Trích từ Dân Chúa

Chương IV: Cuộc Hành Trình Tiếp Tục

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Đời tôi như dòng nước lũ
chảy mạnh và cuồn cuộn.

Ơn Gọi Làm Tu Sĩ Dòng Đức Mẹ (1839-1855)

Ngày thứ ba 20-8-1839 cha Eymard bắt đầu vào nhà tập dưới sự hướng dẫn của cha tập sư Phêrô Colin, là anh của đấng sáng lập dòng này. Cha đã tham dự cuộc tĩnh tâm năm cùng với 40 thành viên của cộng đoàn Maria dưới sự hướng dẫn của cha Gioan Claude Colin, bề trên sáng lập dòng. Trong một lá thư viết cho một người bạn, cha Eymard đã bày tỏ cảm xúc như sau: “Tôi ở đây đã hai tháng mà tưởng như mới được hai ngày. Ngay khi vừa đến tôi đã cảm thấy hài lòng. Tôi đã đến được nơi tôi muốn.” Cuối tháng 11, trong khi vẫn còn là tập sinh, cha Eymard đã được gửi tới làm linh hướng cho trường trung học Đức Mẹ tại Belley. Tháng 2-1840 cha Eymard đã khấn lần đầu tại nhà nguyện Dòng Đức Mẹ và được giữ lại để lo công tác đào tạo tại trường trung học Belley.

Cuộc ra đi bất ngờ khỏi giáo xứ Monteynard của cha Eymard đã không tránh khỏi việc làm tổn thương mối liên hệ tình cảm của cha với các chị của Người. Họ cảm thấy đau đớn và không thể hiểu nổi cách đối xử của cậu em trai mình. Cha Eymard cố gắng chuộc lại những tổn thương tình cảm do cha gây ra. Cha viết thư cho một người bạn là cha Brun, và xin vị linh mục ấy đến thăm và an ủi họ. Nhưng nỗi đau vẫn còn dai dẳng. Vào ngày 6-9, hai tuần lễ kể từ khi vào nhà tập, cha Eymard viết cho các chị, và nói rằng sự hy sinh của các chị còn lớn hơn cả sự hy sinh của cha khi phải lìa bỏ các chị và những người giáo dân Monteynard. Tuy nhiên, các chị vẫn không hề xúc động trước những lời năn nỉ của cha, vì vậy trong một thời gian dài họ đã chẳng viết thư trả lời cha. Đến tháng tám năm sau, cha Eymard lại viết thư năn nỉ các chị trả lời cha, và cũng nói cho các chị biết cha quyết định không về thăm họ vì sợ sẽ khơi dậy tất cả những nỗi đau buồn cũ. Dĩ nhiên là với thời gian, vết thương lòng ấy sẽ dần dần được chữa lành nhưng cũng để lại vết thẹo không dễ nhanh chóng phai mờ.

Trong thời gian này, cha Eymard chú tâm vào các bổn phận thiêng liêng trong ơn gọi mới và dành nhiều thời gian cho đời sống cầu nguyện. Trong nhật ký thiêng liêng, Cha đã viết: “Chúa cho tôi biết rằng tôi đã không cầu nguyện hết lòng, rằng tôi đã lý luận quá nhiều; và tôi muốn mình được dẫn dắt trong sự an toàn như một em bé để chỉ làm những điều tốt mà tôi biết, lúc này và ngay tức khắc, không có gì hơn.” Chính trong việc cầu nguyện, cha đã tìm thấy niềm an ủi mà cha đã kiếm tìm nơi các chị của mình: “Sáng nay, Chúa đã ban cho tôi một niềm vui trong lúc cám ơn sau thánh lễ. Chúa hỏi tôi cách cương quyết nhưng thật trìu mến: “Con có ngại trao phó bản thân cho cha, để cha lo lắng cho tương lai của con không?“ Từ đó cha Eymard đã tìm được sức mạnh để tiếp tục con đường dâng hiến.

Một lần nữa, sức khỏe của cha Eymard lại rơi vào tình trạng tệ hại như trước kia. Lần này, cha bị chứng viêm phổi trầm trọng. Cha Colin đã đến bên cạnh bệnh nhân và quả quyết rằng cha Eymard sẽ không chết, vì nếu cha Eymard chết, căn bệnh đó cũng sẽ lấy luôn sinh mạng của cha Colin. Nhưng cuối cùng, chẳng có ai chết non cả. Cha Eymard đã bình phục và cha Colin thì sống thọ hơn cha Eymard nữa.

