Trích từ Dân Chúa

11. Tai biến lại bắt đầu

Lm Nguyễn Huy Tưởng

Vừa xong cuộc tĩnh tâm là nhà tập và nhà mẹ bị lây bịnh. Hai ngày sau khi những chị bị quỉ quấy phá mạnh thuộc nhóm một như Agnes và My ra đi thì những chị khác lại bị quỉ ám nặng hơn. Hơn nữa cả nhóm đều bị câm.

Tôi không thích thú gì khi thấy biến cố xảy ra như thế. Tôi xin các cha bạn thế tôi, trong việc trừ quỉ. Một trong những thừa sai có tiếng là cha Deux, rất thánh thiện, đã từ chối.

Vậy là tôi lại phải bắt đầu lại. Chính một người bị quỉ ám xin tôi trừ quỉ. Thực là khôi hài! Trong khi trừ quỉ, họ tỏ ra ghê sợ vô cùng. Nhưng thôi không trừ quỉ nữa, thì họ lại xin tôi tiếp tục. Sau đây là vài trường hợp.

Nhóm câm nói ra những tiếng nghe không rõ, gần giống như tiếng ngựa hí. Khi nghe tiếng kinh khủng đó, tôi rất ngạc nhiên vì do miệng một người phát ra. Agnes vừa hò la xong lại câm trở lại, và làm dấu cho tôi hay, là nếu tôi tiếp tục cô sẽ khỏi. Tôi đành thử xem. Trong khi cử hành nghi lễ cô cũng có giẫy dụa nhưng ít mạnh mẽ. Cuối cùng Agnes quì gối rất đạo đức, nhưng cô không thể trả lời một câu hỏi tôi đặt ra cho cô, khi rời nhà nguyện. Tôi vừa đi ra thì người ta cho hay là cô muốn nói chuyện với tôi. Cô đã nói được. Trong thời gian này Lucie khạc nhổ vào thánh giá mà tôi trao cho cô hôn kính. Sau đây là những hình thức mới.

Treo lơ lửng. Trong nhóm mấy chị câm có nhiều chị co lưng và ngực lại gần như nghẹt thở. Nhiều cô muốn treo cổ và vài cô đã làm được. May thay, người ta luôn khám phá ra kịp thời,cứu các cô khỏi chết. Đây là những cảnh khó coi, khi các nữ tu thấy bạn bè mình treo cổ hay bị bóp cổ và họ rất khó chịu. Cảnh đó làm xao xuyến tâm hồn và làm cho cộng đoàn sợ hãi.

Nước thánh. Chị giáo tập được đề cử làm bề trên cả. Chị thay thế chị rất coi trọng nước thánh. Khi có quỉ ám là chị rảy nước thánh trên người bị, và nhiều khi quỉ ra. Hay là khi nạn nhân nhìn những người giúp họ với đôi mắt dữ tợn, mi mắt cứng và căng ra như thép thì nước phép làm cho mềm lại. Hay khi lưỡi nạn nhân thè ra một nửa và hai hàm răng cắn chặt như muốn cắt đứt lưỡi thì nước thánh làm cho lưỡi thụt lại và hàm mềm đi.

Đôi khi tay co lại hình thước thợ. Nhiều khi năm người cũng không làm cho nó trở lại bình thường.Nước thánh làm cho nó mềm lại. Đôi khi sự cứng đơ di chuyển từ tay này sang tay khác hay sang chân. Người ta tiếp tục rảy nước thánh, nên nhiều khi nạn nhân ướt như chuột lột. Tuy nhiên nhiều khi nước thánh cũng không đem lại hiệu quả gì. Trong trường hợp này, chị giáo tập đưa nạn nhân đến bên tượng thánh Giuse và thường là nạn nhân khỏi bịnh.

Dù sao thì những kiểu cách đó, không phải là hoàn toàn có hiệu quả. Quỉ còn nói là: "Nước phép hay cầu nguyện với thánh Giuse đâu có làm cho chúng ta sợ."

Run rẩy lạ lùng. Chị giáo tập chứng kiến một việc làm cho chị cũng sợ. Chị phải rời nhà nguyện, sau khi chịu lễ, để coi một chị đang bị ám, thay cho chị khác, để chị này đi rước lễ. Vì chị khô miệng nên Mình Thánh còn dính vào cúa, khi chị cúi xuống với chị bị quỉ ám. Chị này mắt đang nhắm, nhưng bỗng như bị dính xuống sàn không thể kéo lên được. Đồng thời chị ta run rẩy lạ lùng. Thấy vậy chị giáo liền đi cám ơn chịu lễ vào khoảng 15 phút, và sau khi đọc xong kinh thì chị kia hết run và rời khỏi sàn nhà.

