Trích từ Dân Chúa

Chương VII: Một Cuộc Hành Trình Nội Tâm

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Chúng tôi đã được chuẩn nhận, nhưng chưa được thánh hóa.

De Cuers – Marseilles

Việc thương lượng với Đức Giám Mục Mazenod ở Marseilles đã tiến hành từ lâu trước khi cha De Cuers đến thành phố ấy để thành lập một cộng đoàn. Marseilles là một thành phố mà cha De Cuers biết rất rõ khi còn là một sĩ quan hải quân, và chính trong giáo phận ấy mấy năm trước đây cha đã thành lập hội chầu đêm. Trong nhiều năm cơ sở ở Marseilles mang dấu ấn và tính cách mà cha De Cuers đem lại. Đời sống cộng đoàn được tổ chức chặt chẽ và chương trình chầu Thánh Thể của cộng đoàn được sắp xếp rất tốt. Cả trong thời gian cha sáng lập còn sống, cơ sở này vẫn hơn hẳn những cơ sở khác vì luôn duy trì sự phong phú của việc đặt Mình Thánh và nhấn mạnh chiều kích vương giả của sự hiện diện thần linh trong nhà nguyện. Chính ở đây lần đầu tiên khăn choàng lộng lẫy, liên kết từ lâu với Dòng Thánh Thể, được sử dụng để làm tăng thêm vẻ cao sang khi đặt Mình Thánh. Chính tại Marseilles đã khai sinh ra Hội Thánh Thể, một tổ chức của giáo dân liên kết với những mục tiêu của Hội Dòng, và các thành viên của Hội hứa sẽ dành mỗi tháng một giờ để cầu nguyện trước Thánh Thể. Lòng sùng kính của quần chúng lần đầu tiên bày tỏ với Đức Mẹ Maria dưới tước hiệu “Mẹ Chúa Giêsu Thánh Thể” đã bắt đầu ở đây.

Món tiền nhỏ mà cha De Cuers có được, cha dùng để trang hòang nhà nguyện. Cha thuyết phục cha Eymard gởi đến một thợ mộc ở Paris để làm vài công việc về mộc trong cung thánh. Không lâu sau cha hết nguồn tài trợ, nhưng vẫn chạy lo công việc với sự nghèo khó trước đây. Ở Paris, suốt những năm khó khăn khi thành lập cơ sở đầu tiên, cảnh nghèo khó không làm cho cha bỏ đi, cha không hề nghĩ đến sự thoải mái của bản thân mình. Quả thật cha chỉ có một chiếc áo chùng thâm duy nhất và trong tình trạng tồi tệ đó cha không thể ra khỏi nhà thường xuyên được. Có những lúc bạn bè bắt cha De Cuers dùng bữa với họ vì họ biết cha không ăn uống đầy đủ.

Đức Tổng Giám Mục biết được tình trạng của cha De Cuers nên đã đích thân viết thư cho cha Eymard mời cha đến giảng trong nhà thờ chính tòa để gây quỹ cho cộng đoàn nghèo khó ở Marseilles. Cha Eymard sẵn sàng chấp nhận. Cha Tổng Đại Diện của giáo phận gởi một bức thư cho tất cả các cha xứ thông báo sự kiện này, và nhắc rằng bức thư phải được đọc trong các nhà thờ. Cuối bức thư, cha Tổng Đại Diện lưu ý rằng cuối thánh lễ việc quyên góp sẽ được thực hiện. Đức Giám Mục sẽ chủ sự thánh lễ.

Lòng nhiệt thành của cha De Cuers trong việc trang hoàng lộng lẫy ngai đặt Mình Thánh không ai bì kịp. Trong ngày khai mạc, một chiếc khăn choàng to với huy hiệu vương đế bằng nhung đỏ đính lông chồn, phía trên đỉnh có vương miện mạ vàng đuợc gắn như là tấm phông phía sau mặt nhật trên bàn thờ. Sự đơn sơ của nhà nguyện ở Paris tương phản với sự trang hoàng lộng lẫy của nhà nguyện Marseilles.

