Trích từ Dân Chúa

Tôn Vinh Những Anh Hùng Tử Đạo

Lm Lê Văn Quảng

Nguồn: chungnhanduckito.net

Khi nói đến các thánh được giáo hội tôn phong để dân chúng chiêm ngưỡng và học hỏi những gương lành của các ngài thì con số các thánh tử đạo phải nói là đáng kể. Rất nhiều ngày trong tuần, giáo hội đặc biệt hân hoan mừng kính, tôn vinh những vị anh hùng tử đạo, những người đã anh dũng sẵn sàng đổ máu đào bảo vệ đức tin để nói lên lòng trung thành của mình đối với Đấng đã tự nguyện hiến thân mình vì họ.

Với một người đang sống, việc chấp nhận một cái chết thay cho một người khác điều đó không phải là dễ. Hãy thử hỏi có được bao nhiêu người dám chết thay cho những người mình yêu. Lại càng khó hơn biết bao đối với việc dám chấp nhận một cái chết đau đớn, một cái chết nhục hình, một cái chết tủi hổ để dùng chính những giọt máu đào mình nuôi sống và bảo vệ lòng tin của những người tín hữu khác. Vì thế quả thật, họ là những con người thật anh hùng, thật can đảm đáng để chúng ta tôn vinh.

Những Anh Hùng Tử Đạo sở dĩ đã dám chấp nhận cái chết một cách can trường vì họ đã nhận thức được rằng chính cái chết và sự đổ máu của Đức Kitô đã phát sinh ra giáo hội gồm những người tin vào Ngài. Vì thế, sự tử đạo là điều kiện tiên quyết cho những ai muốn theo chân Ngài.

Khác xa với quan niệm các nuớc trần gian, phương cách để bành trướng nước Thiên Chúa không phải là quyền thế mà là phục vụ, không là hận thù mà là tha thứ, không là kiêu căng mà là khiêm tốn, không là văn hóa mà chính là máu. Do đó, tử đạo là một đòi hỏi tuyệt đối không chỉ với Đức Kitô mà còn cho mỗi người chúng ta những kẻ tin theo Ngài.

Thật vậy, không có con đường nào khác để theo Chúa ngoại trừ con đường thập giá mà Ngài đã vạch ra. Ngay từ lúc đầu, các tông đồ cũng đã hy sinh chính mạng sống mình để bảo vệ và phát triển giáo hội. Và rồi cha ông chúng ta cũng đã tiếp tục đi vào con đường đó. Bây giờ đến lược chúng ta, con đường thập giá, con đường tử đạo xem ra có khác đi, nhưng nó chỉ khác về hình thức.

Ngày nay, chúng ta không còn phải đối đầu với những cái chết một cách tàn bạo, dã man như cha ông chúng ta ngày xưa nữa. Nhưng có những cái chết nhẹ nhàng, có những cái chết từ từ nhưng quả thật không phải dễ cho chúng ta những con người đang sống trong thời đại hôm nay. Chính vì thế, chúng ta mới gọi nó là tử đạo. Và đó là con đường mà Thiên Chúa muốn chúng ta phải đi vào trong thế giới hôm nay nếu chúng ta muốn theo chân Ngài. Vậy thì chúng ta phải làm gì để có thể bành trướng nước Thiên Chúa bằng chính con đường tử đạo mà Thiên Chúa cũng như cha ông chúng ta đã đi xưa. Chúng ta không cần phải làm những điều gì khác lạ, phi thường nhưng hãy tập sống cuộc đời tử đạo ngay trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Chẳng hạn, hôm nay chúng ta có thể khởi đầu cuộc sống tử đạo bằng cách từ bỏ đi một chút lối sống phù hoa, xa xỉ để lương tâm chúng ta có được sự an vui, vì sự phù hoa sẽ làm mất đi sự an bình trong tâm hồn nhất là khi chúng ta nhìn thấy những anh em đồng bạn đang đói khổ. Rồi ngày mai sự tử đạo của chúng ta có thể tiến xa hơn bước nữa. Chúng ta có thể nói với chính mình rằng: Đừng biến mình thành thần tượng. Hãy lấy tất cả những thần tượng trong con người chúng ta đi và chỉ còn lại một mình Thiên Chúa là Chúa duy nhất đáng tôn thờ mà thôi. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải từ chối, phải khước từ những ý muốn riêng mình, không chìu theo những dục vọng trong con người chúng ta, nhưng cố gắng thể hiện thánh ý Thiên Chúa và hoàn toàn sống cho Ngài. Cứ như thế tiến trình tử đạo của chúng ta sẽ đi đến vô tận và ngày càng đi sâu vào tận đáy rễ trong con người chúng ta.

Vâng, bằng cách chết đi vì yêu chúng ta sẽ thành công trong việc giải thoát chính mình khỏi con người ích kỷ của chúng ta, khỏi những xiềng xích đam mê dục vọng của con người chúng ta. Chết vì yêu là con đường đi đến tự do, an bình và hạnh phúc.

