Trích từ Dân Chúa

Trước ngày bầu cử: Chút suy tư nhỏ về đạo làm người

Nguyễn Kim Ngân

Trong cuộc bầu cử lần này, ngoài việc bầu chọn Tổng Thống và Phó Tổng Thống, vốn rất gay cấn, lại còn một số những dự luật cũng được đem ra bình bầu gay go không kém. Nhiều người, trong nỗi bất mãn về kinh tế và an sinh xã hội, chỉ ngong ngóng trông chờ ngày đăng quang của một vị tân Tổng Thống, có bàn tay phù thủy, chỉ trong tích tắc phục hồi ngay lại bức tường chứng khoán vừa sập đổ, cho ngân hàng lại có tiền rừng bạc bể, cho người cầy có ruộng, cho kẻ vô gia cư có nhà, và nhất là cho giá xăng rẻ rề trở lại. Do đó, có khi cho “qua phà” lập trường đạo đức của các ứng cử viên cũng như lơ là không ý thức hết tầm quan trọng của mấy cái dự luật thòng theo trong lần bầu cử này.

Tuy nhiên khi thấy một số các đấng cao cấp trong Hội Thánh, và nhất là Hội Đồng Giám Mục California vào cuộc, người ta nhận ra ngay rằng cuộc bầu cử năm nay thực sự là một cuộc chiến, cuộc chiến văn hóa—tạm gọi như thế--giữa một bên là những kẻ chủ trương duy thế tục còn bên kia là những tín hữu truyền thống thuần thành. Nói khác đi, đây là một cuộc chiến mang tính tôn giáo. Ở đáy sâu, đang thấy diễn ra cuộc xung đột sống mái giữa hai phe: tôn giáo và chống tôn giáo.

Phe tôn giáo, nói chung, mang nặng mầu sắc bảo thủ luân lý—họ là những người chống phá thai, hôn nhân đồng tính, an tử, v.v. Hẳn nhiên đối với họ tôn giáo hết sức quan trọng, không thể coi nhẹ, mà phải hết sức nghiêm chỉnh: đó là tôn giáo truyền thống, tôn giáo “thời xưa.” Họ là những tín hữu Tin Lành bảo thủ, những tín đồ Công giáo dấn thân, có thể kể cả các Kitô hữu Chính Thống Đông Phương cũng như Do Thái Chính Thống. Họ gặp nhau ở việc tuyên xưng một niềm tin dựa vào các hệ thống tôn giáo chất đầy nội dung giáo lý cũng như các quy tắc luân lý nghiêm nhặt. Ngược lại, đối thủ của họ là những nhà chủ trương duy thế tục hoặc là những tín đồ của một thứ tôn giáo khai phóng—cũng tạm gọi như thế--theo nghĩa là một tôn giáo đứng giữa, trung lập, đứng chàng hảng giữa chủ nghĩa duy thế tục và tôn giáo truyền thống.

Vấn đề bây giờ là: liệu tôn giáo ‘thời xưa’, nhất là Kitô giáo ‘cổ xưa’, trong đó phải kể đến Công giáo truyền thống, còn có thể tiếp tục đóng một vai trò quan trọng nào trong đời sống xã hội Hoa Kỳ này chăng? Bốn trăm năm đã qua kể từ ngày đợt dân di cư đầu tiên từ Anh Quốc đặt chân đến đất nước này. Nhóm duy thế tục có một chủ trương dứt khoát: phải dứt điểm đối với tôn giáo. Thật ra, họ không hề màng đến chuyện các tín hữu truyền thống có giữ đạo, có đi lễ nhà thờ, có giữ luật lệ tôn giáo, có sống theo luân lý đạo đức hay không. Đó là việc riêng tư cá nhân, họ bảo thế. Nói nôm na là họ không “care,” đèn nhà ai nấy sáng. Điều họ muốn là thế này: các luật lệ hay giá trị tôn giáo phải “đi chỗ khác chơi,” không được bén mảng đến công sở, chính quyền, luật pháp, học đường, chỗ công cộng, và phải xéo ra xa, càng xa càng tốt.

Ta thử đặt vấn đề theo kiểu tam đoạn luận cho dễ hiểu lối lý luận của họ:

1) Nếu Kitô giáo là đạo thật, thì phá thai, đồng tính, tự tử, an tử, v.v. đều là sai quấy xét về mặt luân lý.

2) Nhưng phá thai, đồng tính, tự tử, an tử, v.v. lại không phải là sai quấy, xét về mặt luân lý.

3) Thế thì Kitô giáo chẳng hề là đạo thật!