Việc cộng đoàn ở Marseilles bắt đầu tác vụ dạy giáo lý rước lễ lần đầu cho trẻ em đường phố và người lớn trong các khu phố nghèo là điều không chắc lắm. Trái lại cộng đoàn ở Marseilles đã giữ nét đặc thù riêng biệt của cha bề trên De Cuers. Đối với cha, Thánh Thể là Chúa, là Vua đòi hỏi được tôn kính cả ngày lẫn đêm. Cha De Cuers, vốn là một sĩ quan hải quân cho nên đã tổ chức một cơ cấu duy trì việc cầu nguyện liên tục trước Thánh Thể phần nào giống như việc canh gác luân phiên trên một chiếc tàu. Trái lại, cộng đoàn ở Paris dưới cảm hứng của cha Eymard lại phát triển theo cách khác, và đi vào đường hướng hoạt động tông đồ nhiều hơn. Những năm sau, khi cha De Cuers kế vị cha Eymard làm Bề Trên Tổng Quyền, và khi cộng đoàn Paris dời sang bờ bên kia sông Seine, chỉ ít lâu sau cộng đoàn đã bỏ những người nghèo lại sau lưng mình. Từ thời gian đó trở đi, cộng đoàn Marseilles trở thành khuôn mẫu của Hội Dòng Thánh Thể, và lòng nhiệt thành của Đấng Sáng Lập đối với người nghèo và việc dạy giáo lý rước lễ lần đầu cho người lớn đã tan biến.

Hội Dòng mới lôi kéo được sự quan tâm của nhiều giám mục, và một số giám mục đã mời cha Eymard đến lập cộng đoàn trong giáo phận của mình. Vị đầu tiên mời gọi là Đức Giám Mục ở Arras, và muốn cộng đoàn Thánh Thể chuyên tâm vào việc phạt tạ. Cha Eymard từ chối lời mời này, vì cha không muốn giới hạn lãnh vực hoạt động của cộng đoàn chỉ trong phạm vi phạt tạ.

Kế đến là cơ sở ở Anger, nơi hội chầu đêm đã có mặt từ năm 1850, và việc chầu ban ngày có từ 1854. Cũng năm đó việc thực hành chầu Thánh Thể liên tục trong các giáo xứ khác nhau mỗi ngày trong năm đã được khai mạc. Chính Đức Giám Mục đã thành lập một nhóm các linh mục mà người ta đặt tên là “các linh mục chầu Thánh Thể”, họ đi khắp nơi giảng tĩnh tâm và làm sứ vụ trong các nhà thờ của giáo phận. Tháng 12 năm 1862 cộng đoàn Angers được thành lập. Từ Paris cha Eymard cùng với 5 tu sĩ đến đó và ở lại khoảng một tuần. Cha rất thích cơ sở ở Angers, cha đã viết thư cho nữ Bá Tước Andigne rằng cha thích cầu nguyện trong nhà nguyện Angers biết chừng nào, ở đó dưới chân Thầy Giêsu, cha muốn “quên Paris, quên Marseilles, quên La Mure.”

Cha Eymard thường trở lại Angers để giảng dạy và hướng dẫn các cuộc tĩnh tâm. Ở đó cha là một nhà giảng thuyết được quần chúng ưa thích; họ có đức tin và lòng sùng kính Thánh Thể mạnh mẽ. Các cuộc tĩnh tâm của cha được nhiền người đến tham dự khiến cha sợ rằng các cha xứ lân cận sẽ tức giận khi nhìn thấy dân trong giáo xứ vắng mặt vào các buổi sáng Chúa nhật, ngày kết thúc của cuộc tĩnh tâm. Đã từng làm cha xứ, cha Eymard cảm thấy không thể coi thường những quan tâm chính đáng của các cha xứ có lòng nhiệt thành. Vào ngày Chúa Nhật, khi kết thúc buổi tĩnh tâm, cha lên tòa giảng và nói với họ:

“Anh chị em thân mến, tôi rất vui mừng thấy tất cả có mặt ở đây, nhưng tôi xin anh chị em hãy tham dự Thánh Lễ trong nhà thờ giáo xứ của mình, ít nhất là ngày Chúa Nhật. Bổn phận phải vượt trội lòng sùng đạo. Chúng tôi không đến đây để thay thế các cha xứ, nhưng chỉ để cộng tác với các cha...Tôi cũng đã từng làm cha xứ và tôi rất thương yêu giáo xứ của tôi.”

