Trích từ Dân Chúa
Mạc Giao
Trích Sứ Mệnh Giáo Dân, Số 16 Ngày 27.5.2006
Cuối tháng 4, thời tiết Canada mới len lén bước vào Xuân. Nắng vàng tươi nhưng những cơn gió lạnh vẫn đùa cợt những nụ non còn run rẩy e ấp khi muốn vươn lên tìm hơi ấm của đất trời
“Cành biếc run chân chim ý nhi”
Ráng chờ thêm chút nữa, chúng tôi sẽ có một mùa Xuân và một mùa Hè thật đẹp, sau khi đã có một mùa Đông ít lạnh như chưa từng thấy. Mùa Xuân của đất trời cũng là mùa Xuân trong lòng người. Có những dấu hiệu cho thấy Canada đang có hướng đi lên. Chính phủ của đảng Liberal công nhận đồng tính luyến ái đã bị đánh bại. Chính phủ mới của đảng Conservative tỏ ra coi trọng những nguyên tắc luân lý hơn. Họ vừa trình quốc hội ngân sách đầu tiên, dự trù giảm nhiều thứ thuế cho dân. Đồng Gia kim lên giá vùn vụt. Bây giờ chỉ cần 1.10 đô la Canada đã đổi được 1 Mỹ Kim. Hai thứ tiền sắp sửa ngang giá với nhau rồi. Không giống như hai năm trước đây, đồng Mỹ kim đắt gấp rưỡi Gia kim. Đáng vui hơn nữa, dân Canada càng ngày càng tin Chúa và thích cầu nguyện riêng. Hiện tượng này vừa được sở thống kê của nhà nước loan báo.
Bản phân tích mới nhất của sở Thống Kê Canada được công bố ngày 2 tháng 5 vừa qua cho biết 50% dân Canada, tuy không đi nhà thờ, nhưng vẫn cầu nguyện, suy niệm, thờ phượng và đọc Sách Thánh tại gia. 80% vẫn tin Chúa, nhưng chỉ còn 19% đi nhà thờ. Đa số giữ đạo tại tâm và giữ đạo trong gia đình. Chắc họ đã ngán các loại giáo hội với những gương xấu lấn át gương tốt. Giáo sư tôn giáo học Richard Ascough thuộc đại học Queen, Ontario, nhận xét về hiện tượng này như sau: “Không có gì đáng ngạc nhiên. Chúng ta đã nghe một số người nói họ có đức tin nhưng không phải là người ngoan đạo. Họ vẫn suy tưởng về Thiên Chúa, về những điều thánh thiêng, nhưng không muốn tham gia một giáo hội nào”. Còn tin Chúa là tốt rồi. Nhưng tin một cách cô đơn và giữ đạo một cách cô độc, không chịu thông công với ai khác thì kể cũng hơi khắc kỷ và ích kỷ. Dù sao Giáo Hội cũng nên để ý tới hiện tượng này. Ra khơi thả lưới thì phải gom về đủ mọi loại cá. Không thể chỉ lựa những con cá ngoan hiền, còn những con khác thì... mặc kệ bay, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm.
Cách đây không lâu, một cuộc thăm dò ý kiến khác cho biết 3/4 dân Canada có cầu nguyện thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, 2/3 công nhận đức tin và việc sống đạo rất quan trọng trong đời sống của họ. Điều đặc biệt hơn cả là 31% dân Canada tự coi mình là những người Kitô hữu “tái sinh” (born-again Christians). Tái sinh có nghiã là trước đây đã có đạo mà không tin đạo, không giữ đạo, bây giờ mới tái khám phá ra đức tin và thực hành đức tin của mình. Đúng là tận cùng của đi hoang, của tìm kiếm, con người lại quay trở về với Chân Lý, vì không thể tìm thấy gì khác có thể thỏa mãn những khát vọng tâm linh của mình.