Bùa chú. Một hôm những người bị quỉ ám đào xuống đất hay lặn xuống ao của tu viện và lấy lên nhiều loại bùa chú khác nhau: hoặc những chai đựng tóc, hay sợi chỉ hay những vật khác hay những hình nhân bằng đất có xỏ giây thép.

Tôi sợ các chị làm chuyện đó đã dấu hay chôn những vật ấy, và bây giờ lấy lên cho cả nhà ngạc nhiên, nên tôi cho điều tra. Không bao giờ thấy các chị làm chuyện đó. Vả lại chỗ dấu trên đất thì không có dấu đã đào sẵn, còn ao tu viện thì ở xa, nên ai đi đến đó hay bỏ gì trong ao thì khó mà dấu kín.

Hàng chục đồ vật như thế đã được khám phá. Tôi cho lệnh không bao giờ cho các chị ta đi đến chỗ đã khám phá ra những vật ấy. Họ có vẻ hăng hái tìm kiếm nên nhiều khi phải trói họ lại. Sự việc đó xảy ra một thời gian rồi thôi.

Nhảy tài tình. Vì phải đi lo mục vụ nên tôi không thể trừ quỉ được.Trong khi tôi đi vắng thường, những khủng hoảng kết thúc một cách lạ kỳ. Nhiều lần người ta kể lại cho tôi. Tháng 10 tôi được chứng kiến một vụ.

Năm chị thỉnh sinh đã bị ám suốt một tuần và người ta cầu cho các chị được cứu thoát, nhưng vô ích. Tôi đến nhà tập. Họ đến trước mặt tôi và quỉ xin biểu diễn trước khi đi ra. Tôi tò mò cho phép họ. Ngay khi đó, một chị cho tôi hay bao nhiêu lần chị bị vật xuống đất. Sau đó chị nhún chân nhảy lên cao, đồng thời nằm dài ra,chân dài ra và tay chắp lại trên đầu. Như thế không thể nào tránh khỏi rơi xuống nên chị ta rơi sấp mặt xuống đất như một đống thịt. Nhưng chị ta chỗi dậy ngay và cũng làm lại những cuộc biểu diễn ấy nhiều lần. Khi rớt xuống lần cuối cùng chị nằm im như chết và người ta lay chị, chị vẫn không nhúc nhích. Sau 15 phút chị tỉnh lại, và đi ra, không còn nhớ gì hết.

Ba thỉnh sinh khác cũng có những biểu diễn ấy. Chỉ có khác là những lần rớt xuống. Khi họ làm xong tôi hỏi họ có mệt không, họ cho hay: "Mệt chút đỉnh thôi" và họ tiếp tục làm công việc thường nhật không nhớ gì những chuyện đã xảy ra.

Những lần nhảy cao đó đối với tôi không lạ lùng lắm vì họ nhảy không cao cho lắm. Tuy nhiên có hai điều gây ngạc nhiên cho tôi. Làm sao 4 cô gái không luyện tập và sửa soạn, có thể thành công trong việc biểu diễn lối nhảy cách phức tạp như thế? Và làm sao họ rơi xuống không hề hấn gì?

Nơi thỉnh sinh thứ năm tên Agnes,quỉ từ chối đi ra như nơi các chị em dù người ta đòi hỏi. Chị tiếp tục xử sự như là quỉ và coi mình là xếp những chú quỉ mới xuất ra. Chị cho hay còn công chuyện với nhà tập và không thể theo những quỉ khác được.

Vòng cung Charcot. Vào thời gian đó chị My đã bị quỉ ám nhiều, được sai đi một tu viện xa Phát diệm 100 cây số để nghỉ ngơi. Dù đổi chỗ chị cũng vẫn bị quỉ đi theo ám toán. Cha sở tại đó được báo tin và ngài cho là chị bị bịnh thần kinh. Cha đến tu viện, trong đầu luôn nghĩ đến những lý thuyết đã lỗi thời của Charcot, lý thuyết về bịnh động kinh, ghi trong tự điển y khoa năm 1900. Cha mới có ý cho bịnh nhân nằm theo hình vòng cung thì chị đã biểu diễn lối nằm đó chỉ có đầu và chân chạm đất. Cha sở, bà bề trên và vài nữ tu chứng kiến chuyện đó.

Khi ở nhà tập Phát diệm, dù chị có bị ám nặng không bao giờ chị biểu diễn tư thế đó, cũng không có chị nào làm thế. Tôi đã quan sát ít là 10 lần, để xem có bao giờ họ nằm theo tư thế đó mà nhiều sách y khoa coi như là dấu hiệu của bịnh thần kinh. Tôi cũng xin bà bề trên ở Phát diệm khi nào có hiện tượng như thế thì báo cho tôi hay. Nhưng không bao giờ có người nào trong tập viện thấy có ai trong trạng thái như thế.

