Trích từ Dân Chúa

The Da Vinci Code -Sự lừa dối vĩ đại

Đỗ Như Điện

Trích "Sứ Mệnh Giáo Dân #10, ngày 15/5/06"

Nếu quyển tiểu thuyết này chỉ giữ nguyên vị trí của một tác phẩm nghệ thuật như bao nhiêu tiểu thuyết cùng lọai trước đây, thì chúng ta chẳng cần tốn công sức đặt vấn đề làm gì, nhưng tác giả Dan Brown đã không làm vậy, chính ông đã khẳng định ngay ở trang đầu trước khi vào truyện bằng những dòng như sau:

Sự kiện: Hội kín Priory of Sion – một tổ chức bí mật ở Âu Châu đã thành lập năm 1099 – là một tổ chức có thật.

Năm 1975 Thư Viện Quốc Gia Paris đã khám phá ra những tài liệu mật viết trên giấy da, cho thấy một số hội viên của hội kín, trong ấy gồm cả Issac Newton, Botticelli, Victor Hugo, và Leonardo da Vinci.

Opus Dei là một tu hội Công Giáo nhiệt thành của Vatican, gần đây nhóm này đang là để tài gây tranh cãi vì những báo cáo về sự tẩy nảo, ép buộc và sự thực tập “hành xác” nguy hiểm. Opus Dei vừa hòan thành trụ sở chính trị gía 47 triệu Mỹ Kim tại địa chỉ 243 Lexington Ave, New York.

Tất cả sự mô tả về những đồ nghệ thuật, kiến trúc, tài liệu và các nghi lễ bí mật trong tiều thuyết này đều chính xác.

Sự việc chưa dừng lại tại đó, trong những cuộc phỏng vấn dành cho chương trình TV, Radio và báo chí Dan Brown vẫn xác quyết những dữ kiên ông nêu ra trong tiểu thuyết đều là sự thật. Đó chính là vấn đề khiến chúng ta quan tâm... Riêng đối với người CGVN, chắc chắn rồi đây sẽ thấy những bài viết do một số người vốn có ác cảm với Công Giáo, hoặc đứng trên một danh nghĩa hay mục đích nào đó để khai thác những điều sai lạc từ quyển tiểu thuyết này, nhằm tạo ra sự ngờ vực, có thể dẫn đến chao đảo niềm tin của một số người thiếu căn bản và nhẹ dạ. Vậy tốt nhất chúng ta nên trực diện với thực tế này.

Những ai đã đọc DVC thì đều thấy vấn nạn quan trọng nhất là Chúa Giêsu có kết hôn với Mary Magdalene không, và Kitô Giáo có cố che đậy sự kiện ấy, khi không thể che dấu được thì tìm cách truy bức? Toàn bộ DVC cố chứng minh như vậy. Để trả lời cho những câu hỏi đó, bài viết này cố gắng chứng minh ngược lại một cách ngắn gọn, trực tiếp vào vấn đề, nhưng không thể bàn rộng đến hết các chi tiết sai trái của DVC được.

Trước hết chúng ta cần hiểu rõ hai yếu tố mà Dan Brown quả quyết đấy là sự thật: Hội kín Sion (Priory of Sion), và tu hội Opus Dei (Việc Nhà Chúa), trong tiểu thuyết đây là hai đối lực, một bên Opus Dei tay sai của Vatican tìm để truy diệt dòng dõi Mary Magdalene, còn Priory of Sion có bổn phận bảo vệ dòng dõi này.

Hội kín Priory of Sion

Dan Brown viết rằng Priory of Sion (Hội kín Sion) đã được thành lập năm 1099 tại Jerusalem bởi vua Godefrey de Boulion trong thời kỳ thánh chiến. Điều ấy sai sự thật. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm tòi trong các thư viện lớn, viện bảo tang, văn khố khắp nơi, đều không có dấu tích nào như sách đã nói đến. Dan Brown viết rằng đã dựa vào hồ sơ mật viết trên giấy da tại thư viện quốc gia Paris, nhưng thật ra, những dữ kiện ấy được Pierre Plantard đưa vào, nhờ một người giúp Plantard ngụy tạo, gồm cả bản gia phả và tên những thủ lãnh của hội kín Sion. Thật ra Priory of Sion chỉ là một câu lạc bộ xã hội nhỏ thành lập và đăng k‎ý ở St Julien-en-Genevois tại Pháp năm 1956, do bốn người đứng đơn là Andre Bonhomme, hội trưởng; Jean Delaval, hội phó, Pierre Plantard, tổng thư ký; và Armand Defago, thủ quĩ. Từ năm 1984 khi Pierre Plantard làm hội trưởng, thì không ai còn nghe thấy tên hội này nũa. Chính ông Andre Bonhomme đã nói trên đài BBC năm 1996 rằng Priory the Sion không còn nữa, và đã 20 năm ông không gặp Pierre Plantard; hội lấy tên Sion vì họ ở gần một ngọn núi có tên ấy. Chính Pierre Plantard tự nhận là hậu duệ của dòng họ Merovigians, tự phong cho mình làm thủ lãnh (Grand masters) hội kín Sion. Những gian trá này đã bị phanh phui bởi hàng loạt sách báo và tài liệu ở Pháp và đài BBC năm 1996. Laura Miller đã vạch trần vụ này trong quyển sách “The da Vinci Code” xuất bản năm 2004; bài điểm sách đăng trên tạp chí The New York Time, Chúa Nhật ngày 22/2/2004.

