Trích từ Dân Chúa

Ngày Mai E Rằng Quá Trễ

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

NĂM THÁNH THỂ 2004-2005

Ngày Mai E Rằng Quá Trễ

Thánh Eymard Tông Đồ Thánh Thể
Lm Giuse Trần Đình Long, SSS chuyển ngữ, 2004

Tôi có một điều gì đó giống như Giacóp, đó là luôn trên đường hành trình.
Phêrô Giulianô Eymard
Rôma, ngày 5 tháng 2 năm 1865

Lời Giới Thiệu Của Người Dịch

Cùng với Giáo Hội toàn cầu, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã khởi đầu năm Thánh Thể ngày 10-10-2004 là ngày khai mạc Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 48 tại Guadalajara, Mêhicô; và sẽ kết thúc năm Thánh Thể ngày 29-10-2005 là ngày bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XI tại Vatican về mầu nhiệm Thánh Thể.

Mục Lục

Lời Giới Thiệu. Dẫn Nhập

PHẦN MỘT
Chương I: Luôn Trên Đường Hành Trình
Chương II: Cuộc Hành Trình Đầy Mộng Tưởng
Chương III: Cuộc Hành Trình Bắt Đầu
Chương IV: Cuộc Hành Trình Tiếp Tục
Chương V: Cuộc Hành Trình Kết Thúc

PHẦN HAI
Chương VI: Một Cuộc Hành Trình Mới
Chương VII: Một Cuộc Hành Trình Nội Tâm

PHẦN BA
Chương VIII: Cuộc Hành Trình Kết Thúc
Chương IX: Đoạn Cuối Cuộc Hành Trình

Kết Luận: Hành Trình Hôm Nay
Trích Dẫn Tư Tưởng Của Thánh Phêrô Giulianô Eymard. Niên Biểu một số ngày tháng có ý nghĩa trong cuộc đời của Thánh Phêrô Giulianô Eymard

Hoà nhịp với sinh hoạt của Giáo Hội trong năm Thánh Thể, tôi chuẩn bị những bài chia sẻ Tĩnh Tâm Mùa Vọng năm nay trong các xứ đạo cũng như nơi các nhóm trẻ theo đề tài “Giáo Hội Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể” trong thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 1-10-2004. Trong lúc đang dọn bài giảng thì có một bạn trẻ gọi điện cho tôi hỏi về gương mặt của những vị thánh có lòng sùng kính Thánh Thể cách đặc biệt. Tôi giới thiệu Thánh Phêrô Giulianô Eymard, nhưng bạn nói thật là chưa được nghe biết về vị thánh ấy. Một ý định nảy sinh trong đầu tôi: phải giới thiệu vị Tông Đồ Thánh Thể này cho các bạn trẻ trong năm Thánh Thể. Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 29-4-2004 nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo với chủ đề “Thánh Thể và Truyền Giáo”, Ngài nhấn mạnh: “Để Phúc Âm hóa thế giới, cần phải có những tông đồ “chuyên gia” về việc cử hành, tôn thờ và chiêm ngắm Thánh Thể.” Thánh Eymard là một trong những “chuyên gia” trong lãnh vực này. Nhưng ông là ai?

Một người đàn ông sắp bị nhóm người thuộc phe cách mạng ném xuống sông Rhôn, nhưng được tha khi họ nhận ra ông chính là vị linh mục được rất nhiều người nghèo quí mến, thế là họ khoác lên người ông lá cờ cách mạng, kiệu ông trên vai và rước về nhà dòng của ông, cho nên ông được xem như một nhân vật khá đặc biệt. Cuộc đời của một người đã được một băng đảng mệnh danh là “băng đỏ”, từng hùng cứ ở một vùng giữa thành phố Paris, nơi mà cả cảnh sát lẫn các linh mục không dám bước chân vào, tiếp đón cách nồng nhiệt như vậy thì quả thật ông đáng là một nhân vật nổi tiếng.

Tuy nhiên, một con người là “chuyên gia về Thánh Thể” như Eymard lại chưa được nhiều người biết đến. Tại sao? Dường như Eymard ít được chú ý trên sân khấu cuộc đời. Eymard chỉ là vị tông đồ nổi tiếng trong việc lôi kéo người Kitô hữu chú ý đến tầm mức quan trọng của Thánh Thể trong đời sống của họ.

