Trích từ Dân Chúa

Rước Lễ Lần Ðầu

Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR

Thấm thoát, con đã lên sáu. Em Anna Maria Tế cũng đã gần lên ba. Cái án đi lưu của con đến đây mới chấm dứt. Con lại được về nhà, và từ đây được sống luôn bên em bé thân yêu. Nhưng cái sướng của con còn lớn lao hơn nữa, là con được sửa sang lòng để đợi chờ đón tiếp Chúa Giêsu lần đầu tiên.

Kỳ hạn này dài đến sáu tháng. Không ai có thể thấu nổi sướng vui tràn ngập trong linh hồn con, Giêsu đã để con sống trong bao lo âu, hồi hộp.

Thưa cha, quả thế, trước khi lòng con được mãn nguyện chào đón Chúa, con đã phải qua một thời thử thách liên miên. Dĩ chí đến phải nhờ có phép lạ, con mới trông được sự lòng con khao khát.

Trước hết, cái cản trở đầu tiên, là ai cũng bảo con còn quá nhỏ, chưa chắc đã hiểu đủ để xứng đáng chịu lấy phép bí tích cao trọng dường ấy. Chỉ có mẹ là người dám bảo đảm con là một đứa trẻ tuy bé bủn, nhưng rất có thể xứng đáng và luôn luôn sẵn sàng. Nhưng mẹ không dám quyết đoán, nên mẹ phải đem con vào hầu cha xứ Nghĩa, mà thưa trình mọi nhẽ.

Cha Ðôminicô Nghĩa sau khi đã hỏi con sơ lược về lễ Misa và phép Thánh Thể, thấy con thưa được rành mạch, thì người tỏ ý tán thành; còn việc cho con rước lễ vào dịp tới này, thì người lại lưỡng lự, nói với mẹ con rằng: "Thằng bé tinh khôn đáo để, y như con chị của nó (chị Lê). Nhưng cha thấy nó còn nhỏ tuổi quá, sợ sinh điều bất tiện. Tuy vậy, con hãy để cha thử. Nên từ nay, mỗi tối con cho nó vào nhà khách với các trẻ khác để cha cho người dẫn dụ thêm, và thử xem nó có chắc chắn đủ không.

Với câu nói ấy không thêm cho con được một chút lạc quan. Con lủi thủi theo mẹ về, vừa đi con vừa tỏ vẻ áy náy lo âu, con không thể cầm nổi nước mắt khi nghĩ: Việc con ao ước có lẽ chẳng thành.

Mẹ nhìn thấy nỗi lòng con âu sầu phiền muộn, liền đem lời lẽ phân giải ý nghĩa lời cha xứ nói cho con yên tâm. Lúc ấy mẹ con đang đi ngang qua nhà thờ. Mẹ liền dẫn con tạt vào và nói: Thôi mọi sự đã có Chúa lo. Mẹ con ta hãy vào đây lần hạt xin Ðức Mẹ lo liệu việc ấy cho ta. Phần em, em cứ sẵn sàng, và xin Ðức Mẹ giúp em dọn lòng cho sốt sắng. Em hãy đoan hứa với Người, sẽ không bỏ qua một dịp đau khổ nào, mà không vui lòng chịu, và dâng lên cho mẹ, để nhờ Mẹ trang điểm hồn con nên xinh tốt, cho đáng được Chúa Giêsu Con Mẹ đến viếng thăm và ngự trị.

Con gạt nước mắt, theo mẹ vào nhà thờ. Lần hạt xong, con thấy lòng nhẹ bỗng ngay đi. Con đoan hứa với Ðức Mẹ theo lời mẹ chỉ dậy. Con còn dám ra điều kiện cho Ðức Mẹ rằng: Nếu ngày hôm các trẻ được rước lấy Giêsu, mà lòng con bị bỏ trống, thì hẳn con sẽ bị một nỗi u buồn có thể chết đi như chị Thánh Ymêđa, chứ không sức nào mà sống cho đành được.

Thế nghĩa là con nài van Mẹ một phép lạ. Con gắn bó thiết tha xin Mẹ hẵm Giêsu đến với hồn con. Mà nếu chẳng thế, Mẹ sẽ phải hẵm con về trời ngày hôm ấy, để một là ở dưới đất, hai là ở trên trời, ngày hôm ấy phải có một nơi cho hai chúng con được hiệp nhau. Nếu Mẹ ẵm Giêsu xuống, thì Mẹ khỏi phải bồng con lên.

Ngày tháng trôi, lòng con cứ chập chờn trong hai mối vui, buồn. Con chỉ có thể tin vào lòng Mẹ Maria. Ngày nào con cũng đến van xin người, cũng dâng cho người những chuổi hạt yêu đương thắm thiết. Nhất nhất con chỉ lấy Mẹ là chốn cậy trông.

Mối cản trở thứ hai, không kém phần quan trọng, nhưng cũng đã làm cho lòng con lắm lần tê mê, và hầu như muốn bỏ dở. Ðó là việc phải đi học bổn mỗi tối với các trẻ ở trong cha xứ. Ðối với con học bổn thì chẳng có gì là khó. Nó chỉ khó cho con ở chỗ người ta không biết giáo dục con trẻ; người ta cũng không thèm đếm xỉa gì đến sự bộc lộ những tư tưởng tự do của chúng ra. Thành thử con trẻ thuộc thì nhiều, mà trái lại hiểu rất ít; ít là những lý lẽ căn bản cần phải biết.

