Trích từ Dân Chúa

Cần Phân Biệt Khi Sử Dụng Một Số Danh Xưng Trong Các Cộng Đoàn, Giáo Xứ Việt Nam

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin cha giải thích cách dùng cho đúng một số danh xưng như Chủ tế, Chủ sự, đồng tế, Phó tế, Quản nhiệm, Tuyên úy và các chức vụ khác nhau của Giám mục.

Trả lời: Thực tế, trong các Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ đã có sự lầm lẫn về cách dùng những danh xưng nói trên. Thí dụ, có người đã thông báo như sau: Nghi thức phát tang cho... tại nhà quàn... sẽ do linh mục A làm chủ tế, và các linh mục khác đồng tế... hoăc Quản nhiệm Cộng Đoàn là Linh Mục B trong khi thực tế theo giáo lụật thì linh mục đó chỉ là cha phó (Parochial Vicar) hay phụ tá của một cha Xứ Mỹ mà thôi. Để biết rõ trường hợp dùng đúng các danh xưng nói trên, tôi xin đuợc lần lượt giải thích như sau:

1- Chủ tế (Main Celebrant)

Khi nói đến Chủ Tế là nói đến việc dâng Thánh Lễ Tạ Ơn (The Eucharist) trong mọi hoàn cảnh như lễ trọng (solemnity), lễ kính (Feast), lễ tang, lễ cưới v.v. do một linh mục hay Giám mục cử hành. Như vậy danh xưng Chủ tế chỉ được dùng trong phụng vụ Thánh Lễ mà thôi.

Ngoài phạm vi Thánh lể, linh mục hay giám mục có cử hành nghi thức phát tang, rửa tội, sức đầu bệnh nhân, chứng hôn (không có thánh lể) thì các ngài chỉ “Chủ sự” (presider) các nghi thức trên chứ không “làm Chủ tế” vì các nghi thức này được cử hành ngoài thánh lễ.

2- Đồng tế (Concelebration): khi nói đến đồng tế là nói đến việc một hay nhiều linh mục cùng cử hành thánh lễ Tạ Ơn (Euchharist) vói một linh mục hay Giám mục làm Chủ tế. Nghĩa là, danh xưng đồng tế chỉ áp dụng cho các linh mục hiệp dâng thánh lễ với một linh mục khác hay với một Giám mục trong trường hợp đặc biệt nào đó; thí dụ như Lễ truyền chức Giám mục, linh mục hay phó tế... Khi có nhiều giám mục cùng đâng thánh lễ, thì một vị làm chủ tế, còn các vị khác “đồng tế”. Tóm lại, danh xưng này chỉ áp dụng khi có nhiều linh mục hay giám mục cùng dâng thánh lễ Tạ Ơn, với một vị làm chủ tế

3- Phó tế (Deacon) là người có chức thánh để thi hành các chức vụ phục vụ, như phụ giúp Giám mục hay linh mục trong các Thánh lễ và chủ sự một số bí tích như rửa tội cho trẻ em(người lớn trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử, không có linh mục), chứng hôn và cử hành nghi thức an táng... Trong thánh lễ, Phó tế đọc Phúc Âm và phụ giúp bàn thánh, nhưng không “đồng tế” vói linh mục hay giám mục, vì Phó tế không thuộc hàng tư tế (Sacerdos = linh mục và giám mục) mà chỉ thuộc hàng giáo sĩ (clergy) mà thôi (x. SGLGHCG, số 1596)

4- Quản Nhiệm (Administrator): một số Cộng Đoàn Công Giáo ViệtNam ở Mỹ đã dùng sai danh xưng này khi gọi một cha phó ViệtNam đặc trách Cộng Đoàn ViệtNam trong một Giáo xứ Mỹ. Thông thường trong các Giáo Phận (Diocese) Mỹ, đặc biệt là Tổng Giáo Phận Galvéston-Houston, thì trước khi được bổ nhiệm làm Chánh xứ (Pastor), một linh mục được tạm bổ làm Quản Nhiệm một Giáo xự trong thời hạn một năm. Quản Nhiệm nhưng có đủ quyền hạn và trách nhiệm của một Cha Xứ. Sau một năm làm việc, nếu không có vấn đề gì, thì Giám Mục sẽ chính thức bổ nhiệm làm Chánh xứ (Pastor) với nhiệm kỳ là 6 năm và có thể làm thêm 6 năm nữa trược khi được thuyên chuyển đi xứ khác. Như thế, khi Giáo xứ có Cha Mỹ là chánh xứ thì các cha khác chỉ là cha phó (Parochial vicar), đặc trách các nhóm giáo dân nói tiếng Việt hay tiếng Tây Ban Nha mà thôi. Nghiã là không thể dùng danh xưng Quản nhiệm để gọi các vị này được vì không thể có Quản Nhiệm và Chánh xứ trong cùng một Giáo Xứ.

