Trích từ Dân Chúa

Sự sống và Bầu cử

Vũ Văn An

Bầu cử tổng thống Mỹ đã ngã ngũ nhưng vấn đề sự sống thì sẽ không bao giờ ngã ngũ cả. Tuần vừa qua, các vị giám mục Hoa Kỳ bắt đầu “giương cung” nhắm vào chính phủ tương lai của tổng thống đắc cử Barack Obama, khi cảnh cáo cho rằng “sự hợp nhất mà tổng thống đắc cử Obama cũng như toàn dân Mỹ mong muốn vào lúc khủng hoảng này” sẽ không thể nào thực hiện được, nếu các chính sách của tân chính phủ làm gia tăng nạn phá thai.

Một chủ trương gây chia rẽ

Trong một bản tuyên bố nhân danh toàn thể các giám mục Hoa Kỳ, sau cuộc họp tại Baltimore, Đức Hồng Y Francis George của Chicago, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói rằng: Giáo Hội mong mỏi được làm việc với ông Obama trong các vấn đề cải tổ di trú, chăm sóc y tế và công bình kinh tế, nhưng cho hay dự luật Tự Do Lựa Chọn (FOCA) mà ông Obama tuyên bố ủng hộ là “một đạo luật xấu sẽ chia rẽ quốc gia nhiều hơn nữa”.

Các giám mục cho rằng nếu ban hành dưới hình thức như đã được Quốc Hội thông qua trước đây, đạo luật này sẽ đặt ngoài vòng pháp luật bất cứ loại can thiệp nào đối với lời yêu cầu phá thai: “Đạo luật ấy sẽ tước đoạt quyền tự do của công dân Mỹ ở tất cả 50 tiểu bang, quyền tự do mà hiện nay họ đang giúp họ có thể đưa ra một số giới hạn và quy định khiêm tốn đối với kỹ nhệ phá thai”.

Các ngài cũng cho rằng FOCA còn triệt để hơn phán quyết Roe v.Wade năm 1973 của Tối Cao Pháp Viện, là phán quyết chính thức hợp pháp hóa phá thai tại Hoa Kỳ. Vì đạo luật này sẽ hủy bỏ quyền tự do lương tâm của các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, những người mà xác tín bản thân không cho phép họ cộng tác vào các vụ phá thai, cũng như sẽ đe dọa các cơ chế chăm sóc y tế và các cơ quan từ thiện của Công Giáo. Nó là “một đạo luật xấu sẽ chia rẽ quốc gia chúng ta hơn nữa, nên Giáo Hội sẽ quyết tâm chống lại nó”.

Các giám mục nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua chủ yếu được quyết định bởi các yếu tố kinh tế. Do đó, nếu dùng ý thức hệ mà giải thích sai lầm, coi nó như một cuộc trưng cầu dân ý về phá thai, thì sự hợp nhất mà tổng thống đắc cử Obama mong muốn sẽ không thể nào thực hiện được. “Phá thai không những chỉ giết hại trẻ em chưa sinh ra; nó còn hủy diệt trật tự hiến định và ích chung, những điều chỉ được bảo đảm khi sự sống của mọi con người nhân bản được bảo vệ trước pháp luật”. Trong cuộc bầu cử, nhiều vị giám mục đã nhấn mạnh việc người Công Giáo có bổn phận phải dùng lá phiếu của mình chống lại việc phá thai. Tuy có đến 54% người Công Giáo bỏ phiếu cho ông Obama, nhưng đa số người Công Giáo sống đạo đã bỏ phiếu cho TNS Cộng Hòa, John MaCain, là người ủng hộ sự sống.

Lên tiếng về vấn đề này còn có đức Hồng Y Sean O’Mahey, Tổng giám mục Boston. Trong bài phỏng vấn đăng trên tờ Boston Globe, Đức Hồng Y cho hay: dù hết sức vui mừng thấy một người da đen được bầu làm tổng thống, nhưng niềm vui của ngài bị giảm đi phần lớn khi biết rằng ông Obama có “một thành tích đáng chê trách trong các vấn đề phò phá thai và rất có thể đang ở trong túi của nhóm Planned Parenthood (Làm Cha Mẹ Có Kế Hoạch {một nhóm tranh đấu cho quyền được chọn lựa)”. Trong một diễn văn đọc tại Washington D.C. vào ngày thứ Năm vừa qua, Đức Hồng Y James Francis Stafford chỉ trích chủ trương của tổng thống đắc cử Obama là “gây hấn, phá phách và đem đến tai họa khôn lường” và cho hay: ông ta đã tranh cử với một “cương lĩnh chống sự sống đầy cực đoan”.