Bề Trên Tỉnh

Những lúc rảnh rang, Cha Eymard thường chơi vĩ cầm hoặc đàn pianô những khúc nhạc quân hành. Tháng 11-1844 cha Collin đề cử cha Eymard giữ chức vụ Bề Trên tỉnh, và với nhiệm vụ mới này cha phải bỏ trường trung học Belley và chuyển về Lyons đến nhà mẹ gọi là Puylata. Nhiệm vụ mới này không để cha có thì giờ nghỉ ngơi thư giãn chơi đàn như thói quen lúc còn làm linh hướng ở trường trung học. Cha phải đảm trách bao nhiêu việc, và thường phàn nàn rằng sao ngày lại ngắn thế: “Là Bề Trên tỉnh, tôi có trách nhiệm với các cộng đoàn ở Pháp và ở nước ngoài, và đối với tôi mặt trời đi ngủ sớm quá.”

Một lần, trong tư cách Bề Trên tỉnh, cha Eymard đến miền Bắc Le Havre để chủ tọa buổi lễ sai 13 tu sĩ dòng Đức Mẹ đi truyền giáo ở khu vực Thái Bình Dương. Cha Eymard bày tỏ lòng ước ao mãnh liệt muốn đi theo những tu sĩ này:

“Hạnh phúc biết bao nếu tôi được đi truyền giáo ở nước ngoài, dù ở đó tôi không làm được những việc gì lớn lao. Chí ít tôi có thể dâng lên Thiên Chúa sự hy sinh trọn vẹn bản thân mình – quê hương, họ hàng, bạn bè, người quen biết, tiếng mẹ đẻ của mình và những điều tôi đã học được. Tôi phải bỏ lại và bắt đầu mọi sự từ đầu… Giây phút vinh dự biết chừng nào khi một người chân này còn trên đất liền, chân kia đã ở trên thuyền sắp sửa rời bỏ mọi sự phía sau và hy sinh tất cả, hiến dâng chính bản thân cho một mình Thiên Chúa. Đó chính là chết đi. Điều ấy làm cho lòng tôi tràn ngập niềm vui.”

Thầy Mayer là bạn đồng liêu nhận xét rằng cha Eymard rất có lòng nhiệt thành truyền giáo; tuy nhiên, Thiên Chúa không bao giờ cho phép cha thực hiện ước mơ ấy. Sức khỏe của cha không kham nổi những khó khăn của cuộc đời truyền giáo. Với thể trạng yếu như vậy cha chỉ đủ sức chịu đựng những mùa đông ở Pháp. Về khía cạnh này, cha không cần phải cho rằng công việc truyền giáo ở hải ngoại mới là một việc nặng nhọc và hy sinh, vì trong thực tế cha đã luôn luôn dấn thân phục vụ đến cạn kiệt sức khỏe yếu ớt của mình rồi. Sau hai năm làm Bề Trên tỉnh, cha Colin giao cho cha Eymard chức vụ Tổng Kinh Lý với nhiều trách nhiệm nặng nề mới.

Trong suốt mấy năm sau đó, cha Eymard liên tục đi kinh lý nhiều cộng đoàn dòng Đức Mẹ ở Pháp. Cha cũng thường được mời giảng Mùa Chay cho những nhà thờ trong vùng. Rõ ràng tuy nhận trách nhiệm điều hành nhưng nhiệt tình tông đồ của cha không hề suy giảm. Cha được biết đến không chỉ vì việc giảng dạy có hiệu quả nhưng còn vì cách thức cha giúp đỡ mọi người.

Một lần kia khi đến thăm bệnh viện, cha lại bên một cụ già thường khoe mình quen biết Napoléon, và đã từng là một người lính đánh trống trong quân đội của Napoléon. Cha chú ý nghe ông ta nói và chợt nhớ lại “thành tích” đánh trống của chính mình khi còn ở trường trung học Belley. Thời đó cha hay đi tới đi lui hành lang của hội trường, vừa đi vừa đánh trống để giúp các bạn giải khuây và xua đi nỗi buồn của họ. Phêrô Giulianô nói với người lính già: “Tôi cũng là một tay trống.” Người lính già đáp lại:“Hay thật! một linh mục đánh trống.” Vị linh mục hỏi: “Ông biết đánh bao nhiêu hành khúc?” Người lính nhanh nhẩu thưa: “Mười bốn.” Phêrô Giulianô đáp lại: “Tốt quá, thế thì cụ hơn tôi, tôi chỉ biết có mươi.”