Eymard là một con người năng động, không ngừng thăng tiến và biến đổi. Nhiều lần trong cuộc đời, Eymard đã phải chấp nhận trải qua những bước đột phá với quá khứ đầy đau đớn. Người đã tự nhận mình là kẻ lữ hành luôn trên đường hành trình như Giacóp trong thời cựu ước. Trong con người của Eymard tồn tại một cá tính thật khó hiểu và tương phản. Người được mệnh danh là “ngôi sao băng” tuy nhiên cũng lại rất hay mắc cỡ ; rất can đảm nhận trách nhiệm nhưng cũng hay do dự khi quyết định. Người mơ ước sống một cuộc đời ổn định nhưng cá tính lại hay thay đổi bởi ý muốn bướng bỉnh. Cuối cùng Eymard đã học được bài học biết chấp nhận chính con người của mình với những mâu thuẫn và giới hạn.

Cha Norman Pelletier, nguyên bề trên tổng quyền Dòng Thánh Thể, đã viết cuốn sách kể lại cuộc đời thánh Eymard để giới thiệu cho độc giả chân dung của một “chuyên gia Thánh Thể” thuộc thế kỷ 19. Cuộc đời của người Tông Đồ Thánh Thể này không chỉ là một sứ điệp mang tính lịch sử, mà còn có điều gì quan trọng hơn muốn nói với chúng ta trong thời đại hôm nay để Thánh Thể được Tin Yêu, được Cử Hành, và được Sống thật trong đời sống của tín hữu như viễn cảnh lý tưởng của năm Thánh Thể 2004-2005.

Lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam, ngày 24-11-2004

LM Giuse Trần Đình Long, SSS

Dẫn Nhập

Tiểu thuyết gia Morris L. West tuyên bố rằng ông chẳng có hứng thú viết truyện các thánh, vì nó mang tính hư cấu nhiều hơn các tiểu thuyết của ông, và ông chẳng tin nổi những phép lạ được kể lại. Ông còn khẳng định thêm rằng, một đấng thánh là một người cố xoay xở để cuối cuộc đời làm cho cá tính của mình được phù hợp với tính cách của Chúa Kitô. Ông ta tuyên bố rằng đúc khuôn mình cho phù hợp với khuôn mẫu Chúa Kitô thì không bao giờ trọn vẹn; vì chưa có ai đạt được mà không bị bầm dập và mang thẹo. Cuộc đời của các thánh là biểu tượng của sự mâu thuẫn.

Những nhận định trên được xem như lời dẫn vào chuyện kể về cuộc đời thánh Phêrô Giulianô Eymard, một cuộc đời nếu không đầy những mâu thuẫn thì đôi khi cũng thật khó hiểu, một nhân cách bí ẩn mang bao vết thẹo của sự thất bại và thất vọng, tuy nhiên cũng đầy can đảm dám nhiều lần làm lại từ đầu.

Cuốn tiểu sử thánh Eymard này được viết cho mọi tầng lớp độc giả. Mục đích cung cấp cái nhìn tổng quát về cuộc đời và sứ vụ của một con người thường được mệnh danh là “Tông Đồ Thánh Thể”. Thánh Eymard đã thành lập Dòng Thánh Thể, một hội dòng của những nam tu sĩ với mục đích truyền bá tầm quan trọng của Thánh Thể cho đời sống người Kitô hữu; Người cũng sáng lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, cùng một mục đích trên. Trong thế kỷ XX, một tu hội đời có tên là Servitum Christi được thành lập để chia sẻ linh đạo Thánh Thể này.

Hy vọng cuốn sách này sẽ giúp cho độc giả hiểu rõ hơn cuộc đời và sứ vụ của cha Eymard; con người đã kiên trì chịu đựng biết bao, cho dù khó khăn, trở ngại, sức khỏe yếu kém, để đáp lại tiếng gọi nội tâm đã nhiều lần thôi thúc Người bỏ lại mọi thứ sau lưng để dấn thân vào dòng vô định phía trước. Thiên Chúa đã đồng hành với Người, đã dạy cho Người làm một cuộc hành trình từ đời sống thiêng liêng chỉ nhắm đến kỷ luật, hãm mình phạt xác, và nỗ lực cá nhân để vươn tới con đường không kém phần đòi hỏi nhưng hướng về Thiên Chúa hơn là hướng về bản thân. Đó là con đường của tình yêu. “Chúng ta phải bắt đầu bằng tình yêu và rồi đạt tới nhân đức bằng con đường của tình yêu Thiên Chúa, hơn là bám chặt vào những khía cạnh tiêu cực của những lầm lỗi để làm điểm khởi hành. Con đường này dễ dàng hơn, ngắn hơn và phấn khởi nồng nhiệt hơn.”

