Trích từ Dân Chúa

Nhà Bá - Nơi ở mới

Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR

Con bị đem đi bằng một kế rất khôn. Thường lệ, sáng nào sau khi đọc kinh sáng, con cũng được vào buồng mẹ để thăm em bé. Nhưng sáng nay con vào mà không thấy em bé đâu cả. Con vừa khóc vừa gọi mẹ inh ỏi. Nhưng cũng chẳng thấy mẹ đâu.

Lúc ấy cô ở, ở đâu chạy lại bảo:

- Ơ! Văn khóc gì thế? Mẹ đem em đi sang bá rồi còn đâu mà tìm?

Thật sự, mẹ chỉ đem em xuống bà dùng mưu bắt con sang bá mà thôi. Con vừa nghe cô ở nói, em đã sang bá. Con thích quá reo lên:

- Thế em cũng sang bá. Cô lấy áo đẹp mặc cho em đi. Em thích mặc quần áo trắng như em bé cơ. (Từ ngày em chịu phép rửa tội, mẹ vẫn để em mặc áo trắng luôn.)

Cô ở vội vã đi lấy quần áo thay cho con; cô làm một cách sốt sắng lắm, và vừa làm vừa nói:

- Mau mau kẻo em nó trốn mất!.

Cô ở mặc áo cho con xong đâu đấy, con định chạy theo. Nhưng kìa ở ngoài sân người ta đã dọn sẵn cho con một đôi quang thúng, một bên để ít thóc nếp, còn bên kia để trống cho con ngồi. Và đã thuê sẵn một bác nhà quê cục mịch gánh con đi. Trước khi cất gánh, bác ta theo mật lệnh của mẹ, nạt nộ con đủ cách, làm cho con khiếp vía đi, chả dám ho he gì. Bác ta chau mày, vểnh râu, chóp chép miệng vài cái, rồi biến giọng è è nói:

- Liệu hồn nghe không! Muốn đi theo em phải ở cho thật ngoan, nếu khóc tao sẽ quẳng xuống sông.

Con vừa sợ, vừa tức mình, chỉ thưa lại có một câu cụt ngủn:

- Ư!

Thế rồi bác ta cất gánh lên vai, chạy phăng phăng một mạch. Cô ở nhìn theo vỗ tay cười:

- Ô hô, thế là Văn hôm nay được đi ôtô. Rồi cô còn dặn bác gánh: "Bác đi mau mau kẻo sợ không kịp em nó nhé."

Con ngoái đầu lại nhìn cô ở, và nhún mình theo nhịp bước của bác nhà quê với vẻ mặt hân hoan thích chí.

Ði theo con, có bá Khánh và mấy người đàn bà khác ở quê bá nữa.

Ra khỏi cổng làng, con chú ý nhìn lên phía đê và hỏi bá:

- Em cháu đâu bá nhỉ?

- Nó đi xa rồi, ta phải đi cố lên cho kịp mới được.

Rồi bá lại dặn bác gánh:

- Lúc nào bác trông thấy em, bác bảo nó chờ cháu Văn với nhé! để anh em đi với nhau cho vui.

Mọi người lại yên lặng đi, thỉnh thoảng bá lại cất tiếng lên đọc kinh, ngắm đàng thánh giá, hoặc lần hạt.

Làng Ngăm cứ dần dần thụt lùi lại. Sang bên kia sông, con chỉ còn có thể thấy mỗi cái chỏm tháp nhô hẳn lên khỏi các lũy tre. Rồi cũng từ từ biến mất.

Con ngạc nhiên, mãi không thấy em. Nghĩ đã muốn khóc. Nhưng bác gánh lại dọa:

- Ông quẳng xuống sông bây giờ.

Tức khắc con lại phải yên.

Ði trên sườn đê được một quãng xa. Người ta gánh con tắt qua các đường ruộng. Lúc ấy tất cả con điều chìm lỉm dưới lúa xanh. Con không thể nhìn xa hơn được nữa, chỉ thấy lúa cao xanh và thỉnh thoảng nghe tiếng gió lướt rào rào trên ngọn lúa.