Trở Lại Rôma

Ngay khi có ba cộng đoàn đã đi vào hoạt động, không muốn để mất thời gian, Cha Eymard vội lo xin Rôma cho Hội Dòng của cha được phê chuẩn dứt khoát lần cuối cùng. Đức Giáo Hoàng Piô IX đang đau yếu, và cha Eymard không muốn liều lĩnh làm thủ tục xin lại từ đầu với người kế vị Đức Thánh Cha này. Đức Piô IX tỏ ra rất có thiện cảm với Dòng Thánh Thể nên cha Eymard đã cố gắng xúc tiến ngay hồ sơ để được Tòa Thánh phê chuẩn dù ơn gọi trong dòng còn ít.

Nhiều ứng sinh đã đến tìm hiểu ơn gọi, nhưng phần lớn đều không kiên trì. Ngày nọ có một thanh niên tên là Auguste Rodin đến xin gia nhập cộng đoàn. Cha Eymard nhận anh vào, nhưng chẳng bao lâu cha thấy anh có thiên hướng về nghệ thuật nên cho phép anh sử dụng một phòng vẽ nhỏ nằm kế khu vườn. Thỉnh thoảng cha ghé qua ngồi lại với chàng nghệ sĩ trẻ để xem anh có ơn gọi đời tu không. Có lẽ qua những lần đến thăm đó, Rodin đã tạc nên bức tượng bán thân cha Eymard có giá trị nghệ thuật cao. Sau cùng Auguste Rodin tìm ra ơn gọi thật của mình trong thế giới nghệ thuật, vì vậy anh đã sáng tạo một kiệt tác bằng đồng về người cố vấn tâm linh của anh.

Cha Eymard khởi hành đi Rôma ngày 9 tháng 3 năm 1863 có cha De Cuers và một thỉnh sinh là một người bạn lâu ngày ở Paris đi cùng. Chính người bạn này đã dâng cúng mặt nhật đầu tiên cho phòng Tiệc Ly ở Paris, và giờ đây lo mọi chi phí cho cuộc hành trình đến kinh thành vĩnh cửu. Người bạn ấy cũng chính là ông Leudeville mà mấy năm trước đã đón cha Eymard về nhà trong suốt thời gian cha trị bệnh.

Đi được ba ngày, họ bị gió to sóng lớn quay cuồng giữa Marseilles và Civitavecchia. Cha Eymard không có được cái bao tử của người bạn hải quân đồng hành nên bị đau suốt cuộc hành trình. Đến Rôma họ nghỉ ở chỗ các cha dòng Thánh Giá, các cha này cai quản nhà thờ Thánh Bridget, trong quảng trường Farnese, trong đó có đặt Thánh Thể. Cả ba tham dự các nghi lễ Tuần Thánh tại kinh thành Rôma. Thư thỉnh nguyện đã được trình lên Đức Thánh Cha nhưng không thấy một lời hồi đáp. Cha Eymard cầu nguyện, cha De Cuers và ông Leudeville đi viếng các nhà thờ ở Rôma. Tháng tư và tháng năm đến rồi đi mà vẫn không một lời đáp trả.

Trong thời gian đó, trên mặt trận chính trị, xung đột phát sinh trong đất liền. Vua Victor Emmanuel đã tập họp quân đội tại Piedmont ở miền bắc. Ở miền nam, Garibaldi đã âm mưu tiếp quản các lãnh địa của Giáo Hoàng, trong khi quân đội Pháp vẫn còn đồn trú tại Rôma để bảo vệ quyền lợi của họ và bảo vệ Đức Giáo Hoàng cùng những yêu sách về đất đai của Tòa Thánh. Những nỗ lực của người Pháp trở nên vô ích vì các lãnh địa Giáo Hoàng sau cùng đã bị sáp nhập vào một nước Ý thống nhất. Do đó Đức Thánh Cha vốn đã đau yếu lại đang bận tâm với việc giữ lại những lãnh địa của Giáo Hoàng cho nên không thể cứu xét thư thỉnh nguyện khiêm tốn của cha Eymard.

