Trích từ Dân Chúa

Chương II: Cuộc Hành Trình Đầy Mộng Tưởng

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tôi đã phải trả giá thật đắt

Lớn Lên Tại La Mure

Phêrô Giulianô Eymard chào đời năm 1811, tại làng La Mure, nước Pháp. Cậu là đứa con sống sót duy nhất trong cuộc hôn nhân thứ hai của cha cậu với bà Maria Madeleine Pelorce. Marianne là người chị cùng cha khác mẹ, đã sống với Eymard cho đến tuổi trưởng thành. Cha mẹ cậu còn có một người con nuôi, đó là chị Nanette.

Cha của Eymard là một người lao động chăm chỉ và là một tín hữu sùng đạo. Ngoài việc chu toàn các bổn phận đạo đức thông thường, ông còn tham gia vào hội Thánh Thể, hội này chuyên nhắm đến việc đền tạ cách khắc nghiệt. Thực ra, đời sống tôn giáo ở Pháp lúc đó vẫn còn bị ảnh hưởng bởi bầu khí ngột ngạt của phái Jansenism, là một phong trào chuyên trình bày thứ tôn giáo theo cách đền tội nhiệm nhặt, nhấn mạnh vai trò của tội và sự thống khổ, chịu đau đớn và hy sinh trong đời sống Kitô hữu.

Lối tiếp cận vơí thứ tôn giáo này đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên những người tín hữu tốt lành nhưng quá đơn sơ. Cha của Eymard đã nuôi dưỡng lòng tin của cậu bằng chính tinh thần ấy. Bản thân ông đã chịu đựng nhiều nỗi mất mát: cái chết của người vợ thứ nhất và sáu đứa con, rồi đến ba người con của người vợ thứ hai cũng ra đi trước khi Eymard chào đời. Thực tại cay nghiệt đớn đau ấy đã để lại trong ông những vết thương lòng khó quên.

Cha của Eymard không bao giờ giàu có, nhưng luôn cố chắt chiu tằn tiện để tạo cho gia đình một cuộc sống căn cơ, lương thiện bằng chính sự khéo léo, chịu khó làm việc. Khi ông bắt đầu tạo dựng cuộc sống mới với Maria Madeleine Pelorce tại làng La Mure, ông đã cố bươn chải kiếm sống qua ngày bằng nghề mài dao kéo. Chẳng bao lâu, ông đã dành dụm được tiền đủ mướn một căn phòng nhỏ để làm việc tại một căn hộ ở phố Du Breuil. Sau đó ông đã mua được căn hộ kế bên, tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm xưởng ép dầu. Ông cố gắng làm việc và mướn thêm được vài người giúp việc. Chất dầu của cây cọ được xay ép bằng một chiếc cối đá lớn do sức kéo của một con lừa. Một cuộc sống khá tươm tất và ông đã có thể kiếm đủ tiền để lo cho gia đình mình gồm: vợ, một cô con gái, một cô con nuôi và cậu út Eymard. Ông và gia đình đặt hết niềm hy vọng vào cậu trai út này.

Cuộc sống lớn lên tại La Mure đối với Eymard là cuộc sống đầy hấp dẫn. La Mure từ đó cho đến nay vẫn là một nơi quan trọng nhất của khu vực xét về mặt địa thế và kinh tế. Thời mà cậu bé Eymard còn chạy rong chơi đó đây, làng La Mure là một ngôi làng bé nhỏ xinh xắn được bao bọc bởi rặng núi Alpe thật nguy nga tráng lệ, với con số khoảng 1500 cư dân sinh hoạt tấp nập.

Cha cậu nhờ có nghề kinh doanh nhỏ nên khá nhiều khách hàng biết đến. Từ khi bắt đầu phụ giúp cửa tiệm và đi phân phối dầu cho khách hàng, Eymard đã phát triển được những năng khiếu giao tiếp xã hội lành mạnh. Ngôi nhà của gia đình ông Eymard tọa lạc tại một phố chính của La Mure, trên lầu để ở và tầng trệt để làm việc. Không có điều gì xảy ra chung quanh khu phố đó mà không lọt qua cặp mắt của cậu bé hay tò mò này. Đường phố Du Breuil lúc nào cũng bận rộn vì là con đường chính nối liền thị trấn Gap ở phía Nam với thành phố lớn Grenoble ở phía Bắc.