- Em đâu mãi không thấy? Con đã ấm ứ khóc, và đòi quay trở về. Nhưng bá lại dỗ và yên ủi:

- Cố chút nữa, ra khỏi đồng lúa này là khác thấy em.

Con thấy yên tâm, và với tay ra hứng những giọt sương còn đọng trên lá lúa để uống, hoặc đập rụng, coi chơi cho vui. Rồi không biết làm sao, con ngủ mất. Ðến lúc nghe chó sủa, và tiếng ồn ào gọi:

- Văn ! ha, mẹ đem Văn sang. con giật mình thì ra đã đến nhà bá rồi.

Các anh chị con xúm xít lại bên con, kẻ bế, người ôm, đủ cách thân mật, làm con quên bẵng ngay em bé đi. Mãi đến lúc ăn cơm con mới nhớ đến những bữa con được ngồi cạnh mẹ, con mới nghĩ đến em bé và mẹ. Con hỏi:

- Em cháu đâu hở bá?

- Cháu cứ ăn cơm đi đã, em bé có lẽ còn đang đến. Gớm! nó nhỏ thì nó phải đi chậm chứ.

Nói rồi bá nháy một cái cho các anh chị con hiểu. Chẳng may, chính con lại hiểu cái nháy ấy hơn ai hết. Con liền oà lên khóc, vứt cả bát cả đũa đi, và đòi về cho bằng được với em bé.

Bá lại phải dỗ dụ con mãi, con mới chịu nín. Rồi sau đến các anh chị con bày hết cách thế để làm con quên nhớ đến em bé đi.

Mặc dầu, con vẫn nhè, và suốt một tuần lễ, ngày nào con cũng đòi về. Nhưng qua tuần lễ ấy, con thấy mình bất lực, nên đành chịu ở với bá vậy, đợi cho đến khi nào em mở mắùt sẽ về thăm.

* * *

Ở nhà bá, tất nhiên, con không bao giờ thấy mình được thỏa thích như ở gia đình nhà. Một đàng nhà bá còn nghèo, lại thêm nỗi mẹ góa, con côi. Chồng bá mới chết, để lại cho mình bá bốn đứa con còn dại, tuy nhiên, ba anh chị lớn, hai anh trai, và một chị gái, đã có thể giúp bá trong công việc đồng áng.

Nhưng không vì đấy mà con bị gia đình bá nhửng nhưng. Trái lại, con rất được thương yêu chiều chuộng, đôi khi còn có thể hơn ở nhà nữa.

Bá lúc nào cũng sẵn sàng chiều theo ý con, và nhiều khi còn đi quá những sự con mong ước. Một cử chỉ như thế này, con thuật lại đây, chắc cha cũng không thể khỏi cảm động:

Như con vừa nói, nhà bá nghèo. Do sự nghèo nàn ấy, khiến bá phải tiết kiệm đến từng hột gạo. Nhà bá bao giờ cũng phải ăn cơm trộn, hoặc với khoai, hoặc ngô (bắp). Thế mà đối với con, bá thổi hẳn cho một niêu cơm riêng không có pha lẫn một hột ngô hay củ khoai nào. Bữa ăn nào con cũng có món đặc biệt. Sự biệt đãi ấy đối với con xem ra không có gì là biệt đãi cả. Con chỉ cho là sự thường, vì ở nhà con cũng ăn như thế.

Nhưng sau này khi con đã biết rộng lượng, đắn đo, con mới rõ, đó là một ơn đặc biệt, mà vì yêu cháu, bá đã chú ý cho cháu đến từng hột cơm.

Thêm vào những cử chỉ thương mến, nồng hậu của các anh chị con nữa. Lúc nào, và bao giờ con cũng được các anh chị ấy coi con như một đứa em cưng nhất của gia đình. Con muốn gì được nấy. Và hầu như có lúc các anh chị phải hy sinh một sự thiếu thốn nào, để thỏa lòng chiều đãi đứa em cưng.