Dan Brown đã dùng các dữ kiện trong quyển Holy Blood, Holy Grail để xây dựng Mật Mã Da Vinci. Dan Brown cũng dùng những thông tin trong The Templar Revelation để nối kết tồ chức Hiệp Sĩ Đền Thờ (Knights Templar) với hội kín Sion, nhưng viết sai về Hiệp Sĩ Đền Thờ (HSĐT). Các tài liệu chính xác cho thấy HSĐT nguyên thủy từ Hiệp Sĩ Khó Nghèo của Chúa Kitô (Poor Knights of Christ) và Hội Đền Salomon (Temple of Salomon) thành lập năm 1118 bởi Hugh de Payens trong thời gian thánh chiến lần I, nhằm bảo vệ khách hành hương đất thánh; hầu hết họ là những người giáo dân đạo đức và nhiệt thành từ Pháp tình nguyện sang bảo vệ Jerusalen. Godefrey de Boulion là một trong bốn chỉ huy trưởng tài giỏi, khi chiếm lại được Jerusalem thì ông được chọn làm vua tiểu quốc này. Nhưng khi các đạo binh thánh giá thất bại ở phương đông năm 1291, thì HSĐT cũng chấm dứt. Nhưng những hội viên vẫn còn sinh họat, nhiều người có thế lực thủ đắc tài sản của hội cất giữ trong nhà băng ở Pháp, vua Pháp là Philip II muốn lấy số tài sản ấy, nên ngày Thứ Sáu 13 tháng 10 năm 1307, đã ra lệnh bắt giữ rất nhiều người trong HSĐT, một số bị hành quyết, ngày mà DVC gọi là “ngày đen tối”. Dan Brown đã gán sự đàn áp ấy là do Giáo Hòang Clement V. Trong khi Giáo Hoàng Clement V bị Philip II giam ở Avignon, Pháp. Mặc dầu HSĐT cũng gọi những người chỉ huy là Thủ Lãnh Tối Cao (Grand Masters), nhưng giữa Knights of Templar và Priory of Sion không có liên hệ nào.

Hậu thân của HSĐT gồm một số tổ chức bí mật, trong ấy có hội kín Illuminati (ánh sáng) chính hội này mới qui tụ nhiều người giàu có và trí thức ở Âu Châu, họ họat động bí mật thao túng chính trị và tài chánh trong nhiều thế kỷ. Hội kínTam Điểm (French Masonry – Freemasonry) chắc chắn cũng bắt nguồn từ đó, vẫn còn ảnh hưởng lớn đến ngày nay. Dan Brown cũng viết rằng HSĐT là tác giả các đền thờ kiến trúc theo lối Rôma, trong lòng nhà thờ phác họa giống tử cung của phụ nữ, biểu thị ý ‎niệm tôn thờ nữ tính đã có từ đầu trong Kitô Giáo. Nhận định ấy hòan tòan vô căn cứ. DVC cho rằng nhà nguyện Rosslyn ỏ Scotland, nơi mà hậu duệ của Mary Magdalene đang ẩn lánh là do HSĐT xây dựng. Điều ấy sai. Nhà nguyện Rosslyn do bá tước William Sinclair ở Orkney xây dựng từ năm 1446.

Tu hội Opus Dei

Opus Dei là một tu hội, được thành lập tại Tây Ban Nha năm 1928, do linh mục Josemaría Escrivá de Balaguer, được tòa thánh nhìn nhận 24 tháng 02 năm 1947. Cha Josemaría Escrivá qua đời năm 1975, và được phong thánh ngày 6 tháng 10 năm 2002. Opus Dei không phải là một dòng tu giống như Dòng Tên – Jesuits, Dòng Biển Đức – Benedictines, hay Đa Minh - Dominicans…. mà đây là một tu hội gồm giáo dân và linh mục (association of lay people and priests), chỉ có chừng 2% là linh mục, còn lại là giáo dân, gồm những người sống độc thân, cả những người ở bậc gia đình. Họ sống cuộc đời thánh thiện, giữ các việc đạo đức như lần chuỗi Mân Côi, dự thánh lễ hàng ngày, đọc sách tu đức, nguyện gẫm, và làm nhiều ngành nghề khác nhau, tiền lương hiến cả cho tu hội. Số Hội viên trên tòan thế giới hiện nay khỏang 80,000. Hội viên Opus Dei có từng bậc khác nhau tùy mức độ dấn thân và bậc sống. Tuy nhiên tất cả đều theo một kế họach, do sự hướng dẫn của vị linh hướng. Tư tưởng linh đạo của linh mục Josemaría Escrivá được biểu hiện trong quyển sách rất danh tiếng của ngài: “The Way – Con Đường”. Chính Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận quen biết và chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của vị thánh này.

Dan Bown nhấn mạnh đến việc hành xác bằng những cực hình, coi đó như hành vi không chấp nhận được. Trong lời ghi ơn ở đầu sách, tác giả đã dựa vào kinh nghiệm của năm hội viên Opus Dei, ba người còn họat động và hai người đã ra khỏi tu hội; sự hiểu biết qua những kinh nghiệm ấy chưa đủ; Dan Brown đã không tìm hiểu đời sống khó nghèo và cách hãm mình ép xác của các thánh trong các dòng khổ tu, như việc dùng roi da đánh tội, đó không phải sáng kiến của Opus Dei, mà nhiều dòng tu đã sử dụng từ rất lâu, mục đích để uốn nắn và chế ngự tính hư tật xấu của thân xác; cùng cảm nhận những đau đớn mà chính Chúa Giêsu đã phải gánh chịu để chuộc tội cho nhân lọai. Dan Brown dùng từ ngữ “monk” để chỉ một hội viên của Opus Dei, là một sai lầm. Trong DVC Dan Brown gán cho Opus Dei vai trò công cụ của Vatican để thực hiện những việc mờ ám kể cả giết người, đó là sự xuyên tạc vô căn cứ.

Trong lịch sử Kitô Giáo, đã có hằng hà sa số những tài liệu khảo cứu, những pho sách lớn viết về giáo lí và thân thế Chúa Giêsu. Các nhà nghiên cứu đã mổ xẻ, phân tích, so sánh từ mọi góc độ, mọi chiều kích; đánh gía sự chính xác của Tân Ước. Bên cạnh những tài liệu tích cực, cũng có nhiều tác giả nêu lên những chi tiết tiêu cực, đặt ra những giả thuyết, những nghi vấn chung quanh cuộc đời Chúa Kitô, nhưng nếu so sánh cả về phẩm lẫn lượng thì chẳng thấm vào đâu.