Hết mọi trẻ tụ tập tới đây, chen chúc nhau như ngồi trong máy ép. Ðứng trước mặt là một ông trương râu vểnh, tay cầm chiếc roi mây quặt lại đằng sau, oai vệ đi đi lại lại như con hổ cáu. Mắt ông ta rất tinh , hễ thấy đứa nào hơi nhúc nhích, ngủ gật, hoặc không há miệng to mà gào thét những câu kinh bổn là ông ta vung roi vút liền. Cử chỉ ấy không làm cho con yêu chút nào. Ðã đành là con không dám ghét, nhưng con rất khiếp sợ trước cái vẻ oai dữ tợn ấy. Mỗi lần con nghe ông đánh đứa trẻ nào thì cả mình con nóng ran lên như bị rôm cắn, và phải lấy hết sức bình sinh mới giữ được vẻ tự nhiên trên nét mặt. Con xin thú thật rằng: Ở đây con không học thêm được một tí nào hết. Bao nhiêu những điều con học được, bởi những lẽ con thấu hiểu, chỉ là nhờ mẹ dẫn dụ cho con ở nhà mà thôi, chứ còn ở đây người ta chỉ làm con quên đi chứ không thể học thêm được.

Ôi! Như thế thì còn đâu hy vọng để con được Giêsu!

May thay, tối nào trước khi ra về, cha xứ cũng ra khảo sát chúng con. Người râu ria rậm rạp, nhưng vẻ không dữ tợn như ông Trương; bao giờ hỏi chúng con, người cũng dùng kiểu nói đơn sơ đượm vẻ dịu dàng thân mật, khiến chúng con ai cũng mến, và thưa được cách dễ dàng trôi chảy. Không như ông Trương, hễ hỏi đứa nào là đứa ấy xám cả mặt lại như gà bị cắt tiết. Ðối với cha xứ, hễ anh chị nào người khảo thuộc, thì người ban quà, hoặc khuyến khích bằng những lời lẽ thân mật; còn những anh chị kém cỏi thì người thôi thúc phải chịu khó. Còn ông Trương thì chả thôi với thúc gì cả, hễ ông hỏi mà không thưa được thì ông cứ nọc ra cho một trận là xong cả, đứa trẻ ấy về sau có nên hay chăng, ông không hề để ý đến. Cha nghĩ, giáo dục như thế đời nào có thể tạo nên cho con trẻ một chí hướng tốt đẹp được!

Phần con, cha xứ ít khi hỏi đến, chỉ có những lúc có anh chị nào thưa sai, người mới gọi đến tên con để giải thích hộ. Vinh dự ấy làm con trổi hẳn giữa các anh chị lớn, vì lần nào con giải thích cũng đầy đủ. Chị Lê cũng được liệt vào hạng đặc biệt như thế. Do đó một lần cha xứ nói với chúng con rằng: Thằng con của con mẹ Mầu (tên mẹ con) thì ta phải để ngoài sổ.

Câu nói lưng chừng ấy, làm con rất áy náy. Con không rõ ý cha xứ muốn nói gì về con. Nên con phải thuật lại cho mẹ câu người nói. Mẹ con nghe cũng lấy làm lo lắng. Nhưng mãi mấy hôm sau ra chơi nhà người mới bảo: "Cha không ngờ mà thằng bé nó tinh khôn và sắc sảo đến thế." Mẹ con lúc ấy mới an lòng, và hiểu câu người nói với con, chỉ là câu nói khen, mà đã khéo giấu ý nghĩa của lời khen.

Sáu tháng qua đi như dòng nước chẩy. Mà giờ càng lại, con càng cảm thấy lòng mình hồi hộp. Con vẫn chưa được tin cho rước lễ. Nhưng mọi sự con điều vẫn sẵn sàng, chu tất; áo mới đã may, và linh hồn phục sức đã chỉnh tề, con chỉ còn đợi tin Chúa đến. Mà sao giờ càng gần, tin ấy càng xa xăm ắng vắng! Con đã gần như chán nản, nhất là những buổi tối phải vào học bổn trong nhà xứ.

Tuy nhiên con vẫn tin vào lòng Mẹ nhân lành, và ngày nào cũng chỉ biết chạy vào lòng Mẹ để thở than. Nhờ đó, nỗi lòng đã được Mẹ thấu hiểu, và đã ban cho quá sự con ao ước.