Ngày 19 tháng 5, 2006, phim The Da Vinci Code ra mắt khán giả tại Hoa Kỳ và sau đó sẽ được trình chiếu khắp thế giới. Phim này do đạo diễn Ron Howard thực hiện với hai tài tử Tom Hanks và Audrey Tautou đóng vai chính, dựa theo cốt truyện của tiểu thuyết cùng tựa đề của tác giả Dan Brown, cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất với 40 triệu ấn bản và được dịch sang nhiều thứ tiếng. Tôi đã có dịp nói về nội dung và những sai trái của cuốn sách này. Tác giả Dan Brown trình bầy giáo hội Công Giáo như một tổ chức “mafia” đầy quyền lực, nhiều tiền bạc, bẻ cong tín lý, giải thích sai sự thật, có thể làm bất cứ điều gì cần thiết cho việc bảo vệ lý thuyết và cơ chế, kể cả việc dùng tiền khuynh đảo và giết người. Cánh tay dài của giáo hội trong việc thực hiện những điều này là tu hội Opus Dei. Trong truyện, giám mục Manuel Aringarose, bề trên tổng quyền của Opus Dei đến La Mã nhận 20 triệu Euro của ngân hàng Vatican để xử dụng cho một chiến dịch mờ ám: mua chuộc hoặc tiêu hủy thánh tích chứng minh thánh nữ Madeleine là “vợ” của Chúa Giêsu. Đệ tử ruột của giám mục Aringarose là thày tu Silas, một sát thủ sẵn sàng giết người theo lệnh trên. Giết xong, về hành xác đánh tội, nhưng không chút hối hận. Năm ngoái, Vatican đã chính thức lên án tiểu thuyết The Da Vinci Code. Ngày 6/5/2006, Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, nhân vật thứ hai thuộc văn phòng Đức Giáo Hoàng, đã kêu gọi giáo hữu trên toàn thế giới tẩy chay cuốn phim cùng tên và cùng nội dung, mạnh dạn gạt bỏ những điều xuyên tạc trái với sự thật và vô cớ làm mất thể diện của giáo hội. Tu hội Opus Dei cũng yêu cầu hãng phim Sony tuyên bố trong phần giới thiệu phim rằng đây chỉ là sản phẩm của tưởng tượng.
Trước đó, Juan Manuel Mora, giám đốc truyền thông của Opus Dei tại Rome, đã mở đầu chiến dịch phản công bằng việc tiếp xúc và trả lời các câu hỏi của báo chí, đồng thời chấp thuận cho nhà báo kiêm bình luận gia truyền hình tại Vatican là John Allen được đọc các tài liệu lưu trữ của tu hội. Tại Hoa Kỳ, linh mục Thomas Bohlin, đại diện Opus Dei, cũng thảo luận với tuần báo Time. Nhờ đó tuần báo này mới ra số đặc biệt về Opus Dei. Đây là lần đầu tiên những người hữu trách của Opus Dei lên tiếng trước công luận. Từ trước tới nay, tu hội này được nổi tiếng về sự im lặng và bí mật, gây nhiều tò mò và nghi ngờ. Những nghi ngờ chính gồm: có ảnh hưởng lớn trong giáo quyền Vatican về việc duy trì tinh thần bảo thủ, tạo ảnh hưởng ngầm trong giới trí thức và chính trị Tây phương, dùng tiền bạc để bành trướng thế lực một cách âm thầm. Bằng chứng của nghi ngờ thứ nhất là việc Đức Giáo Hoàng John Paul II năm 1982 đã cho Opus Dei quy chế “personal prelature”, coi tu hội như một giáo phận có tư cách pháp nhân, lãnh thổ bao gồm toàn thế giới (những nơi có trụ sở của Opus Dei). Với tư cách này, Opus Dei có quyền liên lạc thẳng với Vatican, không cần qua các giám mục địa phương. Bằng chứng nghi ngờ thứ hai là người của Opus Dei hay người được tu hội yểm trợ nắm nhiều chức vụ trong chính trường, như Ruth Kelly, bộ trưởng Giáo dục trong nội các của thủ tướng Anh Tony Blair, nhiều bộ trưởng trong chính phủ Ba Lan, cựu giám đốc FBI Louis Freeh, các nghị sĩ Rick Santorum và Sam Brownback, các chánh án Antonin, Robert Bork của Hoa Kỳ... Thứ ba, tài sản trực tiếp hay gián tiếp của Opus Dei gồm tòa nhà 17 tầng được dùng làm trụ sở chính tại thành phố New York, 15 trường đại học, 7 nhà thương, 11 trường thương mại, 36 trường tiểu và trung học, 97 trường dậy nghề trên khắp thế giới. Hai ký giả điều tra Allen và Harris (những người được coi hồ sơ của Opus Dei) ước lượng tu hội có tài sản trị giá khoảng 344.4 triệu Mỹ kim tại Hoa kỳ và 2.8 tỷ Mỹ Kim trên toàn thế giới.
Để trả lời những nghi ngờ nặng phần kết án này, Opus Dei cũng như nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những luận điểm sau đây:
1/ Công Đồng Vatican II năm 1962 chia sẻ quan điểm giáo dân phải sống đạo giữa đời của Opus Dei nhưng không chấp nhận những chủ trương bảo thủ qúa cực đoan. Đức Giáo Hoàng John Paul II ưu ái cấp quy chế “personal prelature” cho Opus Dei vì tu hội này hữu hiệu và thánh thiện. Đặc biệt người khai sáng tu hội, José María Escrivá, là một vị tu trì dấn thân đầy đức độ và sáng kiến. Ngài đã được phong chân phước năm 1992, 17 năm sau khi qua đời, và được phong thánh năm 2002 với 3000,000 người tham dự lễ phong thánh tại quảng trường thánh Phêrô, biểu tỏ lòng ái mộ của cộng đồng dân Chúa. Ngoài ra, Đức cố Giáo Hoàng còn muốn dùng Opus Dei bảo thủ để thăng bằng ảnh hưởng cởi mở của dòng Tên.