Vị đứng đầu Tòa Ân Xá Tối Cao của Tòa Thánh nói thêm: “Trong mấy năm sắp tới, Vườn Diệtsimani sẽ không còn ở ngoại biên nữa. Ta sẽ đích thân biết vườn ấy. Nước Mỹ quả đã bị một cơn động đất văn hóa vào ngày 4 tháng Mười Một năm 2008”.

Chiếc áo không đường nối

Trong khi ấy, thứ Bẩy qua tại Rôma, nhân khi nói truyện với các tham dự viên cuộc hội nghị do Hội Đồng Giáo Hoàng về Trợ Giúp Các Nhân Viên Chăm Sóc Sức Khỏe tổ chức với chủ đề “Chăm Sóc Mục Vụ Cho Trẻ Em Bệnh Hoạn”, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI minh nhiên khẳng định phẩm giá của mọi sự sống nhân bản từ lúc tượng thai. Tuy nhiên, Ngài cũng cho hay: các trẻ em đã sinh ra, nhất là các trẻ em chịu cảnh nghèo, bệnh tật và chiến tranh phải được Giáo Hội đặc biệt quan tâm chăm sóc. Ngài cho hay: hàng năm có tới 4 triệu trẻ em trên thế giới chết lúc chưa được 26 ngày, vì nghèo, vì không được chăm sóc sức khỏe hay vì các tranh chấp vũ trang.

Một số báo chí “cấp tiến” Công Giáo đã dựa vào giáo huấn trên của Đức Giáo Hoàng để nhấn mạnh đến tính bất khả phân chia của vấn đề sự sống. Nhóm này cho rằng việc quan tâm của Giáo Hội về sự sống phải nhằm sự sống trong cái toàn bộ từ lúc tượng thai cho tới lúc vào lòng huyệt của nó, chứ không phải chỉ ở lúc còn trong bụng mẹ. Họ còn đi tới chỗ ca ngợi quyết định gần đây của một số cơ quan Công Giáo ủng hộ các quy định mới đây của các chính phủ Anh và Wales cho phép các cặp “vợ chồng” đồng tính được nhận con nuôi, nhất là những trẻ em khó tìm được cha mẹ nuôi, mặc dù làm thế là đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội. Đối với họ, phúc lợi của các trẻ em khó tìm được cha mẹ nuôi này phải được đặt lên hàng đầu.

Ngoài việc dựa vào “giáo huấn” của Đức Bênêđíctô, một giáo huấn rõ ràng đã bị họ hiểu sai, nhóm này còn trích dẫn hình ảnh từng được Đức Hồng Y Bernardin, nguyên Tổng Giám Mục Chicago, đưa ra. Đức Hồng Y dùng hình ảnh “chiếc áo không đường nối” (seamless garment) để miêu tả phương thức trên khi ngài nói truyện với hội nghị các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Ngài nói: trẻ em đã được sinh ra, nhất là các trẻ em chịu nghèo đói, bệnh tật và chiến tranh, phải có chỗ trong trái tim Giáo Hội.

Ở đây, tử xuất trẻ em không phải là vấn đề duy nhất. Các trẻ em thiếu thốn tình thương, giáo dục và dinh dưỡng cũng không thể tiển nở, không thể sống trọn vẹn. Những vấn đề ấy cũng phải được kể là các vấn đề thuộc sự sống. Họ cho rằng: Giáo Hội không thể từ bỏ các cố gắng chống phá thai của mình, cũng như không thể để các chính phủ tự do muốn quy định ra sao thì quy định về đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, các giáo huấn của Giáo Hội sẽ bị hiểu lầm và sẽ không có tiếng vang trong cộng đồng Công Giáo vào lúc có những cuộc bầu cử, trừ khi đặt chúng vào một cái khung toàn bộ gồm các giá trị tích cực. Các nhà lãnh đạo Công Giáo nào chủ trương và ra tay bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn của nó sẽ được giáo dân cũng như người ngoài chú ý lắng nghe và tôn trọng hơn là những vị chỉ loay hoay với một vấn đề duy nhất.