Napoleon Diễu Hành Qua Đường Phố

Tháng 3 năm 1815, một biến cố quan trọng xảy ra làm cho làng La Mure bỗng trở nên náo nhiệt, đó là cuộc diễu binh qua đường phố Du Breuil đến Paris của Napoleon cùng với đoàn tuỳ tùng của ông khi ông vừa trốn thoát khỏi đảo Elba. Lúc đó cậu Eymard mới được 4 tuổi, đứng bên đường vẫy tay chào đoàn diễu hành của đại tướng đi ngang qua. Ấn tượng đã in sâu vào tâm trí khi cậu nhìn thấy những chiếc mũ lông gà sặc sỡ trên đầu các sĩ quan. Sau đó, cậu thích chơi trò làm lính với đám bạn bè và đòi chị gái làm một chiếc lông giả giống như vậy để gắn vào chiếc mũ của cậu.

Ngày kia, nhìn thấy một chiếc lông gà thật ở cửa hàng gần nhà, không thể cầm lòng được, cậu đã vào chộp lấy nó, chạy về nhà để gắn lên chiếc mũ của mình, cậu tưởng tượng chắc hẳn mình sẽ trông giống sĩ quan nhất trong đám trẻ ở La Mure, và điều đó đối với cậu hết sức quan trọng. Vì lâu nay lũ trẻ này vẫn chọc ghẹo cậu là "thằng bị ám mùi dầu". Bây giờ cậu có thể hãnh diện về thành tích mới này để xem chúng còn dám cười cậu nữa không. Nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài, nó đã biến thành nỗi sợ hãi khi cậu trở về nhà. Thậm chí cậu chưa kịp gắn chiếc lông lên mũ để ngắm xem nó đẹp như thế nào thì lòng tràn đầy hối hận, cậu chạy ào đến cửa tiệm để trả lại món hàng cậu đã lấy cắp. Cậu buồn giận chính mình vì đã quá bồng bột. Và trong một vài lãnh vực nào đó Eymard vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tính bồng bột này cả cuộc đời.

Như bao trẻ em khác cùng lứa tuổi, Eymard đã từng là chú bé giúp lễ trong nhà thờ xứ. Ở La Mure có tục lệ là các chú giúp lễ thường hay đi khắp đường phố rung chuông để báo cho mọi người biết sắp đến giờ phụng vụ tại nhà thờ. Các chú tranh nhau làm công tác này, vì đó vừa là một đặc ân, vừa là một niềm vui; đặc biệt nhất, chú là người sẽ loan tin cho cả làng biết trong những trường hợp có việc quan trọng sắp xảy ra. Chẳng những không nhút nhát mà Eymard còn khôn khéo nghĩ ra cách làm thế nào để giành được rung chuông trong thánh lễ buổi sáng, và luôn tìm cách thắng những đứa trẻ khác nếu cậu có thể đến nhà thờ trước. Cậu nghĩ tại sao lại không đem chuông về nhà tối hôm trước thay vì để sáng sớm hôm sau phải dậy sớm và vội vã. Đó là điều cậu thường làm. Cậu thừa cơ lấy chuông đem về nhà và bằng cách đó cậu đỡ phải lo tranh giành phiền phức.

Giống như cha mẹ và các chị, Eymard rất sốt sáng và trung thành với việc bổn phận ở nhà thờ. Lúc còn bé, mẹ và chị thường dắt cậu đi nhà thờ. Khi lớn khôn đủ để có thể đi một mình, người ta thường bắt gặp cậu vào nhà thờ viếng Thánh Thể và cầu nguyện tắt với Đức Mẹ. Nhiều khi cậu ngưng việc nhà hay việc đi phân phối dầu để làm công việc đạo đức nhỏ bé của mình. Cậu đã tìm ra một chỗ đặc biệt kín đáo để cất dấu bình dầu của mình mỗi khi vào nhà thờ viếng Chúa. Cậu hay dấu nó sau cái lu đựng nước thánh. Làm như vậy, cậu có thể lấy nó một cách nhanh chóng khi đi ra, và mùi dầu không xông lên gây khó chịu cho bất kỳ ai vào nhà thờ cùng lúc với cậu.