Không phải đến năm 2003, Dan Brown mới viết tiểu thuyết gây ngộ nhận về Kitô Giáo và cuộc đời Chúa Giêsu, mà ngay từ thế kỷ thứ hai, triết gia Celsus đã chỉ trích Chúa Giêsu nặng nề. Nhưng chưa lúc nào người ta khai thác cuộc đời Chúa Giêsu vào các mục tiêu thấp kém như hôm nay. Và cũng chưa có tác giả nào viết những điều xuyên tạc nhắm trực tiếp vào cuộc đời Chúa Giêsu như Dan Brown. Chúng ta có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu trong khỏang 40 năm qua như Hugh Schonfield, năm 1966 đã phác họa chân dung Chúa Kitô trong sách“The Passover Plot – A New Interpretation of the Life and Death of Jesus – Lễ Vượt Qua gian trá – Sự diễn giải mới về cuộc đời và cái chết của Giêsu”, diễn tả Chúa Giêsu như một kẻ lừa dối, một cứu chúa thất bại, mưu mô dàn dựng câu chuyện trên đồi Golgotha. Năm 1960, Nikos Kazantzakis xuất bản cuốn “The Last Temptation of Christ – Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô”, đã được dựng thành phim trong thập niên 1980. Mô tả Chúa Kitô là một người trần tục. Cũng trong thập niên 1960s cuốn “Jesus the Radical Revolutionary –Giêsu nhà cách mạng cấp tiến” của G. S. F. Brandon, Chúa Giêsu hoạt động chính trị và gây rối lọan. Trong quyển “The Secret Gospel” của Morton Smith viết năm 1973 mô tả Chúa Giêsu là một ảo thuật gia có đôi tay khéo léo. Năm 1974 có cuốn “The Jesus Scroll” của Donovan Joyce, gọi Chúa Giêsu là Vị cứu tinh già nua, thóat nạn Golgotha và đã sống đến 80 tuổi. Đặc biệt những sách của các tác giả Michael Baigent, Richard Leigh, và Henry Lincoln viết về Chúa Giêsu kết hôn, trong ấy quyển “Holy Blood, Holy Grail – Máu Thánh, Chén Thánh” năm 1980 đã làm chất liệu chính cho Dan Brown viết quyển The Da Vinci Code. Còn có nhiều tác giả khác như Dominic Crossan với quyển “The Historical Jesus – the Life of a Jewish Mediterrean Peasant – Tiểu sử của Giêsu – cuộc đời của một nông dân Do Thái vùng Trung Đông”, “The Clownish Christ – Đức Kitô quê mùa” trong Godspell, hoặc “The Rock Redeemer – Tảng đá cứu độ” trong “Jesus Christ Supperstar”... Các tác giả trên đây hầu hết chỉ xoay quanh những nghi vấn đã có hàng ngàn năm trước, nhưng không tác giả nào quả quyết đó là sự thật lịch sử như DVC.

Mary Magdalene

Nhiều sách đã viết về huyền thoại Chén Thánh (Chalice), nhưng ‎chỉ có Ý niệm về chiếc ly Chúa Giêsu dùng trong bữa tiệc cuối cùng khi Ngài lập Bí Tích Thánh Thể, ly rượu nho biến thành máu thánh Ngài. Nhưng trong DVC, chén thánh (Holy Grail, sang real, sangreal ) có nghĩa là con người, là huyết thống, một nhân vật, nhân vật ấy là Mary Magdalene. Dan Brown viết rằng Mary Magdalene thuộc chi họ Benjamin, là một trong mười hai chi họ nhà Israel, cũng dòng dõi vương giả. Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua David, Ngài là một tiên tri lớn, nhưng vẫn chỉ là một người đàn ông Do Thái bình thường. Chúa Giêsu kết hôn với Mary Magdalene để nối tiếp dòng dõi vua Salomon. Khi Chúa Giêsu bị tử hình thì Mary Magdalene đã mang trong lòng huyết thống của Ngài, và Chúa cũng muốn trao nhiệm vụ chăm lo giáo hội của Ngài cho bà, nhưng vì sự ghen ghét của các tông đồ; để bảo vệ huyết thống của Chúa Giêsu, bà đã bí mật nhờ ông Joseph Arimathea, là cậu của Chúa Giêsu giúp trốn sang Pháp, rồi sanh con gái, đặt tên là Sarah, khởi đầu dòng dõi vương giả mang huyết thống của Chúa Giêsu và Mary Magdalene, trở nên tổ tiên hòang tộc Merovingian cai trị nước Pháp, dòng tộc ấy tiếp nối đến ngày nay. Đó là một bí mật vĩ đại mà Thiên Chúa Giáo (La Mã) che đậy và luôn tìm cách truy diệt.

Vậy theoThánh Kinh thì Mary Magdalene là ai? Ta hãy đọc Tân Ước để biết thân thế của Mary Magdalene qua những chi tiết sau: Vào thời Chúa Giêsu, người ta thường dùng tên gọi, và mối liên hệ với người cha, hoặc quê hương, chứ không nói tới tên họ. Cũng như Leonardo da Vinci, “Vinci” không phải tên họ, mà là tên một làng nhỏ thuộc vùng Tuscana, Italia, nơi sinh tưởng cùa Leornado. Trong Tân Ước nhắc đến bảy người có tên Mary, đây là tên dành cho nữ giới rất phổ thông của người DoThái mà xa xưa gọi là Mariam, nên phải phân biệt bằng sự diễn tả theo sau tên Mary: (1) Mary, mẹ Chúa Cứu Thế (Luke 1:30-31); (2) Mary làng Bethany, chị Lazarus, người được Chúa cho sống lại. Bà xức dầu thơm chân Chúa và lấy tóc lau (John 11:1), (3) Mary mẹ James (Giacôbê) không có họ hàng với Chúa (Matt 27:56); (4) Mary vợ ông Clopas (John 19:25); (5) Mary mẹ của John Mark, ở Jerusalem, nơi Peter đến sau khi ông được cứu thóat khỏi ngục cách lạ lùng (Acts. 12:12); (6) Mary không rõ lí lịch, trong thư thánh Paul gửi giáo đòan Roma, Ngài chưa đến đó bao giờ, nhưng đã kê tên 24 thân hữu, trong ấy có đến sáu người nữ, đặc biệt Ngài cám ơn Mary đã giúp đỡ những người bạn của Ngài (Rom. 16:6), và (7) Mary Magdalene.

Các nhà chú giải Kinh Thánh tin rằng Mary Magdalene là người quê quán ở làng Magdala (Luke 8:2) phía tây Galilee, gần hồ Tiberias, nơi Chúa Giêsu khởi sự sứ vụ rao giảng của Ngài. Tên bà được nhắc tới trong các trường hợp: Là người được Chúa trừ bảy quỉ, và là một trong số những người nữ nhập đòan môn đệ của Chúa (Luke 8:1-3); Bà hiện diện dưới chân thánh giá, chứng kiến Chúa tử nạn, cùng với Đức Mẹ, bà Mary mẹ của James và Joseph (Matthew 27:55-56, Mark 15:40-41, John 19:25); Tham dự vào cuộc mai táng Chúa (Matt.27:61), là người chứng kiến ngôi một trống, và được phúc chứng kiến Chúa phục sinh.