Điều những người này nhấn mạnh chỉ là chuyện lo bò trắng răng. Không một vị lãnh đạo Giáo Hội nào lại không quan tâm tới sự sống từ lúc tượng thai cho tới lúc vào mộ huyệt. Giáo huấn và hành động của các ngài đủ chứng tỏ điều ấy. Nhưng trong khung cảnh một cuộc bầu cử, khi cán cân nghiêng hẳn về phá thai, thì người “phớt tỉnh ăng-lê” nhất cũng phải có thái độ, đừng nói chi đến những vị có trọng trách “chăm sóc” phần rỗi người ta. Đúng là tất cả các vấn đề trên đều là vấn đề sự sống, và đều nằm trong trái tim Giáo Hội. Chúng không có chi phải loại trừ nhau. Còn nói rằng “phò phá thai” để giảm phá thai, thì không những chỉ là chuyện không tưởng mà còn ngụy biện nữa. Cùng lắm, chủ trương ấy chỉ là cách kiếm phiếu. Rất hy vọng sau khi đã kiếm được phiếu, ông Obama sẽ nghĩ lại.

Phò sự sống không giảm

Chuyên gia luật pháp, Clarke Forsythe, Cố Vấn Cao Cấp của tổ chức Americans United for Life (AUL=Người Mỹ Đoàn Kết vì Sự Sống), trái lại, có cái nhìn khá lạc quan. Theo ông, trong khi khủng hoảng kinh tế và chiến tranh tại Iraq được coi là ưu tiên hàng đầu đối với cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, thì chả có gì cho thấy người Mỹ ít phò sự sống hơn trước. Trong cuộc nói truyện với hãng tin Zenit vào ngày 20 tháng Mười Một vừa qua, ông đã đặt kết quả cuộc bầu cử năm 2008 trong bối cảnh 35 năm tiến bộ của phong trào phò sự sống. Ông cũng đề cập tới các thách đố có thể có đối với các vấn đề sự sống dưới thời tổng thống của Barack Obama.

Về kết quả bầu cử vừa qua, Forsythe cho rằng khó có thể duy trì các vấn đề về sự sống cũng như các vấn đề khác về công bình trong tâm thức công luận lúc ta đang bị khủng hoảng về kinh tế và chiến tranh. Chiến dịch chống việc buôn bán nô lệ của William Wiberforce tại Anh trong thập niên 1790 là một điển hình. Chiến dịch ấy đã bị trệch đường rầy chỉ vì cuộc Cách Mạng Pháp, chiến tranh với Pháp, khủng hoảng kinh tế và những vụ mùa thất thu hãi hùng. Nhưng nhờ Wilberforce và bằng hữu trì chí mà sau một thời gian đáng kể, sự việc đã xoay chiều.

Theo Forsythe, không có dữ kiện nào cho thấy cử tri Mỹ bỏ phiếu “chống lại việc phò sự sống” trên bình diện quốc gia; và ông cho rằng đã có những dữ kiện cho thấy tổng thống đắc cử Obama thắng là nhờ các yếu tố bản thân, chứ không hẳn đảng phái. Tầm cỡ chiến thắng của ông không lớn lao, và cũng có dữ kiện chứng tỏ “các đuôi áo” của ông không dài lắm.

Các sáng kiến dành phiếu không thành công phần lớn là các vấn đề địa phương, được tranh cử trên bình diện địa phương, tùy thuộc các yếu tố đặc thù của từng tiểu bang: bối cảnh chính trị, công luận, sức mạnh và việc tổ chức hạ tầng, nguồn tài chính, tác động của việc quảng cáo vào phút chót. Vấn đề có tính toàn quốc là vấn đề kinh tế và cuộc chạy đua đoạt chức tổng thống đã xoay chiều vào khoảng từ 6 tới 8 tuần lễ cuối cùng sau khi có sự xụp đổ của thị trường nhà cửa và tín dụng. Không có dữ kiện nào cho thấy con số đáng kể các ứng cử viên quốc hội liên bang hay các ứng cử viên tiểu bang thua cuộc vì họ phò sự sống hay bị nhận dạng là phò sự sống.