Những Hạt Giống Của Một Ơn Gọi

Đôi khi, cậu chơi trò làm linh mục. Khi có những bé gái hàng xóm đến cửa hàng chơi, cậu chỉ cho chúng được nếm mật dầu cọ với điều kiện chúng hứa phải tham gia vào trò chơi cầu nguyện với mình. Cậu tìm một miếng vải để làm áo lễ và lấy một cây thánh giá đeo vào cổ. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng cậu thường thích giảng thuyết hơn là cầu nguyện mỗi khi có đám khán giả trẻ em tham dự. Eymard đã đang thực tập một kỹ năng mà sau này mang lại hiệu quả rất lớn cho việc rao giảng. Tất cả mọi người trong gia đình đều chú ý đến tính năng động ngay từ tuổi thơ của một ơn gọi linh mục đầy hứa hẹn này.

Lối nhìn khắt khe của phái Jansenist về các bí tích đã ngăn cản các trẻ em không được rước lễ trước tuổi ấn định. Cho nên, để chuẩn bị cho biến cố trọng đại này, một buổi sáng sớm mùa đông trời đầy tuyết, Eymard đã cùng một người bạn âm thầm trốn đi sang một nhà thờ ở làng bên cạnh để dự thánh lễ và xưng tội. Khi cha xứ đó thấy hai cậu bé nhiệt tình đến nhà thờ dự lễ sớm như vậy đã cảm động và chấp nhận nghe hai cậu xưng tội. Còn cha xứ La Mure thì chưa bao giờ chấp nhận thỉnh nguyện của các cậu vì ngài cho rằng chúng còn quá nhỏ và chưa đủ ý thức để có thể lãnh bí tích sớm như vậy. Đây chính là tàn dư theo lối suy nghĩ của phái Jansenist. Chỉ có những dịp rất hiếm, và chỉ có những người thật sùng đạo mới được rước lễ. Nếu bạn không được phép mà cứ chuẩn bị để lãnh bí tích thì có ơn ích gì. Dầu sao đi nữa, hai cậu bé thông minh đã thắng được cha xứ và đã được xưng tội lần đầu, mặc dù tập tục địa phương không cho. Nhiều năm sau này khi đã trở thành vị linh mục nhiệt thành, và nhà giảng thuyết nổi tiếng, cha thánh Eymard thường nhấn mạnh: “Bạn rước Thánh Thể để trở nên thánh, chứ không phải vì bạn đã là thánh rồi mới rước Thánh Thể”.

Cuối cùng, vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh 16 tháng 3 năm 1823, sinh nhật thứ mười hai của Eymard cũng là ngày cậu được rước lễ lần đầu. Trong gia đình, Eymard nhìn thấy những người lớn làm các việc hy sinh hãm mình trong suốt mùa chay, và cậu coi xem họ giữ chay thế nào trước khi rước lễ. Nhờ những ảnh hưởng tốt lành ấy, trước ngày Rước Lễ Lần Đầu, cậu đã không làm bất cứ công việc thường nhật nào ngoài việc chuẩn bị cho ngày trọng đại đó. Một hôm, trời vẫn còn đầy tuyết, cậu đã đi bằng đôi chân trần lên ngọn đồi phía sau nhà để cầu nguyện. Nơi đó ngày nay vẫn được gọi là đồi Can-vê bởi vì có ba cây thánh giá được trồng trên một gò nhỏ nhìn xuống thị trấn.

Cuộc mạo hiểm hãm mình ép xác tiếp theo của cậu xem ra khó thành công. Cậu muốn ra khỏi nhà mỗi ngày mà không đem theo bất kỳ thứ lương thực nào như những người đạo đức nhất giữ chay mùa Thương Khó. Cậu dự định nhường phần ăn sáng của mình cho người nghèo. Một buổi sáng nọ, khi cậu định làm công việc bác ái bí mật này thì bị người chị bắt gặp quả tang. Khỏi cần phải nói, việc làm này đã bị nghiêm cấm ngay. Cuối cùng, ngày trọng đại đã đến và Eymard được rước lễ lần đầu. Đó là giây phút cậu không bao giờ quên được. Eymard đã chuẩn bị thật lâu và rất chu đáo cho biến cố này. Mãi ba mươi năm sau, Eymard kể lại cho một người bạn: “Chúa đã ban cho tôi biết bao ân sủng trong ngày đó.”

