Trích từ Dân Chúa

Kiến thức Công Giáo: Ý Lễ và Bổng Lễ

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên

(Mass intention and Mass Offerings) (Giáo Luật khoản 945-958)

Lịch Sử

1. Thời Giáo Hội sơ khai: Của lễ là bánh rượu giáo dân mang tới nhà thờ. Phần dư tồn, được phân phát cho người nghèo.

2. Thế kỷ bảy và tám: Của lễ dâng bao gồm cả tiền mặt nhằm mục đích giúp đỡ linh mục.

3. Thế kỷ 11 và 12: Bổng lễ (stipendium) xuất hiện. Giáo dân tự nguyện dâng một số tiền với yêu cầu linh mục cầu nguyện theo ý mình trong thánh lễ. Phần đóng góp nầy được coi như một góp phần vào hy lễ trên bàn thờ.

4. Công Đồng Tridentinô ngày 17 tháng 9, 1562 xác định: “Thánh Lễ được dâng để cầu nguyện cho người sống, người chết, xin ơn xá giải và tha hình phạt cũng như cầu cho những ý nguyện được yêu cầu”

5. Đức Giáo Hoàng Phaolo VI trong tự sắc Firma in traditione ban hành ngày 13 tháng 6, 1974 đã thiết lập những qui định cho việc xin lễ và bỗng lễ. Như vậy:

Luật vể Bỗng Lễ để cử hành Thánh Lễ.

Từ ngữ: Bộ Giáo Luật 1983 không dùng từ “stipend” mang ý nghĩa thương mãi, thường được dịch là “bỗng lễ” hay “tiền lễ”, nhưng là “offering” hoặc “gift” để diễn tả “của lễ”, hay “quà tặng”, một tự nguyện đóng góp của giáo dân.

1. Linh mục (chủ tế hay đồng tế) đều được quyền nhận MỘT bỗng lễ để áp dụng ý lễ cho người xin.

Người nghèo, xin lễ nhưng không có tiền, linh mục rất nên làm lễ theo ý họ xin. (GL.945). Những nguyên tắc căn bản cần lưu ý:

Linh mục: Người nhận ý lễ và bỗng lễ.
Linh mục: Người dâng lễ theo ý người xin lễ.
Linh mục: Người hưởng một bỗng lễ do mình đã dâng theo ý người xin.

Trong thực tế, các giáo xứ xếp đặt thư ký hay một người khác hơn là linh mục nhận ý lễ và bỗng lễ. Mọi chuyện phải thực hiện dưới sự chấp thuận của linh mục và phải ghi chép rõ ràng trong sổ lễ.

2. Tránh mọi hình thức thương mại hay mua bán (Traficking or Trading in Mass offerings).

Giáo luật khoản 1385 có hình phạt thích đáng (just penalty) cho những hình thức trục lợi (profit-making) trên ý lễ và tiền xin lễ nếu lỗi những luật định như sau:

a) Một thánh lễ và chỉ một bỗng lễ bất kể số tiền lớn hay nhỏ (one mass and only one offering) (GL.948). Bộ Giáo Sĩ, ngày 22.2.1991 ra sắc lệnh Mos iugitur cho phép linh mục hai lần trong tuần được dồn ý lễ (không quá 3 ý lễ một lần) trong một lễ với điều kiện: Người xin lễ đồng ý và người xin lễ phải được thông báo rõ ràng ngày giờ và nơi cử hành thánh lễ đó. Linh mục dâng lễ chỉ giữ cho mình tiền của một ý lễ mà thôi. Số còn lại phải gửi về Đấng Bản Quyển (GL.945§1)

b) Một linh mục, một ngày, một lễ và một bỗng lễ (One Offering per priest per day) (GL.951). Nếu linh mục làm nhiều hơn một lễ một ngày vì nhu cầu mục vụ, bỗng lễ 2 (bination) và bỗng lễ 3 (trination) có ý lễ riêng phải gửi về Bản Quyền Địa Phương.

c) Khi đã nhận ý lễ và bỗng lễ, linh mục phải dâng lễ cho người xin dù cho tiền xin lễ bị thất lạc hay bị đánh cấp (GL.949)

d) Khi nhận tiền lễ nhưng không rõ bao nhiêu lễ phải dâng, linh mục căn cứ vào qui định bỗng lễ của địa phận và dâng đủ số lễ tương ứng với số tiền. Thí dụ: địa phận A qui định bỗng lễ $10. Linh mục nhận $100 và không có một yêu cầu rõ ràng nào của người xin lễ. Linh mục buộc phải dâng 10 lễ. (GL.950)

e) Một linh mục đồng tế thánh lễ thứ hai trong ngày, không được quyền nhận thêm một bỗng lễ dưới bất cứ danh nghĩa nào (GL.951§2)

f) Linh mục không được quyền nhận nhiều lễ đến nỗi không thể cử hành trong một năm (GL.953)

g) Giám Mục địa phận và Cha Sở buộc dâng lễ cho giáo dân mình (Misa pro populo) trong tất cả các ngày Chúa Nhật và lễ buộc (chỉ một lễ thôi) Họ không được chỉ lễ cho riêng ai khác và nhận bỗng lễ trong thánh lễ nầy (GL.388 and 534) Tuy nhiên các Ngài được quyền giữ cho mình bỗng lễ trong thánh lễ thứ hai (bination) trong ngày.

h) Khi phải chuyển giao lễ được xin, cần giữ nguyên tắc: Linh mục chuyển giao cho linh mục mình tin tưởng, chuyển giao toàn bộ bỗng lễ, và vẫn còn trách nhiệm cho tới khi biết chắc những lễ chuyển giao đã dâng. Ghi sổ lễ những lễ đã nhận, đã dâng hay đã chuyễn giao (GL.955)