Từ đó, hai người thường chia sẻ với nhau những câu chuyện về hoàng đế Napoléon và cha Phêrô Giulianô kể lại cho người lính già cách nào cha đã thấy hoàng đế đi bộ qua làng La Mure khi ông từ chỗ lưu đày trở về. Rồi với sự khéo léo, cha lái câu chuyện về cuộc lưu đày cuối cùng của Napoléon ở đảo St. Helena và tế nhị thuật lại việc hoàng đế hoán cải. Nghe đến đó, dòng lệ chảy dài xuống những nếp nhăn trên khuôn mặt già nua, người lính già xưng tội và theo gương vị anh hùng của mình, ông cũng đã hoán cải.

Bạo lực và những xáo trộn xảy ra khắp nơi trên nước Pháp trong thời kỳ cuộc cách mạng 1848. Ở Lyons, những biến động xã hội và chính trị được cảm nhận một cách sâu sắc. Ngành công nghiệp tơ lụa bị tác động xấu do nạn thất nghiệp cao và thường xuyên phải ngừng hoạt động. Một vài cộng đoàn tu quan tâm đến số người thất nghiệp đông đúc ấy, và đã góp phần giải quyết vấn đề xã hội này bằng cách thành lập các xưởng tơ lụa để những công nhân nghiệp dư nghèo kiếm được tiền lương mỗi ngày. Thế nhưng những công nhân chuyên ngành tơ lụa nhận thấy nỗ lực đóng góp của các dòng tu như là cách làm suy giảm công việc của họ bằng việc cung cấp những lao động tiền công rẻ. Họ giận điên lên và kéo nhau đi phá phách các cửa hiệu mới mở ra trong một số tu viện. Bạo động nổ ra gây cảnh hỗn loạn về kinh tế và lan rộng khắp thành phố.

Các cộng đoàn tu với những ngôi nhà rộng lớn và có nhiều tài sản đã trở thành mục tiêu của những vụ phá hoại. Nguy hiểm rình rập các tu sĩ còn trầm trọng hơn bởi sắc lệnh của Chính Phủ Lâm Thời ban hành tháng ba năm ấy đặt các dòng tu ra ngoài vòng pháp luật. Hậu quả của hành động ấy là các bề trên dòng phải đóng cửa nhà tập và bỏ trống các tu viện. Những thành viên tu viện được gởi trả về nhà hoặc các giáo xứ địa phương cho đến khi mọi biến động lắng dịu xuống.

Ở nhà chính dòng Đức Mẹ, một ít linh mục quyết định ở lại, trong số đó có cha Eymard. Một ngày kia trong lúc đi dạo dọc theo những con phố, cha rơi vào tay những kẻ gây rối. Khi nhận ra đó là một linh mục, họ gào lên: “Đây là một người thuộc nhóm các linh mục đó. Chúng ta hãy ném ông ta xuống sông.” Đám đông điên cuồng vì bị kích động tưởng sẽ tìm được sự thỏa mãn khi làm nhục một người mà họ cho là đại diện những kẻ đã phản bội họ. Họ tóm lấy cha và trước khi kịp quăng cha xuống sông để thỏa mãn lòng căm tức của họ thì may mắn thay một người trong đám đông hét to: “Không, không, không phải các ông linh mục ấy! Đây là cha Eymard, là người bạn của các công nhân.” Một giây phút lưỡng lự trôi qua, tiếng gào thét ngừng lại. Cha Eymard nhận thấy những cặp mắt nhìn đăm đăm vào mình và những cái đầu chậm rãi gật gù vì đã nhận ra cha là bạn của họ, nhờ đó cha thoát nạn!

Đám đông này không thả cha ra, nhưng đổi hướng, từ bờ sông họ bắt đầu đi ngược lên nhà chính của dòng, giờ đây những lời nhạo báng thành những lời hoan hô. Họ tháp tùng cha về tu viện, vừa đi vừa hát những bài ca “cách mạng”. Khi đặt cha ở ngưỡng cửa tu viện, họ hứa bảo đảm sự an toàn cho cha và cho các linh mục khác trong dòng với việc treo cờ tam tài trước cổng tu viện.

Ít ngày sau, khi đã được hồi phục từ sự cố ấy rồi, cha lại can đảm ra phố, lần này cha tìm gặp đám đông đang làm việc trên công trường và cám ơn họ đã bảo vệ cha. Cha Eymard đã viết về sự cố ấy cho chị cha:

“Em nghe nói chị lo lắng vì những biến cố xảy ra ở Lyons và xảy ra cho em, nhưng xin chị yên tâm vì em luôn được bình an; em chưa bao giờ gặp nguy hiểm. Em và các bạn còn được cấp cho một lính gác trước cổng nhà, và chúng em có thể ra ngoài trong chiếc áo dòng mà không sợ sự cố gì.”