Nhiều người trong chúng ta muốn biết tại sao có những kẻ vô tội phải chịu nhiều nỗi oan khiên, nhiều điều cay đắng lớn lao như vậy ? Lắm khi chính chúng ta cũng bị khủng hoảng khi nhìn thấy những người thân yêu chúng ta phải trả một giá rất đắt như bị chết oan hay phải chịu hết những tai ương nầy đến những hoạn nạn khác. Và chúng ta cho đó là vô phúc. Nhưng với tôi, đứa trẻ chết trong tình trạng vô tội là người có phúc. Người có phúc là người anh hùng dám chết thay cho những người khác bỡi họ đi chính con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Nên ta có thể nói một cách xác tín rằng:

Và còn biết bao nhiêu lời chúc phúc khác cho những tâm hồn biết chết đi cho chính mình để phụng sự nước trời. Nhưng tại sao, tại sao họ lại đáng được chúc phúc ?

Vì nhờ sự hiện diện của họ, nhờ sự hy sinh cao cả của họ, nhờ giòng máu của họ, nhờ sự tử đạo của họ, họ đã thét lên con đường cứu độ của Đức Kitô cho những con người đang sống trên trần gian chưa nhận ra Ngài.

Cha Maximilian Kolbe

Nói đến đây tôi nhớ ngay đến câu chuyện anh hùng của cha Maximilian Kolbe. Ngài là một cha dòng Phanxicô, một tông đồ nhiệt thành của Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngài vốn có ước nguyện được trở nên muối đất đèn trời để xây dựng nước Chúa nhờ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Và Chúa đã để cho ước nguyện của ngài được thực hiện. Ngài là tù nhân người Balan mang số 16-670. Mặc dầu trại cấm của ngài được canh chừng rất cẩn mật, một số tù nhân cũng vẫn còn trốn thoát được, nên ban quản huấn đã cho ra một mệnh lệnh rất là nghiêm khắc: Một người trốn đi, mười người khác chết thay. Và rồi, vào một đêm kia, một tù nhân trong số họ đã trốn thoát. Ngay sáng hôm sau, lệnh ấy được thi hành. Mọi tù nhân đều phải rút thăm để lãnh lấy số phận oan nghiệt đó. Đến lượt trung sĩ Gajowrdiezek bị gọi. Anh thất vọng bước ra và kêu lớn: “ Ôi, vợ con tôi, tôi không bao giờ gặp lại nữa”. Cuộc rút thăm kết thúc thì tù nhân mang số 16-670 râu ria xồm xàm bước ra khỏi hàng ngũ và tiến thẳng đến trước viên quản trại. Viên sĩ quan vội vàng rút súng và nói: “Con chó Balan, ngươi muốn gì ?” Tù nhân đó trả lời: “Tôi già rồi và vô dụng… đời tôi không còn ích gì nữa. Tôi tình nguyện chết thay cho người mới la lên, để anh được trở về với vợ con anh”.

“Ông là ai ?” – “Linh mục công giáo”.

Ngày 14 tháng 8 năm 1941 sau mười ngày biệt giam cùng với các bạn tù xấu số đó, cha bị chích một mũi thuốc độc, miệng kêu lên Ave Maria rồi tắt thở. Ngày hôm sau là ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, xác ngài được hỏa táng để trở thành muối đất ướp mặn trần đời.

Ngài được Đức Phaolô VI phong chân phước ngày 17 tháng 10 năm 1971 và được tôn phong hiển thánh ngày 10 tháng 10 năm 1982 do một người đồng hương là Đức Gioan Phaolô II. Trong buổi lễ tôn phong, có sự hiện diện của hai vợ chồng Gajowrdiezek tóc đã bạc phơ, rất cảm động và khóc nức nở. Những giòng nước mắt của họ như muốn nói lên tấm lòng biết ơn sâu xa đối với người đã vì yêu sẵn sàng chết thay cho chính họ.

Thật vậy, chính nhờ sự tử đạo, nhờ những giọt máu đào của họ, họ đã thét lên cho thế giới biết sự bất công, sự bạo tàn, sự độc ác của con người trong xã hội hôm nay.

Chúng ta thường ngưỡng mộ, khâm phục và chúc phúc cho thánh Phanxicô khó khăn vì ngài đã hy sinh cuộc đời quyền quí xa hoa để đi phục vụ những con người phung cùi bất hạnh. Và chúng ta có quyền làm như thế. Nhưng có lẽ chúng ta cũng cần phải nói với những người phung hủi rằng: “Các bạn còn có phúc hơn nhiều bỡi lẽ các bạn đang đi vào con đường tử nạn mà Đức Kitô đã đi xưa”.

Đến đây, chúng ta đừng lấy làm lạ tự hỏi nữa: Tại sao người lành chết oan, người vô tội cứ bị tai họa mãi ?

Đừng ngạc nhiên nữa khi nhìn thấy nhiều trẻ bị chết oan, những thường dân vô tội phải bị chèn ép, những người theo Chúa phải chịu nhiều nỗi oan khiên. Không có gì là đáng sợ khi phải chịu một chút đau khổ vì nó sẽ mang lại phần thưởng lớn lao cho cuộc đời chúng ta mai ngày như lời Chúa phán:

“Phúc cho các ngươi, những con người đang đau khổ, những người đang bị bách hại vì sự công chính, các ngươi thật có phúc vì nước trời là của các ngươi”.

Lm Lê Văn Quảng

URL: http://danchuausa.net/luu/ton-vinh-nhung-anh-hung-tu-dao/