5- Tuyên Úy (Chaplain): một linh mục hay phó tế có thể được cử làm tuyên úy cho một Hội Đoàn như Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, Tông Đồ Fatima, Các Bà Mẹ Công Giáo v.v. hay Tuyên Úy trong một bệnh viện, tùy theo nhu cầu đòi hỏi.

Sau cùng là vấn đề các danh xưng dành cho các Giám mục. Tôi phải nói lại vấn đề này một lần nữa, vì có nhiều người vẫn gọi Giám mục Phụ Tá là Giám mục Phó, hoặc Giám mục là Tổng Giám mục.

Tôi đã có lần giải thích rõ là về Chức Thánh (Holy Order) thì chức Giám mục là chức thánh cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo (Orthodox churches). Nhưng về mặt trách nhiệm và quyền bính thí Giám mục được phân chia như sau:

1- Giám mục Giáo Phận hay chính tòa (Diocesan Bishop or Ordinary) là Giám mục có nhiệm vụ coi sóc một Giáo Phận (giáo luật số 376) Ngài là thủ lãnh một Giáo Hội địa phương (Local church) hay còn gọi là Địa Phận (Diocese) trọn vẹn hiệp thông và vâng phục Đức Thánh Cha là Thủ Lãnh Giáo Hội hoàn vũ (Universal Church).

2- Giám mục Phó (Coadjutor) là Giám mục hiệu tòa (Titular Bishop) nhưng có quyền kế vị, tức là lên thay Giám mục chính tòa khi vị này về hưu hay bệnh tật khiến phải từ chức.

3- Giám mục Phụ Tá (Auxiliary Bishop) là Giám mục hiệu tòa được bổ nhiệm để phụ giúp Giám mục chính tòa trong việc cai quản Giáo Phận. Giám mục Phụ Tá không có quyền kế vị, như Giám mục Phó.

4- Giám Quản Tông Tòa (Apostolic Administrator) một Giám mục có thể được cử tạm coi sóc một Địa Phận trong khi Tòa Thánh chưa bổ nhiệm Giám mục chính tòa cho Địa Phận này.

5- Tổng Giám Mục (Archbishop) là Giám mục đứng đầu một Tổng Địa Phận (Archdiocese) tức là một Giáo Tỉnh (Ecclesial Province) gồm một số Địa phận hợp lại theo sự phân chia ranh giới của Tòa Thánh.

Thí dụ, ViệtNam có 3 Giáo Tỉnh hay Tổng Địa Phận là Hànội, Huế và Saigòn. Các Địa Phận nằm trong Giáo Tỉnh được gọi là các Địa phận thuộc hạt (Suffragance Dioceses). Tổng Giám mục cũng là Giám mục chính tòa của Giáo Phận mình được trao phó coi sóc. Trong Giáo Tỉnh của mình, Tổng Giám mục có nhiệm vụ: “canh chừng để Đức Tin và kỷ luật Giáo Hội được tuân hành chu đáo, và thông báo cho Đức Thánh Cha về những lạm dụng nếu có...” (giáo luật số 436 & 1).

Nhưng Tổng Giám Mục không có quyền hành gì trên các Giám mục thuộc hạt (trong Giáo Tỉnh), cũng như không can thiệp vào công việc điều hành của các Địa Phận trong Tổng Địa Phận (cf. no. 436 & 3). Tất cả các Giám Mục và Tổng Giám Mục đều trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đức Thánh Cha mà thôi.

Tóm lại, danh xưng phải chính xác trong phụng vụ và trong các chức vụ của hàng giáo sĩ để tránh những hiểu lầm, hiểu sai về vấn đề này khi xử dụng.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

URL: http://danchuausa.net/song-dao/can-phan-biet-khi-su-dung-mot-so-danh-xung-trong-cac-cong-doan-giao-xu-viet-nam/