Trích từ Dân Chúa

Độc Thần Hay Đa Thần?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi:

  1. Có linh mục kia đã sáng tác một bài hát trong đó có những lời như: Chúa thương hết mọi người, Phật cũng không từ bỏ ai...
  2. Khi ban phép lành cuối lễ tang có mấy người ngoài Công giáo tham dự, một Linh mục đã nói: “Xin Trời Phật ban phép lành cho quí vị tất cả...”

Xin cha cho biết ý kiến về những sự kiện trên đây.

Trả lời: Nếu ông bạn nhớ đúng những điều kể trên đây, thì các linh mục kia đã vô tình hay cố ý phạm một lỗi nặng về tín lý thần học của Giáo Hội Công Giáo mà khó có thể bào chữa hay bênh vực cách nào được.

Thật vậy, là người tín hữu thôi chứ chưa cần là linh mục, thì ai cũng phải hiểu rằng Đạo Công Giáo hay Kitô Gíao (Christianity) là Đạo Độc Thần (monotheism) và do đó hoàn toàn đối nghịch với mọi tư tưởng hay niềm tin đa thần nào (Polytheism).

Lý do căn bản là chính lời Thiên Chúa phán sau đây với dân Do Thái xưa:

Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi xứ Ai Cập, khỏi nhà nô lệ. Ngoài Ta ra, ngươi sẽ không có thần linh nào khác. Ngươi sẽ không làm bất cứ hình tượng điều khắc nào, không vật gì giống như những gì ở trên trời cao kia, hoặc trên mặt đất này, hoặc ở trong nước, hoặc ở dưới đáy lòng trái đất. Ngươi không được phục lậy trước các ảnh tượng đó và sẽ không phục vụ chúng.” (Xh 20: 2-5)

Nơi khác, tác giả Đệ Nhị Luật cũng đã truyền mệnh lệnh sau đây cho Dân Do Thái:

Hỡi Israel, hãy nghe đây: Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Đấng Độc Nhất”. (Đnl 6:4)

Chúa Giêsu cũng đã trả lời tên quỉ đến cám dỗ Chúa trong hoang địa như sau:

“...ngươi phải bái lậy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng Một Mình Người mà thôi.” (Mt 4:10)

Mặt khác, giáo lý của Giáo Hội cũng đã dựa vào những lời Chúa trên đây để nhắc lại điều răn thứ nhất trong bản Thập Điều là phải yêu mến một “Thiên Chúa độc nhất và chân thật đã trước hết mặc khải vinh quang của Ngài cho dân Israel...” (SGLGHCG, số 2085)

Như vậy, là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, mọi người phải tin, yêu mến và thờ lậy một mình Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng cùng một bản thể và uy quyền như nhau. Đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (The Holy Trinity) như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.

Đây cũng là niềm tin của các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches), Anh Giáo (Anglican Church) và các anh em Tin Lành (Protestants), mặc dù các Giáo phái này chưa hiệp thông trọn vẹn (full comunion) với Giáo Hội Công Giáo vì những bất đồng về thần học, tín lý, bí tích, phụng vụ và quyền bính từ nhiều thế kỷ nay. Do Thái Giáo (Judaism) và Hồi giáo (Islam) cũng tin và thờ lậy Một Thiên Chúa là Cha của các Tổ Phụ Abraham, Isaac, và Jacob, nhưng không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Messiah tức Chúa Cứu Thế đã đến trần gian và đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc loài người qua Hy tế trên thập giá năm xưa. Vì không tin nên họ đã đóng đanh Chúa Giêsu như chúng ta đã biết. Hồi gíáo, trái lại, chỉ coi Chúa Giêsu là một Ngôn sứ (prophet) như các ngôn sứ khác mà thôi.

Về phần mình, chính vì niềm tin có một Thiên Chúa duy nhất, mà tín hữu Công giáo không thể “ba phải” hòa đồng với quan niệm “đa thần” nào, hoặc cũng chia sẻ niềm tin vào một Đấng nào ngoài Thiên Chúa độc nhất của mình để chiều lòng ai trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đây là điểm sai lầm thần học và tín lý của các linh mục kia trong ngữ cảnh (context) các câu hỏi được nêu ra trên đây, vì đã coi Thiên Chúa ngang hàng như Đức Phật. Chúng ta kính trọng Đức Phật hay bất cứ lãnh tụ nào của các tôn giáo khác, nhưng chúng ta không tôn thờ các ngài như tín đồ của các tôn giáo ấy. Chúng ta chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi và cũng không mong đợi tín hữu của các tôn giáo khác bày tỏ lòng tôn thờ Thiên Chúa như chúng ta vì lý do xã giao, hay hòa đồng nào cả. Tôn kính (venerate, honour) hay kính trọng khác xa với tôn thờ, hay thờ lậy (adore, worship).