Trong Phúc Âm (Luke 7: 37- 50) tường thuật trường hợp Chúa Giêsu đến dự tiệc tại nhà ông Simon một người Biệt phái; có một người phụ nữ đến phủ phục dưới chân Chúa khóc lóc vì tội lỗi của mình, nước mắt đầm đìa, rồi đã đập vỡ chai dầu thơm đắt gía để xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Trước mắt nhiều người thì bà là kẻ tội lỗi, từ đó cũng có chỗ giải thích rằng cô là gái điếm hòan lương. Lại căn cứ vào việc Chúa trừ bảy quỉ cho Mary, mà người ta tin rằng người đàn bà ấy là Mary Magadalene. Trong bài giảng của ĐGH Gregory the Great (540-604) ngày 21 tháng 9 năm 591 tại thánh đường San Clemente ở Roma, Ngài đã dựa vào đọan Phúc Âm trên để ca tụng sự hối cải của một người tội lỗi được Chúa thứ tha, và đã trở nên người tốt. Từ đó người ta tin rằng Mary Magdalene là cô gái hòan lương.

Chắc chắn bà là một môn đệ nhiệt thành ngay từ đầu và tiếp tục rao giảng Tin Mừng cùng với các môn đệ, nên cả Giáo Hội Công Giáo phương Tây và Giáo Hội Chính Thống phương Đông cùng tôn vinh bà là thánh, lễ kính vào ngày 22 tháng 7 hàng năm. Mặc dầu từ xa xưa đã có những huyền thọai khác nhau về cuộc đời của bà, như bà tháp tùng thánh John tới Ephesus và chết tại đó. Chỗ khác tương truyền rằng bà đã đến Provence, và truyền giáo ở miền nam nước Pháp. Nhưng không có những bằng chứng rõ rệt nào.

Chi tiết trong DVC cho rằng Joseph Arimathea là cậu, chú, hay bác (uncle) của Chúa Giêsu, đã âm thầm giúp Mary Magdalene trốn sang Pháp hòan tòan vô căn cứ, là hư cấu. Trong Phúc Âm (Mt 27:57-61, Mc 15:42-47, Lc 24:50-52) kể rằng ông là người xin nhận xác Chúa Giêsu: “Chiều đến có một người giàu có tên là Joseph quê quán thành Arimathea, ông là nghị viên có thế lực, ông không tán đồng quyết định và hành động của nghị viện, cũng là người trông chờ Nước Thiên Chúa, đã đến gặp Pilate để xin nhận thi thể Đức Giêsu”. Trong Phúc Âm Matthew nói rõ hơn ông cũng là môn đệ Chúa Giêsu, nhưng không có chỗ nào cho thấy ông có họ hàng thân thích với Chúa Giêsu.

Bức họa Bữa Tiệc Ly

Cốt lõi của DVC là chứng minh Chúa Giêsu kết hôn với bà Mary Magdalene. Dan Brown đã căn cứ vào bức họa Bữa Tiệc Ly do Leonardo da Vinci vẽ tại nhà ăn của dòng Santa Maria delle Grazie ở Milan, Ý. Leonardo đã dùng trứng pha màu vẽ chồng lên nhiều lớp trên tường, nên khi vừa hòan tất năm 1490s thì bị nứt rạn rất nhiều. Từ năm 1726 người ta đã sửa chữa 7 lần, lần sau cùng là 1999. Trên bức họa, người ngồi bên phải Chúa Giêsu, từ xưa đến nay chúng ta hiểu rằng đó là John thánh sử, lúc ấy ông còn rất trẻ như một cậu học trò, nên chưa có râu, và được Chúa Giêsu quí mến. Trong truyện, qua nhân vật Teabing, nhà sử học Hòang Gia Anh và Langdon, giáo sư môn biểu tượng tôn giáo của đại hoc Havard, đã lần lượt giải thích các “khám phá” cho Neveu nghe về những điều bí ẩn mà Leonardo đã cố tình giấu đàng sau nét vẽ trên bức họa: người ngồi bên phải Chúa, đó là chỗ danh dự nhất, người ấy có khuôn mặt nữ giới, với mái tóc hung dài và thẳng, cánh tay mền mại, áo trong xanh, áo ngòai đỏ, còn Chúa Giêsu mặc áo trong đỏ, áo ngòai xanh, màu xanh đỏ đối chọi tượng trưng “zing-zang – âm dương”, John nghiêng về bên phải, Chúa Giêsu nghiêng về bên trái để lộ khỏang trống hình chữ V, biểu hiệu cái ly, tức chén thánh (Chalice), nếu nhìn tòan diện bức họa thì thấy mẫu tự M, tức chữ đầu tên của Mary Magdalene. Qua những nét vẽ ấy đưa đến kết luận người ngồi bên phải Chúa không phải là John, là Mary Magdalene. Vì Leonardo da Vinci lúc ấy là thủ lãnh tối cao (Grand Masters) của hội kín Sion, có bổn phận bảo vệ bí mật huyết thống của dòng dõi này, nên đã dùng bức họa như mật mã. Ngoài ra Teabing còn trưng dẫn hai đọan “phúc âm”, một của Philip, trong ấy có câu: “Và người bạn đồng hành của Thầy chính là Mary Magdalene, Thầy yêu cô ấy hơn tất cả tông đồ của mình….” và một đoạn của Mary Magdalene làm bằng chứng cho luận điểm Chúa Giêsu kết hôn với Mary Magdalene. Trong ấy Teabing giải thích chữ người bạn đồng hành “companion”, theo ngôn ngữ Aramaic có nghĩa là người phối ngẫu “spouse”.

Thật ra hai đọan trích dẫn gọi là “phúc âm”, được xếp vào lọai ngọai thư, ngụy thư (Gnostic gospels), là những tài liệu tìm thấy ở Nag Hammadi, Egypt năm 1945, các tài liệu này một số sao chép lại các phúc âm của các tông đồ còn hầu hết được viết vào khỏang cuối thề kỷ thứ hai, sang thế kỷ thứ ba, tức là sau Tân Ước ít là một trăm năm, do đó thiếu căn bản lịch sử nên không có gía trị chính xác. Các nhà nghiên cứu tài liệu Nag Hammadi xác định rằng chữ dùng trong “Phúc âm Philip” là thuộc hệ phái Coptic, chữ viết của phái Coptic là biến thể từ chữ Hy Lạp (Greek), chữ “companion có nhĩa là: koinonos- người bạn, người hợp tác” không hề có nghĩa là người phối ngẫu như Teabing nói.

