Trích từ Dân Chúa

Phép Lạ Thánh Thể ở Macerata, Ý, năm 1356

Dân Chúa

Những người Công Giáo ở Macerata nhận rằng thành phố của họ là thành phố của Bí tích Thánh Thể, vì hai lý do sau đây:

Phép lạ Macerata xẩy ra vào sáng ngày 25 tháng 4 năm 1356, khi một linh mục đang dâng thánh lễ ở nhà thờ các nữ tu Biển Đức, khi truyền phép, vị linh mục đã hồ nghi về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu thì khi bẻ Mình Thánh máu tươi bắt đầu chảy ra từ hai mép bánh Thánh. Ngài sợ hãi đến nỗi đôi tay run cầm cập khiến Mình Thánh Chúa từ Mình Thánh rơi ra ngoài chén Thánh, chảy xuống khăn Thánh.

Sau Thánh Lễ, vị linh mục vội vã đi báo tin cho Đức Giám Mục Nicola của giáo phận Martinô. Đức Cha truyền mang khăn thánh đó về nhà thờ chính toà để khám nghiệm. Phép lạ giống như phép lạ xẩy ra Bolsana gần 100 năm trước, từ đó đã lập ra lễ Mình Thánh Chúa.

Sau khi ban điều tra chứng nhận là thật, khăn có Máu Thánh được trưng bày cho giáo dân tôn kính. Mặc dàu tài liệu chính thức trong thời đó không được tìm thấy trong văn khố Macerata, song sử gia nổi tiếng là ông Ignasiô Compagnoni đã kể lại từng chi tiết phép lạ và thuật lại sự công nhận của Uy Ban về sự chân thật của thành tích. Những tường thuật từ thời phép lạ, cùng những tuyên bố tiếp theo sau của các Đức Giám Mục, Tổng Giám Mục, đặc biệt là Đức Hồng Y Centini năm 1622 đủ cho thấy Thánh Tích này chính xác. Những dấu máu rõ ràng trên khăn chính là máu của Chúa Giêsu Kitô.

Tài liệu năm 1647 cho biết có một người tên là Oraziô Longhi, đã tặng nhà thờ một cái hộp bằng bạc và pha lê để đựng khăn thánh. Năm 1649 Đức Giám mục Silvestri đã tổ chức một cuộc rước và long trọng tôn vinh khăn thánh. Rất nhiều giáo dân trong vùng phụ cận tham dự.

Thánh tích vẫn được trưng bày mãi tới năm 1807 khi vua Napoleon giải tán cộng đoàn và cấm các cuộc rước truyền thống. Thánh tích đã phải lưu giữ trong một phòng kín đàng sau bàn thờ, cả vào thời đó cũng như vào những lúc rối ren của thế kỷ 19. Tuy nhiên vào những thời điểm đó, tấm khăn vẫn được người ta nhớ đến. Tấm khăn được chứng thực bởi Đức Giám mục Zangari vào ngày 10 tháng 10 năm 1861 và bởi Đức Giám mục Galeati vào ngày 15 tháng 9 năm 1885. Năm 1932 tấm khăn thánh quí báu này đã ra khỏi nơi ẩn dấu Sau khi xác minh lại, khăn thánh được để trong một cái khung pha lê và trưng bày thường xuyên trong nhà nguyện Thánh Thể.

Kích thước khăn thánh là: dài 12.82m, rộng 4m. Như vậy lớn hơn khăn thánh ngày nay nhiều. Tuy nhiên theo thói quen ngày xưa khi dùng thì gấp đôi lại, vì thế dấu Máu Thánh cũng in cả hai mặt. Một số nếp gấp cũng thấy rõ trong khăn: 5 nếp dọc và 7 nếp ngang. Cũng thấy rõ cả vết mốc và một vài dấu nến sáp nhỏ xuống còn để nguyên dấu vết lại.

Sự chính xác của tấm vải xét qua 3 điểm:

  1. Trước hết, vải được mô tả là dệt khéo léo và có màu vàng của thời gian được các nhà khoa học xác nhận có từ thế kỷ 14.
  2. Thứ đến bản da viết gắn trên khăn thánh bằng nét gô-tích, mọi người am hiểu đều cho là từ thời xẩy ra phép lạ.
  3. Thứ ba là dầu những văn bản không còn được giữ lại, nhưng rất nhiều thủ bản chính thức không còn được lưu giữ lại, có lẽ vì thời chiến tranh loạn lạc đã làm mất. Nhưng rất nhiều thủ bản do các tác giả có thế giá thời đó đã viết và công nhận tính cách xác thực của phép lạ. Khăn Thánh phép lạ này được trưng bày trong một Nhà Nguyện mới mang tên là Nhà Nguyện Thánh Thể của Nhà thờ chính toà Macerata, đặc biệt được tôn vinh vào ngày lễ Mình Thánh Chúa và tuần bát nhật của ngày lễ.

URL: http://danchuausa.net/phep-la-thanh-the/phep-la-thanh-the-o-macerata-y-nam-1356/