Trích từ Dân Chúa

Kết Luận: Hành Trình Hôm Nay

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Điểm khởi hành là phòng Tiệc Ly

Cha Giulianô Eymard là một người luôn trên đường hành trình. Cuộc đời cha tuy ngắn ngủi, nhưng hành trình trở lại La Mure từ những ngày thơ ấu khi cha chạy trên những đường phố để rung chuông loan báo Thánh Lễ buổi sáng chứng tỏ đó phải là một hành trình dài và gian khổ.

Toàn bộ đời sống cha là một chuỗi những cuộc mạo hiểm và mỗi lần mỗi đòi hỏi hơn, mỗi lần mỗi phải hy sinh hơn, nhưng mỗi cuộc mạo hiểm đều dẫn đến một sự hiểu biết phong phú hơn về ơn gọi Thánh Thể. Dần dần cha nhận ra quyền năng và sức mạnh của Thánh Thể trong đời sống người Kitô hữu. Mỗi giai đoạn của đời cha dường như dẫn cha đến gần mục tiêu ấy hơn. Mặc dù cha qua đời khi chưa hoàn thành đầy đủ thị kiến của cha, nhưng đã đặt nền tảng vững chắc cho dự án ấy. Đời sống và sự nghiệp của cha là minh chứng hùng hồn về điều đó hơn là chỉ mấy lời cha để lại:

“Tôi cảm thấy mỗi con đường tôi tiến bước nhờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa chỉ là sự chuẩn bị cho ơn gọi thánh thiện và kỳ diệu ấy; tôi không ngừng cảm tạ Thiên Chúa đã cho tôi vào dòng Đức Mẹ, đã cho tôi làm cha phó rồi cha xứ.”

Cha Eymard biết rõ mục đích của hội dòng mới của mình, và đó là lý do tại sao cha luôn chống lại việc sát nhập hay liên kết với các dòng tu khác vì họ ủng hộ quan điểm hạn chế những lãnh vực hoạt động của Thánh Thể. Đó cũng là lý do cha chống lại đường hướng chỉ biết có chiêm niệm trong hội dòng cha. Thư thỉnh nguyện của cha trình lên Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX vào tháng 8 năm 1855 trình bày mục đích của hội dòng rất rõ ràng, không chút mơ hồ:

“Hội Dòng Thánh Thể không tự giới hạn trong sứ vụ cầu nguyện và chiêm niệm. Đây là một hội dòng tông đồ cống hiến cho việc cứu độ các linh hồn bằng cách sử dụng mọi phương tiện được gợi hứng do sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành sáng suốt, và đức ái thần thiêng của Đức Giêsu Kitô.”

Ngày 15 tháng 12 năm 1867, sáu tháng trước khi qua đời, cha Eymard đã nói với cộng đoàn của cha ở Paris về hoạt động tông đồ ưu tiên của Hội Dòng Thánh Thể:

“Trong lúc này, Hội Dòng có hai sứ vụ đặc biệt phải thi hành vì lòng nhiệt tình sốt mến. Sắc lệnh phê chuẩn hội dòng cũng đã tán thành hai việc ấy, đó là giúp trẻ em nghèo rước lễ lần đầu và công việc thánh hóa các linh mục.”

Quan điểm của cha về Thánh Thể có thể hiểu được qua thời đại mà cha đã sống. Trong lịch sử Giáo Hội đó là thời kỳ đặc biệt, theo lòng sùng kính bình dân ở Pháp, Thánh Thể được hiểu như Đức Giêsu bị giam giữ trong nhà tạm cần được đặt lên ngai đàng hoàng để tôn vinh và nhận sự đền bù phạt tạ của tín hữu cho tội lỗi của mình. Ở Pháp, việc người ta cần làm là đưa Thánh Thể lên cao trên một ngai vua với những hàm ý về chính trị; chế độ quân chủ với những đặc quyền của nó đã bị Cách Mạng dẹp bỏ, nhưng tình cảm bảo hoàng đáng kể vẫn còn và sống động trong trí tưởng tượng của người công giáo. Cha Eymard khởi đi từ quan điểm ấy, nhưng cha nhận thấy rằng: “ngai vàng ấy trước tiên phải được dựng lên trong các tâm hồn... Đền thờ đích thực, nhà tạm chân chính, ngai vàng Đức Vua là linh hồn con người.”

Trong một ý nghĩa nào đó, chắc chắn cha Eymard đã được gợi hứng phần nào từ những phong trào Thánh Thể lúc đó rất phổ biến và bình dân. Nhưng ánh sáng tâm linh và ân sủng đã cho phép cha nhìn thấy sâu xa hơn, dù chưa hoàn toàn rõ ràng, một số tương quan giữa Thánh Thể với cách sống của người Kitô hữu. Tuy nhiên một triển khai đầy đủ hơn về linh đạo Thánh Thể chỉ được phát triển hoàn toàn 100 năm sau trong Công Đồng Vaticanô II.

Một trong những tư tưởng cuối đời cha Eymard được diễn tả tinh tế nhất qua bức thư sau đây:

“Mục tiêu đề ra cho cộng đoàn bé nhỏ của chúng tôi là tôn vinh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta trong Thánh Thể sao cho tương hợp với bốn mục tiêu của việc hy tế; đó là dâng lên [Thiên Chúa] sự thờ phượng, cảm tạ, đền tội và cầu khẩn, nói cách khác đó là một sứ vụ cầu nguyện liên tục. Chúng tôi nhìn bí tích trong sự viên mãn của nó. Chính vì thế, tôi không chỉ muốn sống đền tội [...] và một đời sống chỉ chuyên về chiêm niệm. Chúng tôi không chỉ muốn thờ phượng, phục vụ và yêu mến Chúa Giê-su trong Thánh Thể, nhưng đặc biệt là chúng tôi cũng muốn làm cho mọi tâm hồn hiểu biết, thờ phượng, phục vụ, và yêu mến Người.”