Tôn vinh nữ giới

DVC cáo buộc rằng Kitô Giáo kỳ thị phái tính, coi thường nữ giới, còn Chúa Giêsu từ đầu chủ trương tôn vinh nữ giới, nên muốn chọn Mary Magdalene làm đầu giáo hội tương lai. Do đó các sách “phúc âm ngọai thư” chứa đựng ‎tư tưởng tôn vinh nữ giới đều bị Kitô Giáo gạt bỏ. Lí luận này không đứng vững, nếu các sách ngọai thư có giá trị thì Dan Brown đã cố tình‎ không nhắc đến “phúc âm của Thomas” vì trong ấy có đọan: “Simon Phêrô nói với mọi người rằng: hãy để Mary (Magdalene) rời khỏi chúng ta, phụ nữ cũng không quan trọng gì. Chúa Giêsu đáp: chính thầy sẽ hướng dẫn để cô ta nên giống như người nam, để rồi cả cô ta cũng sống tinh thần nam giới như tất cả anh em. Bất cứ người đàn bà nào tự coi mình như người nam cũng sẽ được vào nước trời”.

Chúa Giêsu đã rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng nam nữ trong sứ vụ rao giảng tin mừng, vì vậy trong môn đệ đòan có nhiều phụ nữ tháp tùng giúp đỡ. Xã hội Do Thái thời ấy người phụ nữ vẫn còn bị coi thường; họ lệ thuộc vào người cha hay chồng, và dùng hầu hết thời giờ để lo việc nội trợ, ít khi được tham dự vào công việc xã hội, ngọai trừ những người độc thân hay khá giả có nuôi người làm trong nhà. Chắc chắn những người nữ tháp tùng Chúa Giêsu là những người khá giả, chính họ giúp đỡ tài chánh cho sứ vụ của Ngài. Nhưng số đông trong tông đồ đòan vẫn là nam giới.

Chúa Giêsu sống độc thân. DVC nêu ra lí do các người đàn ông Do Thái cần phải có vợ. Chẳng phải chỉ có người Do Thái, mà bất cứ người đàn ông bình thường nào cũng tìm đến người nữ, đó là chuyện tự nhiên, nhưng không phải là điều bắt buộc và không phải là không có luật trừ. Trong Cựu Ước tiên tri Jeremiah, John the Baptist, hay John Thánh Sử trong Tân Ước, không ai có vợ. Trường hợp điển hình thánh Paul; từ một người ruồng bắt Kitô hữu rất quyết liệt, 6 năm sau ngày Chúa Giêsu chịu nạn, ông được ơn trở lại và trở thành tông đồ đắc lực. Là người trí thức, tất nhiên ông đã tìm hiểu tường tận về Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài. Chính ông đã sống độc thân suốt đời, và đã bào chữa cho sự việc ấy. Trong thư (I Cor 9:4,5) gửi giáo đòan Corinthians Ngài viết: “phải chăng tôi không có quyền ăn uống, tôi không có quyền đem theo một người nữ tín hữu như các tông đồ khác, như những người anh em của Chúa, hay như Peter”. Cũng trong thư gửi giáo đòan Corinthians (I Cor 7:7-9) thánh Paul viết: “Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ, nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn bị thiêu đốt”. Vậy nếu Chúa Giêsu có kết hôn, thì chắc chắn ông đã nhắc đến để làm bằng chứng bảo vệ cho cuộc sống độc thân của ông. Vì vậy trong (I Cor 11:1) Ngài đã kết luận: “Vậy anh em hãy noi gương tôi như tôi bắt chước Đức Kitô”.

Trong Phúc Âm Matthew (19:10-12): “Các môn đệ thưa Ngài: nếu người đàn ông phải cư xử với vợ như thế thì đừng kết hôn còn hơn. Nhưng Người nói với các ông: không phải ai cũng hiểu được lời thầy nói đâu, chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy có người đã bất lực tự bẩm sinh, có kẻ do người ta làm ra (hoạn) bất lực; còn có người vì Nước Trời mà tự ‎ Ý sống độc thân. Ai hiểu được thì hiểu”.

Giả như Chúa Giêsu có kết hôn, thì bạn bè, họ hàng, làng xóm phải biết vì trước mặt những người ấy họ chỉ biết Ngài là người đàn ông bình thường, sống bằng nghề tay chân; họ không biết Ngài là Thiên Chúa, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết. Các tông đồ sống gần gũi với Ngài, tất nhiên phải biết rõ, thế nhưng không hề có một bằng chứng nào cho thấy Chúa kết hôn. Một người biết rõ thân thế Chúa Kitô là Đức Mẹ Maria thân mẫu Ngài, và chắc chắn cũng từ Thân Mẫu Ngài, mà Thánh Paul và các môn đệ mới hiểu rõ hơn về Ngài là Con Thiên Chúa. Và giả thử Chúa Giêsu có kết hôn thì những môn đệ theo Ngài cũng chẳng có lí do gì chống đối. Chưa hết, những tài liệu gọi là Dead Sea Scrolls khám phá ở Qumran năm 1947 chẳng đề cập gì đến Chúa Giêsu, nhưng đã cho thấy có những cộng đòan đông đảo sống độc thân vào khỏang từ năm 150-70BC trước Kitô Giáo. Như thế Chúa Giêsu sống độc thân như các tiên tri khác đó là chuyện dễ hiểu.

Hoàng đế Constantine

Trong DVC Dan Brown thuyết phục người đọc rằng Constantine đã dùng Kitô Giáo như thế lực chính trị để bành trướng ảnh hưởng của mình, và đã thực hiện nhiều việc, tóm tắt những việc có ảnh hưởng lớn như sau: Sửa lại sách Phúc Âm cho phù hợp với mục đích hủy bỏ thờ nữ thần trong đế quốc Roma; đổi ngày Thứ Bảy ra ngày Chúa Nhật; triệu tập Công Đồng Nicea để tôn vinh Đức Kitô là Thiên Chúa, mà trước đó chỉ coi Ngài là người phàm.