Thật ra cần phải chú thích một chút trước khi bàn thêm đó là: Kitô giáo đại khái có hai phần chính: tín lý (Chúa hiện hữu, Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu vừa là Chúa thật vừa là người thật, v.v.) và luân lý (không cưới xin mà ăn ở với nhau, phá thai, đồng tính, tự tử, an tử...đều là sai quấy). Bỏ đi phần nào cũng không đuợc. Khi nhóm duy thế tục chủ trương bảo vệ và ‘hợp pháp hóa’ những thói tục đi ngược lại với chủ trương luân lý Kitô giáo nêu trên, họ đã mặc nhiên khai chiến với Kitô giáo. Cuộc chiến này, khi diễn ra trong bối cảnh bầu cử, nó tức khắc được chính trị hóa, thậm chí còn được kinh tế hóa nữa.

Thường thì khi nói đến tôn giáo, hoặc các chức sắc, người ta dễ gán cho cái nhãn “bảo thủ” là xong chuyện. Lập trường Giáo Hội Công giáo ư? Bảo thủ. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI ư? Cực kỳ bảo thủ! Dán nhãn xong, người ta quay đi, và yên tâm làm những điều mình muốn. Cứ như bảo thủ không chỉ đồng nghĩa với cổ hủ hay hủ lậu (tất nhiên), tụt hậu, cứng nhắc, không thức thời (rõ ràng là thế), mà còn bất công, bất nhân, bất nghĩa, bất nhẫn và thiếu cảm thông nữa. Chỉ còn một lựa chọn: cách tân, cấp tiến, khai phóng, tự do, thông thoáng, thích nghi, và tiến bộ. Toàn là những hình dung từ của một thời tuổi trẻ khai phá, dấn thân lên đường, và năng nổ đi làm cách mạng.

Đến đây thì phải can ngăn bởi lẽ lịch sử đã chứng minh rõ ràng con người giống y như một thứ quả lắc đồng hồ, hết đong đưa từ thái cực này lại chuyển sang thái cực khác. Cứ thế, không ngưng nghỉ, và bởi đó cứ hết bất cập lại rơi vào cực đoan. Nếu nói theo kiểu triết học thì hết ‘duy’ này lại đến ‘duy’ kia, tỉ như hết ‘duy tâm’ lại đến ‘duy vật,’ hết ‘duy linh’ lại đến ‘duy thực.’ Thật khó mà giữ được đao trung dung: “In medio stat virtus” (nhân đức là ở giữa).

Hẳn nhiên, sống là thích ứng (“lâu rồi đời mình cũng quen”) và canh tân để tiến bộ (“nhật tân, nhật tân, nhật nhật tân”). Tuy thế, thái độ quay lưng lại với quá khứ, khinh thường những lời răn dậy của các bậc thánh hiền, bất cần và bất chấp luân thường đạo lý, v.v. là điều không thể chấp nhận. Bởi lẽ, tất cả những kho tàng khôn ngoan mà cha ông để lại, những điều căn dặn của các bậc tiền bối đều là những di sản vô giá, chất ngất đạo lý làm người, đã được thực hành, đúc kết và truyền đạt lại cho hậu thế chỉ nhằm giúp cho con người mỗi ngày càng sống tử tế, tốt đẹp hơn, có lòng nhân ái hơn, có tình cảm hòa hợp đoàn kết hơn, tóm lại là giúp con người sống thành người hơn. Như vậy, ngọai trừ trường hợp không còn muốn sống cho ra người nữa thì ta mới đạp đổ truyền thống đạo đức, nề nếp gia phong, và nguồn đạo lý căn cơ mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế.

Theo ý nghĩa này, bảo thủ không hề là cổ hủ, hay hủ lậu, mà là một kế tục, bảo tồn và phát huy truyền thống cao quý và tốt đẹp như là di sản khôn ngoan cao quý tích lũy được bằng chính kinh nghiệm xương máu của các bậc tiền bối mong gửi lại cho các thế hệ tiếp nối như di sản tinh thần. Không ai sống mà không nhờ đến người khác. Như thế ‘bảo thủ’ chỉ là từ ngữ khác của ‘truyền thống,’ vốn là sự đồng hóa tự phát với quá khứ để thấu hiểu hiện tại, không hề đứt đoạn mà cứ mãi liên tục trong đời sống xã hội, và đồng thời không hề đoạn tuyệt với quá khứ, coi nó như lạc hậu cổ hủ. Chối bỏ truyền thống không chỉ cho thấy sự ngu muội ấu trĩ của thế hệ hậu sinh, mà còn cho thấy sự vô ơn không thể biện minh được của lũ hậu duệ vô tâm đáng trách. “Bảo thủ” do đó--không xấu như ta tưởng--chính là giữ gìn và lưu truyền những gì qúy báu vô giá mà cha ông để lại cho hậu thế.

