Trích từ Dân Chúa

Sau 30 năm Miền đất rừng núi ĐAKAI khởi công xây dựng nhà thờ mới

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đức Thánh Cha Phaolô VI qua Tông Sắc ban hành ngày 30.1.1975, thiết lập Giáo Phận Phan Thiết gồm hai Tỉnh Bình Tuy và Bình Thuận.

Đức Cha Nicola Huỳnh Văn Nghi, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn, được Toà Thánh chỉ định làm Giám Quản Tông Toà Phan Thiết. Ngày 17.4.1975, ngài đến nhận nhiệm vụ giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Lúc này Giáo phận chỉ có hai Giáo hạt là Hàm Tân và Phan Thiết. Đến năm 1990 chia thêm ba Giáo hạt nữa là Bắc Tuy, Hàm Thuận Nam và Đức Tánh.

Từ đó, Giáo hạt Đức tánh trở thành miền đất truyền giáo của Giáo phận. Hiện nay, Giáo hạt có 11 giáo xứ và 10 giáo họ với 40.000 giáo dân trong hai huyện Đức Linh và Tánh Linh.

Giáo họ Mân Côi thuộc giáo xứ Võ Đắt. Đây là họ đạo thuộc vùng sâu vùng xa của giáo phận, giáp ranh với giáo hạt Phương Lâm, giáo phận Xuân Lộc. Giáo họ thuộc xã Đakai, huyện miền núi Đức Linh, Bình Thuận giáp giới huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Từ năm 1976 đến 1980, giáo dân từ các giáo phận phía bắc như Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Vinh, Huế và một số giáo xứ thuộc hạt Hàm Tân, đến nông trường Đakai lập nghiệp. Vùng đất kinh tế mới hoang vu, núi non rừng rậm, đất đai bạt ngàn giang rộng đôi tay đón nhận bà con di dân từ nhiều miền đất nước. Bên cạnh việc khai khẩn ruộng vườn, phát nương dọn rẫy làm ăn sinh sống, bà con giáo dân luôn giữ đạo bằng kinh hạt gia đình và sống đạo âm thầm trong tin yêu. Mỗi năm chỉ hai dịp Giáng sinh và Phục sinh mới đi dự thánh lễ, vì quá xa nhà thờ và quá khó khăn.

Trải qua những vất vả của buổi ban đầu đến vùng đất “đèo heo hút gió đầy gian khổ và thăng trầm, người tín hữu luôn giữ vững niềm tin, chờ đợi trong hy vọng. Đến năm 1990, bà con giáo dân quy tụ lại thành Giáo họ Mân Côi. Vì cách xa nhà thờ xứ trên 30 cây số, đường đất đỏ lầy lội, giao thông trắc trở nên mọi sinh hoạt tôn giáo gặp rất nhiều gian nan. Một số ít giáo dân có xe máy mới có thể tham dự các lễ trọng và Chúa nhật tại các giáo xứ Bình Lâm và Phương Lâm, Xuân Lộc. Mỗi năm vào hai dịp Mùa Chay Mùa Vọng, các cha trong giáo hạt đến ban Bí tích Hoà giải, các em được Rửa tội, Thêm sức đều phải về Nhà thờ giáo xứ.

Năm 1992, cha FX Phạm Quyền, chánh xứ Võ Đắt cho thành lập Ban Điều Hành giáo họ đầu tiên. Mọi sinh hoạt tôn giáo vẫn quá cam go từ phía chính quyền.

Năm 1995, hình thành các nhóm cầu nguyện, đến với các gia đình. Đến năm 2000, Ban điều hành giáo họ mới được bầu lại, cha xứ Võ Đắt lập thêm các điểm phụng vụ Lới Chúa tại các tư gia.

Ngày mồng 2 Tết năm 2003, lần đầu tiên trong mấy mươi năm, giáo họ có một thánh lễ đầu năm mới tại nhà ông Stêphanô Trương Sơn. Từ đó, nơi đây trở thành điểm phụng vụ Lời Chúa và tổ chức thánh lễ Chúa nhật. Trong thời gian này, Đức Cha Nicola Huỳnh Văn Nghi đã yêu thương tạo điều kiện, cho mua một thửa đất hơn 3 sào để làm nơi sinh hoạt và chuẩn bị cho tương lai.

Cuối năm 2004, trên mảnh đất này, thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh lần đầu tiên được tổ chức. Từ đó đến nay, tại nơi đây, được sự quan tâm của cha xứ Võ Đắt, giáo họ thường xuyên có các cha thay nhau đến dâng lễ mỗi Chúa nhật.

Ngày 26.8.2005, giáo họ vinh dự đón Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan đến cử hành thánh lễ ban Thêm Sức cho hơn 200 em tại nhà nguyện lều bạt che tạm.

