới trước khi được vào “Đất hứa” là Nước Trời để hưởng hạnh phúc bất diệt với Thiên Chúa là Đấng đã cứu Dân Người nhờ Chúa Kitô.

Nói rõ hơn, qua bí tích Thanh Tẩy, chúng ta trở thành Dân Mới của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta chưa được vào Đất Hứa là Nước Trời ngay mà còn phải sống “tạm trú” trên trần thế này một thới gian dài ngắn tùy số phận của mỗi người để được thử thách về niềm tin và lòng yêu mến Thiên Chúa đã giải phóng ta qua ách nô lệ của tội lỗi.

Nghĩa là đời sống của Dân Chúa trong Giáo Hội và trên trần thế ngày nay cũng được ví như thời gian 40 năm dân Do Thái sống trong hoang địa chờ ngày tiến vào Đất Hứa, “miền đất tràn trề sữa và mật” (Đnl 6: 3) mà Thiên Chúa đã hứa ban cho các Tổ Phụ của Dân Do Thái xưa kia. Nhưng như đã nói ở trên, Dân Do Thái đã đi trệch con đường Thiên Chúa truyền cho họ phải đi khị họ phạm những tội nghich cùng Người. Vì thế, Thiên Chúa đã phải than trách họ như sau:

Suốt bốn mươi năm Dòng giống này làm Ta chán ngán
Ta đã nói: đây là dân tâm hồn lầm lạc
Chúng nào biết đến đường lối của Ta
Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng:
Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.”
(Tv 94: 10-11)

Chúa Kitô đến trần gian như một Tân Adong và Tân Mai-Sen trong tinh thần vâng phục Chúa Cha và với sứ mạng cứu chuộc cho toàn thể nhân loại khỏi tội và khỏi chết như Thánh Phaolô đã dạy: “...vì một người duy nhất (tức Adam) đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất (Chúa Kitô) đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng sẽ được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống.” ( Rm 5:18).

Nhưng muốn được sống hạnh phúc với Chúa, chúng ta cần ý thức rõ điều này: Khi tạo dựng con người Thiên Chúa không cần sự ưng thuận và cộng tác của ai. Nhưng để cứu chuộc con người nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, thì Thiên Chúa lại cần sự cộng tác của con người.

Thật vậy, mặc dù tình thương vô vị lợi của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô đã quá đủ cho ta được phần rỗi. Tuy nhiên, vì Thiên Chúa không tạo dựng con người như những người máy Robots mà là những tạo vật có lý trí và ý muốn tự do (intelligence and freewill) nên Thiên Chúa lại cần sự cộng tác của con người vào việc mưu tìm hạnh phúc đời đời qua ơn cứu độ. Nói khác đi, Nếu không cậy nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô thì không ai có thể làm gì để xứng đáng được cứu rỗi. Nhưng nếu con người không cộng tác vào ơn cứu độ bằng quyết tâm từ bỏ mọi tội lỗi để sống theo đường lối của Thiên Chúa thì Chúa không thể cứu ai được. Nghĩa là, không thể ỷ lại vào lòng thương xót của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô để rồi không làm gì hết về phần mình, hay tệ hại hơn nữa là cứ buông thả sống theo ý riêng mình để phạm đủ mọi thứ tội, thay vì phải “chiên đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì có nhiều người tìm cách vào mà không thể được.” như Chúa Giêsu đã giảng dạy. (Lc 13: 24)

Qua cửa hẹp mà vào có nghĩa là khép mình sống theo đường lối của Chúa và thực thi thánh Ý của Người để được vào Nước Trời.

Đó cũng chính là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ xưa kia: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa, Lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu; nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” (Mt 7: 21)

Thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha trên trời là thực tâm yêu mến Chúa, cụ thể bằng chính đời sống của mình. Nghĩa là không thể chỉ nói tin yêu Chúa bằng môi miệng bề ngoài mà cần thiết phải diễn tả cách trung thực niềm tin yêu ấy qua lời nói và việc làm, nhất là qua việc thi hành với lòng yêu mến những Lề Luật mà Thiên Chúa đã truyền cho Dân Do Thái xưa mà Giáo Hội ngày nay vẫn đang dạy chúng ta phải tuân giữ và thực hành không sai trệch để được cứu rỗi.

Nói khác đi, không thể nói tôi tin có Chúa, tin Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc mà lại sống “văn hóa của sự chết” để tôn thờ vật chật, tiền bạc, và vui thú vô luân. Không thể tin yêu Chúa và tuân giữ Lề Luật của Người mà lại đua đòi theo thói hư tật xấu của những kẻ không có niềm tin để làm ăn bất lương, trộm cắp, lường gạt, gian dối, rẫy vợ bỏ chồng dù đã có con cái khôn lớn, hay tệ hại hơn nữa là ly dị hay bỏ vợ già để về Việt nam du hý hoặc cưới gái trẻ đáng tuổi con cháu mình, bất chấp sự chê cười, khinh bỉ của dư luận và thân bằng quyến thuộc...