A ! có bao giờ hồi tưởng lại mà con khỏi cảm động, khỏi sa một vài giọt nước mắt vì cảm mến những tấm lòng độ lượng ấy.

Các anh chị con, phần lớn đã phải sống khó khăn trong cảnh nghèo nàn, nên thường những cái hy sinh kia không làm cho các anh chị phải cực phiền lắm. Song đối với con, con cho thế là đã to tát lắm rồi, và đời con sẽ không còn biết lấy gì mà đền bồi cho cân xứng được. Chỉ có một nơi cho con nương dựa vào mà đền ơn đáp ngãi. Ấy chính là lòng Chúa hay yêu thương vậy.

Ðến đây, dường như con đã lạc đề? Trên kia con vừa nói: Sự thoả thích ở bên bá, đối với con không được như ở gia đình nhà. Cớ ấy đã đành vì ở bên bá các gia đình công giáo phần thì ít và sống chung lộn xộn với những gia đình bên lương, lại là một họ lẻ không có cha xứ. Thành thử sự đạo khô khan, và hầu như không có.

Trái lại, ở quê con thì khác, lòng đạo của dân làng bao giờ cũng tấp nập, sầm uất đi đâu cũng chỉ nghe văng vẳng bên tai những lời đạo đức sốt sắng. Trẻ con phần đông vui vẻ lễ độ và chăm chỉ trong việc đọc kinh, xem lễ. Cho nên trong gia đình cũng như ngoài làng mạc, ở đâu con cũng cảm thấy một thú vui thanh lịch. Con lấy làm thỏa thích, là sự được hưởng những thú vui của một làng quê công giáo, sống dơn sơ với một tinh thần tươi sáng của đức tin.

Bên quê bá thì không có thế. Tuy gia đình bá vốn vào hạng những gia đình đạo đức, nếu không, mẹ đã chẳng đời nào dám liều lĩnh gửi con vào một nơi như thế. Nhưng đối với một đứa trẻ như con, bị gò bó luôn trong gia đình cũng là một cái khổ lớn. Mặc dầu nó vẫn được trăm nghìn sướng khác bồi đắp cho.

Các anh chị con, cũng như con, không bao giờ bá cho phép bén mảng đến chơi với những trẻ con vô đạo, vì hầu hết chúng là những phường vô luân, ăn nói tục tằn, không biết một chút lễ phép nào. Bởi vậy chúng con vẫn phải sống quây quần với nhau trong nhà mà thôi, ít khi được phép đi ra đến làng.

Nhưng các anh chị con thì ngày ngày phải ra đồng làm việc, chỉ trừ một anh, là con bé út của bá, suýt soát tuổi với con, được ở nhà làm bạn với em. Tuy thế, chơi với anh, con chẳng được vui hơn một tí nào. Anh sống hầu như chưa hiểu một tí gì về Chúa, kinh hạt đã chẳng thuộc, lại còn ăn nói ngọng ngược, chả ra đâu vào đâu. Nhất lại có thói hay nói tục. Anh vẫn chưa quen làm dấu Thánh Giá, thế mà hễ hơi phật lòng một tí là anh văng tục ra trơn như húp cháo.

Một hôm, lần đầu tiên con nghe anh chửi con mèo, con lấy làm khiếp quá, nói với anh:

- Anh mách tục thế, sau có phải xuống địa ngục, thì quỉ nó bắt uống lửa đấy.

Anh đáp:

- Ai ảo ày ế? (Ai bảo mày thế?)

- Mẹ em bảo thế.

- Ỷ ói áo, ẹ ày ã uống ịa ục âu à iết (chỉ nói láo, mẹ mày đã xuống địa ngục đâu mà biết).