Đối với thánh Eymard, tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ và hiện thực nơi nhiệm tích Thánh Thể, chính nhận thức này làm nên nét căn bản linh đạo của Người. Eymard hiểu Thánh Thể cần thiết như thế nào để hình thành các cộng đoàn môn đệ Chúa Kitô. Thật vậy, công đồng Vatican II đã nhắc nhủ Giáo Hội rằng Thánh Thể làm nên cộng đoàn Kitô hữu, không chỉ là một cộng đồng thờ phượng mà còn là một Giáo Hội phục vụ nữa. Có lẽ bằng chính cuộc sống hơn là bằng những bút tích viết cho bạn bè, thân nhân hay những đồng nghiệp, Thánh Eymard đã công bố rằng Thánh Thể có sức mạnh đổi mới Giáo Hội và xã hội. Thực vậy, Người đã kêu mời giáo dân tham gia vào một cuộc cách mạng. Người nói: “Tôi muốn có một cuộc cách mạng về đời sống thiêng liêng... một cuộc cách mạng trong giới giáo sĩ. Chúng ta đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta quá nhấn mạnh đến những điểm tiêu cực. Đó chỉ là sự đối nghịch. Chúng ta gây đau khổ cho người ta như vậy là đủ rồi. Họ cần được nuôi dưỡng.”

Tôi cố gắng diễn tả hành trình của một người đã sống trong hoàn cảnh văn hóa, xã hội và chính trị hoàn toàn khác với chúng ta. Lịch sử chính trị ở Pháp trong thế kỷ XIX đôi khi biến động nhưng luôn luôn phức tạp. Thánh Eymard sống vào thời sau cuộc cách mạng Pháp. Trận chiến ở Waterloo năm 1814 chấm dứt giấc mơ bành trướng của Napoleon Bonaparte và đem gia đình hoàng tộc trở lại ngai vàng ở Pháp, nhưng hành động đó lại đẩy nhanh đến cuộc cách mạng tháng 7 năm 1830. Tiếp theo là cuộc cách mạng tháng 2 năm 1848 đem lại nền đệ nhị cộng hòa từ năm 1848 đến 1852, sau đó đế quốc thứ hai được hình thành với triều đại Napoleon đệ III từ năm 1852 đến 1870. Trong suốt thế kỷ 19, những xáo trộn chính trị và xã hội không giới hạn ở Pháp. Tại Ý, cuộc chiến đấu cho việc thống nhất quốc gia gặp phải những đối nghịch nghiêm trọng từ phía quốc gia Toà Thánh và từ những vương quốc khác trong đất nước. Cũng trong thời gian đó, tại Ái nhĩ Lan xảy ra nạn đói lớn, vô số gia đình Ái nhĩ Lan đã phải đi ty nạn ở Hoa Kỳ và Úc, trong khi hàng ngàn người ở lại quê nhà và nhiều người đã chết đói. Tại Anh quốc, phong trào Oxford đến lúc nhộn nhịp, John Henry Newman đã hoán cải và gia nhập Giáo Hội Công Giáo năm 1845. Tại Mỹ, vào năm 1815 sau cái chết của vị giám mục tiên khởi và duy nhất được bầu, đó là John Carroll của Baltimore, một đám người quá khích chống Công Giáo đốt những nhà thờ tại Boston và Philadelphia năm 1834 và 1844; sau đó Hoa kỳ lại rơi vào cuộc nội chiến kinh khủng từ năm 1861 đến 1865. Trong cùng thời gian đó, Ấn Độ chứng kiến sự tan rã của các công ty Đông Ấn và trở thành thuộc địa của Vương Quốc Anh.