Việc lợi dụng tôn giáo vào ‎mưu đồ chính trị thì ở thời đại nào và nơi đâu cũng có thể xảy ra. Lợi dụng được hay không, và kết quả tốt xấu ra sao lại là vấn đề khác. Chúng ta hãy dựa vào lịch sử để xem xét những sự kiện vừa nêu trên.

Trường hợp Constantine theo Kitô Giáo: Cuối thế kỷ thứ III, đế quốc Roma có những xáo trôn nội bộ vì tranh giành ngôi báu, năm 306 Constantine được tôn làm vua, lúc ấy ông có thế lực ở phía bắc gồm những phần lãnh thổ nay là Anh, Pháp, Áo, Thụy Sĩ, một phần nước Đức. Năm 312 ông đem quân vượt dẫy núi Alpes nhắm hướng Roma đánh xuống, chiếm được các thành Turin, Milan, Corona bắc Ý. Khi đến cầu Milvian, trên sông Tiber, Constantine gặp sức kháng cự mãnh liệt của đạo quân của hòang đế Maxentius có quân số lơn hơn. Tương truyền rằng trong lúc bối rối, ông cầu khẩn danh Chúa của Kitô Giáo, ông nhìn thấy vầng sáng hình thập tự trên bầu trời, và hàng chữ Hy Lạp “conquer by this – cứ dấu này thì sẽ thắng trận”. Ông phân vân suy nghĩ, rồi trong giấc chiêm bao, ông lại thấy hai mẫu tự Hy Lạp X (chi) và P(rho) chồng lên nhau. Hỏi các quân sư, họ giải thích đó là chữ viết tắt tên của Đức Giêsu Kitô, Chúa của Kitô Giáo. Tin vào điềm lạ đó, ông cho vẽ dấu thập tự làm hiệu cờ của quân đội, rồi sáng ngày 28-10-312 Constantine đem đại quân xung trận, vượt qua cầu Milvian, và đã thắng trận vẻ vang, và ngày 29 đã chiếm đựơc Roma.

Qua biến cố đó Constantine đã thân thiện với Kitô Giáo, ông cho khắc huy hiệu X/P trên đồng bạc. Năm 313 Constantine đã ra chiếu chỉ ở Milan, nhìn nhận quyền tự do tôn giáo trong khắp đế quốc Roma, và Kitô Giáo được ngang hàng với các tôn giáo khác, vì đế quốc Roma là đa thần giáo. Ông ra lệnh trả lại những tài sản đã bị chiếm, tha thuế, bồi hòan những thiệt hại đã gây ra. Cho phép xây cất các giáo đường Kitô Giáo ở Roma. Constantine ao ước được rửa tội trong giòng sông Jordan, nhưng ông ngần ngại, vì nhiều lí do nên mãi đến cuối đời khi đau yếu ông mới được rửa tội. Một yếu tố khá quan trọng là bà Helene thân mẫu Constantine đã nhập đạo ngay khi thắng trận, và bà được phong là hoàng thái hậu. Chính bà đã ảnh hưởng nhiều đến việc xây dựng Giáo Hội trong triều đại Constantine.

Kitô Giáo bắt đầu một mùa xuân mới sau gần ba thế kỷ bị truy bức rất khủng khiếp. Dấu ấn cụ thể còn để lại ngày hôm nay là những hầm mộ (catacombs-hang tọai đạo) quanh vùng Roma. Lợi dụng luật La Mã thời ấy, người tín hữu trong những thế kỷ đầu đã trốn tránh sống chui rúc để giữ đạo dưới các hầm mộ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đã có 9 vị giáo hòang chết dưới hầm mộ trong giai đọan vô cùng khắc nghiệt này. Dấu hiệu để các tín hữu nhận ra nhau là hình con cá, chữ cá trong tiếng Hy Lạp là ICHTHYS, chữ viết tắt bởi “Iesous CHristos Theou Hyios Soter có nghĩa là Chúa Giêsu Đấng được xức dầu là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ”. Các tín hữu họp nhau cầu nguyện, nghe giảng Lời Chúa và tham dự nghi thức bẻ bánh. Chính những dấu ấn còn in đậm ở nhiều nơi trong các hầm mộ cổ xưa đã nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trước thời kỳ Constantine.

Trái với những gì Dan Brown lập luận rằng Constantine triệu tập Công Đồng Nicea để sửa lại Phúc Âm cho phù hợp với sự kỳ thị nữ giới, và bác bỏ sự kiện Chúa Giêsu chỉ là người phàm. Quả thực Constantine triệu tập Công Đồng Constantine năm 325, nhưng là để thống nhất niềm tin trong cả đế quốc Roma. Các cuộc tranh cãi đã có từ thế kỷ thứ hai về vấn đề thần học quan trọng nhất, cốt lõi niềm tin Kitô Giáo, đó là về Thiên Chúa Ba Ngôi, bản tính Đức Kitô. Khi Constantine nắm quyền thì sự tranh luận càng trở nên gay gắt. Một bên là linh mục Arius, lập luận rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Đấng tự hữu, còn tất cả những gì khác đều là tạo vật; kể cả Đức Kitô. Dựa vào Phúc Âm Thánh Gioan (14:28) “…..Thầy đến cùng Chúa Cha vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” để lí luận rằng Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa, không ngang hàng, không đồng bản tính với Thiên Chúa. Ngài là một tạo vật hòan hảo nhất, có trước thời gian, nhưng không vô thủy vô chung, Ngài là Con Thiên Chúa, và là trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Arius gây được cảm tình lớn và đã thuyết phục được nhiều giám mục ở phương đông, nhưng ông gặp chống đối ở vùng Libia, Egypt, nhất là giám mục Alexandro thành Alexandria. Một bên thì quả quyết Chúa Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa và đồng bản tính với Thiên Chúa Cha.

Thấy cuộc tranh chấp lan rộng trở nên mối bất ổn cho đế quốc, nên hoàng đế Constantine quyết định triệu tập đại Công đồng, ông viết thư mời tất cả giám mục trên thế giới về Nicea họp từ ngày 20-5-325. Đức Giáo Hoàng Sylvester già yếu không đến dự, cử hai đại diện thay Ngài. Có 318 giám mục đã về họp, kể cả Arius. Cuộc thảo luận tập trung vào những điều trong Kinh Tin Kính do các tông đồ sọan từ trước. Sau một tháng tranh luận, mỗi bên đều được trình bày quan điểm của mình, cuối cùng thì biểu quyết. Kết quả phía Arius chỉ được 5 phiếu, nhưng 3 trong số ấy sợ bị trừng phạt, phải rút lai, nên chỉ còn 2 đứng về phía Arius. Từ đó trong Kinh Tin Kính được thêm vào đọan: “Chúa Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha”. Đó là câu quan trọng nhất trong Công Đồng Nicea.