Điều kiện thể chất của cha Eymard tiếp tục cần được theo dõi. Công việc thường tác động đến sức khỏe của cha. Cha nói với các chị của mình: “Em không ngờ thời gian trôi đi nhanh quá, và mỗi đêm em tự hỏi làm sao em có thể làm được một việc nào đó. Chứng đau đầu của em bắt đầu trở lại, và có lúc em bị nó hành hạ. Và các chị biết đấy, thực tế không có thuốc gì trị dứt nó được.” Do những cuộc giao tranh năm 1848, dường như một tai của cha đã bị tổn thương vì tiếng đại bác nổ. Qua nhiều năm, tổn thương ấy càng trầm trọng và sau cùng cha hoàn toàn bị điếc bên tai ấy.

Những tháng đầu năm 1849, công việc lần đầu tiên đưa cha đến Paris. Ở đó cha làm việc trong nhà dòng Đức Mẹ nhưng cha cũng nhân cơ hội ấy đi thăm cung điện Versailles đã mở cửa cho công chúng vào xem sau vụ hành quyết vua Louis XVI. Giống như phần lớn các giáo sĩ, trong và sau thời kỳ cách mạng, cha luôn có thiện cảm với phái bảo hoàng, nhưng đồng thời cảm thấy đau buồn vì có quá nhiều người nghèo và điều kiện sống của giai cấp công nhân thật tồi tệ. Vì thế người ta không có gì ngạc nhiên khi thấy cha quỳ gối cầu nguyện ngay tại nơi vua Louis XVI bị hành quyết, và sau này cha kể lại ngày hôm đó cha đã buồn bã và cầu nguyện thế nào cho “vua thánh Louis XVI”. Cũng trong thời gian đi thăm Paris ấy, lần đầu tiên cha gặp gỡ Raymond de Cuers là người sau này đã cùng cha chia sẻ cơn đau sinh nở ra cộng đoàn mới để tôn sùng Thánh Thể. De Cuers sống ở Paris với nhạc sĩ dương cầm Hermann Cohen mới trở lại đạo, cả hai đều tham gia Hội Chầu Đêm, một tổ chức có mục đích động viên việc cầu nguyện ban đêm trước Thánh Thể. Cha Eymard đặc biệt cảm động với việc thực hành và tôn sùng Thánh Thể mà cha chứng kiến ở Paris.

Năm sau, cha được đề cử đứng ra xin phép tổng giáo phận Lyons cho một nhóm giáo dân muốn thành lập một tổ chức chầu đêm trong thành phố ấy. Một năm sau cha chủ động đến gặp và mời Mẹ Dubouché thuộc Dòng Ba các chị em phạt tạ thiết lập cộng đoàn tại Lyons. Ngày 29 tháng 1 năm 1851, cha Eymard khánh thành hội dòng mới thành lập này ở Lyons và cung hiến hội dòng cho Thánh Thể trong thánh lễ cử hành ngay trong nhà nguyện của họ.

FOURVIÈRE

Chỉ mới mấy ngày trước đây, vào ngày 21 tháng giêng, cha Eymard đã có một kinh nghiệm tôn giáo trong đền Đức Bà Fourvière ở Lyons. Từ thời điểm đó, cha bắt đầu theo đuổi một ý tưởng mà ít lâu nay cha đã quan tâm: đó là thành lập một nhóm người nam chuyên tâm lo việc chầu Thánh Thể như Mẹ Dubouché đã làm cho nữ giới. Cha đã cầu nguyện cho dự án này trong một thời gian khá dài. Cha phác họa ý tưởng ấy trong một bức thư trình bày dự án cho cha Colin, đề ngày 3 tháng 2 năm 1851:

“Sau khi suy nghĩ kỹ, cầu nguyện nhiều và nghe những lời khuyên bảo, cuối cùng tôi quyết định bày tỏ với cha một suy nghĩ mà tôi đã chống lại lâu nay; suy nghĩ ấy luôn theo đuổi tôi, trách cứ tôi cứ giả điếc trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Đó là một ngày nọ ở Fourvière (21 tháng 1) tôi đã bị tác động mạnh mẽ bởi ý nghĩ:....”