Sau cùng cha Eymard kín đáo hỏi thăm về sự chậm trễ và liệu có cách nào cha có thể làm để cho vấn đề được giải quyết không. Người ta khuyên cha nên đến nói chuyện với vị hồng y phụ trách những vấn đề đó, và cha đã đi gặp. Vị hồng y ấy cho cha biết lý do của việc chậm trễ là có người đã đến tố cáo cha. Nghe như sét đánh mang tai, cha Eymard ngập ngừng hỏi: “Họ tố cáo con về việc gì?” không phải cha sợ vì nghe câu trả lời, nhưng vì không thể tin mình đã nghe những lời như thế.

Vị hồng y đáp lại rằng thứ nhất cha bị buộc tội vì đã bỏ dòng Đức Mẹ mà không được phép; thứ hai vì Cộng Đoàn Thánh Thể ở Paris liền với khu nhà của những phụ nữ dạy giáo lý.

Cha Eymard đã mạnh mẽ bác bỏ những lời vu khống ấy và kịch liệt phản đối. Cha đưa ra những tài liệu chứng tỏ mọi việc đều hợp lệ và đúng cách. Sau khi xem xét các tài liệu, vị hồng y cam kết sẽ bàn bạc với Đức Thánh Cha. Hồng y cũng hứa sẽ giải quyết nhanh chóng sự việc đáng tiếc này. Trong thời gian đó, người buộc tội Eymard bị lột mặt nạ và phải ra mặt xin lỗi. Vì các thủ tục ở Rôma rất chậm chạp, cha Eymard có thời gian lui về tĩnh tâm ở Dòng Thương Khó trong lúc chờ đợi thư thỉnh nguyện của cha được hồi đáp.

Sau cùng, ngày 10 tháng 6, cha nhận được sắc lệnh phê chuẩn mà cha mong đợi từ bao lâu. Trong đó có đoạn viết:

“Vị linh mục có tên trên đây, Eymard... đã trình lên Đức Thánh Cha Piô IX, thư thỉnh nguyện khiêm hạ xin phê chuẩn Hội Dòng...

“Đức Thánh Cha chấp thuận và xác nhận bằng sắc lệnh này Hội Dòng Thánh Thể... là một hội dòng có những lời khấn đơn dưới quyền của một Bề Trên Tổng Quyền... sắp tới Đức Thánh Cha sẽ phê chuẩn Hiến Pháp của Dòng sau khi đã sửa chữa lại cho hoàn chỉnh.

“Ban hành tại Rôma... ngày 3 tháng 6 năm 1863.”

Đây quả là một cuộc hành trình dài; tất cả mọi đau khổ, cuộc rời bỏ đau đớn cộng đoàn Đức Mẹ, sự nghèo khó, thiếu ơn gọi và đến giây phút sau cùng là những lời buộc tội gần như muốn phá hỏng toàn bộ dự án... giờ đây tất cả đều ở đàng sau cha.

Cầm tờ sắc lệnh phê chuẩn trong tay với tâm tình cảm tạ trong lòng, cha chạy vội về chia sẻ niềm vui với cha De Cuers. Sau khi xem lướt qua, Cha De Cuers giận điên lên, quơ tập tài liệu trước mặt cha Eymard và hét to lên:

“Tên anh ghi trong sắc lệnh này để làm gì?”

Cha De Cuers không bao giờ thừa nhận vai trò của cá nhân trong việc thành lập Hội Dòng Thánh Thể. Xem ra cha không phản đối việc không có tên cha trong sắc lệnh; nhưng đúng hơn cha không chấp nhận sự tôn vinh cá nhân dưới bất cứ hình thức nào. Mọi sự tôn vinh phải hoàn toàn thuộc về Chúa và Thầy Giêsu.

