Trích từ Dân Chúa

Tâm tình 33 năm nhìn lại biến cố 30-4

Lm Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm

Trong tư cách là người Việt-Nam 33 năm sống xa Tổ quốc, giáo xứ Đức Mẹ Lavang tại Wyoming (tiểu bang Michigan) chúng ta chọn ngày hôm nay làm ngày Ba Mươi Ba Năm Nhìn Lại biến cố 30 THÁNG TƯ: 30/4/1975 –30/4/2008. Với tôi và với nhiều người Miền Nam Việt-Nam đương thời, 33 năm trước, ngày 30 THÁNG TƯ là một đại họa cho nhiều người, cho Đất Nước.

30/4/1975 tôi theo Cha Giuse Cao Văn Cường, rời Nha trang, qua ngã Khánh Dương đi về phiá Tây của Tổ quốc, tìm về giáo xứ Châu Sơn, ở Buôn-mê-thuột để giúp Cha Cường dâng lễ mở tay đầu đời linh mục. Hai anh em chúng tôi đang đèo nhau trên xe honda đi ngang qua thị trấn Buôn-mê-thuột thì đài phát thanh Hà Nội loan tin “Saigon Giải Phóng”. Bộ đội hai bên đường thì như đồng loạt tung mũ tai bèo, tung dép râu lên trời, reo hò vang dậy trong niềm sung suớng hân hoan của đoàn quân chiến thắng, còn chúng tôi thì bàng hoàng trong nỗi nhục của kẻ chiến bại, trong tâm trạng của người dân mất nước.

30 THÁNG TƯ là một biến cố tủi nhục cho tôi lúc đó. Hình ảnh những anh lính bộ đội, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép râu, ốm tong ốm teo thế kia mà đánh thắng được một đội ngũ quân hùng tướng mạnh của Miền Nam. Ức thì thì ức, tủi thì tủi, nhưng nay 33 năm sau, đứng trên địa bàn quốc ngoại nhìn lại biến cố nầy, qua những sử liệu đã được giải mật, chúng ta mới thấy rằng vào thời điểm ấy Việt-Nam đã đến lúc cần đổi ngựa thí xe trên bàn cờ quốc tế. Chỉ tủi nhục một điểm là VN chúng ta sinh ra làm thân nhuợc tiểu, đành trở thành con cờ thí trên một bàn cờ quốc tế đã định vị. Con tốt đã nhập cung, con pháo đầu đã bị lượm đi rồi thì xe, thì tượng cũng trở thành bất khiển dụng, đành đợi xóa bàn làm lại.

Tình Ca Cho Nguyễn Thị SàiGòn, sáng tác của nhạc sĩ Việt Dzũng

Hôm nay ngồi đây nhìn lại biến cố 30 THÁNG TƯ của 33 năm trước, thay vì là một đại họa thì lại là một cơ may vì biến cố vượt biên, vượt biển liên tục trong hai thập niên tiếp theo. Không có biến cố 30 THÁNG TƯ làm sức ép, thì dân Miền Nam sẽ không liều mình đi tìm cái sống trong cái chết mà vượt biên, vượt biển. Nhờ hai thập niên vượt biên, vượt biển ấy mà nay gần 3 triệu người VN đang có mặt trên khắp năm châu bốn biển. Đây là nhân tố tất yếu sẽ kéo dài ranh giới Việt-Nam tỏa rộng đi muôn phương nhờ sự hiện diện của người VN xa xứ. Căn cứ trên tinh thần hiếu học của người VN, kèm theo sự thông minh trong bản tính, chắc chắn bây giờ trong số gần 3 triệu Việt kiều ở cõi ngoài của Tổ Quốc, có ít nhất cũng hơn 300 ngàn người trẻ đã tốt nghiệp đại học, có bằng cấp Giáo sư Đại học, Bác-sĩ, Dược-sĩ, Kỹ-sư, Luật-sư, Kiến-trúc-sư, Kinh-tế-gia, Doanh-gia chuyên nghiệp, chuyên ngành. Họ là những chuyên-viên với những khả-năng thứ thiệt, làm nhân-tố cho một Việt-Nam giàu mạnh về sau trên nhiều lãnh vực chuyên môn. Nhà Nước Việt-Nam trước đây gọi những người vượt biên, vượt biển chúng ta là bọn phản quốc, vọng ngoại nhưng trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Chế Độ lại ưu ái nhận vơ vào và gọi nịnh chúng ta là “khúc ruột ngàn dặm của Tổ Quốc ở nước ngoài”... Cũng là một thực tế và là một thực thể thôi, nhưng nhận hay không nhận là quyền của chúng ta.