Phôi thai

Trong kỳ bầu cử tháng Mười Một vừa qua, hai biện pháp phò sự sống có liên quan tới phôi thai đã bị cử tri đánh bại. Tiểu bang Colorado đã bác bỏ tu chính án Sự Sống Con Người, là tu chính án nhằm công nhận tư cách nhân vị (person) của phôi thai. Trong khi ấy, tiểu bang Michigan chấp thuận dùng phôi thai người để nghiên cứu. Nhưng theo Forsythe, dù có liên quan tới phôi thai, hai biện pháp trên hoàn toàn khác nhau và các lý do bị đánh bại phần nhiều có tính địa phương và tỷ lệ bị đánh bại cũng hết sức khác nhau. Cho nên, cần phải hiểu tường tận mỗi biện pháp trên. Tu chính án Sự Sống Con Người ở Colorado do nhóm phò sự sống đệ trình và tỷ lệ bị đánh bại rất lớn. Trong khi sáng kiến dùng phôi thai nghiên cứu tại Michigan do các người ủng hộ ngành này đệ trình và chỉ thắng bằng một tỷ lệ rất nhỏ. Forsythe cho rằng phe phò sự sống chưa hề đạt được một thành công nào về chính trị cũng như về quan điểm phò sự sống tại tiểu bang Colorado, nên tu chính án Sự Sống Con Người làm sao có hy vọng được thông qua tại đó.

Người ta cần phải đặt và lượng giá câu hỏi căn bản này là liệu có thể sử dụng sáng kiến đầu phiếu tại tiểu bang để cổ vũ việc phò sự sống và nhận được sự bảo vệ của luật pháp đối với sự sống con người hay không. Về phương diện này, thiết tưởng ta cần phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể của từng tiểu bang mà phán đoán khôn ngoan, biết làm thế nào nối kết được phương tiện với mục đích. Muốn thành công trong các sáng kiến đầu phiếu về việc ngăn cản không dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu chẳng hạn, điều cốt yếu là phải làm hết cách giáo dục công luận biết đến giá trị và thành quả của chương trình dùng tế bào gốc người lớn, và các thất bại tương đối của chương trình dùng tế bào gốc nơi phôi thai. Việc này cần có thời gian.

Phá thai

Nhân hai tiểu bang South Dakota và California bác bỏ các tu chính án nhằm giới hạn việc phá thai, Forsythe cho hay bất chấp các trở ngại to lớn, kể cả các phán quyết trái nghịch của Tối Cao Pháp Viện, chính nghĩa phò sự sống tại Hoa Kỳ vẫn đã thực hiện được nhiều tiến bộ đáng kể trong 35 năm qua, nhằm giới hạn việc phá thai, thu nhỏ phạm vi phán quyết Roe v. Wade năm 1973 của Tối Cao Pháp Viện, gia tăng sự che chở của luật pháp đối với trẻ chưa sinh (bên ngoài bối cảnh phá thai), và nâng cao mức hoài nghi về phá thai.

Trong năm 2008, phán quyết Roe bị đe dọa vì thành phần của Tối Cao Pháp Viện và vì cái đà tiến (momentum) tạo được trong 35 năm qua. Kể từ 1992, các vụ phá thai đã giảm tới 25%. Phá thai đã được người ta hiểu như tước bỏ sự sống con người. Các rào cản bằng luật lệ đã được dựng lên nhằm giảm thiểu nạn phá thai. Sau đây là một số biện pháp:

--Gần 40 tiểu bang đã ban hành các đạo luật chỉ cho phép các y sĩ được thực hành việc phá thai;

-- 32 tiểu bang đã áp dụng các giới hạn tài trợ phá thai của Tu Chính Án Hyde của Liên Bang, trong khi chỉ có 17 tiểu bang là nới rộng việc tài trợ phá thai;

-- 36 tiểu bang đã thông qua luật đòi phải có ưng thuận hiểu biết;

-- 36 tiểu bang đã thông qua các đạo luật đòi có sự can dự của phụ huynh;

-- 47 tiểu bang đã ban hành các đạo luật bảo vệ quyền lương tâm;

-- 22 tiểu bang đã thông qua các đạo luật quy định các bệnh xá phá thai;

-- 16 tiểu bang đã thông qua các đạo luật siêu âm.