Ngày 10.7.2007, Đức Giám Mục Giáo Phận, Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Ông Tổng Đại Diện, GB Lê Xuân Hoa, các cha hạt trưởng cùng một số cha đồng tế thánh lễ. Đông đảo các chủng sinh, tu sĩ và ân nhân xa gần đến chia sẽ niềm vui với bà con miền núi. Sau 30 năm trong vất vả gian truân, bà con giáo dân vùng kinh tế mới Đakaivui mừng có đựơc lễ đặt viên đá đầu tiên xây Nhà Thờ. Giáo họ đã trải qua bao gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua. Nay, với 1.900 giáo dân, được sự giúp đỡ của hai Đức Giám Mục, Nicola và Phaolô sự lãnh đạo của cha xứ và là hạt trưởng hạt Đức Tánh, cùng quý ân nhân xa gần, Giáo họ sẽ bước vào một giai đoạn khởi sắc mới. Xây dựng ngôi thánh đường mới, với diện tích 800m2, nhà xứ 200m2, nhà giáo lý 200 m2. Bà con giáo dân nơi đây ước mơ, khi có nhà thờ mới, Đức Giám Mục sẽ nâng giáo họ thành giáo xứ, có cha xứ và các tu sĩ đến phục vụ, “lúa chín đầy đồng”, đang cần nhiều thợ gặt đến gặt lúa.

Dakai223.jpg


Trong tâm tình đó mà với bài giảng lễ, Đức Cha Phaolô đã suy niệm 2 đoạn Thánh kinh (St 28,11-18; 1Cor 3, 9–11 ; 11–17) và mời gọi mọi người hãy tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy bắt đầu bài chia sẽ hôm nay với câu chuyện ông Jacob đi tìm đất mới. Jacob một người dân, tìm một nơi an cư lập nghiệp để tránh cơn giận của anh mình.

Cuộc ra đi này và giấc mơ mà ông cảm nhận trong đêm khuya cho ta thấy có những liên quan đến cả chúng ta và Giáo hội hôm nay.

Trước hết, là việc Chúa sắp đặt tương lai cho ông đã đành mà cho cả con cháu, với 12 người con xuất phát từ lòng ông.Vì họ sẽ trở thành một dân tộc, một dân mà Chúa chọn làm dân riêng để thờ phượng Thiên Chúa, chờ đợi Đấng Cứu Thế sẽ đến trong tương lai, và Ngài cũng xuất phát từ dân tộc này. Đất Chúa ban cho Jacob cũng là Đất Hứa Chúa sẽ đem họ từ đất nô lệ Ai cập về. Dòng dõi đông đúc như sao trên trời còn là dòng dõi những người tin Chúa, tức là Giáo hội chúng ta.

Giấc mơ cái thang bắc từ đất lên tới trời là gì?

Giấc mơ nầy quả thực lạ lùng, một cái thang từ đất lên tới trời.

Lên xuống trên cái thang đó không phải là người trần mà là người trời. Đầu thang phía trên là Thiên Chúa. Jacob có cảm tưởng ông đã được thấy cửa nhà trời, nơi gặp gỡ Thiên Chúa.

Đây là giấc mơ huyền nhiệm, nhưng Chúa Giêsu sau nầy sẽ giúp chúng ta giải mã nó. Cầu thang huyền nhiệm đó chính là Ngài. Từ Jacob đến Chúa Giêsu, một thời gian trên dưới 2000 năm, nhưng chương trình từ muôn thuở của Thiên Chúa đã bao gồm trót cả chiều dài lịch sử từ thuở tạo dựng cho đến ngày tận thế.

Hôm ấy một chàng thanh niên Do thái tên là Nathanaen đã đến gặp Chúa Giêsu, do lời giới thiệu của một người bạn là Philipphê đã gặp Chúa trước. Ông này khám phá ra Đức Giêsu quả là con người kỳ diệu. Nhưng Nathanaen không tin, vì thành kiến rằng bậc nam nhi phải xuất phát từ nơi văn hóa cao, đô thị lớn, “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được?”.

Nhưng vừa gặp Chúa Giêsu với những lời đối đáp bất ngờ của Ngài, Nathanaen đã vô cùng khâm phục và thưa với Ngài: “Thưa Thầy, chính Thầy là con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel.”Chúa đáp lời anh ta: “Vì Tôi nói với anh là Tôi đã thấy anh dưới cây vả, nên anh tin, anh sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn nữa, Tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các Thiên thần của Thiên Chúa sẽ lên xuống trên Con Người.” (Ga 2,45-51).

Chúa đã dùng hình ảnh cái thang trong giấc mơ của ông Jacob để loan báo chính Ngài là Trung gian nối liền trời với đất, Trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Trong đêm tiệc ly Chúa cũng nói lại ý tưởng đó với các môn đệ : “Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. (Ga 14, 6)

Thưa anh chị em, đây cũng là sứ điệp Chúa gửi đến anh chị em hôm nay.