Đó chính là thời kỳ chuyển tiếp trong lịch sử khi các quốc gia Châu Âu đang đấu tranh để hình thành các ranh giới chính trị và địa lý. Trong số các cuộc đấu tranh chỉ có một số ít diễn ra thành công trong bầu khí hoà bình. Thực ra, sự liên minh của thế quyền và thần quyền tan vỡ ra để lại những hậu quả tai hại.

Mỗi thời đại có những khủng hoảng riêng của nó, trong lãnh vực chính trị, xã hội, hay tôn giáo, nhưng trong mỗi thơì kỳ cũng nảy sinh ra những con người nổi tiếng giữa những rối ren và chuyển tiếp. Giáo Hội Pháp vào thế kỷ XIX, dường như đầy tràn màu mỡ khi được chúc phúc cho có nhiều ngươì đáng ghi nhớ, trong số đó có những vị là đấng sáng lập dòng. Thế kỷ XIX chứng kiến sự hình thành của Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Giám Mục Mazenod sáng lập. Dòng chị em Chúa Chiên Lành do Maria Euphrasia Pelletier sáng lập. Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu do Madeleine Sophie Barat sáng lập. Dòng Đức Bà do cha Jean Claude Marie Colin sáng lập. Dòng chị em người nghèo do Jeanne Jugan.

Thánh Eymard được kể trong số những vị thánh và đấng sáng lập dòng của “trưởng nữ Giáo Hội”, vì nước Pháp được gọi như vậy qua nhiều thế kỷ. Cuốn tiểu sử vắn gọn này là một tặng vật tỏ lòng tôn kính linh đạo của thánh Eymard, với hy vọng rằng Thánh Thể đã lôi cuốn và nên nguồn hứng khởi cho cuộc đời thánh Eymard, cũng sẽ khích lệ mỗi người chúng ta trung thành đáp lại lời mời gọi đầy quyền năng liên lỉ và dịu dàng của Chúa để yêu thương và phục vụ.

Cuốn trình thuật về hành trình thiêng liêng của thánh Eymard này không có ý nói rằng tác giả đã hiểu biết tất cả mọi điều. Công việc đó xin dành cho những người cầm bút chuyên nghiệp. Hầu hết những tư liệu trong sách này được rút ra từ hai bộ tiểu sử có trước được viết bằng tiếng Pháp, một của Cha George Troussier, SSS và một của Đức Ông Francis Trochu, và từ những thư từ thánh Eymard viết cho anh chị em thuộc hai hội dòng của Người, cho bạn bè và hai chị của Người.

Công việc nghiên cứu có tính cách chuyên môn về những năm đầu thành lập dòng của thánh Eymard do Cha Donald Cave, SSS thực hiện. Cha Herve Thibault, SSS đã dày công nghiên cứu về hành trình thiêng liêng của thánh Eymard. Cha Laureat Saint Pierre đẩy mạnh lãnh vực nghiên cứu về thánh Eymard. Cha Andre Guilton, SSS đã cho xuất bản cuốn sách về cuộc đời phục vụ đến hơi thở cuối cùng của thánh Eymard bằng tiếng Pháp. Mới đây ở Ý, Cha Manuel Barbiero, SSS đã viết một tiểu luận đặc biệt về thánh Eymard. Tôi xin chân thành cảm ơn những đóng góp lớn lao của tất cả các cha đã góp phần làm cho danh tánh cha thánh Eymard được biết đến nhiều hơn, đồng thời cũng giúp cho công việc của tôi được dễ dàng hơn.

Tôi cũng chân thành cảm ơn ông Robyn Johnson, R.S.M, với kỹ năng tinh tế đã giúp cho công việc phát hành cuốn sách này thật đẹp và rõ ràng. Cảm ơn Cha Donald Cave đã cẩn thận giúp cho những nghiên cứu của tôi có tính lịch sử chính xác. Cũng xin hết lòng biết ơn tất cả những ai đã khích lệ cho công việc này, đặc biệt là những người thấy được nhu cầu cần phải thuật lại cuộc đời cha Thánh Eymard bằng lối văn kể chuyện trực tiếp cho công chúng dễ thưởng thức và đón nhận.

LM Norman Pelletier, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/ngay-mai-e-rang-qua-tre/ngay-mai-e-rang-qua-tre/