Công Đồng kết thúc nhưng sự việc không dừng lại ở đó, ảnh hưởng của Arius còn kéo dài mãi, nên sau đó còn có đến 12 cuộc họp để thống nhất mà vẫn không giải quyết xong.Vì thế phải có Đại Công Đồng Constantinople triệu tập năm 381, tái xác nhận gía trị những điều đã biểu quyết trong Công Đồng Nicea năm 325, từ đó Arius từ từ tan biến. Tóm lại Công Đồng Nicea bàn đến Bản Tính Thiên Chúa của Chúa Kitô trong một Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự kiện Chúa Kitô có hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính lòai người không phải là đề tài thảo luận, vì từ thời các tông đồ thì Kitô Giáo đã tin như vậy. Constantine không liên hệ gì đến nội dung cuộc biểu quyết kể trên.

Các Sách Tân Ước

DVC nói rằng Tân Ước do bàn tay của con người tạo ra, Constantine ra lệnh tiêu hủy rồi tài trợ viết lại cho thích hợp với mục đích của ông. Điều đó hoàn tòan vô căn cứ. Kitô Giáo tin rằng tác giả Thánh Kinh chính là Thiên Chúa, các tác giả viết những điều do sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh và nghiên cứu cổ sử thì sách Tân Ước được viết vào khỏang thời gian từ năm 40 đến năm 100, chắc chắn là trước cuộc hội nghị của các tông đồ tại Jêrusalem năm 49, Giáo Hội coi đó là Công Đồng đầu tiên. Sớm nhất là các thư của Thánh Phaolo, vì Ngài đi truyền giáo từ nơi này qua nơi khác, nhưng vẫn giữ liên lạc với các giáo đòan tân lập bằng thư tín, qua đó Ngài dạy dỗ và khuyên bảo họ. Chất liệu mà Thánh Paul có để dậy dỗ giáo dân thì Ngài đã tìm hiểu rất sâu rộng, một phần trực tiếp từ các tông đồ, phần khác qua các cuộc điều tra để nắm vững khi lùng bắt người Kitô Giáo. Một đọan rất quan trọng thánh Paul đã viết trong (I Cor 15:5-6) như sau: “Trước hết Người hiện ra với Peter, rồi với nhóm Mười Hai; Người còn hiện ra với hơn năm trăm người một lúc, đa số những người này hãy còn đang sống bây giờ, mặc dù một số người đã chết”. Đó là một chứng minh hùng hồn đối với những người còn hòai nghi về việc Chúa Kitô đã chết, phục sinh và lên trời; vì nếu ai chưa tin thì hãy tìm đến hàng mấy trăm người để hỏi lại cho rõ. Tiếp theo những thư của Paul, thì các tông đồ cũng phải ghi chép lại những lời Chúa Giêsu rao giảng, vì cộng đòan giáo dân mỗi ngày mỗi rộng lớn, mà các Ngài thì gìa đi. Đó là nhu cầu bắt buộc các sách Tân Ước cần viết ra.

Sau khi những sách Tân Ước được viết ra thì sang thế kỷ thứ hai và thứ ba, có nhiều người cũng viết về Kitô Giáo và cuộc đời Đức Kitô. Nhưng để phân biệt được nguồn gốc và sự khả tín của các sách ấy. Các nhà nghiên cứu và các thánh giáo phụ phải dựa vào nhiều yếu tố, hai trong những yếu tố quan trọng nhất là phải bắt nguồn từ các tông đồ, và hợp với qui luật đức tin. Đồng thời còn dựa vào chữ viết, văn tự theo địa phương, lối hành văn, cú pháp v.v để xác định nguồn gốc… Do đó có nhiều sách mang tên các tông đồ như Phúc Âm Peter, Phúc Âm Thomas, Phúc Âm James; còn có Sứ Vụ Paul. Sứ Vụ Andre, Sứ Vụ Thomas, có cả Sách Khải Huyền của Peter và Khải Huyền của Paul, nhưng những sách ấy không có tông đồ tính, và không phù hợp qui điển đức tin nên không được nhìn nhận. Một số lớn những sách này thường gọi là ngọai thư hoặc ngụy thư, nội dung chứa đựng nhiều điều kỳ dị, như ảo thân thuyết (docetism), hay ngộ giáo thuyết (Gnosticism). Dầu vậy Giáo Hội vẫn bảo quản để làm tài liệu khảo cứu. Do đó không có vấn đề tiêu hủy đề viết lại vì những mục đích riêng tư. Mà dầu Constantine thật sự có muốn cũng không thể làm được việc ấy; bởi vì sau gần 300 năm, các thư của Thánh Paul gửi các giáo đòan, các Phúc Âm chính thống đã được tín hữu sao chép và bảo tồn ở rất nhiều nơi. Trước khi có các bản viết thì giáo dân thời ấy học theo lối truyền khẩu, người ta nghe và kể lại cho nhau, dầu có hủy các bản viết, cũng không hủy được lời đã ghi khắc trong lòng.

Theo tài liệu của sử gia Eusibius thì năm 331, Constantine yêu cầu ông cung cấp 50 bộ sách Tân Ước để dùng trong giáo đường xây trong đế quốc Roma, nhưng không hề đòi biết nội dung các sách ấy. Eusibius là giám mục, và là sử gia danh tiếng vào đầu thế kỷ thứ tư, ông cũng đồng quan điểm với Arius.

Dan Brown viết rằng Constantine đổi ngày Thứ Bảy ra ngày Chúa Nhật cũng là điều vô căn cứ. Ai trong chúng ta cũng biết rằng người Do Thái giữ ngày Sabbath, tức là sau sáu ngày làm việc, đến ngày thứ bảy là ngày nghỉ. Chúa Kitô Phục Sinh nhằm ngày thứ nhất trong tuần tức là ngày đầu tuần theo Do Thái, để mừng ngày Chúa Phục Sinh, Kitô Giáo xem ngày ấy là ngày của Chúa, “Ngày Chúa Nhật”, đó cũng vẫn là ngày thứ nhất trong tuần.