Bức thư tiếp tục thuật lại mối quan tâm sâu xa của cha đối với nhu cầu phát triển dân Chúa, và Thánh Thể có thể đáp ứng cách hiệu quả cho những nhu cầu ấy như thế nào. Nhận thức sâu sắc của cha đối với Thánh Thể ngày càng tăng cùng với tính mẫn cảm trong việc tông đồ càng làm nổi bật những lý do phải thành lập một nhóm người chuyên tâm chầu Thánh Thể. Đó chính là lời giải đáp cho những thực trạng tôn giáo sau đây mà cha nhận thấy cần có một giải pháp: (1) Sự thờ ơ về tâm linh của các linh mục triều; (2) Giáo dân thiếu sự hướng dẫn về tâm linh; (3) Thiếu lòng sùng kính Thánh Thể và có sự xúc phạm đến Thánh Thể. Ý tưởng thành lập một nhóm người để phục vụ Thánh Thể được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những lo lắng về việc tông đồ. Cha Eymard thấy Thánh Thể là phương tiện để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tâm linh của giáo sĩ và giáo dân. Cha cũng nhấn mạnh rằng Thánh Thể phải được thờ phượng và trở thành nguồn sức mạnh cho việc phát triển tâm linh con người.

Dòng Ba Đức Mẹ

Cho đến thời điểm ấy, cha Eymard luôn hoạt động tích cực cho Dòng Ba Đức Mẹ mà cha Colin đã giao phó cho cha. Đó là một nhóm giáo dân liên kết và cùng chia sẻ linh đạo với Cộng Đoàn Đức Mẹ. Cha Eymard nhận trách nhiệm với thái độ rất nghiêm túc, và với mối quan tâm và dự kiến của cha về sự phát triển Dòng Ba bao gồm việc thánh lập những nhóm riêng biệt cho các ông đã lập gia đình, các ông sống độc thân, cho các phụ nữ. Cha dành phần lớn thời gian cho việc phát triển tâm linh của mỗi nhóm này với các cuộc họp hàng tháng.

Cha cũng nhiệt tình chăm lo cho sự tiến bộ tâm linh của các thành viên trong Dòng Ba Đức Mẹ mà cha đã xin được sự chấp thuận chính thức của Rô-ma. Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX đã chính thức phê chuẩn Dòng Ba này. Cha Eymard rất vui mừng trước tin ấy, nhưng hết sức bối rối khi trình bày “sự việc đã rồi“ cho cha Colin, Bề Trên Tổng Quyền. Cha Colin tức giận vì “sáng kiến” của cha Eymard đã xin sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng mà không cho mình biết hoặc xin phép mình trước. Điều mà xem ra cha Eymard chỉ coi như sáng kiến của lòng nhiệt thành đơn sơ, lại thường bị giải thích là một hành động do người khác xúi giục. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, lần này cha đã vượt qua những giới hạn của sự chừng mực. Hậu quả là sự cố ấy hầu như phá vỡ quan hệ của cha với Bề Trên Tổng Quyền.

Sau đó ít lâu, cha Eymard thôi đảm nhiệm Dòng Ba Đức Mẹ và được bổ nhiệm làm giám đốc trường trung học Đức Mẹ ở La Seyne sur Mer. Mùa thu 1851 cha rời Lyons, để lại phía sau nhiều bạn bè và những thành viên yêu quý của Dòng Ba Đức Mẹ và khởi hành đi xuống miền Nam nước Pháp.

LA SEYNE-SUR-MER

Trường trung học Đức Mẹ ở La Seyne-sur-Mer thuộc về giáo phận địa phương, nhưng việc quản lý được giao cho các cha dòng Đức Mẹ. Nó nằm trên bờ biển Địa Trung Hải trong miền đất của Côte d’Azur, khoảng giữa đường từ Marseilles đi St. Tropez. Ngay khi đến nhiệm sở, cha Eymard thi hành nhiệm vụ mới với cùng một nghị lực và tính kiên định như khi đảm nhận những nhiệm vụ khác. Nhiệm vụ mới này đòi hỏi gắt gao nghị lực và tài năng của cha vì trường học hoạt động ì ạch và gần như sắp đóng cửa; tuy nhiên lòng nhiệt thành năng nổ của cha đã vực nó dậy. Cha viết về những ngày ấy như sau:

“Đời tôi là một cuộc sát tế liên tục. Từ sáng sớm tới khuya mọi người đều chạy đến tôi. Có tiếng gõ cửa mỗi phút về hàng ngàn việc khác nhau. Tôi không có lấy một giây để mở sách hoặc cầm bút lên. Tôi không thể đọc sách thiêng liêng. Công việc của tôi rất nặng nề....Ôi, tôi bị cám dỗ muốn phản ứng cách hấp tấp vội vàng, cộc cằn và tỏ thái độ nghiêm khắc; nếu cắt ngang câu chuyện và tránh né vấn đề thì sẽ nhẹ nhàng cho tôi. Nhưng nếu tôi hành động như thế thì không hay và cũng chẳng bác ái gì cả.”

