Trích từ Dân Chúa

Tại sao chúng ta cầu nguyện cho linh hồn những người quá cố?

Lm Thiên Lâm

Dịp kỷ niệm 1.000 năm ngày viện phụ Odilon, viện phụ thứ năm của đan viện Cluny, cổ võ việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục vào ngày 02.11 hằng năm, Ðức Thánh Cha đã gửi một Sứ-điệp đến Ðức giám mục Autun, Chalon và Mâcon kiêm Viện-phụ Ðan viện Cluny, nhiệt liệt khuyến khích các tín hữu sốt sắng cầu nguyện cho người quá cố để họ được tha thứ mọi hình phạt do tội lỗi. Sứ-điệp được công bố tại Rôma ngày 12.9.1998 với nội dung như sau :

Kính gửi Ðức cha Raymond Séguy, Giám mục Autun, Chalon và Mâcon, Viện phụ Cluny,

Trong năm kỷ niệm một ngàn năm thành lập lễ các linh hồn do thánh Odilon (+1049), viện phụ thứ năm của đan viện Cluny, đồng thời kỷ niệm một trăm năm vị tiền nhiệm của Ðức cha là Ðức hồng y Perraud thành lập Hiệp-hội các bà Cluny chuyên cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, kỷ niệm bốn mươi năm thành lập tạp chí "Lumière et Vie", Ánh Sáng và Sự Sống chuyên cổ võ việc cầu nguyện cho người quá cố, tôi vui lòng hiệp ý với tất cả những người trong năm nay tham dự các buổi lễ cầu nguyện cho những người đã ra đi trước chúng ta.

Thực vậy, sau ngày lễ các thánh, trong đó Giáo Hội hân hoan cử hành tình hiệp thông của các thánh và ơn cứu độ con người, thánh Odilon đã nhắn nhủ các đan sĩ cầu nguyện đặc biệt cho những người quá cố, nhờ đó góp phần cách huyền diệu giúp các linh hồn ấy đạt tới hạnh phúc. Từ Ðan viện Cluny, thói quen long trọng cầu nguyện cho những người quá cố dần dần được phổ biến và ngày nay vẫn còn thịnh hành trong Giáo Hội hoàn vũ.

Khi cầu nguyện cho những người qua đời, Giáo Hội chiêm ngưỡng trước tiên mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô, Ðấng đã đạt cho chúng ta ơn cứu độ và sự sống đời đời qua cái chết của Người trên thập giá. Vì thế, cùng với thánh Odilon, chúng ta có thể lặp lại không ngừng : "Thập Giá là nơi tôi nương náu. Thập Giá là Ðường và là Sự Sống cho tôi. Thập Giá là khí giới vô địch của tôi. Thập Giá đẩy lùi mọi sự dữ. Thập Giá phá tan tăm tối". Thập Giá của Chúa nhắc nhở cho chúng ta rằng : toàn thể cuộc sống được Ánh sáng Phục Sinh soi chiếu; không có tình trạng nào hoàn toàn là tuyệt vọng, hư mất? vì Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và mở cho chúng ta con đường sự sống chân thật? Ơn cứu độ được hiện thực nhờ hy tế của Chúa Kitô, nhờ đó con người chuộc tội mình và được giao hòa với Thiên Chúa.

Niềm hy vọng của chúng ta dựa trên Hy Tế của Chúa Kitô. Sự phục sinh của Ngài khai mạc thời kỳ sau hết. Niềm tin vào sự sống vĩnh cửu như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính đồng thời mời gọi hy vọng vui tươi sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền. Tin "xác loài người sẽ sống lại" là nhìn nhận rằng có một mục đích sau cùng, một cứu cánh chung cuộc của mọi đời người. Cứu cánh ấy thỏa mãn được mọi ước muốn của con người đến độ không còn mong ước sự gì khác ngoài mục đích ấy. Thánh Augustinô đã diễn tả cùng một ước muốn đó cách tuyệt hảo khi nói rằng : "Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn chúng con sẽ được an nghỉ cho đến khi nào được ở trong Chúa".

Vì thế, tất cả chúng ta đều được mời gọi sống với Chúa Kitô ngự bên hữu Chúa Cha và chiêm ngưỡng Ba Ngôi Chí Thánh, vì Thiên Chúa là đối tượng chính của niềm cậy trông Kitô-giáo. Cùng với ông Gióp, chúng ta có thể thốt lên : Giờ đây "tôi biết rằng Ðấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa" (G 19,25t). Chúng ta cũng nhớ rằng : Nhiệm Thể Chúa Kitô đang chờ đợi sự hiệp nhất vào ngày tận thế, khi tất cả mọi chi thể được ở trong hạnh phúc hoàn toàn, và "Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người" (1 Cr 15,28).