2/ Opus Dei không làm chính trị nhưng khuyến khích hội viên dấn thân vào những hoạt động thế trần theo tinh thần Công Giáo. Cha Thomas Bohlin, bề trên Opus Dei tại Hoa Kỳ phát biểu: “Chúng tôi thường tránh nói về chính trị, cũng không bầy tỏ ủng hộ phe này hay phe kia. Nhưng khi đề cập đến việc phá thai thì đó không phải là vấn đề chính trị. Đó là một chủ đề Công giáo. Có một số chủ đề đã được giáo hội minh xác lập trường và nhiều chủ đề đã trở thành những vấn đề sôi bỏng” (phá thai, trợ tử, hôn nhân đồng tính...). Chính vị thánh sáng lập Escrivá cũng đã phát biểu về việc người công giáo làm chính trị: “Bạn có thấy phi lý nếu bạn phải bỏ tinh tần Công Giáo sang một bên khi bạn bước vào một hội chuyên nghiệp hay vào Quốc Hội, giống như bạn phải để mũ ở cửa khi bước vào một căn phòng?”.
3/ Về thế lực tiền bạc của Opus Dei, Allen và Harris cho biết tài sản 2.8 tỷ đô la của Opus Dei chỉ tương đương với tài sản của dại học Duke, Hoa Kỳ, không có khả năng cứu ngân hàng Vatican bị khánh kiệt vào thập niên 1980 như một số tin đồn, mặc dù Opus Dei có rất nhiều mạnh thường quân giầu có sẵng sàng giúp đỡ những việc công ích của tu hội. Về các cơ sở giáo dục của Opus Dei, cha bề trên Bohlin đã ví von như sau: “Chắc bạn biết những khóa học của Dale Canergie. Các công ty thương mại gửi người của họ đến đó để học cách phát biểu trôi chảy hơn, tổ chức công việc hữu hiệu hơn vì người ta dậy những thứ đó ở đây. Học viên đến tham dự các khóa này, học được nhiều điều lợi ích, nhưng khi tốt nghiệp họ không đại diện cho Dale Canergie”.
Đối với nhiều người chúng ta, Opus Dei là một cái tên khá xa lạ, thỉnh thoảng có nghe nói hoặc đọc trong sách báo, nhưng không biết rõ là gì? mục đích ra sao? do ai thành lập? được tổ chức như thế nào? Nhiều người cứ tưởng đó là một hội kín công giáo có công tác đặc biệt phụng sự giáo hội và giáo hoàng. Sự thật không phải vậy. Ngày 2/10/1928, một linh mục Tây Ban Nha 26 tuổi, tên José María Escrivá, có một thị kiến mới về tinh thần của đạo Công Giáo. Ngài cảm thấy như Thiên Chúa thúc dục ngài thành lập một phong trào giáo dân ngoan đạo, bằng cầu nguyện chiêm nghiệm và dâng hiến công việc mình làm cho Chúa Kitô, họ có thể kéo dài sự thánh thiện trong nhà thờ ngày Chúa Nhật tới đời sống làm việc mỗi ngày trong tuần. Đó là cách sống đạo giữa đời hay thánh hóa ngay giữa đời thường. Để cụ thể hóa những giáo huấn của mình, linh mục Escivá xuất bản tác phẩm “The Way” năm 1939 với nội dung trình bầy 999 điều tâm niệm và chỉ dẫn thực hành công việc của Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Opus Dei có nghiã là công việc của Chúa (The work of God). Sau khi thành lập tu hội tại Tây Ban Nha, ngài sang Hoa Kỳ năm 1945 để mở mang tu hội tại Bắc Mỹ và Mỹ châu La Tinh. Ngài qua đời năm 1975, được Đức Giáo Hoàng John Paul II phong chân phước năm 1992 và phong thánh năm 2002 với danh hiệu “Vị Thánh của đời thường” (The Saint of ordinary life). Vị đứng đầu Opus Dei hiện nay là Javier Echevarria.