Sự tận tâm không mệt mỏi của cha đã được đáp lại. Cuối cùng cha đã có thể ổn định hoạt động của nhà trường trên nền tảng vững chắc.

Không lâu sau khi đến La Seyne, cha Eymar đã phải đối đầu với một hoàn cảnh thử thách tài lãnh đạo của cha. Hoàn cảnh xảy ra là hậu quả trực tiếp của cuộc đảo chính tháng 12 năm 1851 đưa Louis Napoleon lên cầm quyền. Nhiều nơi dân chúng đã phản ứng bằng những hành động bạo lực lẻ tẻ. Miền Toulon nơi La Seyne tọa lạc cũng không tránh khỏi việc phản kháng ấy.

Vào một đêm kia, có một đám đông tập họp lại dự định gây rối ở Toulon, nhưng âm mưu của họ không thành vì có sự canh phòng của một đội quân hùng hậu ở đó, bực tức họ đổi hướng để trút sự giận dữ của họ lên trường trung học Đức Mẹ cách thành phố không xa. Được báo trước cuộc tấn công nhà trường sẽ xảy ra, cha Eymard cho các học sinh rút lui êm thắm mà không hề nói với họ một lời nào về nguy cơ sắp xảy đến. Rồi cha mời các giáo viên cùng nhau canh thức và cầu nguyện trước Thánh Thể. Chính cha Eymard đã thuật lại sự cố ấy cho các chị của cha:

“Người ta đã báo động cho chị về hoàn cảnh của chúng em ở đây. Quả thật chúng em đứng trước một nguy hiểm lớn. Em sắp bị giết và thiêu cháy cùng với ngôi trường mà em có trách nhiệm. Những kẻ tàn bạo ấy định triệt hạ những người đứng đầu các học sinh. Một giờ sáng ngày 7 tháng 12, hai ngàn người tiến về trường học và chưa đầy nửa giờ sau họ bỏ đi khi nhận thấy có một trong các thủ lĩnh của họ vắng mặt. Họ quyết định hoãn việc ấy qua ngày hôm sau. Ngày hôm sau chúng em được cứu thoát. Một cha xứ sợ hãi đã báo động cho em biết âm mưu của họ. Thiên Chúa nhân từ đã ban cho em lòng cậy trông vào sự Quan Phòng của Người và em đã đứng vững. Ba ngày trước đây bốn mươi phụ nữ trong nhóm nổi dậy bị bắt giam. Thật khủng khiếp khi thấy... 2000 người nổi dậy đã bị bắt giữ, ít nhất như em đã nói.

“Thiên Chúa tốt lành biết bao khi cứu thoát khu vực của chúng em. Những người đe dọa là những người xấu. Em được chọn làm một tuyên úy của họ, chí ít đối với những người trên chiếc tàu Genereux (tàu chở tù) mà thuyền trưởng là phụ huynh của một học sinh trong trường. Ngày Chúa Nhật em đến đó dâng thánh lễ, giảng dạy và thăm nom khoảng chừng ba trăm con người bất hạnh đáng thương ấy,. Chúng em đã cho họ những huy hiệu (Đức Mẹ). Một số người đã thay đổi và nhiều người đã hối cải. Em đi vào giữa họ và họ quây quần chung quanh em, nghe em nói. Than ôi, em buồn biết bao khi tự nhủ: trong số này có những kẻ sát nhân, thề dối, những người nhúng tay vào máu. Những thủ lĩnh và ông chủ của họ đáng bị khiển trách hơn cả vì đã lợi dụng những người dân dốt nát và bồng bột ở phương Nam.”

Những lo lắng của cha chưa hết. Vào mùa xuân một trận dịch bệnh sởi xuất hiện trong trường. Nhiều học sinh bị mắc bệnh, chỉ có một số ít người không bị sởi trong đó có cha thì lại ngã gục vì bệnh cúm.

Trong một bức thư gởi bà Jordan, người mà cha Eymaard đã kết nghĩa bạn bè khi còn làm giám đốc Dòng Ba ở Lyons và cha đã duy trì sự trao đổi tâm linh này suốt đời, cha đã mô tả cuộc sống ở nhà trường lúc đó như thế nào đối với cha. Bức thư đề ngày 22 tháng 2 năm 1852:

“Bà muốn tôi nói cho bà biết về tôi; đời tôi như dòng nước lũ chảy mạnh và cuồn cuộn với tiếng sóng ầm ầm gào thét. Một cơ sở giáo dục có quá nhiều biến cố xảy ra. Nguyện danh Chúa được chúc tụng! Hàng ngày tôi phải hy sinh những nhu cầu của mình.