Những điều cần sửa sai:

1. Ngày Chúa Nhật và lễ buộc (Ở Canada có hai lễ buộc: Lễ Giáng Sinh 25.12 và Lễ Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa ngày 1.1.) Cha sở phải dâng một lễ cầu cho giáo dân mình. Cha Sở không được nhận bỗng lễ và không được kèm theo một ý lễ riêng tư nào khác. Đây là quyền lợi thiêng liêng của giáo dân. (GL.388 and 534)

2. Trong một thánh lễ nhất là trong Thánh Lễ Chúa Nhật có nhiều hơn một ý lễ. Nhiều nơi phải mất hàng năm phút để rao báo hàng vài chục ý lễ, tên người xin lễ và số tiền xin lễ. Đây là việc mại thánh và bị phạt vạ theo Giáo Luật khoản 1385.

Người ta biện giải rằng: thánh lễ vô giá, hàng trăm ý lễ chung vào một lễ cũng chả sao! Giáo dân và người xin lễ đồng ý cho linh mục gom nhiều lễ trong một thánh lễ Chúa Nhật để họ có dịp dự lễ.

Những cắt nghĩa nầy không thỏa đáp cho những qui định Giáo Luật về: Một linh mục, một ngày, một lễ và một bỗng lễ. Ý lễ xin chỉ buộc linh mục, giáo dân không bị buộc phải cầu nguyện theo ý người xin lễ với linh mục. Nên ý lễ không cần và không nên rao báo có ý để mọi người hợp ý cầu nguyện hay có ý bảo đảm là linh mục đã dâng lễ. Linh mục chỉ cần “có ý” dù mặc nhiên hay minh nhiên cũng đã thỏa đáp được việc chỉ lễ theo ý người xin.

3. Linh mục giữ cho riêng mình tất cả bỗng lễ hoặc xử dụng tiền xin lễ vào nhu cầu công ích của giáo xứ. Đây cũng là chuyện trục lợi trên việc xin lễ (profit-making) và nằm trong hình phạt được qui định về việc mại thánh.

Linh mục có thể dâng nhiều hơn một lễ trong một ngày và có thể có ý lễ riêng cho mỗi thánh lễ. Tuy nhiên, những bỗng lễ trong thánh lễ thứ hai hay thứ ba phải được chuyển giao cho Bản Quyền Địa Phương tức chuyển về địa phận

Giáo dân không được phép quyên góp cho giáo xứ mình bằng việc xin lễ thật nhiều để tránh thuế của địa phận (Vì địa phận không được quyền đánh thuế trên tiền xin lễ, nhưng trên tiền rỗ ngày Chúa Nhật)

Những sai phạm trên thường cũng được biện minh rằng: Luật địa phận cho phép. Tuy nhiên chúng ta cần biết nguyên tắc nầy: Đức Giám Mục địa phận là nhà lập pháp của địa phận mình. Ngài có quyền ra luật cho địa phận mình. Tuy nhiên, so với Giáo Hội toàn cầu, Ngài vẫn là nhà lập pháp thấp (lower legislator). Nên luật địa phận không bao giờ được phép đi ngược lại hay ra ngoài những qui định của Giáo Hội toàn cầu mà chúng ta quen gọi là Giáo Luật (GL.135§2).

Hơn nữa linh mục là người nhận ý lễ và bỗng lễ. Linh mục làm lễ theo ý người xin và linh mục hưởng bỗng lễ trên thánh lễ mình đã dâng (GL.945) Giáo Luật không hề đề cập đến trách nhiệm, vai trò hay quyền lợi của giáo xứ hay cộng đoàn trong việc nầy. Giáo xứ hay giáo dân không làm lễ thì làm sao có quyền hưởng bỗng lễ như trong trường hợp xung tiền lễ vào ngân quỹ giáo xứ?

4. Không ghi sổ lễ. Linh mục buộc phải có sổ lễ để ghi những lễ đã nhận, những lễ đã dâng và những lễ đã chuyển giao cho linh mục khác. Bản Quyền Địa Phương (Giám Mục địa phận, Tổng Đại Diện hay Đại Diện Giám Mục) hàng năm nên kiểm tra sổ ghi lễ của linh mục mình (GL.957 và 958)

5. Giữ nhiều lễ hơn số lễ có thể làm trong một năm. Linh mục được yêu cầu để chuyển nhượng số lễ thặng dư đến những linh mục mình tín thác hay đến Bản Quyền Địa Phương để các Ngài có thể phân phối đến những linh mục không có đủ ý lễ. Đây là chuyện thực thi bác ái giữa anh em linh mục cũng như giúp những linh mục ở những giáo xứ có nhiều lễ chu toàn lề luật về Mass Offerings.

Ý kiến cá nhân

Ở Việt Nam, linh mục sống nhờ bỗng lễ. Ở Bắc Mỹ, linh mục phục vụ ở các giáo xứ hay các tổ chức của Giáo Hội được trả lương tháng và phải chu toàn thuế vụ như một nhân viên của các tổ chức dân sự trong xã hội.

Giáo dân vẫn xin lễ, linh mục vẫn nhận ý lễ và bỗng lễ, nhưng ít hơn nhiều và không là nguồn thu nhập chính trong cuộc sống linh mục. Điều nầy không làm linh mục nghèo nàn hay thiếu thốn như một vài linh mục than vãn hay như một số giáo dân suy đoán.

Nên, luật: Một linh mục, một ngày, một lễ với một bỗng lễ không là luật khó giữ trong đời linh mục.

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên, canonist

URL: http://danchuausa.net/song-dao/kien-thuc-cong-giao-y-le-va-bong-le/