Trốn đi. An trốn khỏi tập viện và đến nhà người chị họ và xin một miếng trầu. Nhưng người chị biết chuyện đã từ chối thẳng thừng. An giận dỗi.

- Tôi sẽ báo thù, tôi sẽ cho lợn của chị bị toi.

Ngày hôm sau con lợn chết... An không bao giờ vào chuồng lợn, và cũng không có thuốc độc. Hơn nữa sau đó chị không nhớ gì về chuyện đó cả.

Trong thời gian này các chị hay tìm cách trốn đi. Người ta thường thấy chị này hay chị kia chạy về phía cổng nhà dòng. Vì thế nhà dòng khoá chặt cửa chính lại. Cửa đóng rồi thì họ lại chạy ra hàng dậu bằng tre rất dễ leo qua. Vì thế phải trói họ vào cột chờ cho họ tỉnh lại.

Vào tháng 10 có 4 thỉnh sinh sau khi bị ngăn trở không trốn được, đã bị trói vào cột và có chị người nhà canh chừng. Khi chị này vắng mặt trong chốc lát, họ lợi dụng tháo gỡ giây trói lao qua hàng dậu tre, và nhào xuống sông cách nhà dòng một cây số. Sông sâu khoảng 4 thước. Nhưng do thiên thần bản mệnh gìn giữ, dù không biết bơi, họ không việc gì cả. Thuyền chài vớt họ lên và họ đi lang thang mấy tiếng đồng hồ và cuối cùng đến nhà một người công giáo đã tiếp đón các chị rất thân tình. Chủ nhà là dì của chị giáo tập. Do đó nhà tập được tin ngay.

Một đám đông tụ lại nhà người giáo dân đã tiếp đón các chị. Các nữ tu có dịp thực thi đức khiêm nhường. Cả xứ và những người không

công giáo trong vùng đều biết chuyện ấy. Chúng ta dễ dàng đoán ra những lời bình phẩm về cuộc trốn chạy đó, nơi người công giáo đạo đức hay nguội lạnh và nghịch đạo nữa.

Được báo cáo về chuyện đó, tôi ra lệnh đem các chị về vào ban đêm. Vào giờ đó, chị Agnes như là lãnh đạo không thèm đoái hoài gì đến lệnh ra cả. Đành phải mang chị đi. Bốn người mang chị ta là bốn anh con trai lực lưỡng khoẻ mạnh, thấy chị nặng quá nên đề nghị bỏ chị xuống đi bộ. Chị trả lời: "Nếu đến chùa thì ta chạy. Nếu về lại tập viện ta không đi đâu." Đi được 500 thước 4 chàng trai phải bỏ chị xuống để nghỉ lấy sức.

Vài ngày sau, tôi quở trách nặng lời mẹ bề trên không canh chừng cẩn thận. Nhưng bà trả lời là chị người nhà mới đi vắng có một phút, vào bếp rồi ra ngay và các chị đều bị trói chặt không ai giúp ai cả. Bà bề trên muốn cho tôi hay, là không có quỉ, các chị không thể cởi trói nhanh như thế và cùng một lúc như thế. Nhưng câu trả lời không thuyết phục được tôi.

Cùng lúc đó tôi thấy Agnes đang bị khuấy khuất. Tôi bảo bà bề trên: "Tôi chứng minh cho bà xem có thể ngăn cản chị ta trốn. Bà hãy trói chị ta lại trước mặt tôi."

Chị giáo tập đi kiếm một giây thừng mới, dầy bằng ngón tay và trói chị ta vào cột. Sau đó chị giáo tập và bà bề trên mỗi người nắm một đầu vòng quanh chị ta năm sáu vòng nữa, mỗi vòng đều có thắt nút. Họ trói cả cổ tay và nối hai đầu lại.

Thấy chị Agnes bị trói như thế, tôi khen bà bề trên, tỏ vẻ hài lòng, và chắc chắn là lần này chị ta không thể nào gỡ ra được. Tôi vừa nói xong, thì chị Agnes bật cười và nói với tôi: "Cha xem tháo trói dễ dàng lắm". Cùng lúc đó giây trói vuột khỏi cổ tay, khỏi cánh tay và giây thừng rơi xuống đất.

Chuyện xảy ra trong nháy mắt. Tôi chú ý nhìn vào Agnes chỉ cách tôi một thước rưỡi, và không còn thời gian để xem giây cởi ra như thế nào.

Đây là sự kiện kỳ lạ sau cùng mà chính tôi mục kích. Sau đó tại tập viện những chuyện quỉ ám bớt dần và cũng dần dần giảm bớt cường độ.

(còn tiếp)

Lm Nguyễn Huy Tưởng

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/quy-nhap-tu-vien/11-tai-bien-lai-bat-dau/