“Mặt khác, khí hậu tốt lành, bầu trời đẹp, cảnh quang chung quanh phong phú và màu xanh cây cỏ luôn nhắc người ta nhớ đến một mùa xuân vĩnh cửu. Tôi không thể nói nhiều với bà về những cách sống ở phương Nam mà tôi hầu như không biết. Thiên Chúa đã chúc lành cho vùng này với những tâm hồn quảng đại. Ở đây có nhiều lý do hơn ở miền đất của chúng ta để thán phục quyền năng của ân sủng, vì những người phương Nam này với bản chất nhiệt thành, phong cách vui vẻ, tâm hồn dịu dàng như những vị thánh, và đã có những vị thánh lớn ở đó. Những người đến từ phương Bắc như chúng ta không thể đánh giá đúng về họ. Nhưng khi Thiên Chúa gởi họ đến với chúng ta thì Người cũng ban cho ân sủng.”

Ít năm sau, dưới sự hướng dẫn của cha, trường trung học bắt đầu phát triển. Số học sinh gia tăng và chương trình học được mở rộng. Tuy nhiên cha Eymard phải trả giá cho việc phát triển ấy. Chi phí cho sức khỏe của cha đôi khi tốn kém khá nhiều. Có lúc cha kiệt sức vì sưng phổi và bác sĩ đã yêu cầu cha không được ra khỏi giường. Lúc khác bác sĩ buộc cha phải đi nghỉ một thời gian xa trường học. Chứng viêm phổi của cha dường như do một sự cố theo lời thuật lại của cha Mayet:

“Một ngày kia, cha Eymard đi bằng xe ngựa đến nghỉ ngơi tại căn nhà miền quê của ông Mulsant, lúc đó là một nhà tự nhiên học nổi tiếng. Hai người rất thích nhau. Khi đến gần thị trấn, cha Eymard nói người chạy xe ngựa dừng lại chờ cha ít phút, anh ta đồng ý. Nhưng khi cha vừa đi khỏi thì anh ta cho xe chạy đi. Cha Eymard đuổi theo và phải chạy ba dặm mới đuổi kịp chiếc xe ngựa trong lúc nó đang leo lên đồi. Ít lâu sau khi Eymard thuật lại câu chuyện ấy, có người đã hỏi: Cha đã nói gì với người lái xe? Không nói gì cả, tôi chỉ thấy rất hạnh phúc khi vào lại trong xe.”

Một lần khác khi nhớ lại sự cố ấy, cha thú nhận: “Tôi thấy ngay rằng tôi đã điên rồ làm sức khỏe mình bị tổn hại. Nhưng tôi có thể làm gì được? Đó không phải lỗi của tôi, và không có cách nào để sửa chữa tình trạng đó. Thay vì buồn bực và nổi giận, tôi cười với các bạn đồng hành như thể không có gì chuyện gì xảy ra; tuy nhiên vì thế mà tôi mắc bệnh nặng.”

Mặc dù công việc dồn dập và sức khỏe yếu kém, cha Eymard vẫn tìm được thời gian cho mọi tác vụ khác. Khoảng cuối năm 1854, khi cuộc chiến tranh ở bán đảo Crimea lên cao điểm, binh lính và thủy thủ Pháp đến đồn trú ở La Seyne. Trung đoàn 43 phải hoãn lại việc xuất quân vì bệnh kiết lỵ bùng phát. Cha Eymard không để mất thời gian liền tận dụng cơ hội này để làm việc tông đồ như một cha tuyên úy quân đội. Cha mời các sĩ quan và ban y tế đến dùng bữa tối ở nhà trường, rồi nhờ sự quen biết đó, cha được phép đến thăm quân đội. Trong hai tuần lễ, mỗi ngày cha đến thăm các binh sĩ, nói với họ về đức tin và thỉnh thoảng cho vài người nhận “của ăn đàng”. Đến cuối cuộc đóng trại, cha tổ chức ba ngày tĩnh tâm cho họ và kết thúc với khoảng hai trăm binh sĩ lãnh nhận Thánh Thể, có một vài người rước lễ lần đầu.