Ngoài ra, từ năm 1970, việc bảo vệ của luật pháp đối với sự sống đang phát triển bên ngoài bối cảnh phá thai mỗi ngày mỗi gia tăng. Hiện đã có nhiều luật qui tội giết hại phôi thai (fetal homicide) tại 36 tiểu bang. Các đạo luật này coi việc giết trẻ chưa sinh là tội giết người. Tại 38 tiểu bang, đã có luật qui định việt giết lầm, là đạo luật cho phép kiện dân sự đối với việc giết trẻ chưa sinh ở một độ tháng tuổi nào đó. Các đạo luật này được ban hành nhằm hạn chế nạn phá thai.

Ngoài ra, như phán quyết của Tối Cao Pháp Viện năm 2007 trong vụ Gonzales v. Carhart (duy trì đạo luật liên bang chống việc phá thai ‘bán sinh’) đã chứng tỏ, đa số Tối Cao Pháp Viện dưới thời chánh án Roberts (Roberts Court) nghi ngại việc phá thai, nếu không muốn nói là phò sinh. Công chúng cũng nghi ngại phần lớn các vụ phá thai. Các áp lực về luật lệ, về xã hội và kinh tế đối với các cơ quan phá thai mỗi ngày một lên cao. Năm 2008, hệ thống các trung tâm chăm sóc thai nghén toàn quốc mạnh mẽ hơn thời 1973. Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu y khoa chứng minh những nguy hiểm về y khoa do phá thai đem lại cho người đàn bà. Năm 2008, 45 tiểu bang đã xem sét 450 biện pháp có liên quan tới phá thai. Trong số các thành quả phò sinh trong năm 2008, ta thấy:

-- Một biện pháp tổng hợp tại tiểu bang Oklahoma đòi hỏi người đàn bà phải được siêu âm trước khi phá thai, quy định việc cung cấp thuốc “phá thai” RU-486, và cấm không được cưỡng bức người khác phá thai;

--Các đạo luật mới tại các tiểu bang Ohio, South Carolina, và South Dakota đòi buộc các cơ quan phá thai phải giúp phụ nữ cơ hội được duyệt hình siêu âm trước khi phá thai;

-- Cơ quan lập pháp tại các tiểu bang Colorado, Maryland, và Michigan đã hạn chế việc dùng tiền của người đóng thuế để tài trợ các vụ phá thai và cố vấn về phá thai;

-- Các nhà làm luật của tiểu bang Idaho đã củng cố luật của tiểu bang đòi phải có sự thuận tình có hiểu biết và ngăn cấm việc cưỡng bức phá thai;

-- Tài trợ đáng kể cho các chương trình thay thế phá thai tại các tiểu bang Louisiana, Missouri, Oklahoma, và Pennsylvania.

Vấn đề vì thế không đơn giản. Theo Forsythe, phải dựa vào tình thế của từng tiểu bang mà đặt câu hỏi: liệu sáng kiến đầu phiếu tại đó có hứa hẹn thành công hay không. Muốn thế, phải tìm hiểu công luận, cân nhắc tài nguyên tài chánh, xem sét tài nguyên tổ chức, hạ tầng cơ sở, khả năng tài chánh dành cho quảng cáo…trước khi phát động sáng kiến luật pháp.

Yếu tố Barak Obama

Ai cũng biết Barak Obama ủng hộ phán quyết Roe v. Wade, là phán quyết hợp pháp hóa nạn phá thai. Phải chăng, việc ông ta được bầu làm tổng thống là dấu chỉ cho thấy công luận Mỹ đã từ bỏ con đường phò sinh? Forsythe không nghĩ thế. Nguyên việc bầu Obama làm tổng thống không hẳn có nghĩa điều ấy. Vì rõ ràng, yếu tố quyết định thành bại trong kỳ tổng tuyển cử này là vấn đề kinh tế, và cuộc tranh cử quả đã xoay chiều khoảng từ tuần lễ thứ sáu hay thứ tám vì mối lo do việc xụp đổ thị trường nhà đất và hệ thống tín dụng đem lại.