Cậu Phêrô Eymard đã nhập học ở trường tiểu học trong làng và học hành khá chăm chỉ. Tuy không là học sinh xuất sắc, nhưng cậu học rất chăm và đạt kết quả tốt. Chẳng bao lâu cậu đã được mười ba tuổi, cha cậu quyết định cho cậu thôi học, lấy lý do là cậu đã có đủ khả năng tính toán và ghi chép để trông coi tiếp công việc làm ăn của gia đình. Cậu đã bị đánh bại hoàn toàn. Thật đáng tiếc cho cậu bé trong bước đường học vấn. Ngay cả mẹ cậu lẫn cha sở cũng không dám can thiệp cho cậu trước thái độ cứng rắn và cương quyết của cha cậu. Còn cậu bé thì không thể hiểu được cách đối xử của cha mình. Cậu đã thổ lộ với cha cậu ý định muốn trở thành linh mục. Ngay lúc đó, cha cậu đã từ chối không muốn bàn về việc này. Bây giờ, cậu hy vọng sau khi được rước lễ lần đầu, cha cậu sẽ tán thành ý muốn trở thành linh mục của mình. Nhưng không, cậu hoang mang bối rối bởi sự từ chối của cha và quyết định cuối cùng của ông là không cho cậu được tiếp tục đi học. Cậu tự hỏi không biết có phải là do cậu đã phạm lỗi lầm gì? Hay là do cha cậu đã đặt kỳ vọng gì đó hơn là việc cho cậu tiếp tục đến trường? Phải chăng là cậu đã không chu toàn công việc nhà?

Đi Hành Hương

Thất vọng và chán nản vì thấy rằng ơn gọi mà mình hằng mơ tưởng theo đuổi đang bị dập tắt dần dần vì quyết định cuối cùng của người cha, Eymard dự định xin đi hành hương tới đền thờ Đức Mẹ Laus cách đó khoảng ba mươi dặm. May mắn cậu đã được phép đi. Cậu đã khởi hành về hướng Nam, theo dòng sông Drac băng ngang qua làng Corps; trước khi đến thành phố Gap, cậu đã rẽ sang hướng Đông Nam để đi đến đền thờ cách thành phố Gap khoảng mười cây số. Đến nơi, lập tức cậu vào trong nhà thờ để trút hết tâm sự dưới chân Đức Mẹ.

Sau lần Đức Mẹ hiện ra với một bé gái nhà quê, đền thờ Đức Mẹ Laus đã trở thành một nơi hành hương nổi tiếng vào cuối thế kỷ XVII. Trước đó không lâu, đền thờ đã được giao cho các tu sĩ Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm coi sóc. Vào ngày đáng nhớ này, cha Touche, một vị giảng thuyết có tiếng ở vùng này, đã tình cờ có mặt trong lúc cậu bé hành hương trẻ đang tiến đến trước bàn thờ Đức Mẹ. Xúc động khi nghe cậu kể cho Đức Mẹ nghe hết tâm sự của cậu, vị linh mục đã đến gặp cậu. Vẫn còn mang tâm sự bối rối về thân phận của mình, vì cha cậu đã cấm không cho cậu tiếp tục theo ơn gọi tu trì, Eymard đã nài xin cha Touche nghe cậu xưng tội và cha đã chấp nhận. Thế là cậu kể hết mọi sự cho cha nghe. Cha Touche không phải là một người dễ bị xúc động, nhưng cha nhận thấy có điều khác thường nơi cậu bé này. Sự thành thật, ngây thơ, lòng hiếu thảo mà cha nhận ra nơi cậu đủ thuyết phục cha và cha đã chấp nhận thỉnh nguyện của cậu. Eymard nhấn mạnh: “Nhưng bố của con vẫn chưa cho phép.” Tuy nhiên, cha Touche đã trả lời: “Không có gì phải bối rối. Con phải bắt đầu học tiếng La Tinh ngay. Ngoài ra, cha nghĩ, con nên rước lễ mỗi ngày Chúa Nhật.” Từ đó khởi đầu một mối liên hệ thân hữu lâu dài. Đó cũng là ngày bắt đầu của một tình liên đới khác đã khởi sự ở làng La Mure, và giờ đây đang bén rễ sâu trong Eymard. Đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, người mà Eymard đã trút mọi nỗi đau buồn và cơn hoang mang của cậu trong ngày hôm đó. Mẹ Maria đã nghe và nhận lời cậu. Tinh thần sốt mến này đã lớn lên và càng thêm sâu đậm hơn trong bao năm trời. Đức Mẹ đã đóng một vai trò quan trọng không những chỉ ngay từ những ngày khởi đầu ơn gọi của Eymard, mà còn trong suốt cả cuộc đời của cậu.

