Trích từ Dân Chúa

Bắc Ninh

Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR

Lưu trú ở Bắc Ninh có một ngày, nhưng con đã được dẫn đi coi hết các phố phường. Từ nhỏ, bây giờ con mới được bước chân đến chốn thành thị, nên mặc dầu đây là một tỉnh nhỏ, nhưng đối với con cái gì cũng là to lớn khác thường cả. Phố xá ồn ào, và người ta đi lại lúc nào cũng như ngày hội. Nhất là về ban tối, người ta đi lại còn đông hơn, các cửa hiệu đèn điện bật sáng choang, có đủ mọi mầu và mọi hình thức, coi thật là đẹp! Nhưng muốn để cho những cái đồ sộ ấy khỏi quyến rũ lòng con, trên chiếc xe kéo trở về nhà trọ, mẹ đã ôm con vào lòng và cắt nghĩa cho hay những vẻ đẹp hào nhoáng ấy không phải là những cái làm cho lòng người được thỏa thích lâu bền, trái lại nó sẽ làm cho người ta cay đắng hơn, nếu người ta chỉ biết ham chuộng nó. Cho nên chỉ có một sự yêu mến Chúa là bền bĩ, và vui lòng làm trọn thánh ý Người là tuyệt mỹ.

Ở đây có một điều con chú ý đặc biệt, là tìm cách sáng chế ra đèn điện để đem về nhà quê. Nhưng con đã hết cách tọc mạch mà không tìm ra chỗ người ta để dầu. Con đã suy nghĩ lâu đến phải bỏ cả một bữa ăn mới giải đáp được cho mình rằng:

Người ta không dùng dầu trong thứ đèn này. Nhưng con lại tự vấn ngay:

Thế thì họ đốt bằng gì?

Lạ! Mầu nhiệm quá!...

Thế rồi cho đến lúc đi, con cũng vẫn chưa khám phá ra được. Con cũng hỏi mẹ về vấn đề đó, nhưng mẹ cũng chịu.

Ðến cái xe hỏa, con cũng tìm cách tọc mạch cho biết nó chạy bằng sức gì mà mạnh mẻ thế? Nhưng hỏi ai con cũng bị rầy la đến khổ!

Hữu Bằng

Từ Bắc Ninh đến Hữu Bằng, chúng con đi bằng xe hỏa. Ðây là lần đầu tiên con được đi xe hỏa, mà đã tỏ ra con sành sỏi lắm. Chỉ khổ có cái là con muốn lại ngồi ở chỗ bác lái xe, để học cho biết cái sức mạnh của nó, rồi con tính về nhà con sẽ làm theo như vậy, để khỏi phải đi bộ nữa. Nhưng mà mẹ cứ ôm ghì lấy con trong lòng mẹ, vì mẹ chỉ sợ con rơi mất.

Xe tới ga Hương Cảnh, chúng con phải xuống, và đi bộ chừng ba cây số nữa mới tới Hữu Bằng.

Ðây là một xứ đạo mới mở chừng non hai mươi năm; dân số ít ỏi, nhưng theo đạo toàn tòng. Mặc dầu, ở đây cũng phải có hai cha mới đảm đang hết công việc, vì ngoài nhà xứ ra, còn bốn họ lẽ khác nữa, rồi lại có những trại ấp phụ thuộc ở rải rác từng chỗ. Thành ra bổn đạo thì không đông, đối với tổng số địa phương, nhưng công việc thì lắm. Hiện nay Cha Yoseph Nhã làm chính xứ, và Cha Năng phụ trợ.

Chúng con đến đây với cách ăn mặc của người miền xuôi, nghĩa là dài và kín đáo hơn. Thành thử vừa đến là dân làng kéo ra xem đông như kiến, nhất là trẻ con.

Chúng con vào hầu cha xứ, rồi ở lại chơi đến hơn một tuần. Những người quen thuộc đối đãi với chúng con một cách rất niềm nở và tận tình, làm cho con vui quên không còn tưởng gì đến nhà nữa, cái bệnh sợ của con do đó cũng chấm dứt.

Trong những ngày lưu lại, con vẫn chú ý xem xét tình hình tu ở trong nhà xứ này thế nào. Và nhất là con nhận xem cha xứ Nhã có nhân đức như mẹ nói không? Việc nhận xét để biết tình cảnh tu ở trong nhà xứ, thì con không thể dò được, vì mẹ không muốn cho con đi đâu. Còn về cha Y. Nhã thì ưng hợp với ý con mọi đàng. Người coi thật không khác chi một vị thánh sống; cách người ăn nói nhu mì và đầy tình thương yêu; người coi con như con. Nhất là sau khi người nghe mẹ con kể việc con quyết chí đi tu làm linh mục; lại ao ước được đến ở với người, thì người càng tỏ trăm cách mến thương, chiều chuộng. Người còn khen con là một đứa trẻ thông minh, đạo đức, và tiên đoán chức linh mục gương lai của con sẽ đem lại nhiều kết quả tốt. Theo cách người thương yêu như thế, càng làm cho con yêu mến người hơn. Con tự nghĩ: giá mẹ đừng bắt con phải về nữa, cứ để con ở lại với người thì thích quá! Con chắc thế nào con cũng tu được.

Song thưa cha, nếu nhời cha Y. Nhã nói khen con là do sự nhận xét tinh tường và thành thật của cha, thì là một lời khen công minh. Chỉ sợ rằng nó lại là một câu nói xã giao đễ chiếm đoạt sự thành thật của kẻ ngay lành. Hay cũng có khi lời nói thì thành thật, rồi đến lúc đem ra thi hành, người ta đã đi ngược lại lúc nói?

Sau này cha sẽ rõ, cha Y. Nhã đã không thi hành đúng với nguyện vọng của Mẹ con, là dâng con cho cha, để nhờ cha giáo hóa và hun đúc nên một vị tông đồ mai sau. Nhưng ngược lại, cha J. Nhã, không những đã bỏ rơi con ra ngoài mục đích, lại còn lợi dụng làm như một tên bồi, suốt ngày khòm lưng hầu hạ người. Bao nhiêu những nỗi khổ ấy, con xin lần lượt kể tiếp hầu cha.

Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/marcel-van/tt15-bac-ninh-huu-bang/