Điều thực sự làm người ta ngạc nhiên là dù công chúng lo âu vì chiến tranh Iraq và nền kinh tế, thế mà tổng thống đắc cử Obama vẫn không thắng quá 15 hay 20 điểm. Ta không thể chỉ dựa vào cuộc bầu cử tổng thống này mà đoán định được sự thay đổi. Cần phải dựa vào hành động lập pháp của Quốc Hội Liên Bang và các tiểu bang trong hai năm 2009 và 2010 và điều xẩy ra trong các lần tuyển cử toàn quốc năm 2010, họa may mới biết chắc được. Các tiểu bang thì chắc chắn sẽ tiến theo đường phò sinh bắt đầu từ tháng Giêng 2009. Ta hãy chờ xem đến tháng Sáu năm 2009, Quốc Hội Liên Bang cũng như các tiểu bang sẽ làm ăn ra sao.

Tự Do Lựa Chọn

Năm 2007, Obama nói với nhóm Sinh Sản Có Kế Hoạch (Planned Parenthood) rằng nếu được bầu, ông ta sẽ ký ban hành đạo luật Tự Do Lựa Chọn (FOCA) là đạo luật sẽ hủy bỏ mọi hạn chế phá thai hiện có trong luật lệ các tiểu bang. Cứ dựa vào lời tuyên bố ấy, thì chắc chắn việc đầu tiên Obama làm với tư cách tổng thống thế nào cũng là ký ban hành đạo luật ấy. Forsythe cho hay đó là điều hết sức đáng quan tâm.

Đạo luật này là một đạo luật liên bang dựa vào Điều Khoản Tối Thượng (Supremacy Clause) trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, nhìn nhận ngừa thai là “quyền căn bản” ở bất cứ giai đoạn thai nghén nào. Nó sẽ vô hiệu hóa bất cứ “điều luật, pháp lệnh, qui định, luật hành chánh, phán quyết, chính sách, thực hành hay bất cứ hành động nào” của mọi chính quyền liên bang, tiểu bang hay địa phương có tính “kỳ thị chống lại việc thực thi quyền này…trong việc ấn định hay cung cấp phúc lợi, phương tiện, dịch vụ hay thông tin”.

Không đạo luật nào có ngôn từ rõ ràng, dứt khoát và tuyệt đối bằng đạo luật này. FOCA sẽ cưỡng bức việc tài trợ của liên bang và tiểu bang cho các vụ phá thai theo yêu cầu và vô hiệu hóa mọi qui định về phá thai cũng như thủ tục phá thai của tiểu bang, của liên bang và của chính quyền địa phương từng được đưa ra từ 35 năm qua, kể cả các hạn chế đối với các vụ phá thai bán sinh (partial birth abortion), mọi luật lệ đòi cha mẹ phải liên lụy, và mọi luật lệ từng bảo vệ quyền lương tâm liên quan đến việc phá thai.

Chỉ trừ một chiến dịch ồ ạt toàn quốc, khó lòng ngăn cản Obama không thể hiện lời hứa tranh cử của ông ta. Hiện đang có nhiều chiến dịch xin chữ ký để yêu cầu Obama đừng ký ban hành đạo luật trên. Một trong các websites của chiến dịch này là www.fightFOCA.com., số chữ ký hiện đã lên hơn 200,000.

Obama phò sinh?

Nhiều Kitô hữu bỏ phiếu cho Obama nghĩ rằng: ông ta mới thực sự là người phò sinh vì chống chiến tranh Iraq, cam kết giảm nghèo đói và giúp đỡ những người đang chật vật về kinh tế. Luận điệu ấy khó có thể chấp nhận. Vì ông ta ra tranh cử với một cương lĩnh minh nhiên ủng hộ phá thai, mà bản thân ông ta cũng vốn sẵn là người ủng hộ phá thai từ lúc còn là thượng nghị sĩ tại quốc hội Illinois và sau đó là thượng nghị sĩ Liên Bang. Lời hứa của ông ta với nhóm “Sinh Sản Có Kế Hoạch” vào năm 2007 rằng “việc đầu tiên” trong chức tổng thống của ông ta sẽ là ký ban hành FOCA đủ nói lên tất cả. Ngoài ra, ông ta còn cam kết sẽ đề cử làm chánh án Tối Cao Pháp Viện những ai chịu diễn dịch các nguyên tắc của FOCA vào Hiến Pháp Liên Bang và do đó áp đặt FOCA vĩnh viễn lên toàn bộ quốc gia như luật hiến định liên bang. Khó lòng ông ta có thể làm ngược lại quá khứ và cam kết của mình.