Không giống những dòng tu hay tu hội khác gồm toàn linh mục và tu sĩ với bộ phận giáo dân thứ yếu được gọi là dòng ba, Opus Dei có 85,500 hội viên (3,000 tại Hoa Kỳ) tuyệt đại đa số là giáo dân, chỉ có 1,100 linh mục. Các hội viên chính thức được gọi là associates, sống ngoài đời, hoặc có gia đình, hoặc tự nguyện sống độc thân, cam kết tuân giữ một cách nhiêm túc những luật lệ và phương pháp thực hành của Opus Dei. Những người yểm trợ tu hội bằng việc cầu nguyện, làm thiện nguyên hoặc giúp đỡ tài chánh được gọi là cộng tác viên (cooperators).
Việc phân loại hội viên và cách thức sinh hoạt được ghi nhận qua những từ chuyên môn sau đây:
- NUMERARIES là những hội viên sống đời độc thân tại các trung tâm của tu hội (có thể coi như tu sĩ). Một số được huấn luyện thành linh mục. Hội viên thuộc loại này, ngoài việc cầu nguyện và chiêm niệm, còn phải hành xác, đánh tội. Nhẹ thì dùng hình phạt gọi là “Discipline”, tức dùng một roi bằng sợi đan có nhiều tua, mỗi tua có những nút thắt nổi, liên tiếp quật vào lưng trong khi cầu nguyện. Nặng thì dùng “Cilice”, một vòng sắt có gai nhọn cuốn phía trên đùi hay ngang ngực mỗi ngày 2 tiếng. Khi cử động hay di chuyển, những gai sắt cứa vào da thịt đến rướm máu.
- NUMERARY ASSISTANTS là những phụ nữ giúp việc nhà tại các trung tâm hay cơ sở của tu hội.
- SUPERNUMERARIES là tất cả các hội viên khác sống ngoài các trung tâm, ở nhà riêng, có gia đình hay độc thân. Loại hội viên này cũng có thể gọi là associates.
Tất cả các hội viên phải giữ bổn phận hàng ngày gồm việc dự thánh lễ, cầu nguyện trong thinh lặng 30 phút 2 lần mỗi ngày, lần hạt Mân Côi và cầu nguyện thêm sau cơm tối. Khi các hội viên gặp nhau, họ chào nhau bằng câu: “Pax” và “In aeternum” (Bình an và Trong vĩnh cửu).
Với kỷ luật và những đòi hỏi về phương diện đạo tức, làm hội viên Opus Dei không phải dễ. Có muốn trở thành hội viên của tu hội này, chúng ta cũng không biết hỏi ai, trừ khi nơi chúng ta sinh sống có trung tâm Opus Dei. Hiến pháp năm 1950 của tu hội cấm các thành viên tiết lộ tư cách hội viên của mình cho người khác, nếu không được phép của giám đốc trung tâm. Điều này càng khiến cho Opus Dei có vẻ bí mật, dù năm 1982 tu hội đã ra văn kiện bãi bỏ việc giữ bí mật và hành động kín đáo. Cho đến nay, sự bí mật vẫn bao trùm Opus Dei, bởi vì, như cha bề trên Bohlin nói: “Chúng tôi không bao giờ đi diễn hành từng nhóm vì chúng tôi không tạo nhóm. Và khi thấy chúng tôi không sắp hàng cất bước, người ta bảo chúng tôi muốn giữ bí mật”. Đúng vậy, hội viên Opus Dei không có y phục riêng, không tham dự rước sách hay các lễ nghi với tư cách tu hội, không muốn phô trương hay làm quảng cáo để kiếm thêm hội viên. Tu hội đặt nặng vấn đề sinh hoạt tinh thần, không thích nặng phần trình diễn bề ngoài. Đó là lý do người ta cho rằng Opus Dei khó chơi, thích úp úp mở mở, tạo dịp cho thiên hạ đồn thổi, nói xấu và xuyên tạc. Tác giả Dan Brown cũng lợi dụng tính cách đặc biệt này để bôi đen Opus Dei, gán cho đủ thứ tội tầy trời. Nhưng trong cái rủi có cái may. Nhờ sự xuyên tạc của Dan Brown và cuốn phim The Da Vinci Code của Ron Howard, Opus Dei có cơ hội lên tiếng để cho mọi người hiểu tu hội rõ hơn, để thấy tu hội, dù còn duy trì những chủ trương bảo thủ và những cách giữ đạo khắt khe, vẫn là một tập thể đáng kính, trung thành với lý tưởng, thực hành lời Chúa dậy “mến Chúa yêu người”, vẫn là một cột trụ của giáo hội, vững vàng giữa những cơn phong ba của thời đại từ thế giới bên ngoài và từ ngay trong lòng giáo hội thổi tới.
(Tài liệu tham khảo: tuần báo TIME April 24, 2006. Tuần báo MACLEAN’S, Canada, December 2004. The Da Vinci Code của Dan Brown)
URL: http://danchuausa.net/luu/song-dao-song-doi/