Chúng ta cám ơn cộng đồng thế giới đã quảng đại đón nhận chúng ta làm thân tị nạn xa xứ. Là người Công giáo VN ở Hoa-Kỳ, chúng ta phải lớn tiếng cảm tạ Chúa đã quan phòng sắp xếp trong biến cố 30 THÁNG TƯ, chúng ta tri ân quốc gia, dân tộc và Giáo hội Công Giáo Mỹ đã quảng đại đón tiếp cộng đồng người Việt đến nhập cư, rồi định cư vĩnh viễn trên đất nước phồn vinh nầy. Hoa Kỳ đã đại lượng đón tiếp chúng ta trong 33 năm qua, chính là một món qùa đắt giá nhất của xứ sở cơ-hội nầy giúp người VN chúng ta hãnh tiến, là tụ điểm để người Việt chúng ta “châu về hiệp phố” mà thể hiện tinh thần công dân của một quốc gia độc lập cho đến nơi đến chốn, rồi từ đó ra công xây dựng cho dân hùng nước mạnh là món quà chúng ta dâng tặng lại để tri ân dân nước Mỹ vậy.

Dịp 33 năm nhìn lại biến cố 30 THÁNG TƯ hôm nay là để tạ ơn Trời, tạ ơn người và riêng là người VN, đây cũng là một cơ hội để chúng ta khẳng định lại với Mẹ Việt-Nam rằng: Chúng con rời khỏi không gian Mẹ Việt-Nam nhưng hồn nước Mẹ Việt-Nam vẫn chưa bao giờ rời khỏi con tim, khối óc của mỗi chúng con.

Đây là căn tính của nỗi ước mơ hằng đeo đuổi tôi suốt 29 năm trường rời xa Quê Mẹ Việt-Nam. Xin qúy vị và anh chị em cùng chia sẻ nỗi niềm của một “Em Bé Việt Nam và Viên Sỏi” được diễn tả bởi hồn thơ ái quốc Trần Trung Đạo, một thi sĩ quê Quảng Nam:

Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu.

Viên kẹo tròn nầy để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông nầy để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ nầy để qua cho Chị
Viên kẹo lớn nầy để lại cho Em
Còn viên kẹo thật to nầy... là phần Bé đấy.

Bên bờ biển Palawan
Có một em bé gái
Tuổi mới chừng lên sáu lên năm
Đang ngồi đếm từng viên sỏi nhỏ
Và nói chuyện một mình
Như nói với xa xăm.

-“Em đến từ Việt-Nam”
Câu trả lời thường xuyên và duy nhất
Hai tiếng rất đơn sơ mà nhiều người quên mất.
Chỉ hai tiếng nầy thôi
Em nhớ kỹ trong lòng
Em chỉ ra ngoài Đông hải mênh mông
Cho những câu hỏi khác.

Mẹ của em đâu?
- Ngủ ngoài biển cả.
Em của em đâu?
- Sóng cuốn đi rồi.
Chị của em đâu?
- Nghe chị chết trên mui.
Ba của em đâu?
Em lắc đầu không nói
- Bé thức dậy thì chẳng thấy ai nữa.

Chiếc ghe nhỏ vớt vào đây mấy bữa
Trên ghe sót lại chỉ dăm người
Lạ lùng thay một em bé mồ côi
Đã sống sót sau sáu tuần trên biển.

Họ kể lại em từ đâu không biết
Cha mẹ em đã chết đói trên tàu
Chị của em hải tặc bắt đi đâu
Sóng cuốn mất người em trai một tuổi.

Kẻ sống sót sau sáu tuần trôi nổi
Đã cắt thịt mình lấy máu thấm môi em
Ôi những giọt máu Việt-Nam
Linh diệu vô cùng
Nuôi sống em
Một người con gái Việt.

Mai em lớn dù phương nào cách biệt
Nhớ đừng bao giờ đổi máu Việt-Nam
Máu thương yêu đã chảy bốn ngàn năm
Và sẽ chảy cho muôn đời còn lại.