Anh chị em là những người di dân, đến vùng đất mới này, có người cách đây hàng nghìn cây số. Với cái nhìn bình thường thì ta nghĩ rằng thời cuộc đã đem chúng ta đến đây. Nhưng với tầm nhìn đức tin, thì ta phải nhận ra chính Chúa quan phòng, yêu thương đem ta đến vì cuộc sống của ta mà cũng vì Chúa muốn đem đức tin của chúng ta cho anh em lương dân ở miền đất này.

Khi các tín hữu đầu tiên bị bách hại tại Giêrusalem, họ đã phân tán ra ngoài Palestine, và cũng nhờ đó Tin Mừng đã lan ra đến các vùng lương dân. Ngôi thánh đường anh chị em sắp được xây dựng chính là nơi anh em tuyên xưng đức tin và chiếu toả đức tin đến lương dân. Hãy quan tâm sống Tin Mừng tình yêu sao cho họ nhận ra Thiên Chúa chúng ta thờ cũng là Thiên Chúa, là người Cha vô cùng yêu quý của họ.

Nếu Chúa đã tỏ cho Abraham, Jacob là con cháu họ nhiều như cát dưới đất, đông như sao trên trời thì anh em lương dân chung quanh đây là con cháu anh chị em trong đức tin, hãy làm cho những con cháu thiêng liêng nầy đông như sao trên trời.

Ngôi thánh đường cũng tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa Kitô, nhất là Chúa Kitô Phục sinh đang liên kết chúng ta với Ngài làm thành một thân thể nhiệm mầu. Thân thể này cũng là cái thang nối liền trời với đất để cho anh em lương dân nhờ đó mà đi tới cửa trời.

Câu chuyện cái thang còn đưa ta tới bức thư Thánh Phaolô và bài Tin Mừng Gioan.

Thư Thánh Phaolô nhắc nhở : Chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần. Cõi Trời không còn xa chúng ta nữa. Qua trung gian của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, chúng ta được gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa chúng ta thành “Những thiên thần lên xuống trên con người”.

Bài Tin Mừng đề cập đến ngôi thánh đường đích thực là chính nơi con người chúng ta, chúng ta không còn thờ Chúa ở Giêrusalem hay ở núi Garisim mà thờ phượng Chúa trong thần khí và trong chân lý. Tôi muốn chia sẽ với anh chị em một vài ý tưởng đến ngôi thánh đường của thần khí và chân lý.

Người ta phân ra ba tầng sinh hoạt của một con người. Một là sinh hoạt của thể xác kể cả những cảm xúc khác nhau. Hai là sinh hoạt của tinh thần với lý trí, với những đam mê, những khát vọng và yêu mến chân thiện mỹ. Tầng sinh hoạt thứ ba là sinh hoạt của thần khí, giúp ta gặp gỡ Thiên Chúa. Trong ân sủng cứu độ của Ngài, Chúa Kitô ban Thần khí của Ngài cho chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong lòng tin cậy và yêu mến Thiên Chúa và từ lòng yêu mến Thiên Chúa chúng ta có thể yêu thương vô vị lợi anh em tha nhân.

Nhờ Thánh linh và Chúa Phục sinh ở nơi chúng ta mà chúng ta có thể tôn thờ Thiên Chúa trong thần khí và trong chân lý, trong tình người con thảo với Chúa Cha qua Chúa Thành Thần. Với lễ vật của cả cuộc đời ta sống trong tình yêu Chúa Kitô đối với mọi người.

Chúng ta nhận được Thần khí và Chúa Kitô Phục sinh ở đâu? Thưa là tại thành đường. Đây là điều quan trọng. Tại thánh đường, chúng ta có nhiều dịp đón nhận các Bí tích, nhất là lắng nghe Lời Chúa, và tham dự Thánh lễ. Nếu biết đón nhận, yêu mến và đem Lời Chúa ra thực hành, chính là cơ hội để Chúa Thánh Linh đến và hướng dẫn soi sáng và ban sức mạnh cho chúng ta hoán cải cuộc đời. Cũng nơi Bí Tích Thánh Thể, Mình Máu Thánh Chúa là nguồn suối của sự sống thần linh đến và nuôi dưỡng chúng ta.

Thánh đường còn là nơi cầu nguyện và cử hành các Bí tích khác mà hiệu quả của luôn luôn là Thánh linh không ngừng hoán cải biến đổi hướng chúng ta về sự sống vinh quang đời đời.

Tóm lại, thành đường có thể coi là kho tàng của ân sủng chuyển thông sang chúng ta để biến đổi con người và cuộc sống chúng ta thành đền thờ Chúa Thánh Thần.

Ước chi chúng ta biết đoàn kết yêu thương, hy sinh nhiều thời giờ cho việc xây dựng thánh đường này. Ước chi quý vị ân nhân sẽ quảng đại giúp đỡ tài chánh cho cộng đoàn nhỏ bé và nghèo nàn này có đủ phương tiện hoàn thành một công trình cao quý hàng đầu trong đời ta.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

URL: http://danchuausa.net/luu/sau-30-nam-mien-dat-rung-nui-dakai-khoi-cong-xay-dung-nha-tho-moi/