Lần khác cha đến giúp cho một giáo xứ địa phương và trở thành bạn của cha xứ đó. Khổ nỗi, cha xứ thình lình bị bệnh và qua đời sau một cơn đau tim. Do những tình cảm quý mến mà giáo dân dành cho cha Eymard, giám mục yêu cầu cha tiếp tục chăm lo giáo xứ cho đến khi tìm được người thay thế. Với lòng nhiệt thành và sốt sắng lo cho lợi ích thiêng liêng của giáo dân, cha chấp nhận lời đề nghị của giám mục mà không nghĩ đến bản thân mình. Chính vì vậy mà sức khỏe cha suy yếu dần, chứng nhức đầu tái phát và cha gần như hoàn toàn suy sụp. Có những lúc bác sĩ buộc cha phải về miền quê để nghỉ ngơi. Trong bức thư đề ngày 25 tháng 4 năm 1855 cha viết cho bề trên dòng Đức Mẹ:

“Tôi vẫn cứ thế, lúc này thì đang yếu, rồi sẽ khá hơn đôi chút. Chứng ho xem ra không chịu dứt. Tôi có thể làm gì bây giờ? Thôi thì cứ để mặc kệ nó. Tôi hy vọng cha không quên lời tôi yêu cầu là cử một người nào đó đến thay tôi. Năm học vừa kết thúc và tôi cũng kiệt sức, nhưng tôi thấy hài lòng vì không lâu nữa sẽ hết trách nhiệm. Thỉnh thoảng tôi muốn đến Maubel nếu có thể. Tôi tin rằng cha sẽ không coi lời yêu cầu của tôi như dấu chỉ của sự nản lòng. Không. Ở đây các đồng nghiệp của tôi làm tốt đến nỗi tôi sẽ bất công nếu than phiền về họ. Họ đều tử tế và rất tận tâm.”

Trong thời gian cha Eymard phụ trách ở trường học, và trước đó ít lâu, sợi chỉ Thánh Thể một cách tinh tế vẫn luôn dệt nên tấm vải đời sống tâm linh của cha. Thỉnh thoảng Thiên Chúa cho cha thấy thoáng qua nơi mà Người định dẫn cha đến. Trong một loạt thư từ gởi chị Maguerite Guillot, một người bạn và một thành viên sốt sắng của Dòng Ba Đức Mẹ, cha tiết lộ mình đã để cho Thánh Thể cuốn hút như thế nào, và dù phải đi một đoạn đường dài, cha cũng sẵn sàng để theo đuổi lời mời gọi của Thiên Chúa: “Tôi phải nói với chị rằng tôi không muốn chết trước khi nhìn thấy ý tưởng cao cả và kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm trỗi dậy trong lòng tôi được thực hiện, đó là thờ phượng Chúa Giêsu trong Thánh Thể.” Trong một bức thư kế tiếp, cha phác họa chi tiết để bằng cách nào “ý tưởng cao cả và kỳ diệu ấy” từ lòng sùng tín cá nhân và riêng tư được thể hiện thành việc “sáng lập một Hội Dòng Thánh Thể”.

Sau này cha còn mô tả “ý tưởng cao cả” ấy đã đến với cha như thế nào trong một buổi sáng lúc cha đọc Kinh Cám Ơn sau thánh lễ:

“Thình lình tôi cảm thấy bị tràn ngập bởi một cảm xúc mạnh mẽ về lòng tri ân và yêu mến Chúa Giêsu, và tôi nói với Người: ‘Lạy Chúa, không có điều gì cao cả mà con có thể làm cho Chúa sao?’ Và một ý tưởng dịu dàng, bình an, nhưng cũng mạnh mẽ và rõ ràng làm tôi sung sướng đó là nếu có thể hiến dâng chính mình để phục vụ Thánh Thể.”

Những soi sáng tâm linh ấy càng trở nên mạnh mẽ và rõ ràng hơn trong suốt mười hai đến mười tám tháng sau đó. Sức cuốn hút của Thánh Thể đối với cha rất mạnh, nhưng trong một thời gian dài cha nghĩ rằng tất cả ý tưởng ấy có thể hội nhập vào ơn gọi của cha như một tu sĩ trong dòng Đức Mẹ. Tuy nhiên, điều đang thực sự xảy ra là sức mạnh của ân sủng rốt cuộc muốn kéo cha rời bỏ dòng Đức Mẹ sau khi chịu đựng quá nhiều đau khổ. Cha chiến đấu để giải quyết ơn gọi mới này đến từ Thiên Chúa với nhiều nỗi hồ nghi và lo lắng.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/ngay-mai-e-rang-qua-tre/chuong-iv-cuoc-hanh-trinh-tiep-tuc/