Eymard trở về nhà, lòng tràn ngập hạnh phúc và xác tín hơn bao giờ hết rằng mình sẽ tiếp tục theo đuổi giấc mơ trở thành linh mục vào một ngày nào đó. Tuy nhiên cậu vẫn chưa hiểu rõ tại sao cha lại từ chối. Cậu bé mười ba tuổi này không thể hiểu được mối bận tâm của người cha đang đặt hết hy vọng nơi cậu con trai duy nhất để gánh vác công việc làm ăn sinh lợi vật chất cho tương lai của gia đình. Lời từ chối cương quyết của cha chính là trở ngại và mối bận tâm nhất của Eymard. Tuy nhiên, cậu hy vọng với thời gian sự siêng năng làm công việc nhà sẽ khiến cho cha cậu hài lòng hơn. Chỉ bằng cách hành động như vậy mới có thể thuyết phục được cha để ông không có cớ trách cứ và bớt nghi ngờ những toan tính của cậu. Những lúc đi lại trong thị trấn, cậu đã nhìn thấy một số bạn học tiếng La Tinh ở trường trung học thị trấn. Nhờ sự chỉ dẫn của một cậu bạn nhỏ, Eymard đã biết mình cần phải có những gì để bắt đầu học tiếng La Tinh. Với sự khích lệ của mẹ, cậu đã mua được một quyển sách văn phạm La Tinh cũ.

Hơn hai năm trời, cậu đã cố gắng học tiếng La Tinh cách âm thầm. Trong những ngày nghỉ cậu thường tìm đến thăm các chủng sinh và nhờ họ sửa dùm các bài tập La Tinh. Ngoài ra cậu tự học một mình. Chỉ có mẹ và một vài người thợ làm công trong nhà biết việc cậu học như vậy. Thường thường, chờ lúc cha đi ra khỏi nhà cậu mới dám lấy sách văn phạm La Tinh ra học, làm các bài tập, hay học chia động từ và các biến cách của ngữ pháp. Những người làm công không bao giờ tố cáo cậu cho cha. Cậu cảm thấy thật vất vả khi vừa phải chu toàn công việc nhà vừa phải học La Tinh. Đối với một cậu bé mười ba tuổi như vậy quả là một sự cố gắng phi thường cả về mặt cá tính cũng như ý chí cương quyết và phải có một động lực thúc đẩy thật mãnh liệt mới có thể làm được như vậy. Chẳng có bất cứ sự hỗ trợ tích cực tức thời hay cụ thể nào, Eymard cứ kiên trì như vậy cho đến một ngày thuận tiện, cậu đành thú nhận với cha những điều mình đã làm trong suốt hai năm qua. Một ngày kia, Eymard mạnh dạn xin cha đi học, cha cậu gắt lên: “Đi học à, thật là quá tốn kém!” Eymard biết chắc rằng có bàn luận với cha cũng vô ích thôi, nhất là đụng tới tiền bạc phải kiếm bằng mồ hôi nước mắt. Cậu nghĩ có thảo luận với cha về vấn đề này cũng bằng thừa vì chắc chắn sẽ chẳng có khoản tài trợ nào cho việc đi học.

Tuy nhiên, dù cha khăng khăng từ chối, cậu vẫn một mực kiên trì. Cậu nhất quyết không phí bỏ hai năm đã đầu tư biết bao công sức để học La Tinh, cũng không hề có ý thay đổi chiều hướng theo đuổi một ơn gọi nào khác ngoài ơn gọi linh mục.