Viên kẹo tròn nầy để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông nầy để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ nầy để qua cho Chị
Viên kẹo lớn nầy để lại cho Em
Còn viên kẹo thật to nầy. . là phần Bé đấy.

Suốt tuần nay em vẫn ngồi
Một mình lẩm bẩm
Ngơ ngác nhìn ra phía biển xa xôi
Như thuở chờ Mẹ đi chợ về.

- Thật trễ làm sao
Em tiếp tục thì thầm
Những câu nói vẩn vơ
Mẹ ngày xưa vẫn thường hay trách móc.

Trên đây là nỗi niềm của một trẻ thơ nhưng duới đây là tâm tư của một người trọng tuổi, trong cảnh sầu xa xứ đau thương, vẫn luôn uớc mong sẽ có ngày trở lại như ước mơ “Rồi Sẽ Đổi Tên Con” được diễn tả bằng những tâm tư sâu đậm Việt-Nam:

Lòng cha đêm sầu rụng
Trong nỗi đời cô đơn
Vẳng nghe lời Việt Dũng
Cất gịong ca tủi hờn.
Mẹ đặt tên con:
Nguyễn Thị Saigòn
Đời con: Lê-Tị-Nạn
Đau tên: Vũ-Nhục-Nhằn
Biển Đông dù có cạn
Lòng cha hoài nước dâng

Con buớc đi
Mang tuổi trẻ phong trần
Lạc loài không lý lịch.
Máu của cha tạo nên con xiềng xích
Thuở bào thai đâu mẹ muốn con buồn?
Da con vàng: trời Tây Phương đối nghịch
Nói tiếng người con bị giống nòi khinh

Nỗi thương con cha chỉ biết hận mình
Sao lại dẫn con đi vào viễn xứ?
Lỗi lầm cha hay vòng xoay lịch sử
Đưa con mình vào kiếp sống lưu vong
Được tự do nhưng lại mất giống giòng
Con đâu biết trứng Rồng Tiên chung bọc!
Trời đêm mưa và lòng cha đang khóc
Đời con đi xẻ dọc một đời cha
Người ta cuời khi thấy bóng con qua
Hình dáng Việt mà sao không phải Việt
Cha cúi đầu cuồng quay ảo xiệc
Quê Hương nào dẵn dắt bước con đi?
Óc Tây Phương con đâu biết nghĩ gì
Về Dân Tộc đang lầm than khốn khổ?

Lỗi tại cha? -Mẹ dầm mưa trút đổ
Gọi tên con: Nguyễn Thị Sàigòn
Chiều ‘mít-tinh’ nghẹn lời ca góc phố
Cha gào than đòi lẽ sống cho con
Thắp sáng niềm tin từ vực sâu đáy mộ
Tiếng cuời ai quên nuớc mất hay còn.

Con cố đợi
Cha dẫn con đi đường quê sẽ tới
Một ngày mai hoa nắng huy hoàng
Tượng đất nghênh ngang
Lòng dân mình sẽ đập
Màu đỏ sang vàng
Trời oan khiên phải sập.

Mẹ đổi tên con, tiếng cười reo vang khắp
Trần Tự Do
Lê Dân Chủ
Tên Nhục Nhằn không kèm theo họ Vũ
Một đời con lý lịch sẽ vinh quang.
Máu lòng cha chưa cạn
Hồn vẫn chảy niềm tin

Cha đổi lao tù cho con ánh sáng
Tiếng gào hôm nay thành tiếng hát mai sau.
Hoa sẽ nở từ hạt giống cha đau
Cho con vòng nguyệt quế
Đường con đi: đẹp trời hoa thế hệ
Đến ngàn năm Xuân mãi thắm phương Nam.
(
Võ Đại Nam: 10-12-1995)