Tuy nhiên vì những lý do lịch sử, mà lý do có ý nghĩa nhất là vì đấng sáng lập qua đời quá sớm cho nên hai hội dòng Thánh Thể nam và nữ của cha đã chọn theo lối sống chiêm niệm và “khép kín trong nội vi” (cloistered), hoặc theo đường hướng đan tu, và kéo dài sự lựa chọn đó mãi cho tới thời gian gần đây. Ngày nay Giáo Hội đang kêu gọi canh tân đời tu cho nên con cái thiêng liêng của cha thánh Eymard đã có thể đổi mới cách hiểu của mình về đặc sủng của đấng sáng lập.

Cha Eymard không thể thấy trước mọi hàm ý mà thần học đương đại có thể đem lại cho Giáo Hội. Cha đã sống không mệt mỏi cuộc sống của chính mình với ân sủng mà Thiên Chúa ban cho giữa cầu nguyện, rao giảng và làm việc tông đồ, đặc biệt là cho dân nghèo. Thánh Thể đối với cha luôn luôn mới vì đó là suối nguồn sự sống và sự thành tựu viên mãn phong phú nhất của Giáo Hội.

Thánh Thể được chia sẻ như thức ăn nuôi dưỡng cũng như được tôn thờ. Đời sống tông đồ rất tích cực của cha Eymard đem lại cho chúng ta một mẫu gương có sức thuyết phục, và một bằng chứng chắc chắn cho di sản thiêng liêng của cha. Việc cầu nguyện quan trọng đối với đời sống nội tâm của cha như thế nào thì việc tông đồ cũng phải là trung tâm đời sống linh mục của cha như vậy. Nếu việc cầu nguyện của cha là sức nóng của lửa, thì việc tông đồ của cha là ngọn lửa. Tháng 3 năm 1865 cha viết: “Nhưng tại sao chúng ta không có những người vừa chiêm niệm vừa làm việc tông đồ trong xã hội? Họ vừa là những người thờ phượng vừa là những người khơi dậy lòng sốt mến, vì Chúa chúng ta muốn ngọn lửa Thánh Thể phải bùng cháy lên để chiếu sáng toàn thế giới này. Còn ai hơn những tu sĩ của dòng Thánh Thể là những người có thể và phải làm cho Ngọn Lửa Thánh Thể ấy lan tỏa khắp nơi, làm cho Chúa chúng ta được mọi người hiểu biết, yêu mến và tôn thờ.”

Ngọn lửa Thánh Thể mà cha Eymard nói đến thật sự đã thiêu sinh cha. Nhiều năm sau khi cha qua đời, người ta còn nhắc nhớ lại cuộc gặp gỡ sống động với cha. Cha A. Leclerc, Bề Trên Tổng Quyền dòng Vinh Sơn đã đưa ra chứng từ này năm 1902:

“Tôi đã gặp cha Eymard, một người tôi tớ của Thiên Chúa và nghe cha giảng tuần tam nhật trong nhà nguyện Đức Mẹ Ban Ơn. Nhìn thấy cha và nghe cha giảng gây cho tôi một ấn tượng sâu xa, và nó còn mãi đến hôm nay như thể tôi cảm thấy trong ngày đầu tiên. Điều đập vào mắt tôi trước tiên là vẻ khổ hạnh của cha. Cha có cái nhìn của lửa! Nó chiếu ra một cách xuất thần từ khuôn mặt của cha khi đôi mắt cha hướng nhìn về Thánh Thể trong lúc cầu nguyện cũng như trong lúc giảng. Lời giảng của cha gây trong tôi một cảm xúc đặc biệt đến nỗi tôi chưa bao giờ cảm thấy điều gì giống như thế trong đời mình. Tôi đã nghe một vài đấng bậc nói về Thánh Thể, như Giám Mục Ségur, một tông đồ Thánh Thể; nhưng phong cách và sức thu hút của cha Eymard hoàn toàn khác. Cha nói đơn giản, không giả tạo; cha thích nghi với người nghe. Lời cha tuôn chảy như dòng ánh sáng và lửa. Nó giống như một mạc khải mới về Thánh Thể đối với người nghe.”

Ngày nay ngọn lửa ấy, với hơi nóng và ánh sáng, tiếp tục tỏa sáng trên toàn thế giới khi con cái của thánh Phêrô Giulianô Eymard tiếp tục sứ vụ của Người bằng việc đem lại cho các Kitô hữu một nền linh đạo Thánh Thể. Theo tinh thần của thánh Eymard, đó là linh đạo tập trung khát vọng tâm linh của con người vào Thánh Thể. Thánh Thể là lương thực cho cuộc hành trình của chúng ta; là bánh được bẻ ra cho sự sống của thế gian để kêu gọi công bằng và hiệp nhất; là bữa ăn được chia sẻ để xây dựng thân mình Đức Kitô là Giáo Hội. Thánh Thể là Bánh Hằng Sống, là Bữa Ăn tối của Chúa, ở đó mỗi người được mời gọi đến rửa chân cho những người khác bằng cuộc sống thờ phượng và phục vụ. Thánh Thể là trái tim của đời sống các môn đệ của Chúa.

Thánh Phêrô Giulianô Eymard thấy rõ ràng Thánh Thể là sức mạnh đầy quyền năng cho việc canh tân Giáo Hội và xã hội.

(trích Luật Sống Dòng Thánh Thể)

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/ngay-mai-e-rang-qua-tre/ket-luan-hanh-trinh-hom-nay/