Trong tinh thần hòa đồng, cởi mở ngày nay, Giáo Hội cho phép tín hữu Công Giáo được tham dự các nghi lễ của các tôn giáo khác vì lý do xã giao thân thiện giữa người với người trong cộng đồng xã hội. Thí dụ, tham dự Lễ Phật Đản hay các lễ hội tương tự của anh em Cao Đài, Khổng giáo, Tin lành v.v., nhưng chỉ tham dự với tinh thần thân thiện và kính trọng đối với các anh em tín đồ này, chứ không tham dự với tinh thần hiệp thông tín ngưỡng hoàn toàn, nghĩa là cùng chia sẻ một niềm tin với họ. Cụ thể, một số giáo phái tin lành cũng có nghi thức bẻ bánh và uống rượu nho sau phần giảng thuyết kinh thánh. Vậy nếu vì lý do xã giao phải có mặt trong một buổi lễ như vậy, thì người Công Giáo không được phép cùng ăn bánh và uống rượu với các anh chị em tin lành kia, vì làm như vậy có nghĩa là chia sẻ chung niềm tin của họ là không có Chúa Giêsu thực sự hiện diện (real presence) trong bánh và rượu như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tin mỗi khi cử hành bí tích Thánh Thể. (anh em Tin lành không tin và không có các bí tích của Giáo Hội Công Giáo, trừ phép rửa tội)

Đây là điều quan trọng mà mọi giáo hữu cần hiểu rõ và nắm vững.

Tuy nhiên, trong tương quan với các tôn giáo khác và cách riêng với các các Giáo Hội chưa hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, chúng ta cần phân biệt hai điều quan trọng sau đây:

I- Vấn đề đại kết (Ecumenism) giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội có chung niềm tin vào Chúa Kitô và Phúc Âm của Người.

Thánh Công Đồng Vaticanô II, qua Sắc Lệnh về hiệp nhất Unitatis Redintegratio, đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đi đến hiệp nhất giữa những Kitô hữu đang sống rải rác trong các giáo hội ngoài Công Giáo. Đó là các anh em Chính Thống Đông Phương, Anh giáo, và Tin lành. Sở dĩ có mối quan tâm này là vì vết thương ly khai và chia rẽ giữa những người cùng chung đức tin vào Chúa Kitô và đón nhận Tin mừng Cứu Độ của Người, nhưng đã từ mấy thế kỷ nay không cùng hiệp nhất trong một Giáo Hội duy nhất mà Chúa Kitô đã thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ từ ban đầu. Vì thế, kể từ sau Công Đồng Vaticanô II đến nay, Giáo Hội đã tiến hành những cuộc đối thoại với các anh em nói trên để mong thực hiện điều Chúa Giêsu đã khẩn thiết cầu cùng Chúa Cha trước giờ tử nạn“ Xin cho tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.” (Ga 17:21). Như thế mục đích đại kết mà Giáo Hội đang theo đuổi chỉ nhằm đạt được sự hiệp nhất giữa những anh em cùng tin và nhận công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô nhưng đang còn phân hóa vì một số bất đồng cơ bản mà thôi.

II- Với các Giáo Hội và các tôn giáo khác:

Với Sắc lệnh Nostra Aetate của Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với các giá trị thần thiêng của các tôn giáo ngoài Kitôgíao như Phật giáo, Khổng giáo, Ấn Độ giáo, Thần Đạo (Shinto của Nhật Bản) Hồi giáo, Do Thái giáo, v.v. Trong tương quan với các tôn giáo này, Giáo Hội khuyến khích giáo dân, “con cái của mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy trong khi vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitôgíao.” (x. Nostra Aetate, số 2)

Như thế, Giáo Hội Công Giáo không mong tìm sự hiệp nhất (unity) với các tôn giáo này vì sự khác biệt căn bản về niềm tin của các tôn giáo đó, nhưng vẫn tôn trọng và muốn có mối dây liên hệ thân hữu khi cùng theo đuổi những mục đích thiêng liêng của riêng từng tôn giáo.

Tóm lại, thân thiện, cởi mở và hòa đồng giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau chỉ có mục đích tôn trọng tín ngưỡng của nhau chứ không đòi hỏi phải cùng tuyên xưng một niềm tin như nhau, trừ khi người ta muốn thay đổi từ niềm tin này sang một niềm tin khác.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

URL: http://danchuausa.net/song-dao/doc-than-hay-da-than/