Cha xứ vốn chưa cho con hay biết người đã ưng thuận cho con rước lần đầu, người chỉ bảo con hãy sẵn sàng và cho phép con xưng tội lần đầu một lượt với các trẻ khác. Nhưng chiều ngày áp, cũng là ngày con bước chân vào tòa mà xưng tội lần đầu tiên. Và cũng là lần đầu tiên trái tim con hồi hộp không thể nói. Lại thêm nỗi bé bủn, con phải đứng nghển cổ mà chưa thấu cửa tòa. Cha xứ thì tính vốn nóng nẩy, người không ngờ con là thằng Văn, tưởng đứa trẻ nào nghịch ngợm, vào phá rối, nên người đuổi thẳng, và lập tức ra khỏi tòa để xem. Thấy con, người mới hay, và bảo lấy ghế quì cho con đứng lên. Lúc ấy con mới dám rụt rè nhưng thành thật xưng thú hết mọi tội lỗi của con. Con xưng thú hết, cả tội cào mặt cô ở, hồi còn nhỏ của con nữa. Nghe xong, cha xứ ra việc đền tội cho con, rồi người nói: Các điều con vừa xưng thú chưa có điều gì làm cho Chúa phải buồn phiền. Mặc dầu, muốn được đẹp lòng Chúa luôn, thì con phải ra công gắng sức giữ gìn linh hồn con cho trong trắng vẹn tuyền. Người khuyên con tận tình yêu mến Ðức Mẹ. Rồi ban phép lành cho con. Sau cùng người thêm: Mai cha cho phép con rước lễ.

Ha! Mai. rước lễ. tiếng ấy như một sóng lớn xô ập vào tai con, như luồng quang tuyến thấu suốt cõi lòng mờ mịt tối đen của con. Con sung sướng quá, quên hết cả mọi sự, đến nỗi con phải hỏi đi hỏi lại cha giải tội đến hai lần mới nhớ được việc đền tội, và giá người không nhắc con quì xuống ăn năn tội, thì con cũng quên nốt.

Ở phía ngoài, mẹ đứng đợi con, thấy vẻ con hơi lúng túng, mẹ đã tưởng có việc gì xẩy ra. Nhưng khi thấy con quay ra với vẻ mặt vui khác thường, mẹ hỏi ngay:

- Sao em?

- Ha! Cha cho phép em rước lễ ngày mai.

- Ồ, đó, mẹ đã bảo em cứ tin vào Ðức Mẹ là xong cả mà.

Rồi mẹ con dắt nhau vào nhà thờ cám ơn.

Phần con, mong tin Chúa đến đã hầu như hết hơi. Nay tin ấy đã được, thật con không biết lấy gì để nói ra cho hết nỗi lòng mừng. Chiều ấy, gặp ai cũng khoe: Mai em được rước lễ. Dĩ chí chạy về nhà, con thấy con vện chạy ra đón con cũng ôm đầu nó mà khoe mai ta được rước lễ rồi vện ạ.

Tin Chúa đến còn làm cho con no say. Sung sướng làm cho con quên cả đói, con không nghĩ gì đến bữa cơm chiều và chỉ ao ước cho ngày mai mau đến. Con lại dốc lòng sẽ không ăn gì cho đến khi rước được Chúa. Con muốn giữ lòng không để khi Chúa đến, người được tự do chơi giỡn với hồn con, vì con đã xin người lấy hình con trẻ mà đến, để con được tự nhiên trao đổi tấm tình yêu bé bỏng của con. Nhưng mẹ thì lại sợ con không chịu thấu đến ngày mai, nên cứ nài ép con phải ăn cơm chiều. Con ngại ngùng, cho lời nài ép của mẹ là nghiêm khắc quá. Sau mẹ phải lập kế nói:

- "Em không ăn cơm thì thôi, em ăn cháo vậy, ăn cháo chóng tiêu, đến mai Chúa đến sẽ không còn gì nữa."

Con cho là chí lý, nên vâng lời mẹ con ăn một bát cháo cá.

Rồi từ đây, con không nô giỡn với ai nữa, con phải ở cạnh mẹ để nghe lời mẹ dẫn dụ và giúp con dọn mình; hoặc con vào nhà thờ lần hạt để xin Ðức Mẹ giúp con thêm sốt sắng.

Ðêm ấy, con nằm mà cũng chẳng chợp đi được bao nhiêu. Luôn luôn con nghe trong tâm hồn rạo rực, mơ nghĩ đến ngày mai, và giờ phút được bước lên bàn thánh để kết hiệp cùng Chúa. Ðang đêm, chốc chốc con lại dậy hỏi mẹ:

- "Ðã sáng chưa hở mẹ?"

Ô, đêm ấy sao mà nó dài thếù! Con nằm mà chỉ mong cho gà gáy sáng sớm bắt đầu.

Thế rồi sáng ấy lại, và giờ ấy đến. Giờ đến để hiến cho con nguồn hoan lạc tình ái. Giây phút này, hồi tưởng lại những ngày tháng lo âu trên con đường mờ; nào những nỗi e ngại khi phải đi học bổn, lo lắng lúc đứng trước vẻ oai vệ của ông trương; những giây phút hồi hộp không biết có được Chúa đến viếng thăm? Ô, bao nhiêu ấy nay đối lại, con không còn thấy khiếp sợ nữa. Trái lại nó còn làm cho con thêm vui sướng, và coi như những lễ vật tuyệt hạng để dâng hiến cho Giêsu trong buổi lễ sáng hôm nay.

Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/marcel-van/tt11-ruoc-le-lan-dau/