Thực vậy, Giáo Hội hy vọng ơn cứu độ vĩnh cửu cho mọi con cái mình và cho mọi người. Chúng tôi tin rằng Giáo Hội là cần thiết cho ơn cứu độ, vì Chúa Kitô là Ðấng Trung Gian Duy Nhất và là Con Ðường Cứu Ðộ. Ngài sẽ cứu chúng ta trong Thân Thể Ngài là Giáo Hội. Nhưng ý Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người, và những ai không vì lỗi của họ mà không được biết Tin Mừng của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, họ vẫn trung thành tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng thi hành thánh ý Chúa được nhìn nhận qua những mệnh lệnh của lương tâm, thì những người ấy có thể được ơn cứu rỗi, và số người đó chỉ có Thiên Chúa biết.

Trong khi chờ đợi sự chết hoàn toàn bị đè bẹp, con người tiếp tục cuộc lữ hành trên mặt đất; có những người sau khi hoàn tất cuộc sống còn phải chịu sự thanh tẩy; sau cùng có những người được hưởng vinh quang và chiêm ngưỡng Ba Ngôi Thiên Chúa trong ánh sáng viên mãn. Chỉ có công nghiệp của các thánh, lời cầu nguyện huynh đệ của chúng ta, trợ giúp những ai đang chờ đợi được hưởng kiến Thiên Chúa. Việc cầu nguyện cho người quá cố cũng như đời sống của những người đang sống theo các giới răn của Chúa đạt được những công nghiệp nhắm hoàn tất ơn cứu độ. Trong tình bác ái huynh đệ ? chúng ta đáp ứng ơn gọi sâu xa của Giáo Hội, đó là cứu vớt những linh hồn yêu mến Chúa đời đời. Ðối với các linh hồn trong luyện ngục, tình trạng phải chờ đợi hạnh phúc vĩnh cửu, mong mỏi được gặp gỡ với Ðấng được yêu mến khiến họ đau khổ vì hình phạt phải chịu do tội lỗi khiến họ phải xa Chúa, nhưng chắc chắn rằng sau khi hoàn tất thời kỳ thanh luyện, linh hồn sẽ đến gặp Ðấng mình hằng ao ước.

Sự chiêm ngưỡng cuộc sống những người đã theo Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta sống đời kitô tươi đẹp và ngay chính, làm cho chúng ta xứng đáng với nước Chúa. Vì thế chúng ta được mời gọi hãy sống "tỉnh thức - siêu nhiên", theo kiểu nói của Ðức hồng y Perraud, để chúng ta chuẩn bị mỗi ngày cho đời sống vĩnh cửu. Như Ðức hồng y John Newman đã nhấn mạnh : "không những chúng ta phải tin, nhưng còn phải tỉnh thức; không những yêu mến, nhưng còn phải tỉnh thức; không những vâng phục, nhưng còn phải tỉnh thức". Có thể sự tỉnh thức là một thử thách xem mình có phải là kitô-hữu hay không, vì tỉnh thức có lẽ là tách rời khỏi cái hiện tại và sống với tư tưởng về Chúa Kitô như Ngài mong muốn xưa kia và như Ngài sẽ trở lại, mong ước Ngài đến trong vinh quang.

Những lời chuyển cầu và kêu xin của Giáo Hội được dâng lên Thiên Chúa có một giá trị rất lớn lao. Chúng là đặc tính của một tâm hồn, phù hợp với lòng từ bi Chúa. Chúa luôn để cho tâm hồn Ngài bị xúc động vì những lời khẩn cầu của con cái, vì Ngài là "Thiên Chúa của kẻ sống". Trong lời nguyện chung và lời cầu cho người quá cố, cộng đoàn phó dâng cho Chúa Cha đầy tình thương xót tất cả những người quá cố, để qua việc thanh tẩy trong lòng, họ được luyện sạch và được hạnh phúc trường sinh. Khi phó thác các linh hồn ấy cho Chúa, chúng ta nhìn nhận mình liên đới với họ và chúng ta tham dự vào phần rỗi của họ trong mầu nhiệm tuyệt diệu về tình hiệp thông của các thánh. Giáo Hội tin rằng các linh hồn còn bị cầm giữ trong luyện ngục được trợ giúp nhờ lời cầu nguyện của các tín hữu, nhất là bằng thánh lễ đền tội dâng trên bàn thờ cũng như bằng việc làm phúc và các việc đạo đức khác. Thực vậy, sự thánh thiện được sống thực sự chỉ phát xuất từ sự tham gia vào đời sống thánh thiện của Giáo Hội, và chính nó cũng là sự đóng góp đầu tiên và cơ bản cho sự thánh thiện của Giáo Hội vốn là một cộng đồng các thánh hiệp thông.

Vậy, tôi khuyến khích các tín hữu công giáo hãy sốt sắng cầu nguyện cho những người qua đời, những người thân thuộc và mọi anh chị em đã quá cố, để họ được tha thứ các hình phạt do tội lỗi và được nghe tiếng Chúa gọi : "Hỡi linh hồn yêu dấu, hãy vào nơi an nghỉ đời đời trong vòng tay nhân từ của Ta đã dọn sẵn cho con hạnh phúc trường cửu".

Lm Thiên Lâm

URL: http://danchuausa.net/luu/tai-sao-chung-ta-cau-nguyen-cho-linh-hon-nhung-nguoi-qua-co/