Thật đúng là “cha nào con nấy”! Cá tính mạnh mẽ mà người ta thấy nơi ông Eymard chứng tỏ ông là người tự mình cố gắng phấn đấu để trở thành một thương gia lương thiện, bắt đầu sự nghiệp chỉ với đôi bàn tay trắng khi ông bắt đầu đến La Mure, cá tính ấy in đậm nét nơi cậu con trai của ông. Cậu bé tỏ ra là người chăm chỉ và có tài tháo vát như cha. Năm nay cậu đã trở thành một thiếu niên mười sáu chững chạc. Cậu ý thức cơn giận của cha như là một thử thách.

Trường Học

Một hôm, Eymard đã tự ý đến hỏi thăm vài người bạn quen biết với ông thị trưởng La Mure cách thức xin một trong số ba học bổng dành cho học sinh nghèo của thị trấn. Cậu đã nộp đơn và nhận được học bổng. Nhưng việc cậu đi học bằng trợ cấp học bổng dành cho học sinh nghèo đã làm cho ông hiệu trưởng không hài lòng. Ông phản ứng: “Họ là thương gia, tại sao phải cấp học bổng cho con cái họ?” Mặc dù bị thua kém nhiều khi bắt đầu vào học, nhưng chẳng bao lâu cậu đã theo kịp các bạn, và trong một thời gian ngắn đã vượt qua được nhiều bạn.

Ông hiệu trưởng không hề ủng hộ cậu chút nào. Thực ra, ông quá bực mình vì Eymard đã đi học bằng tiền học bổng dành cho học sinh nghèo. Ông không để cho cậu được yên và cứ lải nhải mãi với cậu về việc này. Điều đó đã để lại một vết thương lòng không bao giờ xóa được trong đời cậu. Những năm sau, khi nhớ lại những kỷ niệm đau thương ngày đầu tiên đi học như vậy, cậu đã thừa nhận: “Tôi đã phải trả một giá quá đắt. Người ta khinh khi và làm nhục tôi. Ông hiệu trưởng tìm đủ mọi cách ép tôi phải trả tiền học phí. Ông không cho tôi rảnh rang trong giờ giải lao, thay vào đó, ông luôn bắt tôi phải đốt lò sưởi, quét dọn phòng làm việc, phòng ngủ và làm hàng trăm công việc khác cho ông. Việc đó nhắc nhở tôi mỗi ngày rằng mình là một trong ba học sinh khốn khổ nhất.”

Không chỉ Eymard là người chịu nhục, cha của cậu cũng chẳng thể chịu đựng mãi nỗi nhục khi bị coi là kẻ bần cùng. Trong một thị trấn nhỏ như La Mure, chẳng bao lâu tin đồn lan khắp nơi rằng con trai của một thương gia lại đi học trường công. Chịu không nổi, cho đến một ngày cha của Eymard đã phải lên trường để gặp ông hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng la lên: “Vâng, đơn giản là ông cứ đem cậu con trai ra khỏi trường, nếu ông cảm thấy như vậy”. Thế là cậu phải từ giã trường học, trở về nhà bên chiếc cối ép dầu, tiếp tục công việc ở nhà kho, và đi phân phát dầu cho các khách hàng quen thuộc như trước.

Một hôm, có một vị linh mục đến La Mure thăm gia đình Eymard với mục đích là muốn tìm một người phụ công việc trong bệnh viện. Cậu đã đi thăm dò và lập tức xin cha cho đi Grenoble ở với vị linh mục đó để đổi lấy chỗ ăn ở và học La Tinh. Linh mục này là người có uy tín đã thuyết phục được cha của Eymard cho phép con mình đi, vì chắc chắn ơng vẫn thích cho cậu con trai ở bn cạnh mình để học nghề buôn bán dầu mà ông hy vọng rằng một ngày kia Eymard sẽ nối tiếp sự nghiệp của ơng.