Phá thai là một hành vi chủ ý và là một sự xấu nội tại và do đó khác hẳn với các giải pháp khôn ngoan liên quan tới chiến tranh chính nghĩa, phúc lợi xã hội và chính sách kinh tế. Các dữ kiện hiện nay cho thấy luật lệ các tiểu bang về phá thai đã làm giảm 25% các vụ phá thai từ năm 1992…Chúng ta hy vọng rằng Obama sẽ chú tâm đến những ưu tiên thực sự chủ yếu và quên đi những cam kết và hứa hẹn về phá thai.

Một truyện vui: người ta kể lại: Obama từng hứa với các con sẽ mua cho chúng một con chó để mang vào Toà Nhà Trắng. Nhưng lúc chắc mẩm mình đã trúng cử rồi, ông ta mới khám phá ra một điều làm cho lời hứa kia khó lòng thực hiện được: một trong hai đứa con gái của ông bị “dị ứng” với chó! Cho nên, ngay tại cuộc họp báo đầu tiên trong tư cách tổng thống đắc cử, ông cho mọi người hay, việc mua chó ấy nay trở thành một “vấn đề lớn” (theo Nhật Báo Chiêu Dương ngày 22/11/2008 tại Sydney). Nếu đây là “chuyện” có thật, thì biết đâu đây không phải là khúc đàn dạo cho những khám phá hậu bầu cử của Obama khiến ông phải suy nghĩ lại. Dù sao, Obama phò phá thai hay phò sinh, tất cả còn tùy thuộc chúng ta. Hãy đồng thanh nhất loạt dị ứng với phá thai như đứa con gái nào đó của Obama dị ứng với chó làm cho lời hứa lúc tranh cử với việc thực hiện lời hứa ấy sau khi đắc cử đã ra khác nhiều!

Liệu Mùa Xuân Có Ló Dạng Sau Cuộc Bầu Cử ở Mỹ?

Đó là câu hỏi được Elizabeth Lev, hiện dạy môn nghệ thuật và kiến trúc Kitô giáo tại Đại Học Duquesne ở Rôma, đặt ra. Bà trở lời là có, dựa vào bài trình bầy của Kellyanne Conway tại cuộc hội nghị của tổ chức “Springtime Foundation” tại Kinh Thành Muôn Thuở vào tuần qua. Lev mang hình ảnh tương phản giữa cảnh ảm đạm tháng Mười Một của Rôma với tinh thần tươi mát của Springtime Foundation mà ví với hậu cảnh cuộc bầu cử tại Mỹ, một cuộc bầu cử khá ảm đạm đối với thật nhiều Công Giáo, nhưng theo Conway, thực ra nó không ảm đạm như thế.

Conway, sáng lập viên của “ The Polling Company”, đã cho thấy nhiều dấu chỉ chứng tỏ cả một mùa xuân đức tin đang bừng nở sau cuộc bầu cử tại Mỹ. Cô đã dẫn cử toạ, trong đó có cả Hồng Y Arinze, qua thế giới quanh co của thăm dò và thống kê để làm sáng tỏ những cạm bẫy, những trình bầy sai lạc dùng để lèo lái công luận, nhất là trong các vấn đề phá thai, hôn nhân đồng tính và “lá phiếu Công Giáo”.