Dù cha De Cuers nổi giận vì lý do gì đi nữa thì thái độ ấy cũng làm cha Eymard rất đau khổ, và làm tổn thương đến mối quan hệ của họ. Hai con người ấy có tính khí rất khác nhau. Cha De Cuers được huấn luyện trong hải quân nên sống rất kỷ luật và ngăn nắp. Cha cố gắng đè nén những tình cảm thúc đẩy mạnh mẽ trong mình nên thường tỏ ra hẹp hòi và quá cứng nhắc trong giao tiếp. Có câu chuyện kể rằng, cha De Cuers luôn đi thụt lùi ra khỏi nhà thờ khi có Thánh Thể đặt trên bàn thờ để lưng của cha không quay về phía Thầy Chí Thánh của mình. Lần khác ở Paris, cha Eymard cho phép những tu sĩ trẻ được ngồi cầu nguyện trong nhà nguyện. Khi cha De Cuers nhìn thấy những cái ghế dùng vào việc đó, cha đích thân vứt chúng ra khỏi cung thánh, và đòi các tu sĩ phải giữ kỷ luật và khổ hạnh nhiều hơn.

Quan hệ của cha Eymard và cha De Cuers có lẽ được xây dựng trên lòng yêu mến Thánh Thể hơn là trên tình bạn hoặc trên sự thỏa thuận hoàn toàn về những phương thế giúp mọi người hiểu biết và yêu mến Thánh Thể nhiều hơn. Dù vậy sự cố ấy cũng không giúp cải thiện mối tương quan của họ nhưng lại làm cho mối tương quan vốn đã căng thẳng càng trầm trọng thêm.

Có lẽ kết luận tốt nhất cho giai đoạn này là một câu mà cha Eymard đã viết sau đó ít tháng:

“Vâng, chúng tôi đã được chuẩn nhận, nhưng chưa được thánh hóa.”

Hiến Pháp Dòng

Mối quan hệ giữa cha Eymard và cha De Cuers càng ngày càng rạn nứt. Khi trở về Pháp họ tổ chức một cuộc họp tại Paris để các tu sĩ trong dòng xem xét những vấn đề mà cả nhóm phải quan tâm. Một vấn đề cần được thảo luận là Hội Dòng có chấp nhận ứng sinh giáo dân làm tu huynh hay không. Cha De Cuers dứt khoát cho rằng hội dòng chỉ giới hạn các thành viên là linh mục mà thôi; trong khi đó cha Eymard nhấn mạnh rằng cả hai nhóm đều phải được tiếp nhận. Sau khi thảo luận, mọi người bỏ phiếu kín và giải pháp được chọn nghiêng về việc chấp nhận các tu huynh. Cha De Cuers trở về Marseilles, còn cha Eymard bắt đầu soạn lại bản Hiến Pháp của Hội Dòng mà Rôma đã yêu cầu.

Trước khi chắp bút lần sau cùng bản Hiến Pháp, cha Eymard đã tham khảo luật dòng của các dòng tu khác như dòng Tên, dòng Đa Minh, dòng Cát Minh, dòng Biển Đức ở Solesme. Cha theo đuổi công việc không mệt mỏi, đi nhiều nơi để học hỏi và nhờ đó nhận được những lời khuyên tốt nhất.

Dù đang đau yếu và phải điều trị bằng nước, cha vẫn tiếp tục làm việc như cha nói rõ trong thư từ. Từ khách sạn Bossuet nơi cha lưu lại, cha viết rằng cha tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để sắp xếp việc nghiên cứu tài liệu đã sưu tầm được. Cha vẫn không cảm thấy sức khoẻ khá hơn. Vì thế, sau cùng theo lời khuyên của cha Chanuet, cha chấp nhận lời mời đến sống yên tĩnh một thời gian ở lâu đài của người anh rể cha Chanuet ở St. Bonnet-le-Froid trong vùng đồi núi bên ngoài Lyons.

Ngày 6 tháng 10 năm 1863, cha viết cho mẹ của cha Chanuet, giải thích rằng sống ở lâu đài thích thú biết chừng nào. Cha so sánh nó với “hang thánh của thánh Biển Đức, núi Alverno của thánh Phan-xi-cô, miền Manresa của thánh I-nhã... còn hơn thế, phòng Tiệc Ly bình an của tôi. Mặt khác ở đây tôi có thể làm việc một cách an bình.” Cũng ngày hôm ấy cha viết cho cha De Cuers:

“Ở đây tôi sống với gia đình cha Chanuet, giữa cảnh cô tịch rất quyến rũ, với Thánh Thể và một gia đình thánh thiện. Thiên Chúa nhân từ đã lo liệu điều này cho tôi để tôi có thể nghỉ ngơi và làm một vài việc. Tôi đã bắt đầu, và tôi hy vọng Chúa sẽ ban cho tôi ân sủng để tiếp tục. Tôi bắt đầu ngủ lại được. Chứng ho đã giảm và mạch trở lại điều hòa hơn. Xin cha đừng lo lắng, hãy cầu nguyện và xin những người khác cũng cầu nguyện cho tôi để trên núi này tôi có thể kết hiệp với Chúa chúng ta và viết hiến pháp dòng dưới sự linh hứng của Người.”

Ít ngày sau, ngày 11 tháng 10, cha gởi một bức thư khác cho cha De Cuers nhận xét về sức khỏe của mình và phong cảnh tuyệt vời chung quanh:

“Tôi thấy khỏe hơn nhiều. Kỳ nghỉ này ở St. Bonnet góp phần cho việc trị liệu bằng nước mà giờ đây tôi thấy có hiệu quả. Ở đây tôi sống trong bình an, cô tịch và tin tưởng. Tôi làm việc khỏe hơn bao giờ hết... Tôi cần khoảng thời gian và sự yên tĩnh này. Tôi hy vọng cha sẽ cùng tôi cảm tạ Thiên Chúa về điều ấy. Tôi nghĩ tôi sẽ ở đây cho đến khi hoàn thành Hiến Pháp và Nội Quy. Tôi đã làm được một nửa công trình và ghi chép lại cẩn thận.”

Kết quả thời gian cha Eymard làm việc ở Bonnet là bản Hiến Pháp đã soạn xong, được in ra chỉ trong vòng một tháng. Cha trao cho mỗi thành viên của Hội Dòng một bản sao với những lời sau đây:

“Trước khi luật dòng này được cấp cao phê chuẩn thì chính hạnh kiểm và cách sống của anh em phải phù hợp với bộ luật này trước. Giáo Hội muốn thấy anh em có thể sống theo luật ấy được hay không; nếu không thì tại sao anh em muốn nó được phê chuẩn! Luật này không tiêu biểu cho bất cứ thần hứng nào khác ngoài mục đích phục vụ Chúa chúng ta trong Thánh Thể bởi một nhóm huynh đệ tận hiến hoàn toàn cho Người.”

Giêrusalem

Giờ đây cha Eymard tìm cách thiết lập cơ sở thứ tư của Hội Dòng. Được cha De Cuers động viên và hỗ trợ mạnh mẽ, cha Eymard hướng về Giêrusalem. Còn nơi nào thích hợp hơn cho cộng đoàn kế tiếp ngoài phòng Tiệc Ly nơi chính Đức Giê-su đã bẻ bánh trao cho các môn đệ và truyền cho họ “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Ngày 6 tháng 1, năm 1864 cha De Cuers cùng một sinh viên thần học trẻ tên là Albert Tesniere đáp tàu đi Giêrusalem. Họ ghé lại Rôma để xin giấy giới thiệu rồi tiếp tục cuộc hành trình. Cả hai người đều không dự kiến việc họ không thể mua nhà Tiệc Ly từ tay người Hồi giáo dù có đề nghị giá nào đi nữa, vì đối với người Hồi giáo, nơi ấy cũng là một địa điểm linh thiêng vì có đặt ngôi mộ của Vua Đa-vít. Ngay khi nhận thấy không thể mua được nhà Tiệc Ly, họ quyết định mua một khu đất gần đó, nhưng trước tiên phải quay về Rôma để xin phép.

Trong khi đó ở Rôma, cha De Cuers với tính đơn sơ bộc trực đã bày tỏ với mọi người rằng cha hy vọng xin được giấy phép mua một khu đất ở Giêrusalem để thiết lập một cộng đoàn tu sĩ gần nhà Tiệc Ly. Tin này mau chóng lan rộng khắp Rôma, mặc dù không có những tiện lợi của dịch vụ bưu điện hay điện thoại như bây giờ.