Đế quốc La Mã bao trùm một vùng rộng lớn, mỗi sắc dân, mỗi bộ lạc thờ các thần theo niềm tin của họ. Người Roma thì thờ thần mặt trời (Sol Invictus). Khi người Kitô Giáo sống lẫn lộn với các tôn giáo khác thì họ vẫn giữ ngày nghỉ là ngày Mừng Chúa Kitô Phục Sinh (ngày thứ nhất trong tuần) sau ngày Sabbath. Năm 303 đã có một hội nghị ở Spain qui định rằng Ngày Chúa Nhật là ngày đặc biệt để thờ phượng và nghỉ ngơi, nếu ai không tuân giữ trong ba lần sẽ bị khai trừ một thời gian để sửa đổi.

Mãi đến năm 321 Constantine mới chính thức tuyên bố ngày Chúa Nhật là ngày được nghỉ ngơi trong tòan đế quốc, ông không hề quyết định đổi ngày thứ bảy ra ngày Chúa Nhật, vì Roma không có ngày Sabbath (ngày thứ bảy). Khi chấp nhận Kitô Giáo thì đồng thời cũng nhìn nhận Chúa Kitô là ánh sáng thế gian, người La Mã tôn vinh thần mặt trời, là nguồn ánh sáng soi trên trái đất, từ đó ngày của thần mặt trời (day of the sun) đồng hóa với ngày của Chúa (the Lord’s day) và đó là Ngày Chúa Nhật (Sunday trong tiếng Anh).

Sự việc lấy ngày 25 tháng 12 làm ngày giáng sinh của Chúa Giêsu cũng có nguồn gốc tương tự. Trong đế quốc Roma có nhiều lễ hội của các giáo phái, nhằm thống nhất những buổi lễ ấy hòang đế Aurelian (270-275 A.D.) đã cho tổ chức ngày mừng “Mặt trời thắng trận – Unconquered Sun” nhằm ngày 25 tháng 12 như một dấu hy vọng, gọi là mừng ngày mặt trời tái sinh (rebirth), khi đêm dài bắt đầu ngắn dần và ngày bắt đầu dài ra. Sự trùng hợp là việc sử dụng lịch của các bộ tộc vào thời điểm ấy chưa thống nhất, nên có vấn đề bất đồng việc xác định ngày Chúa Giêsu chịu nạn trong Kitô Giáo. Theo nguồn gốc cổ xưa, người ta tin rằng các tiên tri chết vào ngày sinh ra, hoặc vào ngày thụ thai. Do đó giáo hội Đông Phương thì lấy ngày 6 tháng Tư, Tây Phương thì ngày 25 tháng Ba (Lễ Truyền Tin). Do đó Đông Phương mừng giáng sinh vào ngày 6 tháng Giêng, còn Tây Phương mừng vào ngày 25 tháng 12, trùng vào ngày “mặt trời thắng trận” trong đế quốc Roma.

Những nhà nghiên cứu lịch sử hội họa, đã xem xét rất kỹ bức tranh Bữa Tiệc Ly của Leonardo và đưa đến kết luận Leonardo vẽ như thế, vì ông này là người đồng tính (homosexual). Cụ thể nhất là bức chân dung rất danh tiếng của Leonardo là bức Mona Lisa, trong DVC cho là bức họa hòan hảo nhất của Leonardo, và một cách biểu hiện chính con người của tác giả, với nụ cười bí ẩn pha trộn cả nam và nữ tính. Thật ra đó chỉ là lối giải thích để muốn hướng tư tưởng nghiêng về sự tôn vinh nữ tính, còn bức chân dung ấy là Lisa Gherardini del Giocondo vợ của thương gia Francesco del Giocondo, người đã hợp tác với Leonardo trong thời gian rất lâu. Ngoài ra các nhà nghiên cứu hội họa không tìm thấy dấu tích nào cho rằng Leornado đã cất giấu những bí mật trong các bức họa của ông. Sự kiện Dan Brown nêu ra trong truyện hòan tòan là hư cấu. Dùng một nửa những dữ kiện có thật để trộn lẫn với những nghi vấn và tiểu thuyết hóa những huyền thọai, đó là một phương pháp người viết tiểu thuyết nhằm gây ảo tưởng cho người đọc; phương pháp này rất thịnh hành và cũng rất thành công. Chưa hết, Dan Brown viết tiểu thuyết này gặp may vì trở nên câu truyện thời sự, nó liên hệ đến sự khủng hỏang trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em mấy năm qua, mà tác dụng vẫn còn rất sâu đậm. Rừ đó bùng lên như một phong trào của một số người “cấp tiến” muốn phụ nữ làm linh mục, hoặc linh mục muốn có vợ..v.v


Trên đây là tổng kết một số điểm nhằm làm sáng tỏ những nghi vấn chính trong DVC, tuy nhiên còn nhiều điểm chưa nói rõ hết được vì giới hạn tờ báo không cho phép. Có một sự kiện rất quan trọng và dễ hiểu, là sự kiện Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, đó là sự thật, bởi lẽ trong bối cảnh cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu lúc ấy, nếu Ngài không thật sự sống lại thì nhóm môn đệ nhỏ bé kia sẽ tan rã lập tức trước áp lực từ mọi phía. Biến cố Chúa Kitô phục sinh là điểm tựa tinh thần mạnh mẽ nhất, khiến các môn đệ sẵn sàng chết cho niềm tin ấy, và các ông đã giữ vững niềm tin bằng những cái chết anh dũng. Nếu Chúa Kitô không sống lại thì lời rao giảng của Ngài vô giá trị, và những môn đệ chẳng dại gì đánh đổi mạng sống để bảo vệ niềm tin vô vọng. Cứ xem khi Chúa Kitô bị bắt thì các môn đồ đã sợ hãi chạy tán lọan, hai ông đã bỏ đòan để đi Emaus. Do đó Chúa Kitô phục sinh là niềm tin của tôi, niềm tin của những người Kitô Hữu, là nguồn hy vọng lớn lao và duy nhất. Vậy hãy hô lớn lời của Đức Giáo Hòang John Paul đã nói: “chúng ta đừng sợ”.

Đỗ Như Điện

URL: http://danchuausa.net/luu/the-da-vinci-code-su-lua-doi-vi-dai/