Chẳng may bá ở trong bếp nghe tiếng Bá liền gọi anh lại, và bảo:

- Há miệng ra. Rồi bá lấy cái đầu que đòi còn đang cháy, giơ lên trước mặt anh, và tiếp:

- Ta không cần phải bắt mày đợi cho đến lúc xuống hỏa ngục. Hôm nay ta hẵng cho mày thử lửa xem có chịu được không đã.

- Ậy ẹ, ong in ẹ a o (lậy mẹ con xin mẹ tha cho)

- Thế ngày rầy đã chừa nói tục chưa?

- Ong ừa ồi. (con chừa rồi)

- Mà có tin rằng qủi nó sẽ bắt những đứa trẻ nói tục, phải uống lửa không?

- Ưa ẹ ó. (thưa mẹ có)

Từ đấy hễ lần nào con nghe anh nói tục, con đe mách bá, là anh khiếp liền.

* * *

Ở bên bá, lâu lâu con lại được về thăm em bé. Lần đầu tiên về, con thấy em bé đã mở mắt, con vui sướng quá. Bao nhiêu những đồ chơi đẹp, cả "Giêsu Con" của con nữa, con cũng đem ra khoe và tặng cho em. Song em rất khờ khạo, không biết gì đến những cái hay cái đẹp trong những món đồ chơi quí hoá ấy, dĩ chí đem đập bẹp cả "Giêsu Con" ra mà không biết tiếc xót. Con thì con ân hận vô cùng, và lấy làm tội nghiệp cho "Giêsu Con" hết sức. Mới hôm nào, còn ở trên tay con, mắt mũi còn vui tươi, tay chân lành lạnh. Nhưng khi đã chuyển sang tay em bé thì thôi, mặt mũ méo mó, tay chân rời rụng, không còn có vẻ gì là đẹp nữa. Con thương tiếc và khóc "Giêsu Con" mãi. Về sau mẹ phải mua cho một "Giêsu Con" khác, lớn hơn, nhưng lại bằng đất, nên con ít thích hơn.

Người ta đã đặt tên cho em con là Tế. Cái tên ấy đã được lựa lọc để nối sau cái tên Văn cho đầy đủ nghĩa.

Ngày nào con được ở nhà, thì con cũng chỉ thích quây quần chơi chung với em Tế, con tập cho làm dấu và kêu tên Ðức Mẹ. Con mong nhất là em mau biết nói để chúng con có thể lần hạt chung với nhau. Nhưng những giây phút được sống bên em bao giờ cũng vắn vỏi. Cùng lắm là con được ở nhà một tuần lễ bên em, rồi lại phải rời xa hằng hai ba tháng ở bên bá.

Lâu dần, cái thú đi lại làm con bớt nhớ nhung. Con lấy sự ở bên bá cũng thỏa thích bằng ở nhà. Vả lại, ở bên bá con còn được cái thú đi leo núi, và đi chơi thuyền trong mùa nước lớn.

Thỉnh thoảng gặp những buổi trời đẹp, bá cho phép con theo các anh chị ra đồng chơi. Các anh chị con thì mải làm việc, còn con một mình leo núi.

Lần đầu tiên được leo núi, con cảm thấy hơi sờ sợ. Nhưng sau con dạn dần, lại chỉ thích trèo lên những chỗ thật cao, để nhìn được xa hơn, và những chỗ ấy con cho là gần trời nhất, để con có thể lần hạt một cách gần gụi với Ðức Mẹ hơn. Khi ấy con chưa biết nhìn trời mây để suy gẫm, con chỉ biết nhìn trời mà lần hạt. Trong ý tưởng con bao giờ cũng chắc chắn Ðức Mẹ nhìn con cách dễ dàng hơn khi con ngồi ở nhà. Rồi hễ hết lần hạt thì con lại tìm cách chơi bắt chước các thánh tu rừng, vừa đi nhặt củi vừa đọc kinh to tiếng, hoặc nhặt đá để xây đền Ðức Mẹ. Con không thể dựng lều một mình được, nên chỉ chọn những bóng rợp của cây cối làm lều trú chân. Con dựng ở gốc cây ấy một cây thánh giá, làm bằng hai đẫn củi, rồi con quì gối chấp tay cầu nguyện, hoặc đấm ngực ăn năn như một ông thánh tu rừng đặc biệt. Con chơi, tuy chỉ có một mình, nhưng những cách chơi ấy đối với con không bao giờ chán. Cũng có lần thầy tu rừng ấy chơi mệt, rồi lăn ra gốc cây ngủ quên cả giờ giấc, đôi khi phải có các anh chị lên đánh thức mới biết giờ ăn đã điểm.