Trước nhất, cô cảnh cáo về cái nguy hiểm của “cách nói làm mình cảm thấy tốt” (feel good phraseology). “Phò lựa chọn” nghe ra đầy tiến bộ và tích cực, ngược với “phò tàn sát trẻ thơ”. Đàng khác, những người phò sự sống bị báo chí chế riễu đến độ xoàng nhất cũng bị coi là những tên cố chấp cứng ngắc mà tệ hơn nữa còn có dây mơ rễ má với chủ nghĩa thánh chiến (jihadism) vì thường xuyên đặt bom các bệnh xá phá thai. Conway cho hay: Người ta thích cảm thấy tốt về chính mình, nên phải đặt câu hỏi ra sao khiến họ vui mà trả lời theo ý mình muốn. Kết quả là nếu hỏi: bạn phò sự sống hay phò phá thai, 42% người Mỹ sẽ lọt vào loại thứ nhất trong khi 48% cho là mình thuộc loại hai. Nhưng nếu cẩn thận phân tích, tình thế có khác hẳn.

Sáu loại hạn chế và ủng hộ phá thai

Theo Conway, 9% chủ trương phải hoàn toàn ngăn cấm phá thai vì bất cứ lý do nào., trong khi 12% nghĩ nên cấm phá thai ngoại trừ trường hợp phải cứu sống người mẹ. 32% lại nghĩ rằng trường hợp trừ duy nhất cho phép phá thai là bị hiếp dâm, loạn luân hay mạng sống người mẹ. Đối với loại cho phép phá thai, 28% cho hay nên cho phép phá thai trong hạn tam cá nguyệt đầu, 7% cho phép phá thai cho tới tháng thứ sáu, và 6% nghĩ phải cho phép phá thai bất cứ lúc nào và vì bất cứ lý do gì.

Như thế, nhóm chủ trương hạn chế phá thai tối đa lên tới 53% dân số, trong khi những người dễ dãi với phá thai chiếm 41%. Conway thắc mắc làm thế nào một ông tổng thống đang đối diện với một nền kinh tế thê thảm và những tranh chấp quốc tế gay gắt lại có thể quan tâm đặt lên hàng đầu một đạo luật chỉ vì một nhóm thiểu số kia?

Conway còn cho cử tọa hay cách người ta dùng thống kê để lèo lái công luận. Tin tưởng rằng phần lớn người ta không nghĩ phá một bào thai là giết người, nên tờ Los Angeles Times đã cho tổ chức một cuộc thăm dò xem người ta có coi phá thai là giết người hay không. 54% những người được thăm dò đã trả lời là có, là giết người. Tiết lộ đầy đủ đòi phải công bố các dữ kiện, nhưng thay vì chạy tít lớn trên ấn phẩm in, tờ báo đã “dấu” các dữ kiện ấy trong trang mạng của mình!

Conway nhấn mạnh ta cần phải làm cho những tin tức ấy được nhiều người biết tới, cũng như việc phải bảo vệ và bảo dưỡng những hạt giống của mùa xuân đức tin. Các Kitô hữu phải chào mừng các anh hùng của mình giống như người Mỹ vây quanh Anh Joe Ống Nước (Joe the Plumber). Như Jill Stanek, người nữ y tá can đảm, từng làm chứng cho nhiều cái chết thảm thương của trẻ em sống sót sau những vụ phá thai thất bại, đã bị cho vào bóng tối thay vì được chào đón như vị anh hùng.

Conway trưng cuộc tranh đấu chống hôn nhân đồng tính làm điển hình cho một truyền thông thành công. Thay vì dùng định luật khoa học mà nói, các vị giám mục chỉ đơn giản giải thích hôn nhân đồng tính là gì, nó đem theo hậu quả nào và tác động ra sao tới đời sống người ta, ấy thế mà dù người ta dồn không biết bao tiền của và lôi kéo được nhiều khuôn mặt nổi tiếng vào chiến dịch chống lại, đạo luật chống hôn nhân đồng tính vẫn đã được thông qua. Dựa vào tinh thần Công đồng Trent 400 năm trước đây, Conway cho rằng ta cần có sự rõ ràng trong các vấn đề, làm người ta dễ dàng hiểu vấn đề muốn nói gì và thúc đẩy họ sống đạo đức. Một mùa xuân mới sẽ bừng nở mang lại hoa trái tốt tươi trong tâm hồn mọi người, gieo vào trong họ lòng thèm khát nội tại muốn làm điều đúng.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/luu/su-song-va-bau-cu/