Tôi thực sự đã rời xa Việt-Nam trong không gian vật lý nhưng hình ảnh đất nước Việt-Nam, Dân tộc Việt-Nam chưa hề rời xa tôi trong tâm tưởng, trong uớc mơ. Tôi bắt gặp tâm tư nầy của tôi trong những giòng suy tư sau đây của một tâm hồn Việt-Nam: “Tôi yêu quê tôi, giải đất chạy dài theo bờ Thái Bình Dương êm đềm và hùng vĩ. Tôi yêu hình ảnh của núi rừng thâm u và cô độc. Tôi yêu dân tộc tôi với một qúa trình lịch sử đầy điêu đứng và không hề nguội lửa đấu tranh. Tôi yêu đồng bào tôi, những người đã cùng tôi chia sẻ một cội nguồn lịch sử, cùng chung những niềm hãnh diện và những nỗi đắng cay... Tôi nghĩ đền hai tiếng Việt-Nam mà lòng cảm thầy bùi ngùi xúc động. Tiếng Việt, người Việt và phong tục Việt được ràng buộc với nhau bởi một sợi dây thiêng liêng mà chỉ có chúng ta mới hiểu được và chỉ có chúng ta sẽ bảo tồn... Bạn trẻ ơi! Dân ta còn đó, hãy cố gắng gìn giữ lại những gì chúng ta còn có. Bạn trẻ của tôi ơi! Chúng ta còn ngồi lại nơi đây, hãy cầm lấy tay nhau mà hẹn với lòng mình: Chúng ta sẽ chiến đấu mãi mãi, chiến đấu với sự nghèo nàn, ngu tối, bệnh hoạn và sẽ tha thứ cho nhau rồi đứng lên cùng ôm chặt lấy nhau cho da Việt-Nam VÀNG, cho máu Việt-Nam ĐỎ”. (Thương Yêu, trong bài tựa đề “TÔI YÊU. .. TÔI YÊU” đăng trong tờ Đất Mới).

VIỆT NAM LÀ TIM, ĐỜI MÌNH LÀ MÁU. Làm sao Tim và Máu lại có thể tách rời? Tâm trạng nầy cần phải được hét to lên “Để Con Nhớ” như tâm sự của Nhất Tuấn được đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong ngày nào:

Cùng các anh chị con, mình lạc loài Do-Thái
Để con nhớ, suốt đời con nhớ mãi
Giống Lạc Hồng là giòng dõi Rồng Tiên
Nước Việt-Nam ta cảnh đẹp dân hiền.

Bên Biển Thái: đó giang sơn cẩm tú
Dẫu là Mỹ nhưng con ơi phải nhớ
Mình ở đây ăn gởi nằm nhờ
Mình ở đây mà canh cánh từng giờ
Ngày trở lại quê nhà xưa yêu dấu.
Việt-Nam là tim
Đời mình là máu
Bố dặn con ghi khắc một niềm tin
Máu đi rồi máu phải trở về tim.
Máu sẽ chết nếu chảy ngoài huyết quản.
Nhớ kỹ chưa con lời ta căn dặn
Máu đi máu trở về tim,
Việt-Nam nghèo khó cũng xin trở về.”
(
Nhất Tuấn, Văn Nghệ Tiền Phong #169)

Nói như Bảo-Thái trong cuốn sách mang tựa đề “Một Thời Hoàng Tộc” nơi trang 84 rằng: “Tôi đã bỏ nước ra đi, nhưng vẫn mang theo hồn nước trong trái tim mình. Hồn nước tiềm ẩn trong những khúc ca dao, lời mẹ ru từ lúc nằm nôi, trong những điệu hò mái nhì mái đẩy, đầy tình tự quê hương, đã vang vọng lại trên sông núi ở quê nhà và đang vang vọng trong lòng của mỗi một người chúng ta:

Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
.”

Tôi cám ơn qúy vị và anh chị em đã cho tôi cơ-hội đặc biệt để chia sẻ với anh chị em Chúa và cũng là đồng bào Việt-Nam chung bọc, rất thân thương của tôi về nỗi niềm ngày càng sâu đậm và xác tín: Tôi rời khỏi Việt-Nam nhưng Việt-Nam chưa bao giờ rời khỏi con tim và khối óc của tôi. Qúy vị và anh chị em có chung cùng tâm trạng nầy với tôi không? Hẹn sẽ gặp nhau trong tâm tình nầy và mãi mãi hãnh diện là người Việt-Nam đang ở cõi ngoài của Tổ Quốc.

Muôn vàn trân trọng.

Lm Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm

URL: http://danchuausa.net/luu/tam-tinh-33-nam-nhin-lai-bien-co-304/