Bá có thói quen này, là hễ ngày cho con đi chơi đâu, thì tối về bá lại gặn hỏi con từng điều tỉ mỉ, và bắt phải diễn tả tất cả những cách con chơi và ăn nói thế nào, cho bá nghe. Thành thử tối nào nhà bá cũng có truyện vui để mà cười.

Sau khi đã làm trọn phận sự cho mọi người vui, con mới được các anh chị đọc truyện các thánh cho mà nghe. Con rất ham nghe đọc truyện các thánh và nhớ kỹ cả từng điều tỉ mỉ. Và hễ con nghe đọc truyện thánh nào thì con dốc lòng ngay, mai em sẽ bắt chước ông hoặc bà thánh ấy. Do đó, các anh chị con thường gọi giỡn con là thánh bỏ túi, có nghĩa là thánh tí hon. Nhưng con thì con lại tưởng mình sẽ không bao giờ là thánh, vì còn sợ đánh tội lắm.

A! thưa cha đáng kính, tất cả những câu truyện tỉ mẩn tương tợ như trên con có thể kéo dài ra hằng mấy trăm trang. Nhưng con thiết tưởng không cần phải dài dòng đến thế. Nên con chỉ xin kết tóm lại rằng: Ði đôi với cảnh sống bên ngoài, linh hồn con cũng được những thú vui thiêng liêng vỗ về mơn trớn. Con có thể nói: Con đã sống với Ðức Mẹ, luôn luôn bên Ðức Mẹ. Nên đã được bàn tay Mẹ dịu dàng ôm ấp; ban cho con ơn ham chuộng những cảnh sống thanh bình như các thánh, xui ý con luôn luôn hướng về Mẹ; và đã gạt ra khỏi lòng con hết mọi nổi u buồn sầu thảm.

Ôi! Nhưng có phải là con đã trung thành luôn được như thế mãi. Cha đáng kính, thật con quả đã đáng phải chịu một thời u ẩn. Vì đã một thời tuy không lâu, con đã trễ tràng trong việc lần hạt, sức sống hằng ngày của con; có lẽ vì con ham chơi. Cớ đó, tự nhiên con cảm thấy mất vui, cái thú vui mà con cảm thấy nó như một động lực mạnh mẽ làm cho đời con nên tươi sáng và hoạt động. Nhưng từ ngày con quên lãng việc lần hạt thì cái thú vui ấy cũng sa sút dần ở trong con. Ðến nỗi bá và các anh chị con đã e ngại, sợ con có lẽ đã sắp sửa ngã bệnh nặng. Con lại trở về với cái tật làm nũng, ưa vòi, bất nhẫn, và nhất là hay ra nước mắt.

Nhưng Ðức Mẹ đã vội vàng cho con tìm thấy căn do và thôi thúc con mau mắn buộc lại mối giây thân mật với Mẹ bằng sự chịu khó lần hạt.

Con chịu khó lần hạt hằng ngày, thì Ðức Mẹ lại đưa mắt dịu dàng nhìn xem con, lại ban cho con có những ngày sống êm tươi; con lại được vui, lại cười, lại hăm hở tiến lại gần Chúa là mạch sống con hằng tìm kiếm chẳng khi đừng.

A! Ðức Mẹ thương con thế, đời nào con lại có thể quên không mến Mẹ!

Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/marcel-van/tt10-nha-ba-noi-o-moi/