Thất Vọng và Mất Mát

Tất cả những gì xảy ra ở Grenoble không giống như những điều người ta đã hứa với Eymard và cũng chẳng giống với những gì cậu dự đoán. Bệnh viện mà vị linh mục làm tuyên uý lại là một bệnh viện tâm thần. Eymard phụ giúp những việc vặt, nhưng bởi vì công việc tuyên uý chỉ là một phần trong số những công việc của vị linh mục, cho nên dẫn tới kết quả là ông chẳng có thì giờ để dạy La Tinh cho Eymard như cậu mong ước. Cuối cng Eymard phải tự xoay nhờ vào tài khéo của mình.

Như mọi lần, sau khi làm xong các việc chung quanh khu nhà tâm thần, cậu thường mở cuốn sách văn phạm La Tinh cũ mà cậu đã nhặt được trong thư viện để học. Lúc đầu cậu thiếu niên mười bảy tuổi này còn cảm thấy hứng thú, nhưng chẳng bao lâu cậu chán ngấy với thời khoá biểu và cảm thấy hoàn toàn cô độc vì không có ai chia sẻ vui buồn và nhất là giúp cậu sửa những bài tập La Tinh. Môi trường của khu nhà tâm thần chẳng có gì làm cho tinh thần cậu phát triển. Eymard cảm thấy không hạnh phúc trong hoàn cảnh đó, nhưng động lực thúc đẩy cậu tiếp tục học La Tinh là vì để chuẩn bị cho việc làm linh mục trong tương lai. Eymard quyết tâm theo đuổi con đường tìm kiếm đó và xác tín rằng Thiên Chúa đã chọn gọi cậu bằng con đường như vậy để phục vụ Ngài. Cậu sẵn sàng hy sinh những thoải mái và cả những người bạn đồng hành để theo đuổi con đường đã chọn, con đường mà Cha Touche đã khẳng định và khích lệ cậu mấy năm trước lúc gặp cậu trong đền thờ Đức Mẹ Laus. Kỷ niệm êm đẹp đó luôn nâng đỡ Eymard và cậu thường sống lại những hồi ức này mỗi lần cầu nguyện.

Ngày kia, khi Eymard đi ngang qua văn phòng giám đốc bệnh viện, trông thấy cậu ông buột miệng la lên: “Này anh bạn, tôi nghe nói mẹ anh vừa mới qua đời.” Eymard không thể tin những lời vừa mới nghe vì cậu không hề được biết trước. Tin mẹ qua đời làm cho cậu chết điếng, toàn thân tê dại. Cậu chỉ còn biết vào trong nhà nguyện khóc cho vơi đi nỗi đau buồn. Kể từ giây phút đó Eymard nài xin Đức Mẹ làm mẹ thay cho mẹ của mình.

Eymard lập tức lên đường trở về nhà. Khi đến nơi, người ta đã chôn cất mẹ cậu xong rồi. Thế là cậu chẳng có cơ hội để nói lời từ biệt mẹ. Cha cậu ra đón cậu trong dòng lệ buồn thảm vì ông đã phải trải qua quá nhiều lần chôn cất những người thân yêu của mình. Bây giờ, Eymard biết rằng thật khó mà cha cho cậu ra đi trong lúc này. Thế là một lần nữa, cậu phải trở lại làm việc với cha trong nhà kho chứa dầu. Mặc dầu cả hai cha con cùng mang tang, nhưng chẳng ai chia sẻ cho ai. Mỗi người giữ lấy nỗi buồn cho riêng mình. Mặc d Eymard biết rằng việc cậu xin trở thành linh mục kể như chấm dứt từ đây, nhưng trong thâm tâm, cậu vẫn tin rằng việc theo đuổi mục đích của cậu mới chỉ tạm bị gián đoạn, chứ không phải bị hủy bỏ hịan tịan.