Paul Claudel sánh truyền thống với hình ảnh một người đi bộ. Để bước tới, người ấy phải một chân nhấc lên trên mặt đất, nhưng chân kia vẫn còn phải ở dưới đất, chứ nếu hai chân đều nâng bổng ở bên trên mặt đất cả, thì làm sao bước tới được? Hiểu theo nghĩa này, truyền thống là chuyển động vươn xa hơn bảo thủ, và là căn bản để tiến bộ.

Đến đây nếu bạn bảo rằng: “cái đó quý với anh thì anh giữ, còn nó không qúy với tôi thì tôi chẳng cần” thì có lẽ mình phải ngồi xuống xem lại với nhau những gì mình cùng coi là qúy báu và vô giá. Đó là chưa hề nói đến những luật ghi khắc trong đáy tim con người khi được Thiên Chúa tạo dựng, và cũng chưa hề nói tới Kinh Thánh, Thánh truyền và những lời dậy của Huấn Quyền trong Hội thánh.

Thật đáng rùng mình khi nghĩ đến ngày người ta hợp pháp hóa tất cả, hết hôn nhân đồng tính đến hôn nhân của loài người với loài…thú (tại sao không?); hết nhân danh tự do lựa chọn để phá thai, kể cả khi đã ‘đủ lông đủ cánh”, để nhân giống con người, để cho an tử thoải mái, cho đến một ngày không xa, người ta sẽ được cấp giấp phép để đi thanh toán nhau (“license to kill”). Vực thẳm diệt vong—không chỉ về mặt tâm linh, mà ngay cả về phần thể lý—đang mở ra, sâu hoắm, dưới chân con người.

Dù kết quả ra sao chăng nữa, bài học đã được ghi chép xuống: Tất cả những thái độ vừa nói đều do việc con người từ khước Thiên Chúa mà ra. Khi đã tự ý lạm dụng tự do, một quà tặng cao qúy nhất Thượng Đế đã ban cho con người, để chống lại chính hóa công của mình, thì con người sẽ không còn hy vọng gì nữa. Một khi đã “nghỉ chơi” với Thiên Chúa, con người sẽ chỉ loay hoay một mình rồi đi đến chỗ tự hủy bởi không còn lẽ sống. Rồi con người sẽ đi đến chỗ hủy họai lẫn nhau bởi tha nhân đã đương nhiên biến thành địạ ngục. Khi đã đuổi xua Thiên Chúa ra khỏi đời mình, con người chắc chắn cũng sẽ từ chối chính nhân phẩm và giá trị của mình. Khi đó sẽ chỉ còn lại nỗi tuyệt vọng mịt mùng, ngàn trùng, cho từng cá nhân mỗi người, và cho cả loài người. Có phải ngày tận thế đang kề trước ngõ?

“Ta không thèm làm người, thà làm chim trên rừng hoang vắng;
Ta không cần làm người, thà làm mây bay bốn phương trời…
Ta chỉ cần một người cùng với ta đợi chết mỗi ngày…”

Những lời ca trên đây trong bài “Hãy ngước mặt nhìn đời” của Lê Hựu Hà không dưng phù hợp để kết thúc vài dòng suy tư nhỏ này. Phải, khi bạn không thèm, không cần, hoặc không còn muốn làm người nữa, thì chỉ còn một con đường là đợi… chết mỗi ngày. Và lời cầu xin trung thực nhất tiếp theo sau phải là “cầu xin ban phước kiếp sau được tha làm người” (“Xin được tha làm người”—của cùng tác giả).

Nhưng nếu mỗi ngày bạn hằng cảm tạ Chúa đã “cho con được làm người,” lại cho “Ngôi Hai xuống thế làm người chịu nạn chịu chết” cho bạn (Kinh Cám Ơn), thì tới nước này, chỉ còn có thể trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ mới cứu thế giới nói chung, và nước Mỹ nói riêng, thoát qua được “con trăng” này mà thôi.

Tham khảo:
What is Tradition? Yves Congar, O.P.—The Introduction to The Meaning of Tradition. www.ignatiusinsight.com

Cuối Tháng Mân Côi 2008

Nguyễn Kim Ngân

URL: http://danchuausa.net/luu/truoc-ngay-bau-cu-chut-suy-tu-nho-ve-dao-lam-nguoi/