Dòng Phanxicô vốn được độc quyền quản lý những Thánh Địa đã phản đối mạnh mẽ để bảo vệ đặc quyền của họ ở Giêrusalem. Hậu quả trực tiếp của sự can thiệp của họ là dự án Thánh Thể ở Giêrusalem đi đến chỗ bế tắc.

Tháng 11, cha Eymard đích thân đi Rôma để cố gắng thương lượng việc thiết lập cơ sở ở Giêrusalem. Một vài tiến bộ đã đạt được. Chờ đợi hết ngày này qua tháng nọ, sau cùng vào ngày 29 tháng 3 năm 1865, cha nhận được câu trả lời dứt khoát là sẽ không có cơ sở ở Giêrusalem. Cha chấp nhận quyết định đó như là ý Chúa. Ngày hôm sau cha trở lại Paris.

Tĩnh Tâm ở Rôma

Trong thời gian lưu lại Rôma để chờ câu trả lời cho vấn đề Giêrusalem, cha Eymard tận dụng cơ hội ấy để thực hiện cuộc tĩnh tâm dài từ tháng giêng cho đến cuối tháng ba ở tu viện dòng Chúa Cứu Thế. Cuộc tĩnh tâm dài này minh chứng như là cho tính dứt khoát trong đời sống tâm linh của cha, cũng như quyết định về Giêrusalem chứng tỏ sự dứt khoát trong vấn đề thiết lập cộng đoàn ở đây. Những dòng mở đầu trong ghi chép về cuộc tĩnh tâm cho thấy tâm trạng của cha. Mục đích của cuộc tĩnh tâm này phải là “làm công việc thánh hóa bản thân mình.”

Cuối cuộc tĩnh tâm, cha Eymard đã thực hiện điều mà cha gọi là “lời khấn dâng trọn bản vị mình” cho Thiên Chúa. Hiến tế chính bản thân của cha là hành động từ bỏ tột cùng. Cha dâng trọn cả cuộc đời cho Thiên Chúa: những việc làm tốt lành, tâm hồn, ý chí và cả những khuyết điểm. Với việc “tận hiến” ấy từ nay cha tuyên bố sẵn sàng để Thiên Chúa làm chủ hoàn toàn và trọn vẹn tất cả đời sống và con người của mình. Việc hiến dâng này đòi cha phải để cho Chúa Thánh Thần biến đổi, vì vậy kể giây phút đó cha đặt mình vào bàn tay Thiên Chúa để Ngài nắn đúc Cha tuỳ ý. Cha nhận ra rằng tiến trình thánh hóa của mỗi người không tùy thuộc vào nỗ lực của bản thân, dù nỗ lực ấy có thể có những lúc rất anh hùng, nhưng đúng hơn tùy thuộc vào sức mạnh và sự hoàn hảo mà Thiên Chúa dùng để nâng đỡ và hướng dẫn đời sống người ấy.

Nhiều năm qua cha đã sống như thể sự tiến triển trong đời sống tâm linh tùy thuộc vào sức mạnh ý chí của cha, nếu không phải là tất cả thì ít ra là trong lãnh vực chính. Cha đã nghĩ kỷ luật bản thân là chứng cứ của một ý chí mạnh mẽ, và do đó là chứng cứ của sức mạnh Thiên Chúa. Giờ đây cha biết rằng cha chỉ cần để Thiên Chúa chiếm hữu bản thân mình. Vì đặt ơn cứu độ trong sức mạnh của ý chí riêng mình là coi như ơn cứu độ nằm trong tay mình chứ không phải trong tay Thiên Chúa. Với việc “tận hiến chính mình” cha muốn để Thiên Chúa cưu mang cha.

Cuộc tĩnh tâm này tỏ ra rất quan trọng trong đời sống cha Eymard vì nó đem lại sự nhận thức sâu xa cho những động lực của tâm hồn cha. Cha đã thành công trong việc giải phóng mình khỏi những bận tâm thái quá vào những hành động cá nhân của ý chí như là chuẩn mực của sự tiến bộ tâm linh.

Khi rời Rôma lần này, cha không đi đường biển nhưng đi thẳng về phương bắc qua ngã Turin vì cha không còn chịu nổi bị say sóng.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/ngay-mai-e-rang-qua-tre/chuong-vii-mot-cuoc-hanh-trinh-noi-tam/