Tưởng cũng nên nhắc lại Lề Luật của Chúa về phép Hôn Phối, một ơn gọi (vocation) cao quí không thua kém gì các ơn gọi làm linh mục hay nữ tu của những người được thánh hiến để phục vụ cho dân Chúa trong Giáo Hội. Chính Chúa Giêsu đã nâng hôn phối lên bậc bí tích và không cho phép tháo gỡ khi những người Biệt phái đến hỏi Chúa xem có được phép ly dị vì bất cứ lý do gì không. Chúa đã trả lời rõ như sau: “...Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19: 6).

Do đó, những ai có ơn gọi sống bậc hôn nhân, phải hết sức quí trọng ơn gọi này để trước hết cộng tác với Thiên Chúa trong Chương Trình sáng tạo loài người, nghĩa là làm sinh sôi nẩy nở thêm nhiều người cho đầy mặt đất ( procreation) và làm chứng cho tình yêu không hề thay đổi của Thiên Chúa đối với nhân loại. Bậc sống nào cũng có những khó khăn và thử thách. Nếu không biết hy sinh, nhẫn nhục, chiu đựng và tha thứ cho nhau, như Chúa luôn chịu đựng và tha thứ cho chúng ta, thì không một hôn phối nào có thể tồn tại lâu bền được. Và nếu cứ hơi xích mích và bất đồng với nhau lại đòi ly hôn, ly dị để kiếm người khác thì sẽ chẳng bao giờ tìm được người nào hoàn hảo như mình mong muốn. Vả lại, thử hỏi chính mình đã hoàn hảo chưa mà đòi người khác phải hoàn toàn để sống lâu bền?

Liên quan đến vấn đề hôn nhân của người Việt, mấy năm nay đã có rất nhiều đàn ông lớn tuổi và thanh niên Việt Nam đã và đang thi nhau về Việt Nam để “du hí” vô luân và tìm những cô gái trẻ muốn đi Mỹ, đi ÚC hay Canada để kết hôn. Lại còn có những người bỏ tiền ra “mướn” người kết hôn có quốc tịch để được xuất ngoại nữa! Do đó, những ai có trách nhiệm chuẩn bị hôn phối và chứng hôn cho họ cần lưu ý là theo giáo luật, nếu đôi hôn phối không thực tâm muốn sống trọn đời mục đích của hôn nhân mà chỉ lợi dụng việc kết hôn để thực hiện ý đồ riêng tư, thì hôn phối ấy sẽ không thể thành sự được (valid) (x. Giáo luật số 1096). Vì thể, không thể vì quen biết, nể nang hay được dâng cúng hậu hỹ mà chứng hôn đại cho ai ở vào trường hợp này.

Một điều đáng nói sau hết nữa là, không thể nói mến Chúa và tuân giữ Lề Luật của Chúa mà lại thường xuyên bỏ Lễ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ buộc quanh năm, nhất là không siêng năng xưng tội và rước Mình Máu Chúa Kitô, là thần lương dưỡng nuôi linh hồn ta trong cuộc lữ hành tiến về Đất Hứa là Nước Trời mai sau. Thực trạng sống Đạo ngày nay thật đáng buồn đối với nhiều người Công giáo ở nhiều nơi. Họ có thì giờ dư thừa để đi dạ hội dạ vũ, ăn uống vui chơi nhưng không có giờ đi Lễ ngày Chua Nhật, hoặc có đi thì cũng không có giờ để tham dự trọn vẹn một Thánh Lễ. Đó là những người đến trễ sau hai bài đọc hoặc sau cả bài Phúc Âm, và vội ra về đang khi người khác còn lên rước Lễ! Như vậy làm sao nói được là chu toàn Lề Luật về thờ phượng Thiên Chúa như Giáo Hội dạy?

Tóm lại, Chúa yêu thương và tha thứ, nhưng chúng ta phải tỏ thiện chí muốn thực tâm mến Chúa yêu người, tuân giữ mọi Lề Luật của Chúa để được cứu rỗi. Dĩ nhiên là phải quyết tâm từ bỏ mọi tội lỗi và khước từ văn hóa sự chết để sống Phúc Âm Sự Sống mà Chúa Kitô đã rao giảng và trả giá bằng chính mạng sống của Người qua khổ nạn và tử nạn trên thập giá năm xưa.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

URL: http://danchuausa.net/song-dao/lam-sao-de-duoc-cuu-roi/