Trích từ Dân Chúa

Ý nghĩa việc cầu nguyện cho những người thân yêu

ĐÔ Nguyễn Quang Sách

Qua sự cầu nguyện, Chúa Cha đã kêu gọi chúng ta hợp tác với các ý định của Người. Người cho phép chúng ta đóng góp vào những ân ban và những trợ giúp Người dành cho nhân loại. Thật vậy, qua sự cầu nguyện chúng ta có thể xin được cho tất cả những kẻ thân quen và thương yêu những của cải thiêng liêng và vật chất. Chúng ta biết rằng, một lời cầu nguyện, dù thế nào đi nữa, cũng không bao giờ mất hiệu nghiệm, và kẻ nào chúng ta cầu nguyện cho, nhất thiết đều nhận được những ơn lành và những lợi ích qua những lời cầu xin chúng ta gởi lên Trời. Quyền năng Thiên Chúa, nếu không ban cho như mình xin, thì cũng ban cái gì đó tốt hơn cho người liên quan, và một cái gì đó thực sự đáp ứng những ước muốn thầm kín của người cầu xin. Không có lời kinh nào mà không được nhậm lời: đó là một sự thật cho phép chúng ta hiểu giá trị mà Chúa Cha gán cho những điều ước mong mà chúng ta bày tỏ với Người.

Ðối với những người đã qua đời, vai trò của sự cầu nguyện cũng đáng ngạc nhiên lắm, và nó biểu lộ tầm quan trọng của sự hợp tác chúng ta với quyền năng của Thiên Chúa. Chúa Cha muốn ban hạnh phúc của Người cho con cái Người đã chết bình an trong tình bằng hữu với Người. Nhưng, một số người không thể vào ngay cõi phúc thiên đàng, do những thiếu sót chuẩn bị cá nhân lúc họ bước vào cõi bên kia. Họ phải trải qua một cuộc tinh luyện; chúng ta biết cuộc tinh luyện này rất đau khổ, nhưng chúng ta không thể diễn tả nó được. Ðiều huyền diệu của ý định Thiên Chúa, là qua những lời kinh và những lễ vật của chúng ta, chúng ta có khả năng xin cho họ được giảm bớt đau khổ và rút ngắn thời gian đau khổ thử thách. Cho nên, vì lòng nhân lành của người Cha luôn sẵn sàng chấp nhận lời cầu khẩn chúng ta, chúng ta có thể làm cho người đã qua đời tiến nhanh đến thời điểm họ được hưởng hạnh phúc cuối cùng. Mặc dù chỉ có quyền tối cao của Chúa Cha quản trị những số phận con người bên kia cũng như trên mặt đất, nhưng chúng ta có quyền can thiệp hữu hiệu giúp những người chúng ta thương yêu và có quyền mở cửa nơi cư trú thiên đàng cho họ.

Như vậy, người ta hiểu được rằng: Giáo Hội cử hành ngày Các Linh Hồn bằng một cố gắng mãnh liệt hơn về sự cầu nguyện. Tập quán trang hoàng các bông hoa trên ngôi mộ là một biểu thị rất đẹp của những mối thân tình vẫn tiếp tục tồn tại với người qua đời. Nó chứng tỏ rằng tình yêu đối với người thân tiếp tục sống sau sự chia ly do cái chết. Nhưng quan trọng hơn, đó là dấu chứng tình yêu qua sự cầu nguyện. Sự cầu nguyện, thật vậy, không những là một sự tỏ bày lòng kính trọng với những người chúng ta đã yêu thương và còn tiếp tục yêu thương, mà còn nhắm xin Trời cải thiện số phận những kẻ qua đời: nhờ sự cầu nguyện, chúng ta mang đến sự trợ giúp hữu hiệu nhất, cho những kẻ đau khổ đang khao khát hạnh phúc chiếm hữu Thiên Chúa.

Chỉ cần chúng ta tự hỏi các linh hồn mong muốn chúng ta làm điều gì cho họ, là chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sự cầu nguyện. Chắc chắn chúng ta không biết được có phải những người chúng ta yêu thương còn ở trong thời kỳ đau khổ trước khi vào thiên đàng? Chúng ta không có chỉ dẫn nào về vấn đề này, và thời điểm vào thiên đàng lại nằm trong bí mật của những quyết định của Thiên Chúa. Nhưng những lời kinh chúng ta dâng cầu cho các kẻ qua đời, không bao giờ là vô ích; nếu những lời kinh đó không còn ích lợi gì cho những kẻ chúng ta cầu xin cho, vì họ đã vào cửa hạnh phúc, thì những lời kinh đó lại sinh ích lợi cho những kẻ khác, những kẻ cần đến sự can thiệp giúp này, để đạt tới cùng đích số phận của mình. Vả lại, đức bác ái nhiều khi thúc giục những người Kitô hữu phải cầu nguyện cho các linh hồn ở thế giới bên kia đang bị đau khổ tột cùng hoặc bị mọi người lãng quên.

Chúng ta cảm tạ Chúa Cha cho phép chúng ta giúp đỡ cách hiệu nghiệm như vậy, trong mầu nhiệm của thế giới bên kia, những người thương yêu đã từ biệt chúng ta.

Ð.Ô. Nguyễn Quang Sách

URL: http://danchuausa.net/luu/y-nghia-viec-cau-nguyen-cho-nhung-nguoi-than-yeu/