Cuộc sống tiếp tục êm trôi nơi gia đình ông Eymard, với Giulianô Eymard, chị Marianne và chị Nanette. Tháng ngày dần qua và cha của Eymard quen với cuộc sống có cậu con trai ở bên cạnh, ông nghĩ rằng cậu con trai giờ đây đã thật lòng muốn làm hoà với ông và chấp nhận tiếp tục nối gót cha mình. Nhưng ông vô cùng sửng sốt và buồn bã khi một đêm nọ, một linh mục Dòng Đức Mẹ, người đã có lần đến giảng tĩnh tâm Mùa Chay ở nhà thờ xứ, đến xin phép ông cho Eymard vào nhà tập Dòng Đức Mẹ. Ông Eymard đã lấy hết sức để chiến đấu lần cuối mong giữ được đứa con trai ở bên cạnh mình. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông hiểu rằng, trận chiến này đã quá dai dẳng và ông chẳng còn có cơ hội để thắng cuộc. Con trai của ông bây giờ đã mười tám tuổi, và cậu biết mình muốn gì. Cậu đã luôn ấp ủ giấc mộng, không thể có cách nào kháng cự lại tiếng gọi hiển nhiên này của Thiên Chúa. Chàng thanh niên có lý tưởng đã tỏ ra rất kiên trì, và còn hơn thế dám chấp nhận những đòi hỏi quá sức để đạt được ước muốn của mình. Cha của Eymard vẫn chưa nguôi được nỗi đau vì người vợ mới qua đời, giờ đây Chúa lại muốn ông dâng người con trai duy nhất của mình cho Chúa. Sự tình là như thế.

Sau chuyến hành hương ngắn đến đền thờ Đức Mẹ Laus, Eymard trở về nhà để từ biệt cha già và các chị. Vào ngày 7-6-1829, cậu đã khoác bộ tu phục của Dòng Đức Bà tại nhà tập ở Marseilles, niềm hạnh phúc trào dâng. Cậu tin rằng sau cùng mình cũng sẽ tiến tới thiên chức linh mục. Tuy nhiên khơng phải như thế là đã ổn, vì kế hoạch của Thiên Chúa lại hoàn toàn khác với toan tính của con người.

Ở nhà tập chưa dầy 5 tháng, Eymard đã ngã bệnh. Lúc đầu cậu thấy đau đầu, rồi đột nhiên lên cơn đau bụng ghê gớm. Sau hai lần thử máu, bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân căn bệnh và cho rằng bệnh tình của cậu vô phương cứu chữa. Eymard được cho về nhà để chờ chết. Cậu được bó chặt lại và đặt trên một cỗ xe ngựa rong ruổi trên con đường trở về làng quê La Mure 250 cây số dài thăm thẳm, gập ghềnh giữa tuyết trời mùa đông.

Về đến nhà, trong tình trạng mệt lả và tuyệt vọng cậu đã nằm liệt giường. Cha cậu thì quẫn trí, còn các chị thì miệt mài chăm sóc cậu đêm ngày, dần dần sức khỏe của cậu có phần khả quan. Trong thời gian dưỡng bệnh, cậu đã học chơi vĩ cầm cho khuây khỏa, và vì thế, nhiều năm sau này trong những lúc căng thẳng cậu thường chơi đàn để thư giãn. Khi cậu bình phục thì sinh hoạt của gia đình cũng trở lại bình thường. Cậu bắt đầu tập đi lại chậm chậm và tự mình làm các việc cá nhân. Khi Eymard ở trong tình trạng thập tử nhất sinh, hai chị Marianne và Nanette đã chăm sóc cậu như người mẹ chăm sóc con mình. Chính sự chăm sóc quá đáng đó đã hình thành nên trong cậu một lối sống lệ thuộc, thiếu trưởng thành, mà sau này cậu đã phải chiến đấu rất nhiều để tự giải thoát mình khỏi nỗi ám ảnh đó.

Một hôm, cha của cậu đột nhiên ngã bệnh và tình trạng sức khỏe của ông sa sút mau lẹ. Eymard và các chị đã cố gắng chăm sóc người cha kính yêu trước đây rất khỏe mạnh mà nay đã ngã bệnh trong sự đau đớn đến tột cùng. Sức khỏe của ông mỗi ngày một suy sụp. Ngày 3-3-1831, ông đã vĩnh viễn ra đi trong vòng tay của người con trai, lúc đó ông được 65 tuổi. Nỗi buồn mất mẹ hai năm trước vẫn chưa nguôi ngoai, nay lại đến cái chết của cha, làm cho niềm đau nỗi buồn côi cút của Eymard và các chị Marianne, Nanette chất chồng khôn nguôi.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/ngay-mai-e-rang-qua-tre/chuong-ii-cuoc-hanh-trinh-day-mong-tuong/